Ngã rẽ dòng tiền thời Covid-19

(BKTO) - Đại dịch Covid-19 đang thúc đẩy hàng loạt DN lớn nhất thế giới khẩn cấp cân đối lại thu chi, tăng tích trữ tiền mặt để "sinh tồn" qua giai đoạn khó khăn.




                
   

Thế giới đang ưu tiên giữ tiền mặt để phòng ngừa kịch bản xấu- Nguồn: sưu tầm

   

Tín hiệu từ việc khối ngoại rút ròng từ thị trường mới nổi

Tại báo cáo Giám sát Trái phiếu châu Á mới được phát hành, Ngân hàng phát triển châu Á (ADB) đánh giá khả năng trái phiếu khu vực Đông Á mới nổi đi theo xu hướng giảm vẫn đang lấn át khả năng đi lên của thị trường.

Trước khi dịch Covid-19 bùng phát, dù khả năng thị trường đi xuống chiếm ưu thế nhưng mức chênh giữa hai khả năng trên vẫn còn khá hẹp. Nhưng sự bùng nổ của Covid-19, vốn là rủi ro lớn nhất đối với triển vọng kinh tế và sự ổn định tài chính của các nước khu vực Đông Á mới nổi, đã khiến các dự đoán nghiêng hẳn về rủi ro giảm giá của thị trường.

Nhìn lại giai đoạn từ ngày 31/12/2019 đến 29/2/2020, lãi suất trái phiếu chính phủ kỳ hạn 2 năm và 10 năm giảm ở các nền kinh tế phát triển, một số nước châu Âu và ở hầu hết các thị trường Đông Á mới nổi. Lãi suất giảm đồng nghĩa với giá trái phiếu tăng. Trong bối cảnh rủi ro tăng cao, thị trường cổ phiếu bị bán tháo, thị trường trái phiếu khi đó đã trở thành kênh đầu tư an toàn với thu nhập cố định.

Tuy nhiên, quan sát của ADB cũng cho thấy khi dịch Covid-19 lan rộng trên toàn cầu, tâm lý rủi ro đã dẫn đến một số đợt bán tháo trên thị trường trái phiếu khu vực này vào tháng 1 và tháng 2. Trước đó, trong quý IV/2019, tỷ lệ sở hữu của khối ngoại đối với trái phiếu chính phủ bằng đồng nội tệ vẫn ổn định.

Trong giai đoạn vừa qua, tất cả các thị trường cổ phiếu trong khu vực đều giảm, phí của các hợp đồng hoán đổi rủi ro tín dụng (CDS) tăng do tâm lý tiêu cực của nhà đầu tư đến từ sự không chắc chắn liên quan đến Covid-19 và triển vọng nền kinh tế.

Cùng đó, hầu hết đồng tiền của các quốc gia trong khu vực suy yếu so với USD. Để giảm thiểu tiêu cực tác động của Covid-19 đến các hoạt động kinh tế và thị trường tài chính, nhiều quốc gia và ngân hàng trung ương đã đưa ra các chính sách bao gồm kích thích tài khóa và các công cụ tiền tệ như cắt giảm lãi suất.

Thống kê của Chứng khoán Bảo Việt cho thấy ở thị trường chứng khoán Việt Nam khối ngoại đã bán ròng 3.436 tỉ đồng trái phiếu chính phủ trên thị trường thứ cấp, một phần cũng do xu hướng dòng tiền rút ra khỏi các nước mới nổi. Chỉ tính riêng trong 1 tuần từ 16/3-20/3, khối ngoại bán ròng 517 tỷ đồng, với 1.725 tỷ đồng mua vào và 2.242 tỷ đồng bán ra.

Giai đoạn "Tiền mặt là vua"

Trên thế giới, trước thách thức bất ngờ từ dịch bệnh, các doanh nghiệp, tổ chức, quỹ đầu tư hay nhà đầu tư có xu hướng gia tăng lượng tiền mặt để chuẩn bị phòng thủ với các kịch bản xấu hơn khi chưa ai biết dịch bệnh khi nào sẽ kết thúc.Việc đồng USD lên giá hiện nay cho thấy thế giới đang ưu tiên giữ đồng tiền mạnh cũng như giữ tiền mặt để phòng ngừa kịch bản dịch bệnh còn diễn biến xấu.

