Những kết quả kiểm toán đáng lưu ý trong chi bổ sung và chi dự phòng ngân sách Trung ương năm 2020

(BKTO) - Trong khuôn khổ kiểm toán báo cáo quyết toán ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2020, Kiểm toán nhà nước (KTNN) đã xác nhận và đưa ra những đánh giá đối với các nội dung chi bổ sung có mục tiêu từ ngân sách Trung ương (NSTW) cho các địa phương và việc sử dụng nguồn dự phòng NSTW của nhiều địa phương trên cả nước.



                
   

Năm 2020, chi bổ sung có mục tiêu từ NSTW cho các địa phương 161.848 tỷ đồng. Ảnh: VGP

   

Nhiều địa phương được cấp bù mặt bằng chi chưa phù hợp

Tổng số chi bổ sung từ NSTW cho các địa phương thực hiện năm 2020 là 381.225 tỷ đồng, trong đó bổ sung cân đối 219.377 tỷ đồng, bổ sung có mục tiêu là 161.848 tỷ đồng.

Tuy nhiên, theo đánh giá của KTNN, hàng chục địa phương có kết dư ngân sách nhưng vẫn được bổ sung có mục tiêu để bù mặt bằng chi 1.453 tỷ đồng là chưa phù hợp. Trong đó có địa phương được cấp bổ sung tới 391,6 tỷ đồng và một số địa phương được cấp bổ sung xấp xỉ 100 tỷ đồng.

KTNN cũng chỉ rõ, NSTW cấp bổ sung mục tiêu từ dự toán năm 2020 (ngoài dự toán đầu năm) cho nhiệm vụ năm 2019 (thực hiện phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi và hỗ trợ cơ sở chăn nuôi có lợn bị tiêu hủy năm 2019) của 01 địa phương vượt 4,179 tỷ đồng. Theo báo cáo kiểm toán ngân sách địa phương năm 2020 của địa phương này, kinh phí hỗ trợ người tham gia phòng chống dịch vượt 1,281 tỷ đồng; kinh phí mua sắm vật tư, hoá chất, vận chuyển, tuyên truyền vượt 2,898 tỷ đồng so với quy định điểm b khoản 5 Điều 1 Quyết định số 793/QĐ-TTg ngày 27/6/2019 của Thủ tướng Chính phủ.

Một vấn đề nữa được KTNN chỉ ra là tại các văn bản kết quả thẩm định nguồn cải cách tiền lương và thực hiện chính sách an sinh xã hội năm 2020, Bộ Tài chính xác định số phải hoàn trả NSTW của các địa phương là 13.966,7 tỷ đồng, đã thực hiện được 13.856,98 tỷ đồng; còn 109,72 tỷ đồng (theo số liệu cập nhật đến 31/3/2022) chưa được 02 địa phương thực hiện nên Kho bạc Nhà nước chưa thực hiện trích tồn quỹ ngân sách cấp tỉnh của địa phương để hoàn trả NSTW.

Ngoài ra, đến ngày 28/02/2022, một số địa phương vẫn chưa có văn bản thẩm định của cấp có thẩm quyền để làm cơ sở xử lý kinh phí thừa/thiếu. Đáng chú ý, đến hết năm 2020, số kinh phí NSTW bổ sung có mục tiêu và các Chương trình mục tiêu quốc gia tại 42/45 địa phương còn tồn nhưng chưa hoàn trả NSTW theo quy định 3.266 tỷ đồng.

Nhiều địa phương không giải ngân hết vốn dự phòng NSTW

Năm 2020, Quốc hội quyết nghị dự phòng NSTW 17,5 nghìn tỷ đồng. KTNN xác nhận, tính đến 31/12/2020, nguồn dự phòng NSTW đã sử dụng theo quy định 17,49 nghìn tỷ đồng (bao gồm cả số tiền đã hỗ trợ ngân sách địa phương).

Qua thực hiện rà soát việc sử dụng dự phòng NSTW cho chi đầu tư niên độ 2020, kết quả kiểm toán cho thấy, công tác lập nhu cầu sử dụng dự phòng NSTW năm 2020 còn bất cập. Nhiều địa phương đã đề xuất nhu cầu lớn (được tổng hợp tại các Tờ trình số 1414/BTC-NSNN ngày 16/12/2020, Tờ trình số 1462/BTC-NSNN ngày 24/12/2020) và có nhiều dự án không phù hợp với đối tượng sử dụng nguồn dự phòng NSTW theo quy định của Luật NSNN, Luật Đầu tư công.

