Kiến nghị Quốc hội tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ lập quy hoạch

(BKTO) - Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 3, sáng 30/5, Quốc hội đã nghe Đoàn giám sát báo cáo kết quả giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch kể từ khi Luật Quy hoạch có hiệu lực thi hành”. Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương điều hành phiên họp.



                
   

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương điều hành phiên họp. Ảnh: VPQH

   

Còn 104/111 quy hoạch chưa hoàn thành

Trình bày Báo cáo của Đoàn giám sát của Quốc hội về việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch kể từ khi Luật Quy hoạch có hiệu lực thi hành, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh nêu rõ, xây dựng và ban hành Luật Quy hoạch là sự nỗ lực, cố gắng lớn của Quốc hội, Chính phủ trong việc thể chế hóa Nghị quyết 13-NQ/TW ngày 16/01/2012 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XI.

Sau khi Luật Quy hoạch được thông qua, Quốc hội đã ban hành 07 luật, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành 01 pháp lệnh; Chính phủ đã ban hành 43 nghị định, các Bộ, ngành ban hành 96 thông tư hướng dẫn.
                
   

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh báo cáo kết quả giám sát. Ảnh: VPQH

   

Đến nay, công tác lập, thẩm định, phê duyệt nhiệm vụ lập quy hoạch cơ bản đã hoàn thành. Trong tổng số 111 quy hoạch được lập theo quy định của Luật Quy hoạch có 110 quy hoạch đã được phê duyệt nhiệm vụ, trong đó 41/42 quy hoạch cấp quốc gia, 6/6 quy hoạch vùng, 63/63 quy hoạch tỉnh.

Một số Bộ, ngành, địa phương đã có quyết tâm cao, khắc phục khó khăn để thực hiện nhiệm vụ nên đến nay, có 07/111 quy hoạch đã được quyết định hoặc phê duyệt, bao gồm: Quy hoạch sử dụng đất quốc gia, 04 quy hoạch ngành quốc gia trong lĩnh vực giao thông vận tải, Quy hoạch vùng đồng bằng sông Cửu Long và Quy hoạch tỉnh Bắc Giang.

Kinh phí lập quy hoạch đã được quan tâm bố trí. Theo Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, kinh phí lập quy hoạch trong Kế hoạch đầu tư công là 4.368 tỷ đồng, trong đó, vốn của các Bộ, ngành là 1.243,63 tỷ đồng; của 56 địa phương là 3.124,36 tỷ đồng. Số vốn đã giải ngân đến 28/02/2022 của các Bộ, ngành là 244,68 tỷ đồng (bằng 19,67%); các địa phương là 1.147,45 tỷ đồng (bằng 36,72%).

Tuy nhiên, Báo cáo giám sát cũng chỉ ra, quá trình triển khai Luật Quy hoạch gặp nhiều khó khăn, vướng mắc do Luật còn bất cập, có quy định chưa phù hợp, chưa rõ ràng. Bên cạnh đó, hoạt động quy hoạch được điều chỉnh ở nhiều văn bản luật và có nội dung mâu thuẫn, chồng chéo, bất cập dẫn đến khó khăn trong quá trình áp dụng pháp luật.

Do đó, tiến độ lập quy hoạch thời kỳ 2021-2030 rất chậm so với yêu cầu của Quốc hội và thực tiễn. Đến nay, còn 104/111 quy hoạch chưa hoàn thành lập, phê duyệt, ảnh hưởng đến việc thực hiện các mục tiêu của Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2021-2030, Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 2021-2025.

“Do tiến độ lập quy hoạch theo Luật Quy hoạch chậm nên phải tiếp tục kéo dài thời hạn và điều chỉnh Quy hoạch hiện hành thời kỳ 2011-2020, vì vậy đang tồn tại song song, đồng thời áp dụng hai loại quy hoạch” - ông Vũ Hồng Thanh cho biết.

Về trách nhiệm của cơ quan, tổ chức có liên quan Báo cáo nêu: Trong quá trình nghiên cứu và xây dựng Luật Quy hoạch, mặc dù Quốc hội, Chính phủ đã rất cố gắng và nỗ lực để thể chế hóa Nghị quyết 13-NQ/TW ngày 16/01/2012 nhưng kết quả chưa được như kỳ vọng do công tác quy hoạch có nhiều nội dung mới và phức tạp; các cơ quan phối hợp chưa lường hết những vấn đề phát sinh trong thực tiễn dẫn đến Luật Quy hoạch còn bất cập, vướng mắc khi triển khai trong thực tế.

