Ngoại giao kinh tế là động lực quan trọng để phát triển đất nước

(BKTO) - Thời gian qua, công tác ngoại giao kinh tế (NGKT) đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, góp phần tích cực vào các thành tựu phát triển kinh tế - xã hội đất nước. Để tiếp tục nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả công tác này, mới đây, Ban Bí thư đã ban hành Chỉ thị số 15-CT/TW về công tác NGKT phục vụ phát triển đất nước đến năm 2030 (Chỉ thị 15). Đây là dấu ấn về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của công tác NGKT trong tình hình mới.




Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Chủ tịch Quốc hội Hungary László Kövér ký Thỏa thuận hợp tác giữa hai Quốc hội. Ảnh: TTXVN​

Hợp tác kinh tế với các nước tiếp tục được đẩy mạnh

Theo Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Vũ, triển khai chủ trương của Đại hội Đảng lần thứ XIII “xây dựng nền NGKT phục vụ phát triển lấy người dân, địa phương và doanh nghiệp (DN) làm trung tâm phục vụ”, tinh thần ngoại giao phục vụ phát triển, trong đó NGKT là trọng tâm, được quán triệt xuyên suốt, thấm nhuần trong mọi hoạt động đối ngoại.

Thông qua các hoạt động đối ngoại song phương các cấp, đặc biệt là cấp cao, hợp tác kinh tế với các nước tiếp tục được thúc đẩy. Đặc biệt, từ đầu năm 2022 đến nay, trong bối cảnh các hoạt động đối ngoại song phương và đa phương trực tiếp của Việt Nam được nối lại sau thời gian bị ngắt quãng do đại dịch Covid-19, các chuyến thăm, dù là của lãnh đạo Việt Nam ra nước ngoài hay của lãnh đạo nước ngoài vào Việt Nam đều đặt nội dung kinh tế làm ưu tiên hàng đầu.

“Những dấu ấn ngoại giao phục vụ phát triển được thể hiện rõ nét thông qua các chuyến thăm và làm việc như: Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc thăm Singapore (ngày 24-26/02), Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio thăm Việt Nam (ngày 30/4-01/5), Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự Hội nghị Cấp cao đặc biệt ASEAN - Mỹ, thăm và làm việc tại Mỹ và Liên hợp quốc (ngày 11-17/5), Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ thăm chính thức Hungary, Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ireland (ngày 26-30/6)… Riêng chuyến thăm Mỹ, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chứng kiến 25 thỏa thuận được ký kết và trao đổi giữa DN hai nước” - Thứ trưởng Nguyễn Minh Vũ thông tin.

Ngoài ra, tận dụng những lĩnh vực thế mạnh và thời cơ “trở mình” phục hồi sau đại dịch, công tác NGKT thời gian qua còn đặc biệt ưu tiên hỗ trợ các ngành gặp khó khăn, các địa phương, DN xúc tiến kinh tế đối ngoại. Mặt khác, phát huy vai trò cầu nối giữa địa phương với các đối tác nước ngoài, nhiều sự kiện đã được tổ chức kết nối các địa phương với những đối tác chủ chốt.

Cùng với đó, Thứ trưởng Nguyễn Minh Vũ cũng cho biết, công tác đối ngoại đã hỗ trợ, đáp ứng kịp thời nhu cầu xúc tiến kinh tế đối ngoại của các ngành, lĩnh vực kinh tế trọng điểm, các địa phương, DN. Để phục vụ cho đất nước mở cửa du lịch quốc tế, ngành ngoại giao đã chủ động triển khai nhiều biện pháp “khơi thông” dòng chảy du lịch như phối hợp tổ chức Hội nghị triển khai mở cửa du lịch quốc tế an toàn, hiệu quả; tích cực đàm phán, vận động công nhận hộ chiếu vắc-xin...

