Tạo thuận lợi cho xây dựng, hoàn thiện thể chế và thực thi pháp luật

(BKTO) - Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã nhấn mạnh yêu cầu này khi chủ trì Phiên họp Chính phủ chuyên đề xây dựng pháp luật tháng 6/2021 với nhiều quyết định quan trọng, mang tính đột phá, chiều 29/6.



                
   

Toàn cảnh phiên họp. Ảnh: VGP

   

Phiên họp chuyên đề nhằm đẩy nhanh tiến độ xây dựng và nâng cao chất lượng các văn bản quy phạm pháp luật, giải quyết những điểm nghẽn, nút thắt về thể chế, cơ chế, chính sách.

Đổi mới mạnh mẽ việc xây dựng và thực thi pháp luật

Để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ quan trọng thời gian tới, Thủ tướng nhấn mạnh, trước hết, phải nâng cao nhận thức về ý nghĩa, tầm quan trọng của việc xây dựng và thực thi pháp luật. Các Bộ, ngành cần xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm, hằng năm, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, đầu tư các nguồn lực để kiểm soát tiến độ xây dựng, ban hành, nâng cao chất lượng văn bản quy phạm pháp luật; đồng thời, tổ chức thực hiện, thi hành pháp luật thật tốt, hiệu quả.

Thủ tướng yêu cầu, với các nội dung thuộc thẩm quyền của Quốc hội, cần chuẩn bị bài bản, theo đúng quy trình, quy định của pháp luật để trình Quốc hội. Với các nội dung thuộc thẩm quyền của Chính phủ, các Bộ ngành phối hợp với các cơ quan liên quan, các địa phương rà soát kỹ để xác định thứ tự ưu tiên, khẩn trương đề xuất sửa đổi, tháo gỡ các vướng mắc, bất cập, bổ sung các quy định mà thực tiễn đang đòi hỏi. Trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao, các Bộ, ngành chủ động, tích cực, phối hợp với các cơ quan liên quan, các địa phương rà soát, căn cứ tình hình thực tiễn để điều chỉnh, bổ sung, hoàn thiện các thông tư, quy định thuộc thẩm quyền.

Tiếp tục đổi mới việc triển khai công tác xây dựng pháp luật theo hướng kịp thời hơn, bám sát thực tiễn, tôn trọng thực tiễn, xuất phát từ thực tiễn, lấy thực tiễn làm thước đo; chuẩn bị dự thảo văn bản luật đồng thời với dự thảo nghị định, thông tư hướng dẫn. Xác định trọng tâm, trọng điểm; tuân thủ nghiêm Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Tăng cường phối hợp chặt chẽ hơn giữa cơ quan chủ trì soạn thảo với các Bộ, ngành có liên quan và các cơ quan của Quốc hội, giữa các cơ quan trung ương và địa phương.

Đổi mới mạnh mẽ công tác lãnh đạo, chỉ đạo việc xây dựng và thực thi pháp luật. Thủ tướng đặc biệt nhấn mạnh, các bộ trưởng, người đứng đầu các cơ quan ngang Bộ, cơ quan trực thuộc Chính phủ, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố phải trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo, theo dõi, kiểm tra, đôn đốc công tác xây dựng thể chế và thực thi pháp luật.

Phân công, phân cấp rõ ràng trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện. Tăng cường lấy ý kiến các thành viên Chính phủ, các cơ quan có liên quan, các chuyên gia pháp luật, nhà khoa học, những người hoạt động thực tiễn.

Tăng cường các cán bộ có năng lực, tâm huyết, trách nhiệm cho các ban soạn thảo, xây dựng pháp luật của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và có cơ chế, chính sách phù hợp để khuyến khích, động viên những người làm công tác xây dựng pháp luật.

Quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, kinh phí thỏa đáng và có ưu tiên, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho xây dựng, hoàn thiện thể chế và thực thi pháp luật.

