Tháo gỡ những bất cập, vướng mắc trong công tác phòng, chống dịch Covid-19

(BKTO) - Người lao động khó khăn trong việc xin Giấy Chứng nhận nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội khi điều trị Covid-19 tại nhà; thiếu hỗ trợ của y tế địa phương đối với người mắc Covid-19 tự điều trị; loạn giá kit xét nghiệm… là những vấn đề nổi cộm trong công tác phòng, chống dịch Covid-19 vừa được Ủy ban Pháp luật báo cáo Tổ Công tác thực hiện Nghị quyết số 30/2021/QH15 của Quốc hội.



Sớm gỡ vướng trong cấp Giấy Chứng nhận hưởng bảo hiểm xã hội khi điều trị Covid-19 tại nhà

Báo cáo của Ủy ban Pháp luật nên rõ, hiện nay, tại một số địa phương, nhiều lao động mắc Covid-19 tự điều trị tại nhà đang gặp khó khăn khi xin giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội (BHXH) để làm căn cứ hưởng chế độ ốm đau vì thủ tục rườm rà, mất nhiều thời gian.                
   

Người lao động tự điều trị Covid-19 tại nhà gặp nhiều khó khăn khi xin Giấy Chứng nhận hưởng BHXH. Ảnh minh họa: baochinhphu.vn

   
Theo quy định hiện hành thì việc cấp giấy xác nhận nghỉ việc hưởng BHXH do Trung tâm y tế cấp huyện thực hiện, trong khi các trạm y tế cấp xã chỉ cấp giấy xác nhận hoàn thành cách ly hoặc giấy hoàn thành điều trị Covid-19 tại nhà. Người lao động không thể sử dụng giấy xác nhận của trạm y tế cấp xã để tiến hành các thủ tục hưởng BHXH. Đây là vấn đề đã được nhiều địa phương phản ánh đến Bộ Y tế đề nghị cần có hướng dẫn để giảm bớt thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho người lao động mắc Covid-19.

Về vấn đề này, ngày 14/01/2022, Bộ Y tế đã ban hành Công văn số 238/BYT-KCB gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, BHXH Việt Nam, các bệnh viện để hướng dẫn về hồ sơ đề nghị giải quyết hưởng chế độ BHXH đối với người lao động điều trị Covid-19.

Theo đó, Bộ Y tế cho rằng, do hiện nay các văn bản pháp luật chưa có quy định dùng giấy tờ khác để thay thế giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH; chưa có quy định về việc chấp nhận những giấy tờ cấp chưa đúng quy định của pháp luật vẫn có giá trị để cơ quan BHXH làm cơ sở quyết định hưởng chế độ BHXH đối với người lao động. Vì vậy, Bộ Y tế đề nghị trong thời gian chờ các văn bản được các cơ quan có thẩm quyền ban hành hoặc sửa đổi, bổ sung, các đơn vị cần thực hiện đúng các quy định của pháp luật có liên quan.

Trước tình hình trên, để đảm bảo quyền lợi, giải quyết kịp thời chế độ BHXH của người lao động nhưng vẫn đảm bảo thực hiện đúng quy định của pháp luật và phù hợp với bối cảnh dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp ở nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước, Ủy ban Pháp luật đề nghị Bộ Y tế phối hợp với các cơ quan có liên quan khẩn trương nghiên cứu, hướng dẫn, sửa đổi các văn bản theo thẩm quyền hoặc đề xuất cấp có thẩm quyền ban hành văn bản để giải quyết các vấn đề chưa được quy định trong các văn bản luật hoặc cần thực hiện khác với quy định của luật, bảo đảm phù hợp với thực tiễn, sớm tháo gỡ vướng mắc, tạo thuận lợi cho công tác điều trị người mắc Covid-19 tại nhà.

Tăng cường kiểm tra, chấm dứt tình trạng “loạn” giá các mặt hàng phòng, chống dịch

Liên quan đến việc hỗ trợ của y tế địa phương đối với người mắc Covid-19 tự điều trị tại nhà, Ủy ban Pháp luật chỉ ra thực tế, hiện nay, do số lượng người mắc Covid-19 quá nhiều dẫn đến hệ thống y tế cơ sở ở nhiều nơi đang bị quá tải. Ở một số nơi (đặc biệt là ở tỉnh, thành phố đang có số ca mắc cao như thành phố Hà Nội, tỉnh Bắc Giang, Hải Dương, Hòa Bình, Bắc Ninh), người mắc Covid-19 điều trị tại nhà chưa nhận được sự hỗ trợ kịp thời, đầy đủ từ y tế địa phương trong việc tư vấn về đơn thuốc, đặc biệt là trong công tác khai báo, lập danh sách các ca mắc.                
   

