Nâng cao công tác chăm sóc sức khỏe Nhân dân

(BKTO) - Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam vừa ký Chỉ thị số 16/CT-TTg về nâng cao công tác chăm sóc sức khỏe Nhân dân; chủ động thích ứng linh hoạt, góp phần phục hồi nhanh, phát triển bền vững.



                
   

Ảnh minh họa. Ảnh: Bộ Y tế

   

Nhằm nâng cao công tác chăm sóc sức khỏe Nhân dân; chủ động thích ứng linh hoạt, góp phần phục hồi nhanh, phát triển bền vững, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu:

Quán triệt đầy đủ, sâu sắc các quan điểm, chủ trương của Đảng

Thể chế kịp thời, toàn diện các quan điểm, chủ trương của Đảng về công tác y tế, nhất là tại các Nghị quyết số 20-NQ/TW; 21-NQ/TW Ban chấp hành Trung ương khóa XII, Nghị quyết Đại hội XIII.

Tiếp tục đặt sức khỏe, tính mạng của người dân lên trên hết, trước hết. Làm việc phải thực chất, hiệu quả, vì Nhân dân phục vụ. Mỗi cán bộ, nhân viên y tế đều khắc ghi và hành động theo lời dạy của Bác Hồ và 12 điều y đức; không ngừng trau dồi kiến thức, chuyên môn nghiệp vụ, làm giàu y lý, nâng cao y thuật.

Công tác chăm sóc sức khoẻ Nhân dân là công việc chung của toàn hệ thống chính trị với nòng cốt là ngành Y tế. Các Bộ, ngành, địa phương cần quan tâm đầu tư, dành nhiều thời gian chỉ đạo, nguồn lực hơn, tích cực hỗ trợ ngành Y tế theo đúng chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền.

Phát huy tinh thần đoàn kết; càng khó khăn, càng phức tạp, càng phải đoàn kết. Tiếp tục đề cao tinh thần trách nhiệm, năng động, sáng tạo, dám nghĩ dám làm, nhất là của người đứng đầu, người có thẩm quyền trong thực hiện các nhiệm vụ của ngành, địa phương về công tác y tế, trước hết là trong phòng, chống dịch Covid-19.

Triển khai công tác có trọng tâm, trọng điểm, tránh dàn trải. Xác định những việc quan trọng, cấp bách, cần giải quyết ngay; bảo đảm thực hiện tốt những công việc thường xuyên; ứng phó hiệu quả với những vấn đề phát sinh; có lộ trình, kế hoạch và phân công trách nhiệm cụ thể đối với các nhiệm vụ trung hạn và dài hạn.

Tiếp cận phát triển ngành Y tế một cách tổng thể, toàn diện cả y tế công lập và y tế tư nhân.

Quyết liệt chỉ đạo thực hiện có hiệu quả công tác phòng, chống dịch Covid-19

Triển khai đồng bộ, hiệu quả Chương trình phòng, chống dịch Covid-19 và các nội dung về y tế trong Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; chủ động, sẵn sàng cho mọi tình huống, không để dịch bệnh bùng phát trở lại. Tiếp tục triển khai nghiêm túc, hiệu quả chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, nhất là đồng bộ 3 trụ cột chống dịch là xét nghiệm, cách ly, điều trị; thực hiện nghiêm 2K (khẩu trang, khử khuẩn) + vaccine + thuốc + điều trị + công nghệ + ý thức người dân + các biện pháp khác.

Bộ Y tế tiếp tục phát huy vai trò nòng cốt, nắm chắc diễn biến dịch bệnh; chịu trách nhiệm việc đôn đốc, hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện phòng, chống dịch, trước mắt tập trung chỉ đạo quyết liệt việc tiêm vaccine, nhất là các địa phương có tỷ lệ tiêm chủng thấp.

Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về việc tiêm vaccine trên địa bàn.

Khẩn trương rà soát, hoàn thiện thể chế, chính sách, pháp luật về y tế

Tập trung rà soát, hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách về y tế trên cơ sở bám sát thực tiễn, phát hiện nhanh các vấn đề phát sinh và kịp thời điều chỉnh quy định của pháp luật có liên quan. Mạnh dạn đề xuất, áp dụng thí điểm các cơ chế, chính sách mới cho phù hợp; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, đi đôi với phân bổ nguồn lực, nâng cao năng lực cán bộ thực thi và tăng cường kiểm tra, giám sát.

Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương: Tiến hành sơ kết, đánh giá kết quả 5 năm thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW, Nghị quyết số 21-NQ/TW Ban chấp hành Trung ương khóa XII, trên cơ sở đó tiếp tục đề xuất, hoàn thiện hệ thống thể chế, chính sách, cơ chế quản lý của ngành; tập trung hoàn thiện Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) và các văn bản quy định chi tiết; tổ chức tổng kết thực tiễn, đề xuất việc sửa đổi Luật Dược, Luật Bảo hiểm y tế và các dự án luật khác có liên quan; nghiên cứu, đề xuất cơ chế đặc thù trong ngành y tế (như mua sắm, đấu thầu, đầu tư phát triển).

Các Bộ: Tư pháp, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Công Thương, Bảo hiểm xã hội Việt Nam chủ động, tích cực phối hợp với Bộ Y tế sửa đổi nhanh, tháo gỡ kịp thời các khó khăn, bất cập trong chính sách y tế, trước mắt là các vấn đề về mua sắm, đấu thầu, bảo đảm thuốc, trang thiết bị y tế, thanh toán chi phí bảo hiểm y tế.

Quan tâm động viên, nâng cao chế độ đãi ngộ đối với cán bộ y tế

Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với Bộ Nội vụ, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và các cơ quan liên quan nghiên cứu, đề xuất chế độ, chính sách tiền lương, phụ cấp đặc thù ngành (kể cả giải pháp nhằm giữ và thu hút nguồn nhân lực) đối với cán bộ y tế; chính sách hỗ trợ học viên, sinh viên các ngành thuộc lĩnh vực sức khỏe; chính sách về công nhận liệt sỹ khi hy sinh và có biện pháp phù hợp, hiệu quả để bảo vệ nhân viên y tế trong khi làm nhiệm vụ.

Các Bộ, ngành, trước hết là Bộ Y tế, UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chú trọng chỉ đạo việc khen thưởng, biểu dương, tôn vinh các tập thể, cá nhân có thành tích, đóng góp cho công tác phòng, chống dịch Covid-19, đồng thời xử lý nghiêm theo quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước đối với các trường hợp vi phạm.

Ngoài ra, Chỉ thị cũng nêu rõ các nội dung khác như: Bảo đảm đủ thuốc, trang thiết bị y tế; đẩy mạnh giải ngân, đổi mới tài chính, bảo hiểm y tế; phát triển hệ thống y tế cơ sở, y tế dự phòng; đẩy mạnh chuyển đổi số, cải cách hành chính y tế; phát triển công nghiệp dược, vaccine, trang thiết bị y tế…/.
HỒNG NHUNG
Cùng chuyên mục
Nâng cao công tác chăm sóc sức khỏe Nhân dân