Hơn 26.000 tỷ đồng hỗ trợ người gặp khó khăn do đại dịch

Dự thảo Nghị quyết của Chính phủ thực hiện chính sách hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 bổ sung thêm nhiều nội dung mới so với Nghị quyết 42 năm 2020 của Chính phủ. Theo Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung, tổng kinh phí hỗ trợ khoảng hơn 26.000 tỷ đồng.

Về nội dung này, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu cơ quan chủ trì soạn thảo và các cơ quan liên quan bám sát, thực hiện nghiêm túc các kết luận của Bộ Chính trị. Tiếp tục nghiên cứu, rà soát để bảo đảm chính sách phủ kín được những người cần hỗ trợ, trong đó bổ sung thêm đối tượng hỗ trợ là lao động tự do.

Thủ tướng nhấn mạnh, Nghị quyết này phải bảo đảm hỗ trợ kịp thời, hiệu quả, đúng đối tượng, công khai, minh bạch, khách quan, công bằng, đáp ứng được nguyện vọng của đại đa số người dân và đòi hỏi của thực tiễn. Tăng cường các biện pháp kiểm tra, giám sát chặt chẽ, xử lý nghiêm các sai phạm, không để xảy ra tiêu cực trong quá trình thực hiện chính sách. Đồng thời, căn cứ tình hình thực tiễn để tiếp tục nghiên cứu, rà soát, sửa đổi, bổ sung về đối tượng, thời gian, mức hỗ trợ bảo đảm thỏa đáng, phù hợp tình hình./.
HỒNG NHUNG
Cùng chuyên mục
  • Tối 30/6: Ghi nhận thêm 240 ca mắc Covid-19 mới, 1 ca tử vong
    2 năm trước Đối nội
    (BKTO) - Thông tin từ Bộ Y tế cho biết, tính từ 12h30 đến 18h30 ngày 30/6, Việt Nam đã ghi nhận 240 ca mắc Covid-19 mới (BN16624-16863), gồm: 7 ca cách ly ngay sau khi nhập cảnh tại Tây Ninh và 233 ca ghi nhận trong nước; trong đó riêng tại TP. Hồ Chí Minh ghi nhận 124 ca.
  • Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tiếp Phó Chủ tịch Ngân hàng Thế giới Victoria Kwakwa
    2 năm trước Chính trị
    (BKTO) - Chiều 29/6, tại Phủ Chủ tịch, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã tiếp bà Victoria Kwakwa - Phó Chủ tịch Ngân hàng Thế giới (WB) phụ trách khu vực Đông Á và Thái Bình Dương, đang có chuyến thăm làm việc tại Việt Nam.
  • Nghiên cứu, học tập, quán triệt và triển khai các nghị quyết của Đảng
    2 năm trước Chính trị
    (BKTO) - Ngày 30/6, Đảng ủy Khối các cơ quan T.Ư (Đảng ủy Khối) đã tổ chức Hội nghị nghiên cứu, học tập, quán triệt và triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII Đảng bộ Khối nhiệm kỳ 2020-2025, Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng; quán triệt nội dung bài viết của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam”.
  • Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội tổ chức phiên họp toàn thể lần thứ 21
    2 năm trước Chính trị
    (BKTO) - Ngày 29/6, Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội đã tổ chức phiên họp toàn thể lần thứ 21. Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn tham dự Phiên họp.
  • Infographic - Quỹ vắc xin phòng Covid-19 Việt Nam
    2 năm trước Đối nội
    (BKTO) - Quỹ vắc xin phòng Covid-19 Việt Nam được thành lập theo Quyết định 779/QĐ-TTg ngày 26/5/2021 của Thủ tướng Chính phủ.Quỹ được thành lập nhằm tiếp nhận, quản lý, sử dụng các nguồn tài trợ, hỗ trợ, đóng góp tự nguyện của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước cho hoạt động mua, nhập khẩu, nghiên cứu, sản xuất vắc xin và sử dụng vắc xin phòng Covid-19 cho người dân.Báo Kiểm toán xin giới thiệu với bạn đọc một số nội dung chính của Quỹ này.
Tạo thuận lợi cho xây dựng, hoàn thiện thể chế và thực thi pháp luật