Thần tốc, quyết liệt, hiệu quả hơn nữa trong phòng, chống dịch

(BKTO) - Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu các cấp, các ngành, các cơ quan, đơn vị, cả hệ thống chính trị phải thần tốc, quyết liệt và hiệu quả hơn nữa để kiểm soát dịch bệnh COVID-19.



                
   

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu phải thần tốc, quyết liệt và hiệu quả hơn nữa để kiểm soát dịch bệnh - Ảnh: VGP

   

Thông báo Kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về phòng, chống dịch COVID-19 nêu rõ, từ ngày 27/4/2021 (từ khi có đợt dịch thứ 4) đến ngày 19/5, cả nước đã ghi nhận 1.539 ca mắc mới trong cộng đồng tại 28 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Trong bối cảnh dịch bệnh có nguy cơ cao lây lan ra cả nước, cả hệ thống chính trị đã tích cực vào cuộc, triển khai thực hiện đồng bộ, quyết liệt và có hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch. Nhiều cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân có cách làm sáng tạo, linh hoạt, hiệu quả. Công tác thông tin, tuyên truyền được thực hiện kịp thời, minh bạch.

Đặc biệt, công tác phòng, chống dịch đã thu hút, huy động sự tham gia của đông đảo nhân dân. Đây là sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, nhân tố có ý nghĩa chiến lược, quyết định thắng lợi của công tác phòng, chống dịch. Tuy nhiên, vẫn còn một bộ phận người dân lơ là, chủ quan, mất cảnh giác; cá biệt có một số người thiếu trách nhiệm để xảy ra hậu quả, cần được xem xét, xử lý theo pháp luật.

Để kiểm soát có hiệu quả dịch bệnh, tiếp tục thực hiện tốt mục tiêu kép,Thủ tướng Chính phủ yêu cầu: Các cấp, các ngành, địa phương tiếp tục quán triệt các mục tiêu, quan điểm, tư tưởng chỉ đạo kiên trì và cương quyết thực hiện mục tiêu kép vừa phòng, chống dịch bệnh vừa phát triển kinh tế - xã hội; bảo đảm thành công cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp đúng tiến độ, bảo đảm chất lượng; kết thúc năm học 2020-2021 an toàn; thần tốc, quyết liệt hơn nữa trong phòng, chống dịch bệnh, thực hiện có hiệu quả việc chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân.

Hết sức tránh đồng thời cả 2 khuynh hướng: lơ là, chủ quan, mất cảnh giác (nhất là khi không có dịch); hốt hoảng, hoang mang, lo lắng, mất bình tĩnh, thiếu bản lĩnh khi ứng phó dịch bệnh. Kế thừa kinh nghiệm hay, bài học quý, cách làm tốt có hiệu quả từ 3 đợt dịch trước.

Đồng thời, nhận thức đúng đắn, đầy đủ và thực hiện tốt việc kết hợp hài hòa, hợp lý, hiệu quả giữa phòng ngừa và tấn công dịch bệnh, lấy tấn công là chính; phòng là thường xuyên, cơ bản, quyết định. Tấn công là thực hiện tốt yêu cầu 5K + vaccine; xét nghiệm sàng lọc trên diện rộng; thực hiện hiệu quả chiến lược vaccine; tăng cường ứng dụng công nghệ bắt buộc trong các hoạt động truy vết, cách ly, xét nghiệm...; đẩy mạnh chuẩn bị vật tư, trang thiết bị, sinh phẩm... theo phương châm 4 tại chỗ...

Trên tinh thần đó, từng địa phương phải tích cực rà soát các phương án phòng, chống dịch, nắm chắc và cập nhật tình hình, dự báo chính xác, có kế hoạch cụ thể, khả thi, bảo đảm chủ động phòng, chống dịch trong mọi tình huống.

Ban Chỉ đạo quốc gia, Bộ Y tế, các Bộ, ngành, địa phương nhanh chóng rút kinh nghiệm từ thực tiễn dịch bệnh tại một số DN, khu công nghiệp, khẩn trương rà soát, có phương án và triển khai nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch tại các khu công nghiệp.

Về áp dụng biện pháp giãn cách xã hội, Thủ tướng chỉ đạo Bộ Y tế, các địa phương căn cứ quy định, chủ động bám sát, nắm chắc tình hình, diễn biến dịch trên địa bàn để vận dụng linh hoạt, sáng tạo, quyết định theo thẩm quyền được giao, đặc biệt xử lý hài hòa, hiệu quả giữa phòng, chống dịch và phát triển kinh tế - xã hội, nhất là thực hiện thành công cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026.

Bộ Công Thương rà soát, chủ động chuẩn bị phương án (kể cả phương án cho tình huống xấu nhất) về bảo đảm cung ứng hàng hóa, vật tư y tế, nhất là hàng hóa thiết yếu cho nhân dân, đặc biệt tại vùng có dịch bệnh.

Về Đề án nhập khẩu, sản xuất, tổ chức tiêm vaccine phòng COVID-19, Bộ Y tế chuẩn bị kỹ lưỡng, nghiêm túc, khoa học, đúng thẩm quyền và sớm nhất có thể trình Thủ tướng Chính phủ Đề án về mua vaccine đáp ứng yêu cầu theo chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết số 21/NQ-CP ngày 26/02/2021; tiếp tục nghiên cứu, chuẩn bị Đề án chung về nhập khẩu, sản xuất, tổ chức tiêm vaccine phòng COVID-19 và bố trí, huy động nguồn lực để thực hiện, xin ý kiến các Bộ, cơ quan liên quan, hoàn thiện trước khi trình Chính phủ xem xét, quyết định, chậm nhất vào cuối tháng 5/2021./.
HỒNG NHUNG
Cùng chuyên mục
Thần tốc, quyết liệt, hiệu quả hơn nữa trong phòng, chống dịch