Tạo cơ chế để người lao động tại doanh nghiệp thực hiện quyền làm chủ

(BKTO) – Quy định về thực hiện dân chủ tại DN là một trong những nội dung có nhiều điểm mới theo dự thảo Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở và còn có những ý kiến khác nhau.



Tại phiên họp sáng 27/5, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà trình Quốc hội dự án Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở.
                
   

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà trình bày Tờ trình dự án Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở. Ảnh: VPQH

   

Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà cho biết, mục đích xây dựng dự án Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở nhằm hoàn thiện pháp luật về thực hiện dân chủ ở cơ sở nhằm bảo đảm quyền lực nhà nước thuộc về Nhân dân; tiếp tục khẳng định bản chất của Nhà nước ta là Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân, tất cả quyền lực nhà nước thuộc về Nhân dân, Nhân dân là người chủ của đất nước.

Đồng thời, bảo đảm công khai, minh bạch trong hoạt động và trách nhiệm giải trình của chính quyền cơ sở, cơ quan, đơn vị và DN; cụ thể hóa đầy đủ các chính sách trong đề nghị xây dựng dự án Luật nhằm khắc phục những hạn chế, bất cập phát sinh trong thực tiễn thi hành quy định của pháp luật hiện hành về thực hiện dân chủ ở cơ sở.

Với tinh thần đó, dự thảo Luật gồm 07 chương, 74 điều, trong đó có nhiều điểm mới so với quy định hiện hành về thực hiện dân chủ cơ sở.

Trong đó, ngoài các điểm mới về thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn; đối với thực hiện dân chủ tại DN, dự thảo Luật có nhiều điểm mới, như: bổ sung nội dung người lao động được quyết định mức đóng các loại quỹ xã hội, từ thiện tại DN; quy định theo hướng có sự phân biệt về nội dung, hình thức, trình tự, thủ tục người lao động kiểm tra và người lao động giám sát; bổ sung một số nội dung hiện đang được thực hiện theo hướng dẫn của Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam (hình thức quyết định, kiểm tra, giám sát; một số nội dung người lao động được kiểm tra, giám sát,...).

Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà cũng cho biết, trong quá trình soạn thảo dự án Luật, còn có ý kiến khác nhau liên quan đến việc quy định về thực hiện dân chủ tại DN.

Loại ý kiến thứ nhất đề nghị dự án Luật quy định một chương riêng về nội dung, cách thức thực hiện dân chủ tại các loại hình DN, trong đó quy định một số đặc thù đối với DNNN.

Loại ý kiến thứ hai đề nghị dự án Luật không quy định về thực hiện dân chủ tại DN.

Chính phủ thống nhất với loại ý kiến thứ nhất. Trên cơ sở đó, dự thảo Luật quy định một chương (Chương IV) về thực hiện dân chủ tại DN trong đó quy định chung về công khai thông tin tại DN; về người lao động tham gia ý kiến, quyết định và kiểm tra, giám sát áp dụng chung đối với mọi loại hình DN. Đồng thời, bổ sung một số quy định đặc thù áp dụng với DNNN, như: các nội dung công khai tại DNNN; hình thức người lao động giám sát thông qua hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân tại DNNN – Bộ trưởng Bộ Nội vụ nêu rõ.
                
   

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng trình bày báo cáo thẩm tra dự án Luật. Ảnh: VPQH

   

Thẩm tra Tờ trình dự án Luật, liên quan đến nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết, đa số ý kiến trong Ủy ban Pháp luật tán thành với loại ý kiến thứ nhất mà Chính phủ đã nêu trong Tờ trình về việc trong Luật có một chương riêng quy định về nội dung, hình thức, cách thức thực hiện dân chủ tại các DN (trong đó bao gồm cả hợp tác xã và tổ chức khác có thuê mướn, sử dụng lao động theo hợp đồng lao động), đồng thời có một số nội dung quy định đặc thù đối với DNNN; bởi đây là các tổ chức trực tiếp quản lý, sử dụng các nguồn lực công nên có những đặc điểm, yêu cầu trong công tác tổ chức, quản lý, kiểm soát không giống như các DN thông thường khác.

Việc Luật này tập trung quy định sâu hơn về việc thực hiện dân chủ ở DNNN sẽ tạo cơ chế để người lao động tại DN thực hiện quyền làm chủ, bảo đảm nguyên tắc tập trung dân chủ trong hoạt động của DN, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng nguồn lực đầu tư của Nhà nước, kiểm soát tham nhũng, tiêu cực, lãng phí.

Điều này cũng phù hợp với yêu cầu được nêu tại Chỉ thị số 30-CT/TW ngày 18/02/1998 của Bộ Chính trị về xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở yêu cầu tập trung nghiên cứu xây dựng và ban hành các quy chế dân chủ cho ba loại hình cơ sở là: xã, phường, thị trấn, DNNN và cơ quan hành chính sự nghiệp.

Tuy nhiên, hiện dự thảo Luật mới có hai điểm mang tính chất đặc thù đối với DNNN, đó là các nội dung phải công khai và việc người lao động thực hiện việc giám sát thông qua hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân mà chưa có những quy định thể hiện sự khác biệt trong việc thực hiện dân chủ ở DNNN với các loại hình DN khác về các nội dung người lao động được tham gia ý kiến, được bàn bạc, quyết định và kiểm tra. Do đó, Ủy ban Pháp luật đề nghị cần tiếp tục nghiên cứu, rà soát, bổ sung các quy định chi tiết, cụ thể hơn để tạo cơ sở pháp lý cho người lao động tại DNNN thực hiện quyền làm chủ một cách thực chất, có hiệu quả./.
Đ. KHOA





Cùng chuyên mục
Tạo cơ chế để người lao động tại doanh nghiệp thực hiện quyền làm chủ