Khai mạc Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2021: Phục hồi và phát triển bền vững

(BKTO) - Sáng 05/12, Diễn đàn Kinh tế Việt Nam năm 2021: Phục hồi và phát triển bền vững đã chính thức khai mạc với sự chủ trì của Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ.



Tham dự Diễn đàn có: Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn; Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh; Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh Nguyễn Xuân Thắng; lãnh đạo Chính phủ, Quốc hội, đại biểu Quốc hội các thời kỳ, lãnh đạo các Bộ, ban, ngành cùng nhiều chuyên gia kinh tế - tài chính trong nước và quốc tế.                
   

Quang cảnh Diễn đàn tại điểm cầu Trung tâm Hội nghị Quốc tế 11 Lê Hồng Phong. Ảnh: TTXVN

   

Diễn đàn do Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Ban Kinh tế Trung ương và Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam đồng tổ chức, được kết nối trực tuyến với hơn 60 điểm cầu trong nước và quốc tế.

Hiến kế các giải pháp tổng thể phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội

Phát biểu khai mạc Diễn đàn, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ, hai năm qua, dịch bệnh Covid-19 đã gây thiệt hại trên phạm vi toàn cầu, trong đó có Việt Nam. Năm 2020, Việt Nam đã kiểm soát tốt dịch bệnh và duy trì được tăng trưởng kinh tế với tốc độ 2,91%, là một trong số những quốc gia có tốc độ tăng trưởng dương cao nhất thế giới

Năm 2021, với nhiều giải pháp đồng bộ để thực hiện nhiệm vụ kép, phòng, chống dịch Covid-19 và phục hồi kinh tế nên 6 tháng đầu năm, Việt Nam đạt tốc độ tăng trưởng 5,96%. Tuy nhiên, dịch bệnh bùng phát lần thứ tư với chủng mới Delta đã gây thiệt hại nặng nề cho cả kinh tế và các lĩnh vực xã hội, quý III tăng trưởng kinh tế âm 6,7% nên 9 tháng đầu năm, tăng trưởng kinh tế chỉ đạt 1,42% và dự kiến cả năm vẫn đạt tăng trưởng dương nhưng chắc chắn không đạt được mục tiêu mà Đảng và Nghị quyết của Quốc hội đề ra. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến việc thực hiện các mục tiêu của năm 2021 mà còn cho cả nhiệm kỳ 5 năm tới.

Đối phó với dịch bệnh và phục hồi, phát triển kinh tế, các nước đã tung ra nhiều gói giải pháp và tiền tệ tùy vào khả năng và nguồn lực mỗi nước. Để ứng phó dịch bệnh, Việt Nam sử dụng linh hoạt các chính sách tài khóa, tiền tệ với tổng quy mô khoảng 4%/GDP, trong đó, gói tài khóa khoảng 2,9% và gói tiền tệ khoảng 1,1%, thấp hơn một chút so với các nước đang có thu nhập trung bình thấp (khoảng 4,3%).

Quốc hội cũng ban hành nhiều Nghị quyết về tài chính, ngân sách, đầu tư công, tái cơ cấu nền kinh tế… là khuôn khổ cho phát triển kinh tế 5 năm. Quốc hội cũng đã giao Chính phủ xây dựng chương trình tổng thể phục hồi kinh tế - xã hội theo phương châm thích ứng, an toàn và linh hoạt; xây dựng chiến lược phòng, chống dịch Covid-19 và xây dựng các gói tài chính, tiền tệ…                
   

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu khai mạc Diễn đàn. Ảnh: TTXVN

   

Nếu chuẩn bị kịp, cuối năm nay Quốc hội sẽ tổ chức kỳ họp bất thường để quyết định các vấn đề quan trọng liên quan quốc kế, dân sinh, trong đó có gói hỗ trợ.

Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2021 là cơ hội để Quốc hội, các cơ quan, tổ chức hữu quan lắng nghe ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học trong và ngoài nước, các đối tác phát triển của Việt Nam, các đại biểu Quốc hội qua các thời kỳ, nhân dân, cử tri và cộng đồng DN trong cả nước hiến kế các giải pháp tổng thể để phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội một cách bền vững; những chính sách cụ thể về huy động, phân bổ và sử dụng các nguồn lực thuộc chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ với quy mô, liều lượng hợp lý nhất cũng như sự phối hợp giữa các chính sách này để duy trì tăng cường các động lực tăng trưởng, vừa bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, vừa đáp ứng yêu cầu trước mắt, vừa đáp ứng mục tiêu dài hạn của phát triển bền vững hướng tới thúc đẩy đổi mới sáng tạo, tăng trưởng xanh và chuyển đổi số.

Theo Chủ tịch Quốc hội, đây là diễn đàn 2 chữ P: Phục hồi và phát triển, nhưng “Phát triển không phải bằng mọi giá mà cả trước mắt, duy trì phát triển phục hồi kinh tế, nhưng vẫn phải bám vào mục tiêu dài hạn, đảm bảo phát triển nhanh, bền vững, cả về kinh tế, môi trường, ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát” - Chủ tịch Quốc hội nói.

Tìm kiếm các dư địa tài chính, tiền tệ ngoài khung khổ chính sách đã có

Theo đó, Diễn đàn sẽ tập trung thảo luận về tình hình thế giới, sự xuất hiện biến chủng mới, các phân tích đánh giá xu hướng dịch bệnh của thế giới và những tác động đến kinh tế vĩ mô, động lực tăng trưởng của Việt Nam. Những kinh nghiệm quốc tế cũng được thảo luận về phòng, chống dịch, kiến nghị đề xuất cho chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, các gợi ý chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ để hỗ trợ cho phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.                
   

Các đại biểu tham dự Diễn đàn. Ảnh: TTXVN

   

Bên cạnh đó, Diễn đàn cũng sẽ trao đổi, giải đáp câu hỏi huy động nguồn lực từ đâu, nhất là trong điều kiện thị trường vốn trung và dài hạn của Việt Nam còn đang hạn chế; phân bổ các nguồn lực như thế nào; giải đáp được câu hỏi là năng lực hấp thụ với nền kinh tế, nhất là trong điều kiện còn những điểm nghẽn, những vướng mắc... Ví dụ như cổ phần hóa DNNN, giải ngân đầu tư công…

Vì vậy, phải làm sao giải quyết được những điểm nghẽn để tăng cường năng lực hấp thụ vốn; đưa vốn vào đâu cho đúng mục đích, bảo đảm yêu cầu công khai, minh bạch, phòng, chống lợi ích cục bộ, lợi ích nhóm khi đề ra và tổ chức thực hiện các nhóm chính sách và các giải pháp này.

Chủ tịch Quốc hội cũng nhấn mạnh, những giải pháp chính sách tài chính, tiền tệ và đề xuất trong Diễn đàn này là ngoài khung khổ chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa mà Quốc hội đã quyết định, cho phép tìm kiếm một không gian, một dư địa ngoài khung khổ Quốc hội đã quyết định; là những khung khổ tài chính và tiền tệ bổ sung.

Theo Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, đây là diễn đàn mở, cùng với 2 điểm cầu chính thì diễn đàn còn kết nối 57 điểm cầu trên cả nước, với sự tham gia của Trung ương, địa phương, các nhà khoa học, chuyên gia, đại biểu Quốc hội. Cùng với đó là 3 điểm cầu quốc tế Mỹ, Pháp và Thái Lan.

“Đây là diễn đàn đa chiều, tương tác. Ngoài 2 chữ P, diễn đàn thể hiện mối quan hệ mật thiết chính sách và cuộc sống. Nếu những chính sách vĩ mô quyết định không xuất phát từ hơi thở, thực tiễn cuộc sống sẽ không hiệu quả; thực tiễn không phản ánh vào chính sách thì sẽ không trôi chảy” - Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, bất cứ cá nhân nào muốn tham gia có thể kết nối, đóng góp và hiến kế.

Sau phát biểu của Chủ tịch Quốc hội, Diễn đàn bắt đầu phiên toạ đàm cấp cao với chủ đề “Một số gợi ý đối với Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội Việt Nam”.
Đ. KHOA
Cùng chuyên mục
Khai mạc Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2021: Phục hồi và phát triển bền vững