Dứt khoát phải hoàn thành trong năm 2022 các tuyến Mai Sơn - Quốc lộ 45, Cam Lộ - La Sơn, Vĩnh Hảo - Phan Thiết - Dầu Giây

(BKTO) - Thủ tướng Phạm Minh Chính - Trưởng Ban Chỉ đạo Nhà nước các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành Giao thông Vận tải (Ban Chỉ đạo) - nhấn mạnh yêu cầu này khi chủ trì Phiên họp lần thứ 2 của Ban Chỉ đạo, ngày 17/9.



                
   

Thủ tướng yêu cầu đẩy nhanh tiến độ các công trình hạ tầng giao thông chiến lược. Ảnh: Chính phủ

   

Phiên họp được tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến giữa đầu cầu Trụ sở Chính phủ với 33 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đang có các dự án giao thông quan trọng, trọng điểm.

Báo cáo tại Phiên họp, Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) - đơn vị Thường trực của Ban Chỉ đạo - cho biết, sau Phiên họp thứ 1 của Ban Chỉ đạo, các Bộ, ngành, địa phương và các cơ quan liên quan đã tích cực tổ chức triển khai các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ - Trưởng Ban Chỉ đạo.

Tại Phiên họp, lãnh đạo các địa phương, Bộ, ngành, nhà thầu báo cáo tiến độ thực hiện các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành GTVT; nêu những khó khăn, vướng mắc và giải pháp thúc đẩy tiến độ đầu tư các dự án.

Trong đó, các dự án đang thực hiện đầu tư gồm: Dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020; Dự án xây dựng đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025; Dự án xây dựng đường bộ cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ; Dự án đường bộ cao tốc Bến Lức - Long Thành; Dự án đường sắt đô thị TP. Hà Nội; Dự án đường sắt đô thị TP. Hồ Chí Minh; Dự án đầu tư xây dựng Cảng hàng không Quốc tế Long Thành.

Đồng thời báo cáo tình hình chuẩn bị đầu tư các dự án: 03 dự án đường bộ cao tốc (Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột, Biên Hòa - Vũng Tàu, Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng); Dự án Vành đai 4 Vùng thủ đô Hà Nội; Dự án Vành đai 3 TP. Hồ Chí Minh; Dự án đường Hồ Chí Minh.

Phát biểu kết luận, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định, nhiệm vụ của Ban Chỉ đạo là rất lớn, vì sự phát triển của đất nước, vì nhân dân, thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng. Giao thông vẫn là “điểm nghẽn” lớn ảnh hưởng đến phát triển kinh tế - xã hội. Bởi vậy cần sự vào cuộc quyết liệt, mạnh mẽ liên tục của cả hệ thống chính trị trên cả nước để tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ các dự án GTVT trọng điểm Quốc gia.

Theo Thủ tướng, nếu cứ làm như kiểu cũ với khối lượng như hiện nay thì các công trình, dự án sẽ vẫn chậm. Do đó cần thay đổi cách nghĩ, cách làm, tư duy, phương pháp luận; nêu cao tinh thần trách nhiệm, cải tiến thủ tục, các công đoạn, công việc; nếu vướng mắc ở các Bộ, ngành thì người đứng đầu phải trực tiếp giải quyết.

Thủ tướng đề nghị các tỉnh, thành phố được giao làm chủ đầu tư phải có Ban Chỉ đạo trực tiếp chỉ đạo. UBND các tỉnh, thành phố tập trung thực hiện xây dựng các quy hoạch; thực hiện tốt giải ngân vốn đầu tư công; 3 chương trình mục tiêu quốc gia.

Các Ban quản lý dự án tổ chức đấu thầu, chọn nhà thầu công khai, minh bạch, tránh tình trạng thông thầu, “quân xanh, quân đỏ”, bán thầu, chia cắt dự án; Bộ Công an, cơ quan thanh tra đi kiểm tra, xử lý nghiêm theo pháp luật sai phạm trong đấu thầu.
                
   

33 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đang có các dự án giao thông quan trọng, trọng điểm tham dự trực tuyến. Ảnh: Chính phủ

   

Thủ tướng đề nghị các Bộ, ngành chú ý vấn đề liên quan nguyên liệu cát, sỏi, đất, đá phục vụ xây dựng các công trình. Thủ tướng giao Bộ Tài nguyên và Môi trường tiến hành kiểm tra chuyên đề vấn đề liên quan nguyên liệu cát sỏi, đất đá. Các cơ quan, địa phương không để tình trạng thiếu vật liệu kéo dài và không được để xảy ra tiêu cực, cần giải quyết kịp thời cấp phép khai thác mỏ vật liệu với các dự án đang chuẩn bị triển khai hoặc đang thi công.

Bộ Tài nguyên và Môi trường xem xét lại vấn đề nguyên vật liệu; quy hoạch các mỏ cát sông, bảo đảm môi trường, cảnh quan; rà soát các vấn đề giá cả, công khai giá vật liệu, không để hiện tượng găm hàng, đội giá. Bộ Xây dựng hướng dẫn các địa phương công bố giá các vật liệu kịp thời.

Các Ban Quản lý dự án, các nhà thầu tập trung nhân lực, thiết bị, máy móc, tranh thủ thời tiết tổ chức thi công 3 ca, 4 kíp, đẩy nhanh tiến độ thi công đảm bảo tiến độ, chất lượng công trình.

