Lạm phát “phủ bóng” lên các nền kinh tế trên thế giới

(BKTO)- Nhiều quốc gia trên thế giới đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng giá sinh hoạt trầm trọng khi mức lạm phát tăng cao kỷ lục.



Một phần ba các nước EU có lạm phát từ 10% trở lên
                
   

9 thành viên của EU đã có mức lạm phát vượt 10% - Nguồn: AFP

   

Theo truyền thông châu Âu, mức tăng giá tiêu dùng đã đạt hai con số ở ít nhất 1/3 các nước EU. Mức tăng lạm phát nghiêm trọng nhất xảy ra ở khu vực Baltic. 9 thành viên của EU đã có ​​lạm phát vượt 10%, trong đó mức tăng lớn nhất là ở Estonia - nơi giá tiêu dùng đã tăng 19% so với cùng kỳ năm ngoái. Các quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề khác là Litva với lạm phát ở mức 16,8%, Bulgaria với 14,4%, Cộng hòa Séc với 14,2%, Romania (13,8%), Latvia (13%), Ba Lan (12,4%) và Slovakia (11,7%).

Thổ Nhĩ Kỳ, quốc gia đã trở thành ứng cử viên của EU kể từ năm 1999, có tỷ lệ lạm phát lên tới 70% trong tháng 4 do đồng tiền quốc gia sụp đổ. Trong khi đó, Cơ quan thống kê Hellenic (ELSTAT) nói rằng lạm phát ở Hy Lạp đã tăng lên hai con số vào tháng 4, lên tới 10,2% so với cùng kỳ năm ngoái.

Tăng giá ở tất cả các quốc gia này đều do hoạt động quân sự của Nga ở Ukraine và lạm phát tương ứng với mức độ mà mỗi quốc gia phụ thuộc vào năng lượng của Nga. Các biện pháp trừng phạt Nga và các biện pháp đáp trả của Nga đã khiến giá nhiên liệu hóa thạch tăng trên toàn cầu.

Trích dẫn dữ liệu của Eurostat cho năm 2020, tờ Financial Times cho biết gần như tất cả năng lượng nhập khẩu của Litva đều đến từ Nga, trong khi ở Slovakia và Hy Lạp, thị phần cung cấp năng lượng của Nga là gần 50%. Tháng trước, Litva trở thành quốc gia EU đầu tiên bỏ nhập khẩu khí đốt của Nga và vào ngày 22/5, nước này dự định ngừng nhập khẩu điện từ Nga. Theo Eurostat, giá năng lượng chiếm gần một nửa tỷ lệ lạm phát kỷ lục 8,1% của EU vào tháng trước. Năm trước, lạm phát trong khối chỉ là 2%.

Đầu tuần này, Ủy ban châu Âu đã công bố kế hoạch REPowerEU nhằm đẩy nhanh quá trình chuyển đổi xanh. Theo kế hoạch, EU sẽ cần 210 tỷ euro để thực hiện các thay đổi vào năm 2027, trong khi Ủy ban châu Âu trước đó ước tính rằng sẽ phải chi thêm 195 tỷ euro trong giai đoạn này để từ bỏ năng lượng của Nga.

Trong khi đó, tại Anh - quốc gia đã rời EU - lạm phát hàng năm trong tháng 4 đã tăng lên mức cao nhất trong 40 năm do chi phí năng lượng tăng vọt, khiến cuộc khủng hoảng giá sinh hoạt trở nên trầm trọng hơn.

Cụ thể, lạm phát giá tiêu dùng đã tăng từ 7% trong tháng 3 lên 9% trong tháng 4, mức cao nhất kể từ năm 1982. Tháng trước, giá tiêu dùng tại Anh đã tăng cao sau khi giá khí đốt và điện tăng lên do chi phí năng lượng leo thang. Nhà kinh tế trưởng của ONS Grant Fitzner nhận định việc giá điện và khí đốt tăng nhanh là nguyên nhân khiến lạm phát trong tháng 4 tăng mạnh. Sau khi các số liệu trên được công bố, tỷ giá đồng bảng Anh đã giảm 0,4% so với đồng USD.

Ngoại trưởng Anh Liz Truss thừa nhận nước này đang phải đối mặt với tình hình kinh tế rất khó khăn. Trong khi đó, Bộ trưởng Tài chính Anh Rishi Sunak nhấn mạnh mặc dù không thể bảo vệ người dân hoàn toàn trước những thách thức toàn cầu này, song chính phủ sẽ hỗ trợ hết sức và sẵn sàng tăng cường hành động để giúp người dân vượt qua cuộc khủng hoảng hiện nay.

