Doanh nghiệp nỗ lực bứt phá để phục hồi và phát triển

(BKTO) - Khảo sát các doanh nghiệp (DN) lợi nhuận tốt nhất Việt Nam năm 2022 cho kết quả trên 2/3 số DN cho biết doanh thu đã hồi phục hoặc vượt mức trước khi đại dịch Covid-19 bùng phát. Mặc dù cộng đồng DN đã và đang thể hiện bản lĩnh vững vàng trên con đường phục hồi kinh tế sau đại dịch, tuy nhiên, con đường phía trước còn khá nhiều chông gai, thách thức.



                
   

Các doanh nghiệp đang nỗ lực phục hồi sau đại dịch. Ảnh minh họa: TTXVN

   

Nhiều khó khăn đang ở phía trước

Kết quả tích cực được ghi nhận thêm từ các DN là hoạt động quản lý chi phí của DN khá hiệu quả khi trong nhóm DN vượt và đạt mức doanh thu chỉ có khoảng 6,2% số DN chưa đạt mức lợi nhuận trước đại dịch. Tuy nhiên, nhìn về phía trước, hơn 2/3 số DN tham gia khảo sát của Vietnam Report tháng 8/2022 cho rằng, những khó khăn lớn nhất mà họ đang phải đối mặt là áp lực lạm phát đang có xu hướng gia tăng và bất ổn kinh tế - chính trị trên thế giới.

Khó khăn tiếp theo được 61,5% số DN chia sẻ là sự gián đoạn do dịch bệnh gây ra; đứt gãy chuỗi cung ứng (53,9%), sức mua của người tiêu dùng sụt giảm, thị trường bị thu hẹp (48,1%) và khó khăn về thiếu nhân lực sản xuất (40,4%).

Áp lực tăng giá của đầu vào sản xuất đang đặt ra các nguy cơ, thách thức mới cho các DN cũng như cả nền kinh tế Việt Nam trong việc thúc đẩy sự gia tăng sản lượng ở cấp độ vi mô cũng như việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế dưới góc độ vĩ mô.

Có đến 96,1% DN hiện đang chịu áp lực tăng giá của các yếu tố đầu vào sản xuất, đặc biệt, cường độ áp lực tại 1/3 số DN này đang ở mức rất cao.

Theo chia sẻ của các DN và phân tích của các chuyên gia nghiên cứu, các khoản gia tăng chi phí sản xuất đối với cộng đồng DN Việt Nam trong các tháng cuối năm bao gồm: lãi suất, tỷ giá, giá xăng dầu, chi phí logistics và thuế.

Do áp lực của lạm phát nên nhìn chung mặt bằng lãi suất tại Việt Nam đang có chiều hướng gia tăng. Điều này không những làm giảm khả năng tiếp cận vốn vay của các DN mà còn làm gia tăng tình trạng thua lỗ, phá sản.

Theo Tổng cục Thống kê, trong 8 tháng đầu năm 2022, bình quân mỗi tháng có 13 nghìn DN rút lui khỏi thị trường. Ngân hàng thế giới (WB) đánh giá, Việt Nam thuộc nhóm các quốc gia có tỷ lệ tín dụng/GDP cao trên thế giới (tính đến cuối năm 2021, tỷ lệ này đã đạt 124%) là mức cảnh báo Việt Nam về rủi ro bất ổn vĩ mô tiềm ẩn. Bởi với mặt bằng lãi suất gia tăng như hiện nay, nhiều khả năng các khoản vay sẽ trở thành nợ xấu khi có quá nhiều DN phải rút lui khỏi thị trường.

Tín hiệu đáng mừng là mới đây, Ngân hàng Nhà nước đã nới room tín dụng cho một số ngân hàng, khơi thông dòng vốn cho lĩnh vực sản xuất, từ đó giảm được phần nào sức ép từ chi phí lãi vay của DN.

Doanh nghiệp chủ động đưa ra chiến lược ứng phó

Tỷ giá hối đoái của đồng Việt Nam (VND) với USD đang trong xu thế nhích lên đã tạo áp lực cho các DN hoạt động xuất nhập khẩu, dễ dẫn tới nguy cơ thua lỗ do tỷ giá hối đoái nếu DN sử dụng nguồn vốn vay từ nước ngoài bằng đồng USD. Cộng với đó, tỷ giá hối đoái gia tăng là rủi ro làm gia tăng chi phí của các nguyên liệu đầu vào, máy móc thiết bị nhập khẩu từ nước ngoài.
                
   

Tỷ giá gia tăng kéo theo chi phí của các nguyên liệu đầu vào cho sản xuất tăng. Ảnh minh họa: TTXVN

   

Đối với giá xăng dầu, nhìn chung, khi giá càng tăng mạnh thì lợi nhuận của DN càng bị bào mòn và sản xuất kinh doanh sẽ giảm tốc, tạo ra những khó khăn cho kinh tế, thương mại toàn cầu nói chung, trong đó có hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam.

Nhìn từ góc độ tổng cầu, giá xăng dầu gia tăng cũng làm cho tổng cầu sụt giảm khi mà người dân phải thắt chặt chi tiêu để ứng phó với sự gia tăng chi phí sinh hoạt, qua đó khiến tình hình bán hàng của DN bị chậm lại. Chưa kể, kéo theo giá dầu tăng là nguy cơ giá điện, xi măng cũng tăng theo trong giai đoạn tới.

Trong khi nền kinh tế Việt Nam có độ mở cao thì chi phí logistics, vận tải trên thị trường quốc tế ngày càng gia tăng đang tạo áp lực cho các DN nhập khẩu nguyên vật liệu, máy móc thiết bị và xuất khẩu hàng hóa, dịch vụ.

Tuy kinh doanh gặp nhiều khó khăn nhưng cộng đồng DN vẫn thực hiện nghĩa vụ thuế. Trước những khó khăn đang bủa vây DN, nếu mặt bằng thuế không có sự điều chỉnh theo thực trạng nền kinh tế thì rất có thể kéo giảm động lực tăng trưởng vĩ mô cũng như bào mòn sức cầu ở khu vực sản xuất vi mô và như vậy kinh tế vĩ mô sẽ lâm vào tình trạng tăng trưởng trầm lắng kéo dài.

Kết quả khảo sát cho thấy, 45,5% số DN chỉ ra rằng áp lực tăng giá trên được dự báo sẽ kéo dài tới hết năm 2023. Điều đó cũng có nghĩa là, để có thể hoàn thành các chỉ tiêu của năm tài chính 2022 và các kế hoạch ngắn hạn, trung hạn, các DN cần phải đưa ra những chiến lược đúng đắn, linh hoạt và kịp thời.

Chia sẻ về giải pháp của các DN, 69,6% DN chia sẻ phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, tăng năng suất lao động là giải pháp ưu tiên để tăng trưởng lợi nhuận trong những tháng cuối năm. Tiếp theo là nghiên cứu và phát triển sản phẩm/dịch vụ mới (60,9%).

Ngoài ra, những chiến lược như: cắt giảm chi phí; tăng cường hoạt động tuyên truyền, thực hiện trách nhiệm xã hội; ứng dụng chuyển đổi số một cách toàn diện được 52,2% DN chú trọng thực hiện nhằm gia tăng lợi nhuận./.

QUỲNH ANH
Cùng chuyên mục
Doanh nghiệp nỗ lực bứt phá để phục hồi và phát triển