Thật sự là đại biểu chân chính của nhân dân

(BKTO) - Các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị luôn tìm mọi cách phá hoại cách mạng Việt Nam, trong đó, Quốc hội là một mục tiêu chống phá quyết liệt của chúng. Chúng dùng nhiều thủ đoạn vu khống, xuyên tạc, nói xấu Quốc hội và các đại biểu Quốc hội. Chúng xuyên tạc: Đảng lập ra Quốc hội là: “Chỉ để cho có vẻ khác với chế độ phong kiến” và “gây tốn tiền dân”. Chúng nói bừa rằng: Đại biểu Quốc hội “kém chất lượng, không đại diện cho dân”. Thậm chí, chúng còn trắng trợn vu cáo “đại biểu Quốc hội đều tham nhũng và hủ bại như nhau”…



Toàn cảnh phiên họp biểu quyết thông qua Dự thảo Nghị quyết Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV. Ảnh: quochoi.vn

Nhưng sự thật hoạt động của Quốc hội và các đại biểu Quốc hội kể từ Quốc hội đầu tiên năm 1946 đến khóa XV hiện nay đã bác bỏ hoàn toàn sự chống phá xấu xa của các thế lực chống đối.

Ngay từ khi Cách mạng Tháng Tám thành công, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa vừa mới ra đời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã quan tâm ngay đến việc tổng tuyển cử bầu ra Quốc hội. Ngày 08/9/1945, Người ký sắc lệnh quyết định tổng tuyển cử trên phạm vi cả nước để bầu ra Quốc hội của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Và ngày 06/01/1946, cuộc Tổng tuyển cử đã được tiến hành thành công tốt đẹp với sự ra đời của Quốc hội khóa I.

Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn có những đánh giá, khẳng định, yêu cầu đúng đắn, chính xác về Quốc hội và đại biểu Quốc hội. Trong bài viết về Quốc hội đăng trên Báo Nhân dân ngày 22/3/1955, Hồ Chủ tịch viết: “Quốc hội ta do nhân dân tự do bầu cử, là đại biểu chân chính của nhân dân cả nước từ Bắc đến Nam”. Người xác định: “Quốc hội là ai, họ chính là những người được bầu ra, thay mặt dân để bảo vệ lợi ích cho dân” và quan điểm của Người rất rõ ràng: “Đại biểu Quốc hội được cử tri bầu ra không phải để làm quan, không phải để ăn trên ngồi trốc, mà là người đầy tớ thật trung thành với đồng bào”. Vì vậy, Hồ Chủ tịch luôn mong muốn: “Các đại biểu Quốc hội hãy vì lợi nước quên nhà, vì lợi ích chung quên lợi ích riêng, phải làm cho xứng đáng với đồng bào”. Người cũng thẳng thắn xác định: “Nếu bản thân họ không làm tròn sự ủy thác của nhân dân thì sẽ bị bãi miễn”.

Bản thân Chủ tịch Hồ Chí Minh chính là tấm gương sáng của một đại biểu Quốc hội, một lãnh tụ của đất nước luôn gương mẫu, hoàn thành xuất sắc trách nhiệm, nghĩa vụ của mình trước nhân dân và đất nước.

Học tập tư tưởng và tấm gương sáng ngời của Chủ tịch Hồ Chí Minh, các đại biểu Quốc hội Việt Nam qua các thời kỳ đã luôn rèn luyện, phấn đấu thực hiện tốt trách nhiệm, nghĩa vụ của mình. Đại biểu Quốc hội của ta do nhân dân mà đại diện là cử tri cả nước bầu ra, không có phân biệt vùng miền, không có áp đặt mà do cử tri sáng suốt lựa chọn và đại biểu Quốc hội đã luôn xứng đáng là đại biểu chân chính cho ý chí, nguyện vọng của nhân dân.

Các đại biểu Quốc hội luôn hiểu rõ và thực hiện đúng vị trí, vai trò của đại biểu Quốc hội đã được quy định rõ trong Luật Tổ chức Quốc hội: “Đại biểu Quốc hội là người đại diện cho ý chí, nguyện vọng của nhân dân ở đơn vị bầu cử ra mình và của nhân dân cả nước, là người thay mặt nhân dân thực hiện quyền lực nhà nước trong Quốc hội. Đại biểu Quốc hội chịu trách nhiệm trước cử tri và trước Quốc hội về việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn đại biểu của mình. Đại biểu Quốc hội bình đẳng trong thảo luận và quyết định các vấn đề thuộc nhiệm vụ và quyền hạn của Quốc hội”.

