Hoàn thiện pháp luật về thi đua, khen thưởng, khắc phục tình trạng "chạy" thành tích, đua danh hiệu

(BKTO) - Sáng 06/9, tại Nhà Quốc hội, Viện Nghiên cứu lập pháp thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội phối hợp với Ủy ban Xã hội của Quốc hội tổ chức Hội thảo “Hoàn thiện pháp luật về thi đua, khen thưởng đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế” theo hình thức trực tuyến. Tại Hội thảo, các đại biểu đã thẳng thắn chỉ ra những bất cập trong công tác thi đua, khen thưởng đồng thời góp ý, đề xuất các nội dung nhằm hoàn thiện Dự thảo Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi) sẽ được Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 2 sắp tới.



Thi đua khen thưởng còn tràn lan, hình thức

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh nhấn mạnh, sau 17 năm thực hiện, Luật Thi đua, khen thưởng đã và đang đi vào cuộc sống, được các cấp, các ngành tổ chức thực hiện có hiệu quả; công tác thi đua và khen thưởng ngày càng có vị trí quan trọng trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc và trong đời sống xã hội. Các phong trào thi đua yêu nước có nhiều đổi mới về nội dung, hình thức thiết thực và có hiệu quả hơn...                
   

Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh phát biểu tại Hội thảo - Ảnh: quochoi.vn

   

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được vẫn còn có một số hạn chế, bất cập như: đối tượng điều chỉnh khá rộng song chưa bao quát được đầy đủ các ngành, các cấp, các thành phần kinh tế...; thủ tục hành chính về khen thưởng còn phức tạp; một số phong trào thi đua còn hình thức; việc khen thưởng còn tràn lan, chưa kịp thời, một số trường hợp chưa chính xác, một số nơi còn hiện tượng cào bằng; chưa thực sự quan tâm khen thưởng cho người lao động trực tiếp sản xuất…

Làm rõ hơn bất cập trong công tác thi đua, khen thưởng, ông Nguyễn Đình Hiển - Phó Vụ trưởng Vụ Thi đua, khen thưởng, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho rằng, công tác thi đua, khen thưởng đối với khối ngoài Nhà nước chưa được triển khai tốt, chưa xác định đúng vị trí, vai trò của công tác thi đua, khen thưởng. Việc phát động và tổ chức phong trào thi đua có nơi, có lúc còn hình thức, chưa thường xuyên, thiếu tiêu chí thi đua, nội dung chưa thực chất, chưa gắn với nhiệm vụ chuyên môn được giao và chưa tạo động lực cho từng tập thể, cá nhân hoàn thành nhiệm vụ.

Đồng quan điểm, Phó Trưởng Ban Dân nguyện Lưu Bình Nhưỡng đánh giá, thời gian vừa qua một số phong trào thi đua còn hình thức; việc khen thưởng còn tràn lan, chưa kịp thời, một số trường hợp chưa chính xác, vẫn còn hiện tượng cào bằng. Bên cạnh đó, trong công tác thi đua khen thưởng cũng chưa thực sự quan tâm khen thưởng cho người lao động trực tiếp sản xuất.

Yêu cầu đặt ra khi sửa đổi Luật Thi đua khen thưởng

Từ thực tiễn công tác thi đua, khen thưởng, tại Hội thảo, các đại biểu đã tập trung đóng góp ý kiến, đề xuất các nội dung cần quan tâm hoàn thiện trong dự thảo Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi) nhằm khắc phục những tồn tại, bất cập, đáp ứng yêu cầu đặt ra đối với công tác thi đua, khen thưởng trong bối cảnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.

