Thu ngân sách năm 2020 giảm nhưng bội chi thấp hơn mức cho phép

(BKTO) - Do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, thực hiện thu NSNN và chi NSNN năm 2020 đều thấp hơn dự toán giao, song theo báo cáo của Kiểm toán nhà nước (KTNN) trước Quốc hội thì bội chi NSNN thấp hơn so với mức Quốc hội cho phép và nợ công nằm dưới mức trần được phê duyệt.



                
   

Thu NSNN thực hiện năm 2020 thấp hơn dự toán giao. Ảnh minh họa: Tạp chí Tài chính

   

NSNN hụt thu nhưng giảm chi hơn 64 nghìn tỷ đồng

Con số thực hiện thu NSNN năm 2020 được KTNN xác nhận là 1.510.579 tỷ đồng, bằng 98,1% dự toán giao (tương ứng hụt 28.473 tỷ đồng) và bằng 97,1% thực hiện năm 2019.

Trong đó, các khoản thu từ dầu thô, thu xuất nhập khẩu, thu viện trợ đều không đạt dự toán giao, riêng thu nội địa vượt 0,2%. Kết quả tăng thu nội địa chủ yếu từ tiền sử dụng đất 77.086 tỷ đồng và thu khác 22.229 tỷ đồng, trong đó có khoản thu đột xuất phát sinh từ chênh lệch mệnh giá trái phiếu 9.164 tỷ đồng.

Mặt khác, một số khoản thu chính từ hoạt động sản xuất kinh doanh chiếm khoảng 52,5% tổng thu nội địa nhưng đều hụt thu so với dự toán giao. Năm 2020, thực hiện thu từ hoạt động sản xuất kinh doanh chỉ đạt 88,7% (tương đương 601.407 tỷ đồng), nguyên nhân do ảnh hưởng của dịch Covid-19 và các chính sách miễn, giảm thuế của Nhà nước cho các DN do ảnh hưởng của dịch bệnh. Bên cạnh đó, khoản thu hồi vốn tại các DNNN chỉ đạt 37,1% dự toán giao đầu năm, tương ứng hụt thu 28.300 tỷ đồng.

Về tổng thể, KTNN đánh giá, trong bối cảnh tác động của dịch Covid-19 tới tăng trưởng kinh tế (GDP) năm 2020 đạt 2,91% so với kế hoạch 6,8% thì kết quả thu NSNN đã cho thấy sự nỗ lực và hiệu quả điều hành, tổ chức huy động các nguồn thu trong năm của cơ quan thuế.

Tương tự, trong thực hiện chi NSNN, số liệu quyết toán được KTNN xác nhận năm 2020 là 1.709.523,706 tỷ đồng, bằng 96,4% dự toán (giảm 64.242,464 tỷ đồng).

Trong đó, quyết toán chi đầu tư phát triển là 576.432,075 tỷ đồng, bằng 115,5% dự toán và bằng 33,7% tổng chi NSNN. Cụ thể, quyết toán chi đầu tư phát triển NSTW 128.416,819 tỷ đồng, đạt 88,9% dự toán; quyết toán chi đầu tư phát triển ngân sách địa phương 448.015,256 tỷ đồng, bằng 126,2% dự toán.

Số liệu quyết toán chi thường xuyên được KTNN xác nhận là 1.013.449,314 tỷ đồng, bằng 90,8% dự toán và bằng 59,3% tổng chi NSNN - đúng như định hướng giảm tỷ trọng chi thường xuyên xuống dưới 64% tổng chi NSNN tại Nghị quyết số 25/2016/QH14 của Quốc hội và Nghị quyết số 07-NQ/TW của Bộ Chính trị.

Tổng chi chuyển nguồn theo Báo cáo quyết toán NSNN năm 2020 là 643.406 tỷ đồng, trong đó NSTW là 157.681 tỷ đồng và ngân sách địa phương là 485.725 tỷ đồng.

KTNN chỉ rõ, chi chuyển nguồn có xu hướng tăng cao, tăng 8,6% so với năm 2019. Một số Bộ, cơ quan TW còn chuyển nguồn kinh phí không còn nhiệm vụ chi qua nhiều năm nên KTNN kiến nghị giảm dự toán, thu hồi nộp NSNN.

Bội chi NSNN và nợ công đều dưới ngưỡng cho phép

Dự toán bội chi NSNN được Quốc hội quyết nghị đầu năm 2020 là 234.800 tỷ đồng, bằng 3,44% GDP. Tại Nghị quyết số 128/2020/QH14 ngày 12/11/2020, Quốc hội cho phép tăng mức bội chi NSTW thêm 133.500 tỷ đồng nên tổng bội chi NSNN tăng tương ứng lên mức tối đa là 368.300 tỷ đồng, tương đương 5,41% GDP kế hoạch.

Kết quả kiểm toán quyết toán số bội chi NSNN là 216.405,59 tỷ đồng, giảm 18.394,41 tỷ đồng so với dự toán đầu năm, bằng 3,44% GDP thực hiện. Như vậy, quyết toán số bội chi này bằng tỷ lệ bội chi theo dự toán đầu năm và thấp hơn so với mức 5,41% GDP theo Nghị quyết số 128/2020/QH14 của Quốc hội (giảm 151.894,41 tỷ đồng).

