Để dự án đường Hồ Chí Minh không tiếp tục “lỗi hẹn”

(BKTO) – "Tuyến đường mang tên Bác qua 5 khóa Quốc hội chưa được thông tuyến và chưa rõ đến thời gian nào, Quốc hội khóa nào mới hoàn thành…" - đại biểu Trần Văn Tiến (Đoàn Vĩnh Phúc) cùng nhiều đại biểu Quốc hội đã nhấn mạnh sự chậm trễ này và đề nghị Chính phủ đánh giá, làm rõ nguyên nhân, đồng thời bố trí nguồn vốn, đẩy mạnh triển khai các đoạn còn lại nhằm thông tuyến Dự án đường Hồ Chí Minh trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV.



                
   

Quang cảnh phiên thảo luận chiều 06/6. Ảnh: VPQH

   

Cần làm rõ nguyên nhân

Chiều 06/6, Quốc hội thảo luận ở hội trường về tổng kết, đánh giá tổng thể tình hình thực hiện Nghị quyết số 66/2013/QH13 (Nghị quyết 66) và kế hoạch triển khai dự án đường Hồ Chí Minh giai đoạn tiếp theo.

Các đại biểu Quốc hội đánh giá, đây là tuyến đường có ý nghĩa quan trọng về lịch sử, chính trị, kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh của quốc gia. Việc cơ bản hoàn thành dự án đã góp phần phát triển đất nước, đặc biệt là đối với các khu vực miền núi phía Bắc, miền Trung, Tây Nguyên và đồng bằng Nam Bộ.

Tuy nhiên, sau gần 20 năm thực hiện Nghị quyết 38/2004/NQ-QH11 về chủ trương xây dựng đường Hồ Chí Minh và sau gần 10 năm thực hiện Nghị quyết 66, tuyến đường đã được đầu tư 2.363 km trên tổng số 2.744 km, đạt 86,1% và khoảng 258 km tuyến nhánh. Như vậy, theo quy định của Nghị quyết 66, đến nay đã quá thời hạn 2 năm nhưng Dự án vẫn chưa hoàn thành để nối thông toàn tuyến.

Chia sẻ khó khăn với Chính phủ và Bộ Giao thông vận tải khi triển khai dự án này trong tình hình tài chính, tiền tệ rất khó khăn, khiến dự án chậm tiến độ, song đại biểu Bế Minh Đức (Đoàn Cao Bằng) cho rằng, việc Chính phủ nêu một trong những nguyên nhân là do có nhiều dự án quan trọng cấp quốc gia được thực hiện cùng thời điểm, dẫn tới nguồn lực hạn hẹp và khó khăn trong việc phân bổ đủ nguồn vốn là chưa thuyết phục. Vì dự án giao thông này là tuyến đường huyết mạch đã được giảm quy mô đầu tư, dự án cũng đã trải qua 3 nhiệm kỳ Quốc hội.
                
   

Đại biểu Bế Minh Đức phát biểu thảo luận. Ảnh: VPQH

   

“Báo cáo phân tích không bố trí được nguồn vốn, tôi thấy chưa thuyết phục. Tôi cho rằng Chính phủ cần làm rõ hơn những khó khăn, vướng mắc, hạn chế, nguyên nhân thời gian qua, đặc biệt là nguyên nhân chủ quan trong việc chậm hoàn thành nối thông tuyến đường Hồ Chí Minh” – đại biểu nói.

Đồng quan điểm, đại biểu Lê Hoàng Anh (Đoàn Gia Lai) nhấn mạnh, việc chưa hoàn thành thông tuyến vào năm 2020 theo yêu cầu của Nghị quyết 66 không chỉ là quá hạn 2 năm mà nếu được Quốc hội thông qua nguồn vốn theo đề nghị của Chính phủ tại kỳ họp này thì đến 2025 mới hoàn thành, như vậy là chậm 5 năm so với Nghị quyết của Quốc hội yêu cầu. “Tôi đề nghị Chính phủ cần thẳng thắn đánh giá việc không hoàn thành thông tuyến dự án vào năm 2020 tác động, gây thiệt hại như thế nào đến sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, đặc biệt là những dự án chưa hoàn thành tác động đến các địa phương mà tuyến đường đi qua” – đại biểu phát biểu và cho rằng, Chính phủ cần tổ chức kiểm điểm thẳng thắn xử lý trách nhiệm của các chủ thể liên quan, rút kinh nghiệm cho các công trình đang triển khai đầu tư rất lớn trong giai đoạn tới.

