Không thể chấp nhận bội chi, đi vay để chi cho những mục tiêu không cấp bách

(BKTO) - Việc Quốc hội ban hành Nghị quyết về chính sách tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội là cần thiết để Việt Nam không lỡ nhịp với nền kinh tế thế giới. Tuy nhiên, việc tính toán kỹ lưỡng nguồn lực thực hiện, đảm bảo các tiêu chí, nguyên tắc rõ ràng trong phân bổ nguồn lực, đồng thời lượng hóa được kết quả triển khai các chính sách hỗ trợ này là vấn đề được các đại biểu Quốc hội tiếp tục đề cập tại phiên thảo luận trực tuyến ngày 07/01 về dự thảo Nghị quyết về chính sách tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.



                
   

Quang cảnh phiên thảo luận tại Hội trường Diên Hồng, Nhà Quốc hội. Ảnh: quochoi.vn

   
Cần cam kết về sản phẩm đầu ra

Phát biểu thảo luận, đại biểu Vũ Thị Lưu Mai (đoàn Hà Nội) đánh giá, chính sách tài khoá, tiền tệ hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội là sự gửi gắm niềm hy vọng của người dân và DN vào một tương lai tốt đẹp hơn nhưng cần cụ thể và rõ trách nhiệm hơn.

Đặc biệt, theo đại biểu, nếu không có cam kết về những kết quả đạt được thì khó có thể có thước đo chính xác để đánh giá hiệu quả sau này. Do đó, cần đưa ra những cam kết cụ thể, có thể có những sản phẩm hữu hình, có những kết quả vô hình nhưng đều có thể tính toán được.

Về căn cứ và tiêu chí để đầu tư nguồn lực, đại biểu cho rằng, căn cứ Luật Đầu tư công và các Nghị quyết về phân bổ ngân sách, một trong những nguyên tắc quan trọng là tất cả nguồn lực được phân bổ phải dựa trên những nguyên tắc, tiêu chí, điều kiện ràng buộc. Vì vậy cần bổ sung vào dự thảo Nghị quyết những nội dung cụ thể về nguyên tắc, tiêu chí tương ứng với từng gói chính sách.                
   

Đại biểu Vũ Thị Lưu Mai phát biểu thảo luận. Ảnh: quochoi.vn

   

Về danh mục dự án được sử dụng nguồn lực từ gói hỗ trợ, có ý kiến cho rằng, danh mục dự án cần bao quát mọi lĩnh vực đời sống xã hội, nhưng theo quan điểm của đại biểu, cần tập trung vào hai lĩnh vực cụ thể. Đó là những ngành nghề bị tác động nhiều nhất bởi dịch bệnh và những ngành nghề có ý nghĩa thúc đẩy tăng trưởng quan trọng nhất. “Chúng ta không chấp nhận bội chi, không chấp nhận đi vay để đầu tư cho những mục tiêu chưa thực sự cấp bách” - đại biểu Vũ Thị Lưu Mai nhấn mạnh.

Liên quan đến dự thảo Nghị quyết, đại biểu cho rằng, tờ trình có hay tới mấy thì Nghị quyết của Quốc hội mới là căn cứ pháp lý để thực hiện sau này, vì thế nghị quyết cần bổ sung về đối tượng áp dụng chính sách; thời hạn hoàn thành; quy định cụ thể về trách nhiệm, thẩm quyền và cần quy định cụ thể lộ trình thanh toán nợ gốc; bổ sung những cam kết về sản phẩm đầu ra gắn với nội dung Nghị quyết.

“Đề án trình Quốc hội lần này là chủ trương đúng đắn, nhưng là việc khó khăn, là thử thách đòi hỏi trí tuệ, sự quyết tâm. Chúng ta chấp nhận rủi ro nhưng cần những bước đi vững chắc, cũng không chịu tác động của bất kỳ xu thế quốc tế nào vì mỗi quốc gia có con đường đi riêng, khác nhau; cũng như không chịu áp lực bởi mục tiêu tăng trưởng, thành tích; vấn đề cốt lõi cần đạt được là yếu tố thực chất và hiệu quả" - đại biểu bày tỏ.

Đại biểu Nguyễn Văn Huy (đoàn Thái Bình) cũng cho rằng, về lâu dài việc ổn định kinh tế vĩ mô là rất quan trọng nên cần phải cân nhắc, tính toán kỹ lưỡng; đồng thời chú ý đến vấn đề lạm phát, vay nợ công, thâm hụt NSNN và duy trì trong giới hạn chấp nhận được trong giai đoạn nhất định.