Singapore: Lạm phát lõi trong tháng 4 cao kỷ lục
                
   

Lạm phát tăng cao kỷ lục tại Sigapore - Nguồn: Reuters

   

Theo thông báo chung của Cơ quan Tiền tệ và Bộ Thương mại và Công nghiệp Singapore, lạm phát lõi tại nước này trong tháng 4 tăng lên 3,3%, sau khi ở mức cao kỷ lục 10 năm trước đó là 2,9% vào tháng 3, do giá năng lượng và thực phẩm tăng. Đây là mức cao nhất kể từ tháng 1/2012, khi lạm phát lõi ở mức 3,5%. Lạm phát tăng do lạm phát giá thực phẩm, hàng hóa bán lẻ và các hàng hóa khác cũng như giá điện và khí đốt tăng.

Chỉ số giá tiêu dùng toàn phần tăng 5,4% trong tháng 4, bằng với mức của tháng 3, khi lạm phát giá các phương tiện cá nhân giảm. Lạm phát lõi không bao gồm giá phương tiện cá nhân và chi phí nhà ở thường chịu ảnh hưởng lớn do các chính sách phía nguồn cung và biến động.

Lạm phát giá thực phẩm tăng từ 3,3% trong tháng 3 lên 4,1% trong tháng 4, khi giá thực phẩm tươi sống và các dịch vụ ăn uống tăng mạnh hơn. Lạm phát giá hàng hóa bán lẻ và các hàng hóa khác tăng nhanh hơn, từ 0,4% trong tháng 3 lên 1,6% trong tháng 4, khi giá quần áo và giầy dép tăng.

Lạm phát giá điện và khí đốt tăng lên 19,7% trong tháng 4, từ mức 17,8% trong tháng 3, do thuế tăng. Trong khi đó, lạm phát giá dịch vụ giảm nhẹ từ mức 2,6% xuống 2,5%, khi giá vé máy bay giảm, nhờ các quy định về xét nghiệm COVID-19 được nới lỏng khi nhập cảnh Singapore cũng như một số điểm đến khác.
Lạm phát chi phí nhà ở tăng từ 3,5% lên 3,9%, khi chi phí thuê nhà tăng mạnh hơn, trong khi lạm phát giá phương tiện cá nhân giảm từ 21,5% xuống 18,3%.

Nhật Bản: Tỷ lệ lạm phát tăng cao nhất trong 7 năm
                
   

CPI của Nhật tăng 2,1% trong tháng 4 - Nguồn: The New York time

   

Theo số liệu của Chính phủ Nhật Bản vừa công bố, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) - thước đo để tính lạm phát, của nước này trong tháng 4 đã tăng 2,1% do giá hàng hóa tăng cao và đồng yen giảm làm tăng chi phí nhập khẩu. Đây là lần đầu tiên kể từ năm 2015, CPI của Nhật Bản tăng vượt mục tiêu 2% mà Ngân hàng trung ương Nhật Bản (BOJ) đề ra.

Cụ thể, trong tháng 4, giá năng lượng ở Nhật Bản đã tăng 19,1%, với giá xăng, dầu hỏa, hóa đơn thanh toán tiền gas và điện đều tăng ở mức 2 chữ số. Cước phí điện thoại di động đã giảm 22,5%, song tốc độ giảm đã chậm hơn đáng kể so với 52,7% một tháng trước đó.

Theo Bộ Nội vụ và Truyền thông Nhật Bản, tháng 3/2015, CPI của Nhật Bản cũng đã tăng trên 2% do tác động của việc nước này tăng thuế tiêu dùng từ 5% lên 8%.

Trong bối cảnh CPI tăng trên 2%, BOJ đã bác bỏ đồn đoán cho rằng cơ quan này sẽ siết chặt chính sách tiền tệ. Thống đốc BOJ Haruhiko Kuroda cho biết BOJ đặt mục tiêu đạt tỷ lệ lạm phát ở mức bền vững nhờ lương tăng mạnh, chứ không phải do giá cả hàng hóa tăng tạm thời.
NAM SƠN (Tổng hợp)
Cùng chuyên mục
Lạm phát “phủ bóng” lên các nền kinh tế trên thế giới