Góp ý tại Hội thảo, ông Nguyễn Quốc Sửu - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Nội vụ Hà Nội - cho rằng việc sửa Luật Thi đua, khen thưởng cần hướng nhiều hơn về cơ sở; chú trọng khen thưởng công nhân, nông dân, người lao động trực tiếp sản xuất, kinh doanh; quan tâm khen thưởng ở cơ sở, nhất là vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, hải đảo và vùng dân tộc thiểu số, không phải chỉ công nhân, nông dân. Khen thưởng cần phải kịp thời, thành tích đến đâu khen đến đó theo chủ trương của Đảng và tư tưởng của Bác Hồ. Cùng với đó, cần khắc phục được bệnh hình thức và bệnh thành tích trong thi đua khen thưởng. Bệnh thành tích tức là chạy danh hiệu thi đua. Cần tăng cường các quy định cấm để giải quyết tình trạng đi chạy thành tích, đi xin khen thưởng. Theo ông Sửu, tinh thần sửa Luật cần xác định cơ chế: “Quần chúng là người phản biện đề xuất khen thưởng của cấp trên trực tiếp người được khen, cũng như người đề xuất khen thưởng phải trách nhiệm về sự đề xuất đúng đắn của mình, thậm chí cần có cơ chế rút hay hủy quyết định khen thưởng”.
                
   

Các đại biểu tham dự Hội thảo qua hình thức trực tuyến - Ảnh: quochoi.vn

   

Nhấn mạnh một trong những bất cập hiện nay là thi đua theo kiểu cào bằng, thậm chí nhường nhau để phân bổ danh hiệu nhằm hưởng quyền lợi như nâng lương trước thời hạn, quy trình còn nhiêu khê, gây ra tâm lý “làm cho qua” ở nhiều cơ quan, đơn vị, Ths. Đậu Công Hiệp - Trường Đại học Luật Hà Nội, đề xuất cần bổ sung thêm từ “cạnh tranh lành mạnh” vào nguyên tắc thi đua ở điểm a, khoản 1, Điều 6 của Dự thảo Luật, cần có sự cạnh tranh, phân hóa rõ ràng cao, thấp, nhằm nâng cao vai trò của công tác thi đua, khen thưởng.

Để khắc phục, giải quyết căn bệnh hình thức, thành tích, nặng tính tích lũy, “gối đầu” và đảm bảo tính kịp thời, khen thưởng đúng người, đúng việc, đúng thời điểm, Phó Trưởng Ban Dân nguyện Lưu Bình Nhưỡng kiến nghị, công tác thi đua khen thưởng phải khắc phục hạn chế hiện nay, đi vào thực chất; tránh nhầm lẫn khen thưởng những người hoàn thành nhiệm vụ. Đồng thời, Dự thảo Luật cũng cần rà soát để có những quy định chặt chẽ về tiêu chí, thủ tục, trình tự khen thưởng; đảm bảo tính tương xứng giữa danh hiệu với mức khen thưởng; tạo động lực thúc đẩy sự phát triển, phát huy được tính tích cực, chủ động của mỗi cá nhân…

Theo PGS,TS. Nguyễn Toàn Thắng - Viện Văn hóa và Phát triển, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, dự thảo Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi) đã có những điều chỉnh phù hợp với yêu cầu của công tác thi đua, khen thưởng trong thực tiễn, tuy nhiên vẫn còn những vấn đề cần nghiên cứu để tiếp tục bổ sung hoàn chỉnh. Trong đó, Dự thảo Luật cần xem xét cụ thể hơn các quy định về “khen” và “thưởng”. Đây là 2 vấn đề quan hệ gắn bó, có ý nghĩa cả về tinh thần và vật chất. Những quy định về “khen” và “thưởng” phải tương ứng, đúng mức, hợp lý theo yêu cầu từ thực tiễn cuộc sống thì mới có tác dụng tạo động lực thật sự cho công tác thi đua hướng tới sự phát triển đất nước.

Đánh giá cao các ý kiến thảo luận, tham luận tại Hội thảo, Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp Nguyễn Văn Hiển khẳng định đây là nguồn thông tin quý báu phục vụ hữu hiệu cho công tác hoàn thiện, thẩm tra dự án Luật Thi đua, khen thưởng trong thời gian tới./.
Đ. KHOA
Cùng chuyên mục
Hoàn thiện pháp luật về thi đua, khen thưởng, khắc phục tình trạng "chạy" thành tích, đua danh hiệu