Đại biểu cũng đề nghị Chính phủ cần rà soát kỹ lưỡng các đối tượng được hỗ trợ để bảo đảm tiềm năng hấp thụ vốn của nền kinh tế và khả năng trả nợ trong tương lai. Thống nhất việc hỗ trợ DN là trọng tâm, ưu tiên song hỗ trợ như thế nào là vấn đề cần được tính toán thận trọng, đại biểu Nguyễn Văn Huy kiến nghị, trong triển khai chương trình phải xem xét hỗ trợ cho DN, lĩnh vực, ngành nghề phù hợp, đáp ứng đúng nhu cầu tính toán, khả năng hấp thụ của ngành. Do đó, chính sách tài khóa về đẩy mạnh đầu tư công cần xác định đúng, trọng tâm, trọng điểm, không dàn trải, cần chi cho dự án đầu tư có khả năng, tác động lan tỏa, kích thích phát triển.

Đại biểu Mai Văn Hải (đoàn Thanh Hóa) lưu ý, đây là chương trình có quy mô lớn, với gần 350.000 tỷ đồng nên cần quan tâm đến giải pháp. Đồng tình với phương án huy động vốn trình Chính phủ, đại biểu đề xuất cần phải làm rõ dự kiến nguồn huy động trong nước, nguồn vốn vay nước ngoài là bao nhiêu. Theo quan điểm của đại biểu, nên huy động nguồn vốn trong nước là chính. Vốn vay nước ngoài cũng quan trọng nhưng cần phải cân nhắc kỹ lưỡng về thời gian vay, hạn trả nợ, lãi suất không phải là hấp dẫn, hơn nữa cần ràng buộc nhiều điều kiện khác.

Phòng, chống tham nhũng, trục lợi chính sách

Đề cập đến gói hỗ trợ 2%/năm lãi suất thông qua hệ thống các ngân hàng thương mại cho các DN, hợp tác xã, hộ kinh doanh với giá trị 40 nghìn tỷ đồng, nhiều đại biểu Quốc hội có chung quan điểm, cần hỗ trợ có trọng tâm, trọng điểm, hỗ trợ một số lĩnh vực phải chịu thiệt hại nặng nề bởi đại dịch như du lịch, vận tải hành khách, dịch vụ nhà hàng, khách sạn, dịch vụ ăn uống... Đồng thời, ngành ngân hàng, nhất là ngân hàng thương mại cần cải cách thủ tục hành chính để DN và người dân dễ dàng tiếp cận gói chính sách này. Cùng với đó, cần kiểm soát thật chặt chẽ nguồn vốn cho vay, tránh tình trạng DN, người dân vay không dùng vào mục đích phục hồi sản xuất mà đem đầu tư tài chính, đầu tư bất động sản và một số lĩnh vực rủi ro khác.                
   

Đại biểu Đàng Thị Mỹ Hương phát biểu thảo luận trực tuyến. Ảnh: quochoi.vn

   
Theo đại biểu Đàng Thị Mỹ Hương (đoàn Ninh Thuận) để đảm bảo đạt được mục tiêu đề ra tại dự thảo Nghị quyết, cần rà soát các giải pháp phù hợp, đảm bảo tính khả thi. “Việc bố trí nguồn lực khá lớn, quy định thời gian thực hiện khá ngắn, chủ yếu trong hai năm 2022-2023, đề nghị trong triển khai thực hiện cần đưa ra các tiêu chí, nguyên tắc rõ ràng, quy định thứ tự ưu tiên, các nội dung cụ thể cần làm ngay, nội dung cần triển khai từng bước để đảm bảo tính khả thi” - đại biểu nêu ý kiến.

Đặc biệt, theo đại biểu Hương, ngoài các giải pháp được quy định tại dự thảo Nghị quyết, cần rà soát, bổ sung giải pháp về cải cách thể chế, cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; đẩy nhanh việc rà soát, tháo gỡ các rào cản về thể chế, các quy định pháp luật còn cản trở hoạt động sản xuất kinh doanh; quy định chặt chẽ công tác giám sát, kiểm tra, xử lý nghiêm các sai phạm trong hoạt động đầu tư công, quản lý tài chính nhà nước. Đây là vấn đề rất quan trọng cần triển khai thực hiện ngay để kịp thời tháo gỡ các điểm nghẽn.

Đặc biệt, để đảm bảo mục tiêu phòng, chống tham nhũng, tránh lợi dụng chính sách trục lợi, lợi ích nhóm, nhiều đại biểu đề nghị cần có quy định đảm bảo cơ chế kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực trong thực hiện các mục tiêu của Chương trình. “Dự thảo Nghị quyết cần quy định cụ thể về việc Chính phủ báo cáo tình hình, tiến độ thực hiện Chương trình đến với Quốc hội hằng năm. Đây cũng là để Quốc hội kịp thời nắm bắt tình hình thực hiện nhiệm vụ giám sát theo quy định tại dự thảo Nghị quyết” - đại biểu Đàng Thị Mỹ Hương đề xuất.

Đ. KHOA








Cùng chuyên mục
Không thể chấp nhận bội chi, đi vay để chi cho những mục tiêu không cấp bách