Các đại biểu Quốc hội được bầu qua các nhiệm kỳ cũng bảo đảm tiêu chuẩn mà Luật Tổ chức Quốc hội quy định: “Trung thành với Tổ quốc, nhân dân và Hiến pháp, phấn đấu thực hiện công cuộc đổi mới, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Có phẩm chất đạo đức tốt, cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, gương mẫu chấp hành pháp luật; có bản lĩnh, kiên quyết đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, mọi biểu hiện quan liêu, hách dịch, cửa quyền và các hành vi vi phạm pháp luật khác. Có trình độ văn hóa, chuyên môn, có đủ năng lực, sức khỏe, kinh nghiệm công tác và uy tín để thực hiện nhiệm vụ đại biểu Quốc hội. Liên hệ chặt chẽ với nhân dân, lắng nghe ý kiến của nhân dân, được nhân dân tín nhiệm. Có điều kiện tham gia các hoạt động của Quốc hội”.

Điều đáng mừng, đáng trân trọng là nhìn chung, các đại biểu Quốc hội được bầu đã luôn có đủ phẩm chất, năng lực và trách nhiệm để hoàn thành nhiệm vụ của mình ở mọi lúc, mọi nơi, trong mọi hoàn cảnh. Nhiều đại biểu Quốc hội ngay cả khi đã nghỉ hưu vẫn giữ được uy tín, trách nhiệm, được nhân dân tin tưởng, yêu quý.

Nhưng trên thực tế cũng có một số đại biểu không giữ được mình, có sai phạm, thậm chí vi phạm pháp luật. Dù đó chỉ là những trường hợp cá biệt, “Con sâu làm rầu nồi canh”, nhưng chúng ta đã kiên quyết xử lý nghiêm minh, công khai theo đúng quy định của pháp luật, trong đó có người bị bãi miễn, có người bị truy tố trước tòa án, nhận những bản án nghiêm minh với tinh thần không có vùng cấm, không có ngoại lệ, đúng người, đúng tội. Những việc làm kiên quyết đó được dư luận đồng tình, cử tri cả nước hoan nghênh và đại biểu Quốc hội cũng như Quốc hội vẫn giữ được sự tín nhiệm, yêu quý, đủ uy tín và năng lực làm tròn nhiệm vụ của mình.

Thực tế cho thấy rõ: Cùng với sự nỗ lực rất cao của các đại biểu Quốc hội và Quốc hội thì cũng rất cần trách nhiệm, nghĩa vụ, tình cảm của cử tri và nhân dân. Trước hết, cử tri phải hăng hái tham gia bầu cử Quốc hội, sáng suốt chọn lựa được những đại biểu xứng đáng nhất. Từ trước đến nay, ngày bầu cử Quốc hội luôn trở thành ngày hội lớn của cử tri và nhân dân cả nước ta. Vừa qua, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, các thế lực xấu tìm mọi cách chống phá, nhưng cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 vẫn được diễn ra thành công tốt đẹp với sự hưởng ứng tích cực của cử tri và nhân dân toàn quốc. Cử tri của ta đã luôn thực hiện đúng lời dạy của Hồ Chủ tịch: “… Quốc hội phải có những đại biểu thật xứng đáng, những đại biểu một lòng một dạ phục vụ Tổ quốc, phục vụ nhân dân và phục vụ chủ nghĩa xã hội. Lựa chọn những đại biểu như vậy là quyền lợi và nghĩa vụ của từng cử tri”.

Đồng thời, cử tri phải luôn nêu cao trách nhiệm, nghĩa vụ và tình cảm của mình để ủng hộ, giúp đỡ, giám sát, tạo mọi thuận lợi để Quốc hội cũng như các đại biểu Quốc hội hoàn thành tốt nhất chức trách, nhiệm vụ. Từng cử tri cần làm tròn nghĩa vụ công dân của mình, tham gia thực hiện tốt các nghị quyết, quyết định của Quốc hội, mà cụ thể là hoàn thành chu đáo công việc, nhiệm vụ của cá nhân mình, góp phần xây dựng đất nước, quê hương, gia đình ngày càng giàu đẹp, hạnh phúc.

Toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đã, đang và sẽ tiếp tục đồng hành cùng các đại biểu Quốc hội và Quốc hội vững bước trên con đường xây dựng đất nước giàu mạnh. Chúng ta tin tưởng, kỳ vọng các đại biểu Quốc hội sẽ thực hiện tốt mong muốn của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu trong phiên khai mạc Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV: “…các vị đại biểu Quốc hội chúng ta khóa này cần tiếp tục nâng cao tinh thần trách nhiệm, hết lòng vì nước, vì dân, phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân, thường xuyên tu dưỡng, rèn luyện, giữ gìn phẩm chất, đạo đức, nâng cao trình độ về mọi mặt, gần gũi và lắng nghe ý kiến của nhân dân, thực hiện và hoàn thành tốt nhất nhiệm vụ mà cử tri và nhân dân giao phó”./.

CÔNG MINH
Cùng chuyên mục
Thật sự là đại biểu chân chính của nhân dân