Quy hoạch phải bám sát tiềm năng khác biệt, lợi thế cạnh tranh của Bộ, ngành, địa phương

(BKTO) - Đây là yêu cầu của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc về công tác quy hoạch do Thường trực Chính phủ tổ chức sáng 19/8.



                
   

Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh: Làm gì cũng phải có quy hoạch, quy hoạch phải đi trước một bước, quy hoạch phải tổng thể, toàn diện, bao quát, có tính định hướng. Ảnh: chinhphu.vn

   

Đạt kết quả bước đầu, song tiến độ còn chậm

Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, việc tổ chức lập các quy hoạch thuộc hệ thống quy hoạch quốc gia đã đạt kết quả bước đầu. Dự kiến trong năm 2021, sẽ có 19/38 quy hoạch ngành quốc gia, 1/6 quy hoạch vùng, 26/63 quy hoạch tỉnh hoàn thành công tác lập, thẩm định, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt, các quy hoạch còn lại sẽ được hoàn thiện và trình thẩm định trong năm 2022. Khung định hướng quy hoạch quốc gia, dự kiến trình Hội đồng quy hoạch quốc gia xem xét, thông qua vào tháng 10/2021.

Có 61/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt nhiệm vụ lập quy hoạch. 2 địa phương chưa trình nhiệm vụ lập quy hoạch để thẩm định là TP. Hà Nội và TP. HCM.

Sau khi được phê duyệt, các quy hoạch thuộc hệ thống quy hoạch quốc gia và các quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành thời kỳ 2021-2030 sẽ thay thế cho 19.285 quy hoạch các loại phải lập cho thời kỳ trước Luật Quy hoạch được ban hành.

Các Bộ, ngành, địa phương đã từng bước chuyển đổi hoạt động quản lý nhà nước phù hợp quy định của Luật Quy hoạch; mở ra các cơ hội, không gian phát triển mới, hình thành các ngành nghề đầu tư, kinh doanh mới; đảm bảo mục tiêu phát triển cân đối, hiệu quả, bền vững giữa các ngành, vùng lãnh thổ và cả nước…

Các đại biểu dự Hội nghị nhận định, thời gian qua, Quốc hội, Chính phủ đã kịp thời tháo gỡ các vướng mắc, nhất là thể chế, cơ chế, chính sách trong triển khai Luật Quy hoạch; đồng thời lãnh đạo, chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương tích cực triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp trong công tác lập các quy hoạch, bước đầu đạt được một số kết quả.

Tuy nhiên, tiến độ lập quy hoạch thời kỳ 2021-2030 chưa đạt được yêu cầu đã đề ra tại Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 05/02/2018 của Chính phủ về triển khai thi hành Luật Quy hoạch. Việc triển khai lập quy hoạch theo phương pháp tích hợp với nội dung cơ bản là lập thống nhất một quy hoạch trên một địa bàn tỉnh (thay thế cho khoảng 50 loại quy hoạch ngành, lĩnh vực trước đây), tiếp cận tổng hợp và phối hợp đồng bộ giữa các ngành, lĩnh vực còn có cách hiểu khác nhau, dẫn đến triển khai chậm và lúng túng.

Việc phối hợp và chia sẻ thông tin liên ngành, liên cấp giữa các Bộ, ngành và địa phương chậm và còn nhiều hạn chế; chưa thúc đẩy tính liên kết vùng, còn tư duy cục bộ trong quản lý và phát triển; tính linh hoạt, sáng tạo còn yếu. Việc xác định nguồn vốn cho các quy hoạch có tính chất kỹ thuật chuyên ngành còn chưa thống nhất, chưa bảo đảm nguồn lực cho công tác quy hoạch.

Cũng tại cuộc họp, Các Bộ trưởng đã trả lời, làm rõ nhiều kiến nghị, đề xuất, khó khăn, vướng mắc các địa phương gặp phải trong quá trình lập các quy hoạch, trong đó có vướng mắc về tài chính, việc phối hợp trong lập quy hoạch vùng, quốc gia…

Quy hoạch phải đi trước một bước

Nhấn mạnh tầm quan trọng của quy hoạch, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu: Làm gì cũng phải có quy hoạch, quy hoạch phải đi trước một bước, quy hoạch phải tổng thể, toàn diện, bao quát, có tính định hướng. Quy hoạch phải bám sát tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh của Bộ, ngành, địa phương.

Theo Người đứng đầu Chính phủ, công tác quy hoạch không mới, nhưng việc triển khai Luật Quy hoạch lần này có điểm mới là phải đồng thời làm quy hoạch quốc gia, quy vùng, quy hoạch địa phương, quy hoạch ngành. Triển khai những công việc mới bao giờ cũng có những khó khăn, lúng túng.

Trước các ý kiến bày tỏ băn khoăn về vấn đề kết nối các quy hoạch, “cái gì có trước, cái gì có sau”, Thủ tướng nhấn mạnh tinh thần đặt lợi ích quốc gia, dân tộc lên trên hết, cùng làm, cùng tháo gỡ khó khăn, vướng mắc. Các Bộ, địa phương phải làm tốt nhất quy hoạch ngành mình, địa phương mình. Đồng thời, phối hợp thật tốt, tăng cường trao đổi giữa địa phương và Trung ương, giữa các địa phương. Các Bộ trưởng công bố khung quy hoạch ngành để các địa phương nghiên cứu, tiếp thu, tích hợp, cụ thể hóa vào quy hoạch địa phương.

Thủ tướng yêu cầu: Các quy hoạch phải bám sát Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025 và Chiến lược phát triển phát triển kinh tế - xã hội 10 năm, Luật Quy hoạch, các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, Bí thư cấp ủy, Chủ tịch UBND các cấp phải tập trung cho công tác này, coi đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng, xuyên suốt trong năm 2021 và các năm tiếp theo.

Đồng thời, hoàn thiện thể chế cho công tác này theo tinh thần phân cấp, phân quyền triệt để. Các cơ quan quản lý ở Trung ương tập trung xây dựng chiến lược, quy hoạch, cơ chế, chính sách, thể chế và thiết kế công cụ để tăng cường giám sát, kiểm tra, kiểm soát quyền lực, giảm tối đa thủ tục hành chính.

Các Phó Thủ tướng, Bộ trưởng đã giải đáp, tháo gỡ các vướng mắc về tài chính được nêu ra tại cuộc họp, Thủ tướng yêu cầu các Bộ tiếp tục nghiên cứu, mở rộng cơ chế thanh toán, tài chính để huy động các nguồn lực hợp pháp khác cho công tác này.

Liên quan tới một số vướng mắc tại các nghị định, Thủ tướng giao các Bộ ngành tiếp thu các ý kiến tại Hội nghị, xin lại ý kiến các địa phương, trình Chính phủ sửa đổi các nghị định phù hợp tình hình để nâng cao chất lượng các quy định, đơn giản thủ tục, tiết kiệm thời gian, hoàn thành chậm nhất trong tháng 10/2021./.
HỒNG NHUNG
Cùng chuyên mục
Quy hoạch phải bám sát tiềm năng khác biệt, lợi thế cạnh tranh của Bộ, ngành, địa phương