Mặt khác, quá trình tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật về quy hoạch một số cơ quan, tổ chức chưa làm tròn trách nhiệm được giao, nhất là trong giai đoạn đầu như: chậm ban hành các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn công tác lập quy hoạch hoặc ban hành văn bản không đúng thẩm quyền, hình thức theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật hay văn bản có quy định không phù hợp gây khó khăn, làm chậm tiến độ lập quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch ngành quốc gia, quy hoạch vùng và quy hoạch tỉnh.

Việc tham mưu xử lý các vướng mắc liên quan đến kinh phí cho hoạt động quy hoạch, đấu thầu lựa chọn tư vấn lập quy hoạch và những khó khăn, vướng mắc trong quá trình tổ chức thi hành Luật Quy hoạch chưa hiệu quả.

Một số Bộ, cơ quan, đơn vị chưa chủ động rà soát, nghiên cứu và phối hợp chưa chặt chẽ trong quá trình soạn thảo các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến quy hoạch, nhất là chậm rà soát, nghiên cứu sửa đổi kịp thời các văn bản quy phạm pháp luật về quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn không còn phù hợp với thực tiễn.

Bên cạnh đó, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương với vai trò là cơ quan tổ chức lập quy hoạch nhưng chưa đôn đốc quyết liệt công tác lập quy hoạch tỉnh, không đạt được tiến độ đã đề ra.

“Đoàn giám sát đề nghị các cơ quan, tổ chức có liên quan nghiêm túc rút kinh nghiệm, đề xuất những giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn và đẩy nhanh tiến độ lập, phê duyệt các quy hoạch, bảo đảm chất lượng, hiệu quả” - Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh nêu rõ.

Cho phép chỉ định thầu để lựa chọn đơn vị tư vấn lập quy hoạch

Trên cơ sở kết quả giám sát, để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong công tác lập quy hoạch, Đoàn giám sát kiến nghị Quốc hội ban hành Nghị quyết giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch và một số giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, nâng cao chất lượng, đẩy nhanh tiến độ lập quy hoạch.

Theo đó, các giải pháp cần triển khai ngay để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong việc lập quy hoạch thời kỳ 2021-2030 đó là cho phép Chính phủ và các cơ quan liên quan được thực hiện các nội dung Luật Quy hoạch, các luật hiện hành chưa quy định hoặc đã quy định nhưng bất cập, vướng mắc thì được thực hiện khác với các Luật này để đẩy nhanh tiến độ lập, phê duyệt các quy hoạch cho đến khi Luật Quy hoạch được sửa đổi và có hiệu lực thi hành.
                
   

Quang cảnh phiên họp. Ảnh: VPQH

   

Trong đó, cho phép Chính phủ quy định rõ khái niệm và phương pháp tích hợp quy hoạch; quy định cụ thể về quy trình lập quy hoạch để lập quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng và quy hoạch tỉnh nhằm bảo đảm phương pháp tích hợp quy hoạch trong lập quy hoạch.

Đồng thời, cho phép áp dụng hình thức chỉ định thầu để lựa chọn đơn vị tư vấn lập quy hoạch cấp quốc gia và quy hoạch vùng chưa lựa chọn được tư vấn bảo đảm chất lượng, hiệu quả, chống tiêu cực, tham nhũng, lãng phí.

Đoàn giám sát cũng kiến nghị lập đồng thời các quy hoạch; điều chỉnh quy hoạch cấp thấp hơn thuộc hệ thống quy hoạch quốc gia (trừ quy hoạch đô thị và quy hoạch nông thôn) khi có nội dung không thống nhất với quy hoạch cấp cao hơn theo hướng không phải thực hiện quy trình lập nhiệm vụ quy hoạch; rút gọn quy trình thẩm định, phê duyệt việc điều chỉnh quy hoạch. Đồng thời, cho phép sử dụng nguồn kinh phí chi thường xuyên theo quy định của pháp luật về NSNN để chi cho việc điều chỉnh quy hoạch trong trường hợp này.

Trong trung và dài hạn, Đoàn giám sát kiến nghị Chính phủ tổng kết, đánh giá toàn diện việc thực hiện Luật Quy hoạch và các luật, văn bản quy phạm pháp luật có liên quan để kiến nghị sửa đổi, bổ sung Luật Quy hoạch, các luật có liên quan đến quy hoạch nhằm đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước về công tác quy hoạch, bảo đảm đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật.

Sau khi nghe Báo cáo của Đoàn giám sát, Quốc hội đã dành cả ngày để thảo luận tại hội trường về nội dung này.
Đ. KHOA
















Cùng chuyên mục
Kiến nghị Quốc hội tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ lập quy hoạch