Nâng cao chất lượng, hiệu quả ngoại giao kinh tế

Theo Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn, nhiệm vụ trọng tâm của công tác NGKT trong thời gian tới sẽ tập trung vào ba hướng chính là: “Đột phá - mở đường”, “đồng hành” và “phục vụ”. Trong đó, đẩy mạnh và nâng cao chất lượng nghiên cứu, tham mưu, đóng góp kịp thời, thiết thực và hiệu quả cho Chính phủ trong điều hành kinh tế - xã hội; triển khai các nội hàm mới của NGKT. Mặt khác, đồng hành với tất cả các hoạt động đối ngoại song phương và đa phương, tiếp tục tăng cường nội dung hợp tác kinh tế; đẩy mạnh hợp tác trên các lĩnh vực và tích cực tháo gỡ các điểm nghẽn trong hợp tác với các đối tác nước ngoài.

Để thực hiện thắng lợi các mục tiêu, định hướng phát triển kinh tế - xã hội và đường lối đối ngoại mà Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã đề ra, đồng thời nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác NGKT một cách toàn diện, thực chất trong giai đoạn phát triển mới của đất nước, tại Chỉ thị 15, Ban Bí thư yêu cầu các cấp ủy, tổ chức đảng, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt các nhiệm vụ về NGKT. Trong đó, nhận thức đúng đắn, đầy đủ, sâu sắc về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của công tác NGKT.

NGKT được xác định là một nhiệm vụ cơ bản, trung tâm của nền ngoại giao Việt Nam, một động lực quan trọng để phát triển đất nước nhanh, bền vững; đóng vai trò tiên phong trong huy động các nguồn lực bên ngoài, góp phần đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, tăng cường tiềm lực, sức cạnh tranh và năng lực thích ứng của nền kinh tế. Xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, chủ động, tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng, hiệu quả; xác định rõ trọng tâm, trọng điểm, lấy lợi ích quốc gia - dân tộc, hiệu quả thực chất làm tiêu chí hàng đầu trong triển khai hoạt động NGKT.

Ngoài ra, Chỉ thị 15 cũng yêu cầu tiếp tục mở rộng, làm sâu sắc hơn quan hệ và tạo thế đan xen lợi ích kinh tế với các đối tác. Trong đó, với các đối tác quan trọng, nhất là các nước láng giềng, các đối tác chiến lược, đối tác toàn diện, phải chủ động, tích cực tạo lập, hoàn thiện các khuôn khổ hợp tác, gắn kết chặt chẽ quan hệ chính trị, đối ngoại với hợp tác kinh tế, quốc phòng, an ninh, văn hoá, giáo dục và khoa học - công nghệ... Tranh thủ tối đa các quan hệ chính trị đối ngoại để thúc đẩy hợp tác, liên kết kinh tế, qua đó củng cố vững chắc quan hệ với các đối tác, nâng cao tiềm lực, vị thế, uy tín đất nước.

Đồng thời, tăng cường phối hợp chặt chẽ, hiệu quả, phát huy hơn nữa vai trò của đối ngoại đảng, ngoại giao nhà nước và đối ngoại nhân dân tại các diễn đàn kinh tế đa phương. Nâng tầm quan hệ đối ngoại với các chính đảng, các đảng cầm quyền, các tổ chức nhân dân của các nước, góp phần thúc đẩy quan hệ song phương, tạo thuận lợi cho công tác NGKT. Nâng cao hiệu quả hoạt động của các cơ chế phối hợp liên ngành trong đối ngoại và hội nhập quốc tế, NGKT với ngoại giao văn hóa quốc phòng, an ninh; giữa song phương và đa phương; giữa các cơ quan trong hệ thống chính trị, các ngành, các địa phương và DN trong triển khai NGKT…/.
         
Đến nay, Việt Nam có quan hệ ngoại giao với 190 quốc gia trên thế giới, trong đó có quan hệ đối tác chiến lược và đối tác toàn diện với 30 nước; có quan hệ kinh tế với hơn 230 quốc gia, vùng lãnh thổ. Đồng thời, Việt Nam đã ký 15 hiệp định thương mại tự do, trong đó có các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới; là thành viên tích cực của hơn 70 tổ chức, diễn đàn đa phương quan trọng.
LÊ HÒA
Cùng chuyên mục
Ngoại giao kinh tế là động lực quan trọng để phát triển đất nước