Những chuyển hướng chiến lược đã mang lại thành công

(BKTO) - Năm 2021, một loạt chính sách mang tính chuyển hướng chiến lược, trong đó có Nghị quyết số 128/NQ-CP của Chính phủ đã góp phần quan trọng trong khống chế dịch bệnh, khôi phục sản xuất và thúc đẩy thị trường, nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ của người dân, DN.



                
   

Các khách mời tham dự Tọa đàm. Ảnh: Chính phủ

   

Quyết định cân não, đúng đắn, kịp thời, sáng suốt

Tại Tọa đàm “Nhìn lại 2021 - Những chuyển hướng chiến lược” do Cổng Thông tin Điện tử Chính phủ tổ chức chiều 04/01, TS. Nguyễn Sĩ Dũng - nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội - cho biết, giai đoạn đầu, chúng ta chống dịch theo phương châm “Zero Covid”. Đó là cách thức chống dịch phù hợp với các chủng cũ, giúp chúng ta thành công trong năm 2020, khi số lượng tiêm chủng chưa nhiều.

“Khi dịch bùng phát thì thực tế chúng ta mới có những lô đầu tiên về, lúc đó mới bắt bầu khởi động chiến dịch vaccine, ngoại giao vaccine... Và khi có vaccine để tiêm, chúng ta là một trong những nước tiêm vaccine nhanh và nhiều nhất thế giới. Rõ ràng, chuyển hướng chiến lược đã mang lại thành công” - TS. Nguyễn Sỹ Dũng nhấn mạnh.

Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho hay, chúng ta đưa ra những giải pháp theo tình hình đất nước và theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), tham khảo kinh nghiệm của các nước.

Khi xuất hiện biến chủng Delta, chúng ta tiếp tục nghiên cứu và phân loại, điều chỉnh hợp lý việc điều trị, giúp người bệnh tiếp cận y tế từ sớm, từ xa, từ cơ sở để giảm thiểu số ca chuyển nặng và tử vong.

Hơn nữa, theo dự báo của WHO, trong năm 2021-2022, chúng ta chưa thể kiểm soát được hết tình hình dịch có nguy cơ bùng phát. Thực tế đã xuất hiện chủng mới Omicron nhưng chúng ta đã bao phủ vaccine đạt tỷ lệ mũi 1 cho người trưởng thành trên 99%, mũi 2 cho người trưởng thành trên 90%, bảo đảm miễn dịch cộng đồng.

“Căn cứ thực tiễn, chúng ta đã đưa ra những biện pháp linh hoạt, cụ thể, tùy tính chất từng giai đoạn, từng địa phương, chúng ta đã thành công trong công tác phòng, chống dịch” - Thứ trưởng Tuyên khẳng định.

Đặc biệt, trước tình hình dịch bệnh Covid-19 đợt 4 tại TP. HCM và các tỉnh phía Nam diễn biến phức tạp, một trong những quyết sách đáng chú ý là việc không ban bố tình trạng khẩn cấp, nhưng điều động một lực lượng lớn “chưa từng có kể từ sau chiến tranh” (cả y tế, quân đội, công an) vào các tỉnh phía Nam chống dịch.

Phó Tổng Tham mưu trưởng Quân đội Nhân dân Việt Nam - Trung tướng Ngô Minh Tiến - đánh giá, đây là một vấn đề hết sức “cân não” lúc bấy giờ. Lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã có một quyết định rất đúng đắn, kịp thời, sáng suốt. Chính điều này đã tạo ra bước ngoặt để sau đó chỉ trong một thời gian ngắn (3 tháng, trong khi nhiều nơi trên thế giới phải mất 6 đến 9 tháng), chúng ta đã kiểm soát, ổn định tình hình dịch bệnh tại các tỉnh thành phía Nam.

"Chúng ta không áp dụng biện pháp khẩn cấp, nhưng vẫn thành công bởi các quyết sách đưa ra đều vì người dân, được nhân dân ủng hộ. Đây là thành công lớn" - Trung tướng Ngô Minh Tiến chia sẻ.

Nghị quyết 128 đã xoay chuyển cả cục diện

Tại Tọa đàm, các khách mời cũng đã làm rõ hơn ý nghĩa của Nghị quyết 128 đối với công tác phòng chống dịch và phát triển kinh tế. Theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương, Nghị quyết 128 đã làm xoay chuyển cả cục diện, cả trong công tác chống dịch và phát triển kinh tế - xã hội.

Nghị quyết 128 ra đời rất phù hợp, không thể sớm hơn và cũng không thể muộn hơn vì phụ thuộc vào mức độ tiêm chủng, mức độ bao phủ vaccine trên toàn quốc. Với tinh thần mỗi người dân là một chiến sĩ thì việc tiêm vaccine cho nhân dân chính là đưa cho nhân dân vũ khí chống giặc.

Bên cạnh đó, Nghị quyết 128 cũng không nên muộn hơn bởi quyết sách này đã đáp ứng được sự mong mỏi của nhân dân sau quãng thời gian rất dài giãn cách xã hội do đợt dịch lần thứ 4 bùng phát.

Về kinh tế, Nghị quyết 128 có ý nghĩa then chốt trong việc đảo chiều kết quả kinh tế năm 2021. Nhờ có Nghị quyết 128, chúng ta mới có sự tăng trưởng kinh tế như hiện nay.

“Nhờ việc ban hành Nghị quyết 128, qua rà soát về số liệu GDP theo quý của năm 2021, có thể thấy rằng diễn biến từ quý II, III và IV, mô hình phục hồi đúng là hình chữ V. Chúng ta có thể thấy được mức giảm của quý III rất sâu (-6%) nhưng đến quý IV đã phục hồi trở lại (hơn 5,22%). Mô hình phục hồi này cũng cho thấy sức bật của nền kinh tế nước ta rất khả quan, chỉ cần có điều kiện cụ thể để các hoạt động kinh tế quay trở lại là lập tức sẽ đóng góp vào sự tăng trưởng của nền kinh tế” - Thứ trưởng Phương dẫn chứng.

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Vũ cho rằng, việc chúng ta ban hành rất kịp thời Nghị quyết 128 đánh dấu chuyển trạng thái rất phù hợp với xu hướng ngày càng phổ biến trên thế giới. Đa số các nước phải chấp nhận sống chung với đại dịch, vừa sản xuất vừa chống dịch.

Theo kinh nghiệm quốc tế, nước nào có tỷ lệ phủ vaccine trên 60% thì có thể mở cửa từng bước theo giai đoạn và cách chống dịch trong điều kiện đã có đủ vaccine cũng sẽ khác. Nếu phát hiện F0 thì chúng ta chỉ cách ly diện hẹp. Chúng ta đã tham khảo, thích ứng và tiếp thu theo kinh nghiệm quốc tế nhưng vẫn tôn trọng kinh nghiệm thực tế của Việt Nam.

Tại Tọa đàm, các khách mời đều chung nhận định, năm 2022 và những năm tiếp theo sẽ còn nhiều khó khăn, thách thức ở phía trước song với những kết quả đạt được vừa qua, chắc chắn chúng ta sẽ thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19, bảo vệ tối đa sức khỏe, tính mạng của nhân dân, tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, hỗ trợ hiệu quả người dân và DN./.

HỒNG NHUNG

Cùng chuyên mục
Những chuyển hướng chiến lược đã mang lại thành công