ECB chấm dứt chính sách nới lỏng tiền tệ kéo dài một thập kỷ

(BKTO)- "Cơn bão" lạm phát vẫn tiếp tục tràn qua các nền kinh tế trên thế giới. Trong những biện pháp được đưa ra ứng phó suốt thời qua, nhiều quốc gia đã liên tục có những động thái tăng lãi suất cơ bản như một công cụ hữu hiệu để ngăn đà lạm phát. Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) mới đây cho biết sẽ chấm dứt chính sách nới lỏng tiền tệ, mở đường cho việc tăng lãi suất cơ bản. Tương tự, Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc (BoK) ngày hôm nay cũng tuyên bố không loại trừ khả năng tiếp tục tăng lãi suất để kiềm chế lạm phát.



ECB chấm dứt chính sách nới lỏng tiền tệ
                
   

ECB chấm dứt chính sách nới lỏng tiền tệ mở đường cho tăng lãi suất cơ bản - Nguồn: Sưu tầm

   

Ngày 9/6, tại Hà Lan, Hội đồng Thống đốc ECB đã quyết định chấm dứt chính sách nới lỏng tiền tệ, mở đường cho việc tăng lãi suất cơ bản.Trước mức lạm phát tăng cao, định chế tài chính lớn nhất châu Âu nhận định các biện pháp hỗ trợ tiền tệ không còn cần thiết và xác nhận sẽ chấm dứt chương trình “nới lỏng định lượng” mua ròng tài sản kể từ ngày 01/7 tới.

Công cụ tài chính này đã được ECB áp dụng từ năm 2015, với quy mô khổng lồ lên tới 5.000 tỷ Euro để hỗ trợ phục hồi nền kinh tế Eurozone sau cuộc khủng hoảng nợ công. ECB cũng đã duy trì mức lãi suất tiền gửi ở mức âm 0,5% kể từ năm 2014 để chống giảm phát.Trong 10 năm vừa qua, lạm phát quá thấp, ECB vẫn phải tìm cách thúc đẩy lạm phát lên mức 2%. Tuy nhiên hiện nay, lạm phát tăng vọt lên tới mức kỷ lục 8,1%, ECB bắt buộc phải chuyển hướng, trước tiên là chấm dứt chính sách nới lỏng tiền tệ, tiếp đó sẽ là tăng lãi suất cơ bản.

Phát biểu trong cuộc họp báo, Chủ tịch ECB bà Christine Lagarde cho biết, song song với quyết định chấm dứt chương trình mua nợ, ECB đã lên kế hoạch cho các đợt tăng lãi suất cơ bản đầu tiên sau hơn một thập kỷ: “Chúng tôi dự tính sẽ nâng lãi suất thêm 25 điểm cơ bản trong cuộc họp vào tháng 7 tới. Dài hạn hơn, chúng tôi dự kiến sẽ tiếp tục nâng lãi suất thêm một lần nữa vào tháng 9 và biên độ tăng lãi suất sẽ phụ thuộc vào triển vọng về mức lạm phát trong trung hạn”.

Hiện lãi suất tiền gửi của ECB ở mức -0,5%.ECB chưa từng tăng lãi suất trong 11 năm qua. Lãi suất tiền gửi liên tục ở mức âm kể từ năm 2014.

Hàn Quốc khả năng tiếp tục tăng lãi suất
                
   

Nguồn: Yonhap

   

Phát biểu tại lễ kỷ niệm 72 năm ngày thành lập BoK ngày hôm nay, Thống đốc Rhee Chang-yong đã coi vai trò của các ngân hàng trung ương là những nhân tố chống lạm phát vào thời điểm mà áp lực lạm phát tăng trên toàn cầu trong một khoảng thời gian đáng kể.

Ông nói: “Trong ngắn hạn, việc tăng lãi suất có thể làm gia tăng khó khăn cho những người dễ bị tổn thương nhưng việc để mất thời điểm có thể khiến lạm phát tăng thêm và điều đó có thể làm trầm trọng thêm thiệt hại”.

