Nâng cao chất lượng hoạt động của các doanh nghiệp bảo hiểm

(BKTO) – Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 3, chiều 27/5, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự án Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi). Theo đó, việc nâng cao chất lượng hoạt động của DN kinh doanh bảo hiểm, đảm bảo tính minh bạch, lành mạnh của thị trường bảo hiểm được nhiều đại biểu quan tâm.




                
   

Toàn cảnh phiên họp. Ảnh: VPQH

   

So với dự thảo Luật được Chính phủ trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 2, dự thảo Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi) lần này sau khi tiếp thu, chỉnh lý gồm 7 chương và 154 điều, trong đó giảm 1 chương và 3 điều, đáp ứng được các mục tiêu đề ra trong việc sửa đổi Luật Kinh doanh bảo hiểm.

Theo đại biểu Thái Quỳnh Mai Dung (Đoàn Vĩnh Phúc), dự thảo Luật trình Quốc hội xem xét thông qua kỳ họp này đã đáp ứng được các yêu cầu đề ra khi sửa đổi. Đó là, tăng cường trao quyền cho các DN bảo hiểm, nâng cao chất lượng hoạt động của các DN, thúc đẩy tính minh bạch và phát triển lành mạnh của thị trường.

Dự thảo Luật cũng quy định theo hướng tạo điều kiện cho các DN được phép tự chủ hơn và như vậy sẽ đòi hỏi các cơ quan quản lý nhà nước sẽ phải tăng cường hoạt động giám sát của mình. Chất lượng hoạt động của các DN sẽ được nâng cao cùng với các yêu cầu rất khắt khe về tỷ lệ an toàn vốn, về công bố thông tin cũng như là đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin nhằm chuẩn hóa hoạt động và các giao dịch của mình.

Tuy nhiên, đại biểu cho rằng, các quy định về nguồn nhân lực trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm vẫn chưa thực sự rõ ràng, chưa đạt được mục tiêu tiệm cận với thông lệ quốc tế. Đại biểu đề nghị đối với nhân sự chủ chốt của DN bảo hiểm, DN tái bảo hiểm cần được quy định rõ trong luật nhằm đảm bảo tính minh bạch, thống nhất, tương tự như quy định của Luật Chứng khoán và Luật Các tổ chức tín dụng.

Cũng theo đại biểu Dung, hiện nay chưa có đánh giá thực tế về hiện trạng “hợp đồng mồ côi” trong khi đây là một loại hợp đồng số lượng rất lớn và đã xảy ra trên thực tế. Vì vậy, đại biểu đề nghị phải có những quy định chặt chẽ hơn về nội dung này, nhất là từ phía công ty bảo hiểm phải có trách nhiệm chỉ định kịp thời đại lý bảo hiểm giám sát việc chuyển giao các hợp đồng bảo hiểm này một cách kịp thời cũng như các quyền, nghĩa vụ liên quan. Đồng thời đề nghị bổ sung đầy đủ các nội dung về tư vấn bảo hiểm, dịch vụ phụ trợ bảo hiểm để hạn chế tình trạng hợp đồng bảo hiểm này.

Góp ý vào dự thảo Luật, đại biểu Nguyễn Thị Thu Thủy (Đoàn Bình Định) đề xuất, dự thảo Luật cần quy định rõ: Thế nào là thông đồng gian dối thông tin của người mua bảo hiểm; đồng thời bổ sung thêm quy định về trách nhiệm, hậu quả pháp lý cụ thể của mỗi bên đối với các hành vi gian dối, cung cấp thông tin sai sự thật của bên mua bảo hiểm, nhưng có sự thông đồng, giúp sức của bên bán bảo hiểm.
                
   

Đại biểu Thái Quỳnh Mai Dung phát biểu thảo luận. Ảnh: VPQH

   

Đại biểu cũng cho rằng, cần có sự tính toán tăng chế tài đối với bên kinh doanh bảo hiểm có hành vi gian lận, đặc biệt trong bối cảnh các hành vi gian lận đang gia tăng về số lượng trên thị trường. Ngoài ra, cần có quy định về vấn đề liên thông khai báo thông tin của DN bảo hiểm, xây dựng hệ thống dữ liệu chung cho ngành kinh doanh bảo hiểm. Tuy nhiên giải pháp này cần đảm bảo an toàn, bảo mật thông tin của khách hàng, tránh làm ảnh hưởng quyền lợi của người mua.

Đề cập đến các chính sách phát triển hoạt động kinh doanh bảo hiểm, đại biểu Lê Minh Nam (Đoàn Hậu Giang) nêu rõ, khoản 2 Điều 5 của dự thảo Luật quy định, Nhà nước khuyến khích, tạo điều kiện để DN bảo hiểm, DN tái bảo hiểm, chi nhánh DN bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài, chi nhánh DN tái bảo hiểm nước ngoài, tổ chức tương hỗ cung cấp bảo hiểm vi mô nghiên cứu, phát triển sản phẩm, dịch vụ, ứng dụng công nghệ tiên tiến trong hoạt động kinh doanh bảo hiểm. Tuy nhiên, cần làm rõ đối tượng được hưởng chính sách khuyến khích, mục đích, ý nghĩa khuyến khích…

Đại biểu Phạm Văn Hòa (Đoàn Đồng Tháp) đề xuất, phải có quy định chặt chẽ hơn trong dự thảo Luật đối với các loại hình, các loại DN bảo hiểm, DN tái bảo hiểm đầu tư ra nước ngoài. Bởi mặc dù có ràng buộc theo quy định của pháp luật nhưng việc đầu tư ra nước ngoài bằng ngoại tệ rất khó kiểm soát.

Cũng theo đại biểu Hòa, quy định dịch vụ bảo hiểm qua biên giới theo điều ước quốc tế là cần thiết nhưng phải thận trọng, có quy định rõ ràng, rành mạch, tránh trường hợp bị lợi dụng để chuyển tiền ra nước ngoài thông qua loại hình bảo hiểm này một cách hợp pháp.
Đ. KHOA




Cùng chuyên mục
Nâng cao chất lượng hoạt động của các doanh nghiệp bảo hiểm