Đại biểu Nguyễn Hữu Toàn (Đoàn Lai Châu) cũng nhìn nhận, sự chậm trễ trong triển khai dự án ảnh hưởng rất lớn đến hiệu quả dự án, làm tăng vốn đầu tư, hạn chế sự lan tỏa thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội ở những vùng, miền nơi dự án đi qua. Do vậy, đây là những vấn đề cần hết sức quan tâm, Chính phủ cần làm rõ nguyên nhân và những tồn tại, hạn chế dẫn đến sự chậm trễ và có giải pháp khắc phục để tránh lặp lại trong việc xem xét, quyết định, tổ chức thực hiện và giám sát việc tổ chức thực hiện dự án đường Hồ Chí Minh nói riêng và những dự án quan trọng quốc gia đã được Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư nói chung.

Không thể để dự án kéo dài thêm tiến độ

Chỉ ra một số bất cập trong thực hiện Dự án, đại biểu Trần Văn Tiến (Đoàn Vĩnh Phúc) cho rằng, một dự án thành phần giải phóng mặt bằng rất chậm, việc cắm mốc lộ giới chậm 2 năm so với nghị quyết của Quốc hội, tiến độ hoàn thành dự án không đạt yêu cầu.

Về nguyên nhân, theo ông Tiến, đó là do ý thức của người dân trong việc chấp hành chính sách giải phóng mặt bằng chưa nghiêm; cấp ủy chính quyền các cấp chưa quyết liệt; các Bộ ngành có liên quan chưa lường hết được khó khăn, vướng mắc khi thực hiện dự án.
                
   

Đại biểu Trần Văn Tiến phát biểu thảo luận. Ảnh: VPQH

   

Cơ bản đồng tình với kế hoạch triển khai Dự án trong giai đoạn tiếp theo, song đại biểu Trần Văn Tiến băn khoăn: "Tuyến đường mang tên Bác qua 5 khóa Quốc hội chưa được thông tuyến và chưa rõ đến thời gian nào mới hoàn thành để thông tuyến từ Pác Bó - Cao Bằng đến Đất Mũi Cà Mau". Đại biểu đề nghị Quốc hội xem xét bố trí nguồn vốn để đầu tư, hoàn thành tuyến đường và thông tuyến trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV.

Nhấn mạnh không thể để tuyến đường mang tên Bác kéo dài sang giai đoạn 2026-2030, đại biểu Mai Văn Hải (Đoàn Thanh Hoá) cũng đề nghị Quốc hội, Chính phủ xem xét đầu tư để thông toàn tuyến trong giai đoạn 2021-2025, kể cả việc đầu tư đoạn Cổ Tiết đến Chợ Bến, để tuyến đường thực sự phát huy được hiệu quả, thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển kinh tế - xã hội của các vùng, các địa phương có tuyến đường đi qua và sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Đồng thời, đại biểu đề nghị Chính phủ chỉ đạo hoàn thành việc quyết toán các dự án thành phần còn lại, làm rõ kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong đầu tư các dự án thành phần, nhất là các phát hiện vi phạm và xử lý vi phạm sau kết luận thanh tra, kiểm toán của các dự án thành phần đã hoàn thành.

Bên cạnh đó, đề nghị Chính phủ tiếp tục xem xét, rà soát, sửa đổi các quy định về đầu tư PPP tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư để giảm áp lực về vốn cho NSNN, trong khi chúng ta đang chuẩn bị triển khai nhiều tuyến đường, nhất là tuyến đường cao tốc và triển khai thực hiện chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội cần nguồn vốn NSNN rất lớn.