Thủ tướng nhấn mạnh, các Bộ, ngành tăng cường kiểm tra, giám sát, đẩy nhanh tiến độ, nâng cao chất lượng công trình; đồng thời phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; cơ cấu lại vốn các dự án, điều chuyển vốn từ các dự án làm kém, chậm tiến độ sang các dự án làm tốt.

Đối với các dự án PPP, Bộ Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn các địa phương, chọn những nhà đầu tư có năng lực, làm đúng quy định, pháp luật của Nhà nước.

Thủ tướng đề nghị các ban quản lý dự án, nhà thầu triển khai các công việc được phê duyệt, nhất là các tuyến cao tốc Mai Sơn - Quốc lộ 45, Cam Lộ - La Sơn, Vĩnh Hảo - Phan Thiết - Dầu Giây dứt khoát phải hoàn thành năm 2022; hoàn thành và thẩm định phê duyệt các dự án liên quan thủ tục khởi công các dự án thuộc tuyến cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2, thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế; phấn đấu cơ bản nối thông dự án đường Hồ Chí Minh vào năm 2025.

Thủ tướng giao Bộ GTVT và các địa phương tập trung triển khai lập dự án đầu tư, phấn đấu khởi công các dự án cao tốc Khánh Hoà - Buôn Mê Thuột, Biên Hòa - Vũng Tàu, Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng trước 30/6/2025.

Đối với các dự án trên địa bàn TP. Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, Thủ tướng cho rằng các Thành phố này đã chỉ đạo quyết liệt tháo gỡ khó khăn, bắt đầu đi vào nền nếp, song cần phát huy làm tốt hơn, không được để tái chậm trễ; đề nghị triển khai sớm các dự án đường sắt vì càng kéo dài, càng kém hiệu quả; làm việc nào dứt việc đó, không dàn trải.

Thủ tướng yêu cầu Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) tập trung làm sân bay Long Thành thật tốt; phải đấu thầu công tâm, công khai, minh bạch, chọn 1 tổng thầu có kinh nghiệm, không chia nhỏ các gói thầu, tiềm ẩn tiêu cực, đề nghị các Bộ, ngành chung tay cùng ACV trong dự án rất quan trọng này.

Thủ tướng yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương, nhất là người đứng đầu chủ động, tích cực, phát huy tối đa tinh thần, trách nhiệm; phối hợp chặt chẽ với nhau, giải quyết kịp thời các vướng mắc, tránh tình trạng “giấy tờ lòng vòng”, đẩy nhanh tiến độ triển khai các công trình; Thanh tra Chính phủ, Bộ Công an vào cuộc giám sát, xử lý các sai phạm nếu có./.
HỒNG NHUNG
Cùng chuyên mục
  • Các giải pháp trọng tâm giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng trong tình hình mới
    một năm trước Chính trị
    (BKTO) - Ngày 16/9, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã ký Chỉ thị số 15/CT-TTg về các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng và bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế trong tình hình mới.
  • Việt Nam cam kết tạo lập môi trường kinh doanh tốt nhất hướng đến các chuẩn mực của OECD
    một năm trước Chính trị
    (BKTO) - Đây là khẳng định của Thủ tướng Phạm Minh Chính khi chủ trì Hội nghị Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp (DN) đầu tư nước ngoài, ngày 17/9.
  • Cải cách thể chế, hoàn thiện chính sách đất đai thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội
    một năm trước Chính trị
    (BKTO) – Trong bối cảnh Chính phủ đang rất tích cực xây dựng Luật đất đai (sửa đổi) trình Quốc hội xem xét, thảo luận tại Kỳ họp thứ 4 sắp tới, tại Phiên hội thảo chuyên đề “Đẩy mạnh cải cách thể chế - Hoàn thiện chính sách về đất đai, giải pháp quan trọng trong phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội” trong khuôn khổ Diễn đàn Kinh tế - Xã hội Việt Nam 2022, các đại biểu đã tập trung trao đổi, thảo luận sâu về các nội dung liên quan đến cải cách thể chế, hoàn thiện chính sách về đất đai.
  • Triển khai hiệu quả các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi và phát triển bền vững
    một năm trước Chính trị
    K(BKTO) - Giải pháp nhằm triển khai hiệu quả các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; nâng cao năng lực cạnh tranh và sức chống chịu của doanh nghiệp trong bối cảnh mới… là những vấn đề trọng tâm được các chuyên gia, nhà khoa học tập trung trao đổi tại Phiên hội thảo chuyên đề “Thúc đẩy việc thực hiện các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động, tạo động lực phục hồi sản xuất, kinh doanh và phát triển bền vững” trong khuôn khổ Diễn đàn Kinh tế - Xã hội Việt Nam năm 2022.
  • Tìm ra động lực và nguồn lực mới để Việt Nam phát triển nhanh và bền vững
    một năm trước Chính trị
    (BKTO) - GS.TS Nguyễn Xuân Thắng - Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương khẳng định: Diễn đàn Kinh tế - Xã hội năm 2022 với chủ đề “Củng cố nền tảng kinh tế vĩ mô, thúc đẩy phục hồi và phát triển bền vững” là sự lựa chọn cần thiết vào lúc này để các nhà lập pháp, các nhà hoạch định chính sách cùng các chuyên gia thảo luận, tìm kiếm giải pháp tiếp tục duy trì ổn định, phục hồi và phát triển kinh tế bền vững.
Dứt khoát phải hoàn thành trong năm 2022 các tuyến Mai Sơn - Quốc lộ 45, Cam Lộ - La Sơn, Vĩnh Hảo - Phan Thiết - Dầu Giây