Trong đó, quyết toán bội chi NSTW là 213.088,59 tỷ đồng, giảm 2,2% so với dự toán và quyết toán bội chi ngân sách địa phương là 3.316,99 tỷ đồng, giảm so với dự toán 13.683 tỷ đồng.

Nguồn bù đắp bội chi của NSTW được vay trong nước là 178.515,16 tỷ đồng; vay ngoài nước 34.573,43 tỷ đồng. Các khoản vay đa dạng về kỳ hạn nợ, nâng kỳ hạn trái phiếu chính phủ vay trong nước, nhờ đó kỳ hạn vay bình quân năm 2020 đã được kéo dài.

Kỳ hạn phát hành trái phiếu chính phủ năm 2020 đã dài hơn 3,5 lần năm 2011, từ mức 3,9 năm lên bình quân khoảng 13,94 năm (tăng 0,5 năm so với năm 2019); nâng kỳ hạn nợ bình quân danh mục trái phiếu chính phủ thời điểm cuối năm 2020 lên 8,42 năm, dài gấp gần 5 lần so với thời điểm cuối năm 2011. Lãi suất huy động bình quân cũng giảm mạnh, từ mức 12,01% năm 2011 xuống còn khoảng 2,86% năm 2020 (giảm 1,65% so với năm 2019).

Về nợ công, KTNN xác nhận, tính đến 31/12/2020, tổng số nợ công là 3.520.601,39 tỷ đồng, tăng 6,02% so với năm 2019, bằng 55,94% so với GDP và dưới mức trần 65% GDP được Quốc hội phê duyệt.

Trong đó, nợ Chính phủ là 3.138.620,82 tỷ đồng, tăng 8,31% so với năm 2019, bằng 49,87% GDP; nợ được Chính phủ bảo lãnh là 367.823,62 tỷ đồng, giảm 8,52% so với năm 2019, bằng 5,84% GDP; nợ chính quyền địa phương là 14.156,95 tỷ đồng, giảm 31,56% so với năm 2019, bằng 0,22% GDP.

Tuy chỉ số nợ công đến cuối năm 2020 vẫn nằm trong giới hạn được cho phép của Quốc hội nhưng nợ công bình quân đầu người có xu hướng tăng khi năm 2018 chỉ là 31,69 triệu đồng/người; năm 2019 đã tăng lên tới 33,62 triệu đồng/người và năm 2020 tiếp tục tăng lên tới 35,1 triệu đồng/người.

Ngoài ra, về vay ngân quỹ nhà nước còn một số khoản vay của NSTW phải gia hạn nhiều lần, đến thời hạn 31/12/2020 chưa thanh toán nợ gốc hoặc chưa thanh toán hết với số tiền 198.864 tỷ đồng, trong đó có một số khoản vay từ năm 2013 đến năm 2018 chưa trả hết nợ gốc./.

QUỲNH ANH
Cùng chuyên mục
  • Các nguyên tắc làm việc của Chính phủ
    một năm trước Chính trị
    (BKTO) - Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký Nghị định số 39/2022/NĐ-CP ban hành Quy chế làm việc của Chính phủ, trong đó nêu rõ các nguyên tắc làm việc.
  • Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tiếp Phó Chủ tịch Đảng Nhân dân Campuchia
    một năm trước Chính trị
    (BKTO) - Ngày 24/6, tại Hà Nội, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã tiếp bà Men Sam An - Phó Chủ tịch Đảng Nhân dân Campuchia, Phó Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Hội hữu nghị Campuchia - Việt Nam sang thăm chính thức Việt Nam và dự Lễ kỷ niệm 55 năm Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Campuchia (24/6/1967 - 24/6/2022).
  • Khẩn trương rà soát các quy định về mua sắm thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế
    một năm trước Chính trị
    (BKTO) - Yêu cầu được Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh khi chủ trì cuộc họp của Thường trực Chính phủ với các Bộ, ngành về các giải pháp bảo đảm cung ứng thuốc, vật tư y tế và bảo đảm nguồn nhân lực cho ngành y tế, chiều 23/6.
  • Nhiều bất cập trong dự toán thu, chi NSNN năm 2020
    một năm trước Chính trị
    (BKTO) - Tình trạng dự toán thu NSNN chưa sát với thực tế, chưa bao quát hết nguồn thu tiếp tục diễn ra; dự toán chi phải điều chỉnh nhiều lần do xây dựng kế hoạch vốn chưa chính xác. Cùng với vấn đề nổi cộm là giao kế hoạch vốn chậm thì những bất cập như bố trí vốn cho dự án không có trong kế hoạch, phân bổ vốn vượt kế hoạch, vượt mức quy định, không đúng đối tượng, không đúng tính chất nguồn vốn… đã được Kiểm toán nhà nước (KTNN) chỉ ra qua kiểm toán quyết toán NSNN năm 2020.
  • Lãnh đạo Việt Nam và Campuchia trao đổi Thư mừng kỷ niệm 55 năm thiết lập quan hệ ngoại giao
    một năm trước Chính trị
    (BKTO) - Nhân dịp kỷ niệm 55 năm Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Campuchia (24/6/1967 - 24/6/2022) và chào mừng Năm Hữu nghị Việt Nam - Campuchia 2022, lãnh đạo cấp cao hai Đảng, hai nước đã trao đổi Thư mừng.
Thu ngân sách năm 2020 giảm nhưng bội chi thấp hơn mức cho phép