Cũng bày tỏ sự sốt ruột khi “bà con chờ mãi, chờ mãi mà vẫn chưa có đường mới” đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé (Đoàn Kiên Giang) mong muốn tại kỳ họp này Quốc hội đồng thuận cao với nội dung Chính phủ trình nhằm tiếp tục đầu tư để thông toàn tuyến đường Hồ Chí Minh trong nhiệm kỳ này; thống nhất đưa nội dung này vào Nghị quyết Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV. Tuy nhiên, để đảm bảo tính khả thi, đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé đề nghị Chính phủ cần giải trình rõ về nguồn lực bố trí đầu tư, thời hạn bố trí vốn để dự án này để dự án không "lỡ nhịp" lần nữa…

Thống nhất với Chính phủ quyết tâm hoàn thành thông tuyến đường Hồ Chí Minh chậm nhất là năm 2025, đại biểu Lê Hoàng Anh đề nghị Chính phủ cần cam kết với Quốc hội về nội dung dự án đường Hồ Chí Minh trong nghị quyết chung của kỳ họp. Khi kết thúc dự án vào năm 2025 cần tiến hành kiểm toán toàn diện công trình để báo cáo Quốc hội.

Đ. KHOA
Cùng chuyên mục
  • Ngày 06/6, ghi nhận 806 ca nhiễm Covid-19 mới, còn 51 F0 thở ô xy
    một năm trước Chính trị
    (BKTO) - Bản tin của Bộ Y tế cho biết, tính từ 16h ngày 05/6 đến 16h ngày 06/6, trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh Covid-19 ghi nhận 806 ca nhiễm mới, trong đó 4 ca nhập cảnh và 802 ca ghi nhận trong nước (tăng 117 ca so với ngày trước đó) tại 45 tỉnh, thành phố (có 616 ca trong cộng đồng).
  • Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc thăm, tặng quà người cao tuổi tỉnh Hải Dương
    một năm trước Chính trị
    (BKTO) - Nhân dịp kỷ niệm 81 năm Ngày truyền thống Người cao tuổi Việt Nam (06/6/1941 - 06/6/2022), Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã tới thăm mô hình người cao tuổi làm kinh tế giỏi tại Hợp tác xã Tân Minh Đức, huyện Gia Lộc, tỉnh Hải Dương; thăm, tặng quà người cao tuổi tiêu biểu của tỉnh Hải Dương vào ngày 05/6.
  • Trình Quốc Hội xem xét đầu tư 05 dự án quan trọng quốc gia
    một năm trước Chính trị
    (BKTO) - Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 3, sáng 06/6, Quốc hội đã nghe Tờ trình của Chính phủ và báo cáo thẩm tra về chủ trương đầu tư giai đoạn 1 các dự án và báo cáo thẩm tra về chủ trương đầu tư giai đoạn 1 các dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng; Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột; Biên Hòa - Vũng Tàu; Tờ trình về chủ trương đầu tư dự án đường Vành đai 4 vùng Thủ đô Hà Nội, dự án đường Vành đai 3 TP. Hồ Chí Minh.
  • Thông qua Nghị quyết về Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2023
    một năm trước Chính trị
    (BKTO) – Chiều 06/6, với 88,18% đại biểu Quốc hội tán thành, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2023. Theo Nghị quyết, ngoài việc giám sát tối cao 2 chuyên đề, Quốc hội sẽ tiến hành lấy phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn.
  • Chủ tịch Quốc hội: Cá thể hóa trách nhiệm trong triển khai 5 dự án quan trọng quốc gia
    một năm trước Chính trị
    (BKTO) – Sáng 06/6, phát biểu thảo luận tại tổ về chủ trương đầu tư 03 dự án xây dựng đường bộ cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột, Biên Hòa - Vũng Tàu, Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng (giai đoạn 1) và chủ trương đầu tư dự án xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội và đường Vành đai 3 TP. Hồ Chí Minh, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, cùng với việc cho phép áp dụng một số cơ chế đặc thù, phải tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát, cá thể hoá trách nhiệm trong quá trình triển khai các dự án.
Để dự án đường Hồ Chí Minh không tiếp tục “lỗi hẹn”