Tháng trước, BoK đã tăng lãi suất cơ bản thêm 0,25 điểm phần trăm để hạn chế lạm phát, đánh dấu lần tăng lãi suất thứ năm kể từ tháng 8/2021. BoK cũng nhiều lần "đánh tiếng" về khả năng tiếp tục tăng lãi suất cơ bản với dự đoán rằng tăng trưởng giá trong năm 2022 ở Hàn Quốc có thể đạt mức cao nhất trong 14 năm.

Giá tiêu dùng ở Hàn Quốc, một thước đo chính của lạm phát, đã tăng 5,4% vào tháng 5 vừa qua so với một năm trước đó. Đây cũng là mức tăng mạnh nhất trong năm kể từ tháng 8/2008. Với áp lực lạm phát gia tăng, các nhà quan sát đang theo dõi chặt chẽ mọi động thái của BoK trong các quyết định chính sách tiền tệ sắp tới.

Phát biểu với báo giới ở Seoul ngày 9/6 vừa qua, Phó Thống đốc BoK Park Jong-seok đã lưu ý rằng BoK không “hoàn toàn” loại trừ khả năng tăng lãi suất với mức tăng 0,5 điểm phần trăm để chống lạm phát, song mức tăng 0,25 điểm phần trăm hiện tại (tăng dần) là thích hợp hơn.

Trong khi đó, phát biểu tại Hội nghị Bộ trưởng hữu quan về kinh tế ngày 9/6 vừa qua, Phó Thủ tướng phụ trách kinh tế kiêm Bộ trưởng Kinh tế và Tài chính Hàn Quốc (MOEF) Choo Kyung-ho đã chỉ ra rằng giá dầu quốc tế và giá nguyên vật liệu đang tiếp tục leo thang, tác động tới giá cả trong nước, nên tất cả các bộ ngành liên quan cần phải dốc toàn lực để bình ổn giá cả, coi đây là “bài toán ưu tiên hàng đầu”. Ông yêu cầu mỗi bộ ngành cần tự xem xét tình hình các dự án chính có thể hỗ trợ việc ổn định giá cả và đốc thúc quá trình thực hiện trong khi MOEF sẽ có thể hỗ trợ về ngân quỹ nếu cần thiết.

Đặc biệt, Phó Thủ tướng Choo Kyung-ho cũng chỉ thị giải ngân nhanh các dự án được bao gồm trong ngân sách bổ sung lần hai năm 2022, như phiếu giảm giá các mặt hàng nông sản, chăn nuôi, thủy sản, hỗ trợ bình ổn giá phân bón, thức ăn chăn nuôi. Ngoài ra, ông Choo Kyung-ho cũng chỉ ra rằng tầng lớp yếu thế là đối tượng chịu cú sốc lớn hơn từ tình hình giá cả tăng cao nên chính phủ sẽ giải ngân nhanh các dự án bù đắp thu nhập cho người dân nằm trong ngân sách bổ sung lần này. Bên cạnh đó, Chính phủ Hàn Quốc cũng sẽ “mạnh tay” xóa bỏ những quy chế cản trở hoạt động của doanh nghiệp.

Ngay trong tháng 6 này, Hàn Quốc sẽ cho ra mắt nhóm chuyên trách về xem xét quy chế do Phó Thủ tướng trực tiếp đứng đầu, với sự tham gia của các bộ trưởng liên quan tới lĩnh vực kinh tế đồng thời sẽ chuyển đổi trục điều hành kinh tế, nâng cao tính năng động ở khối tư nhân, sửa đổi mạnh mẽ các quy chế và quy định thuế lạc hậu, thổi sức sống cho doanh nghiệp.

Dự kiến, trong tuần tới Phó Thủ tướng Choo Kyung-ho sẽ công bố phương hướng chính sách kinh tế của chính phủ mới dựa theo các nội dung trên.
NAM SƠN (Tổng hợp)
Cùng chuyên mục
ECB chấm dứt chính sách nới lỏng tiền tệ kéo dài một thập kỷ