Liên quan đến công tác giao dự toán chi đầu tư phát triển từ nguồn dự phòng NSTW và tình hình phân bổ, giải ngân kế hoạch vốn chi đầu tư phát triển từ nguồn dự phòng NSTW năm 2020, KTNN chỉ rõ việc tham mưu bổ sung kinh phí hỗ trợ 48 địa phương số tiền 6.520 tỷ đồng từ nguồn dự phòng NSTW năm 2020 tại Quyết định số 118/QĐ-TTg ngày 27/12/2020 là chưa hoàn toàn phù hợp.

Bởi theo quy định tại điểm a khoản 3 Điều 7 Nghị định số 163/2016/NĐ-CP, đối với các khoản chi trên 3 tỷ đồng đối với mỗi nhiệm vụ phát sinh, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) chủ trì phối hợp với Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan trình Thủ tướng Chính phủ quyết định các khoản chi đầu tư phát triển và các khoản chi thuộc chức năng quản lý của Bộ KH&ĐT. Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan trình Thủ tướng Chính phủ quyết định các khoản chi còn lại.

Đồng thời, KTNN đánh giá, mức hỗ trợ mang tính bình quân, không có danh mục dự án dẫn đến các địa phương phân bổ vốn cho một số dự án chưa đảm bảo quy định. Trên thực tế, một số địa phương còn phân bổ vốn dự phòng NSTW năm 2020 cho cả các dự án có quyết định đầu tư từ những năm trước.

Đơn cử, có địa phương phân bổ vốn cho 01 dự án có quyết định đầu tư từ năm 2010; có địa phương phân bổ vốn cho 02 dự án có quyết định đầu tư từ năm 2018. Hơn thế, một số địa phương còn phân bổ vốn cho các dự án chưa phù hợp về cơ cấu nguồn vốn trong quyết định đầu tư. Trước thực tế này, KTNN kiến nghị cần phải kiểm tra, rà soát, điều chỉnh cho phù hợp.

Bên cạnh những bất cập trên, KTNN còn chỉ ra việc giao bổ sung dự toán từ nguồn dự phòng NSTW tại thời điểm ngày 30/12/2020 vượt nguồn 128,2 tỷ đồng so với dự toán đã được Quốc hội thông qua.

Cụ thể, theo báo cáo của Bộ Tài chính tại Văn bản số 151/BTC-ĐT ngày 08/02/2021 về việc sử dụng dự phòng NSTW để chi thực hiện các quyết định của Thủ tướng Chính phủ bổ sung có mục tiêu cho ngân sách địa phương, đến 31/12/2020, nguồn dự phòng NSTW đã chi 17.207,4 tỷ đồng, số còn lại chưa phân bổ 292,6 tỷ đồng. Việc giao dự toán 420,8 tỷ đồng từ nguồn dự phòng tại Quyết định số 119/QĐ-TTg ngày 30/12/2020 (số tiền 380,8 tỷ đồng) và Quyết định số 2255/QĐ-TTg ngày 30/12/2020 (số tiền 40 tỷ đồng) vượt 128,2 tỷ đồng so với nguồn còn lại chưa phân bổ.

Cập nhật thông tin, KTNN nêu rõ, đến ngày 09/3/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 19/QĐ-TTg điều chỉnh lại để không vượt dự toán được Quốc hội thông qua.

Cũng theo KTNN, do quyết định giao dự toán của Thủ tướng Chính phủ vào thời điểm cuối tháng 12/2020 nên đa số các địa phương phân bổ kế hoạch vốn và triển khai trong quý I/2021. Tuy nhiên, còn có trường hợp đến ngày 22/12/2021 mới giao kế hoạch vốn và vẫn chưa triển khai, không đảm bảo hiệu quả đầu tư.
         
Qua rà soát tình hình thực hiện nguồn dự phòng NSTW năm 2020 tại 29/48 địa phương (số liệu giải ngân do đơn vị cung cấp) cho thấy, đến thời điểm 31/12/2021, nhiều địa phương không giải ngân hết số vốn dự phòng NSTW được giao với số vốn dư 608,966 tỷ đồng/29 địa phương đã hết thời hạn giải ngân quy định.

Một vấn đề nữa được KTNN chỉ ra và yêu cầu chấn chỉnh là hầu hết các địa phương chưa báo cáo Bộ KH&ĐT, Bộ Tài chính, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các Bộ, cơ quan liên quan để tổng hợp, theo dõi và báo cáo các cấp có thẩm quyền. Việc kiểm tra tình hình thực hiện, báo cáo Thủ tướng Chính phủ cũng chưa được cơ quan đầu mối tổ chức triển khai theo quy định./.

PHÚC KHANG

Cùng chuyên mục
Những kết quả kiểm toán đáng lưu ý trong chi bổ sung và chi dự phòng ngân sách Trung ương năm 2020