Giải ngân kịp thời nguồn vốn hỗ trợ doanh nghiệp, người lao động gặp khó khăn do Covid-19

(BKTO) – Một trong những yêu cầu đặt ra khi thực hiện chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 là giải ngân kịp thời, giám sát chặt chẽ để tránh tiêu cực.



                
   

Ngân hàng Chính sách xã hội tổ chức Hội nghị trực tuyến bàn giải pháp nhằm sớm đưa Nghị quyết 68 và Quyết định 23 đi vào cuộc sống.
   - Ảnh: vbsp.org.vn

   

Để kịp thời tháo gỡ khó khăn cho người dân bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19, ngày 01/7/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 68/NQ-CP về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 (Nghị quyết 68) và Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg ngày 07/7/2021 quy định về việc thực hiện một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 (Quyết định 23). Trong đó, nội dung đáng lưu ý là Ngân hàng Chính sách xã hội thực hiện cho vay đối với người sử dụng lao động để trả lương ngừng việc và trả lương phục hồi sản xuất đối với người lao động.

Phát biểu tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc về chính sách hỗ trợ người sử dụng lao động vay vốn để trả lương ngừng việc và trả lương phục hồi sản xuất theo Nghị quyết 68 và Quyết định 23, Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (Bộ LĐ-TB&XH) Lê Văn Thanh đánh giá cao Ngân hàng Chính sách xã hội đã nhanh chóng, tích cực triển khai Nghị quyết, Quyết định, góp phần sớm đưa các chính sách hỗ trợ vào cuộc sống.

“Để thực hiện hiệu quả chính sách hỗ trợ, toàn hệ thống chính trị cần sớm vào cuộc quyết liệt, từ khâu xác định đúng đối tượng cho vay đến khâu giải ngân vốn kịp thời và giám sát chặt chẽ để tránh tiêu cực, đảm bảo công khai, minh bạch trong quá trình thực hiện” - Thứ trưởng Lê Văn Thanh nhấn mạnh.

Thứ trưởng đề nghị Ngân hàng Chính sách xã hội làm tốt công tác tuyên truyền để cấp ủy, chính quyền các cấp, DN hiểu rõ nội dung của Nghị quyết 68, Quyết định 23; huy động sự vào cuộc đồng nhất từ Trung ương đến địa phương. Đồng thời, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội thực hiện tốt việc tuyên truyền chính sách, phát huy vai trò giám sát việc thực hiện chính sách…
                
   

Đại biểu tại các điểm cầu - Ảnh: vbsp.org.vn

   

Với tinh thần triển khai chính sách cho vay nhanh chóng, kịp thời, thuận tiện “phục vụ tại nhà, giải ngân tại xã” và hiệu quả, Tổng Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam Dương Quyết Thắng yêu cầu chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh, thành phố xác định việc triển khai chính sách hỗ trợ người sử dụng lao động vay vốn để trả lương ngừng việc và trả lương phục hồi sản xuất đối với người lao động là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu trong thời gian tới. Tập trung công khai chính sách đến các Điểm giao dịch xã, “mỗi cán bộ là một tuyên truyền viên” để tuyên truyền chính sách đến toàn thể DN, người dân trên địa bàn.

Tổng Giám đốc Dương Quyết Thắng đề nghị cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp tiếp tục quan tâm chỉ đạo hoạt động tín dụng chính sách xã hội nói chung cũng như hỗ trợ người sử dụng lao động vay vốn để trả lương ngừng việc và trả lương phục hồi sản xuất đối với người lao động theo Quyết định 23, góp phần đảm bảo chính sách nhanh chóng đi vào cuộc sống./.
         
Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước, đối với chương trình cho vay người sử dụng lao động để trả lương ngừng việc, đến ngày 31/01/2021 (thời điểm dừng giải ngân theo quy định), Ngân hàng Nhà nước đã giải ngân tái cấp vốn cho Ngân hàng Chính sách xã hội với tổng số tiền 42,9 tỷ đồng và Ngân hàng Chính sách xã hội đã cho vay đối với 245 người sử dụng lao động trên 11.276 người lao động ngừng việc tại địa bàn 56 tỉnh, thành phố với dư nợ 41,82 tỷ đồng. Dư nợ của chương trình tại Ngân hàng Chính sách xã hội đến nay là 38,47 tỷ đồng.

THÀNH ĐỨC

Cùng chuyên mục
Giải ngân kịp thời nguồn vốn hỗ trợ doanh nghiệp, người lao động gặp khó khăn do Covid-19