Họ thực hiện chuyển dịch các tài sản sang tiền mặt, hoặc tương đương tiền và đặc biệt tích trữ lượng lớn đồng USD, đơn vị tiền tệ mà gần như 90% giao thương toàn cầu sử dụng để thanh toán. Trong giai đoạn vừa qua, từ châu Á, châu Âu đến Mỹ, nhiều công ty bắt đầu công bố cắt giảm chi phí, dừng mua lại cổ phần hoặc cắt giảm cổ tức cũng như đề nghị các ngân hàng gia hạn khoản vay.

Đơn cử như ngày 23/3, ông chủ SoftBank - Masayoshi Son - đã công bố kế hoạch chưa từng có tiền lệ khi bán bớt nhiều tài sản, trong đó có hàng triệu cổ phiếu của Alibaba nhằm huy động tới 41 tỷ USD. Kế hoạch này sẽ giúp Softbank cơ cấu lại các khoản nợ và tăng dự trữ tiền mặt.

Hay tại Mỹ, nhiều hãng bán lẻ lớn bị sụt giảm doanh thu sau khi đóng cửa hàng, đã đi vay hết hạn mức tín dụng mà ngân hàng có thể cấp. Ngày 20/3, Macy's đã vay thêm trong 1,5 tỷ USD hạn mức được cấp và dừng chia cổ tức hàng quý. Ngày 22/3, Best Buy cũng vay hết toàn bộ hạn mức 1,25 tỷ USD và dừng mua lại cổ phần. Tương tự, hãng viên thông lớn nhất thế giới AT&T thông báo dừng mua lại cổ phần để bảo toàn tiền mặt.

Còn trên thị trường năng lượng, việc giá dầu lao dốc 50% giá trị trong những tuần qua do tác động kép từ nhu cầu giảm lúc dịch bệnh và Saudi Arabia tăng nguồn cung đã khiến doanh thu nhiều các công ty dầu mỏ lao đao không phanh. Tập đoàn Total của Pháp đã phải dùng 5 tỷ USD tiền tiết kiệm và vay thêm khoản 4 tỷ USD để bù đắp khoản thiếu hụt 9 tỷ USD dự kiến do giá dầu thấp hơn. Còn ông lớn khác Shell cũng đã dừng chương trình mua lại cổ phần trị giá 25 tỷ USD và cho biết hãng có kế hoạch cắt giảm chi tiêu để tăng cân đối tài chính. Các hoạt động đầu tư đã giảm 20%.

Từ những động thái này cũng điều dễ hiểu khi chỉ số Dollar-Index trong vòng 1 tháng đã tăng từ 94,4 lên 100,9, tức tăng 6,9%. Chỉ số này theo dõi sức mạnh đồng USD so với giỏ các loại tiền tệ lớn gồm đồng EUR, JPY, GBP, CAD, SEK, CHF. Nếu so đồng USD với đồng tiền của các nước cận biên, mới nổi, sự lên giá của USD còn lớn hơn rất nhiều. Ðồng USD đại diện cho dòng chảy vốn quốc tế và dòng chảy vốn này đang có xu hướng đẩy mạnh gom vào USD.

Không những USD mà lợi tức trái phiếu kỳ hạn ngắn tại Mỹ liên tục giảm, có thời điểm xuống dưới 0%, hiện tại lợi tức trái phiếu kỳ hạn 1 tháng là 0,107%, lợi tức kỳ hạn 3 tháng 0,117%, lợi tức kỳ hạn 6 tháng 0,041%, lợi tức 1 năm là 0,346% và lợi tức 10 năm là 0,805%. Lợi tức trái phiếu kỳ hạn 1 tháng giảm từ 1,6% về mức 0,107% trong vòng 1 tháng qua thể hiện dòng tiền đẩy mạnh vào mua trái phiếu kỳ hạn ngắn, mang tính giữ tiền hơn là đầu tư.

Hiện tượng này vẫn chưa có dấu hiệu dừng, đặc biệt kênh đầu tư trái phiếu chính phủ thông thường là các tổ chức, ngân hàng đầu tư lớn thực hiện giao dịch. Diễn biến trên cho thấy, thế giới đang ưu tiên giữ đồng tiền mạnh, cũng như giữ tiền mặt để phòng ngừa kịch bản xấu.

NAM SƠN (Tổng hợp)
Cùng chuyên mục
Ngã rẽ dòng tiền thời Covid-19