Cần tăng cường kiểm tra, giám sát để chống "loạn" giá và bảo đảm chất lượng các mặt hàng phòng, chống dịch. Ảnh minh họa: dangcongsan.vn

   
Nhiều người bệnh phải tìm các đơn thuốc trên mạng xã hội, chưa có kiểm chứng của cơ quan y tế nên tiềm ẩn nhiều nguy hiểm cho sức khỏe của người dân. Ở một số phường của thành phố Hà Nội, người bệnh phải ra trạm y tế để nhận và khai báo trên bản giấy. Trạm y tế cũng không được cung cấp kít xét nghiệm mà người nghi nhiễm phải tự mang kít xét nghiệm đến, nhân viên y tế chỉ thực hiện lấy mẫu giúp và báo kết quả. Việc tập trung đông người đến Trạm y tế để khai báo và lấy mẫu gây phiền hà và làm tăng nguy cơ lây nhiễm trong cộng đồng.

Bên cạnh đó, tại một số địa phương có tình trạng nhiều người khi phát hiện mắc Covid-19 đã không khai báo với y tế địa phương mà tự điều trị tại nhà gây khó khăn cho địa phương, ngành y tế trong công tác giám sát, quản lý số lượng người mắc Covid-19 trên địa bàn, đồng thời tiềm ẩn nguy cơ lây lan dịch bệnh trong cộng đồng. “Theo phản ánh của người dân thì một trong những nguyên nhân của tình trạng này là do người dân không được hỗ trợ gì nhiều trong quá trình điều trị Covid-19 tại nhà” - Báo cáo nêu rõ.

Báo cáo cũng chỉ ra, nhu cầu về mặt hàng kít xét nghiệm nhanh Covid-19 đã gia tăng đột biến trong khi chất lượng chưa được kiểm soát hiệu quả. Dư luận cho rằng dịch Covid-19 vẫn đang tiếp tục diễn biến hết sức phức tạp, nhu cầu sử dụng các bộ kít xét nghiệm nhanh Covid-19 của người dân theo dự báo sẽ còn tăng cao và kéo dài. Trong khi đó, hiện nay, hơn 95% ca nhiễm Covid-19 được điều trị tại nhà và người bệnh phải tự lo mọi khoản chi phí điều trị trong đó có chi phí xét nghiệm, đây là gánh nặng lớn đối với người dân.

Thường trực Ủy ban Pháp luật đề nghị, các cơ quan có thẩm quyền tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức của người dân về việc khai báo sớm khi mắc Covid-19 với y tế địa phương theo đúng quy định và không tự ý dùng thuốc khi không có hướng dẫn của cơ quan y tế.

Đồng thời, cơ quan chức năng cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc kinh doanh mặt hàng phục vụ phòng, chống dịch Covid-19 như: thuốc điều trị, kít xét nghiệm, máy đo nồng độ oxy máu,… nhằm góp phần chấm dứt tình trạng “loạn” giá các mặt hàng này và bảo vệ sức khỏe người dân, bảo vệ quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng.

Đặc biệt, trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, cơ quan chức năng cần nhanh chóng điều chỉnh, sớm sửa đổi, hướng dẫn thực hiện các quy định về phòng, chống dịch một cách linh hoạt, phù hợp với thực tế, thích ứng an toàn, hiệu quả hơn nhất là đối với cấp cơ sở. Trong đó, cần cải tiến quy trình khai báo, quản lý thông tin đối với người mắc Covid-19, tăng cường tin học hoá, thực hiện trực tuyến (ở các địa phương, gia đình có điều kiện) để hạn chế tiếp xúc, bảo vệ chính nhân viên y tế và mọi người trong cộng đồng; cung cấp đủ vật tư y tế cho công tác phòng chống dịch; tăng chế độ, chính sách cho nhân viên y tế ở cơ sở; có sự sắp xếp nhân lực, có quy trình quản lý và chăm sóc người mắc Covid-19 hợp lý hơn, tạo điều kiện để người dân mắc bệnh nhận được sự chăm sóc hay tư vấn đầy đủ, kịp thời của ngành y tế./.
Đ. KHOA

Cùng chuyên mục
Tháo gỡ những bất cập, vướng mắc trong công tác phòng, chống dịch Covid-19