Đẩy mạnh kiểm tra, giám sát: Đảm bảo công bằng, dân chủ trong bầu cử

(BKTO)- Kiểm tra, giám sát công tác bầu cử là một trong những nhiệm vụ hết sức quan trọng của Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam. Qua công tác kiểm tra, giám sát đã giúp ủy ban bầu cử các cấp thực hiện đúng quy trình, quy định, phát hiện và khắc phục kịp thời, tránh để xảy ra sai sót.



Chia sẻ tại buổi phỏng vấn trực tuyến “Ngày hội của toàn dân” do Báo điện tử Đảng cộng sản tổ chức mới đây, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Ngô Sách Thực cho biết, để thực hiện chức năng kiểm tra, giám sát bầu cử, Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã ban hành Hướng dẫn số 35/HD-MTTW-BTT về công tác giám sát bầu cử đại biểu Quốc hội khoá XIV và bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân (HĐND) các cấp nhiệm kỳ 2016-2021.

Trong kỳ bầu cử này, MTTQ Việt Nam đã tổ chức được 2 đợt giám sát. Để tránh trùng lặp nội dung giám sát với Hội đồng bầu cử quốc gia, trong đợt 1 MTTQ Việt Nam đã tổ chức giám sát được 11 tỉnh, đợt 2 được 15 tỉnh. Tại một số tỉnh, thành phố, MTTQ Việt Nam giám sát bằng văn bản nhưng yêu cầu MTTQ các cấp phải thực hiện tốt chức năng giám sát của mình.

“Mục đích giám sát chỉ nhằm giúp ủy ban bầu cử các cấp thực hiện đúng quy trình, quy định, tránh để xảy ra sai sót vì công việc rất nhiều, làm sao phát hiện để kịp thời khắc phục ngay. Đồng thời chia sẻ những khó khăn, vướng mắc với địa phương” - ông Ngô Sách Thực nói.

Theo ông Ngô Sách Thực, trong đợt 1, việc giám sát tập trung vào các nội dung liên quan đến công tác chuẩn bị bầu cử, như: việc thành lập các tổ phụ trách bầu cử có đúng thời gian, thành phần tham gia và hoạt động có đúng quy định; nội dung của Hội nghị hiệp thương lần thứ nhất; những nội dung cần rút kinh nghiệm để khắc phục tính hình thức, đảm bảo thật sự dân chủ, khách quan và phản ánh ý chí, nguyện vọng của các cơ quan, tổ chức và người dân…
                
   

Qua kiểm tra, giám sát của MTTQ Việt Nam đã kịp thời khắc phục những thiếu sót, đảm bảo công tác bầu cử được thực hiện dân chủ, đúng quy định - Ảnh: ST

   

Qua hoạt động giám sát này đã rút ra bài học kinh nghiệm cho các bước tiếp theo của công tác bầu cử. Chẳng hạn, theo quy định tại Điều 37 của Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND năm 2015, thì những người ứng cử không được là thành viên của Ban bầu cử, tổ bầu cử. Trong quá trình giám sát đã nhắc nhở kịp thời những vấn đề này, vì nếu trùng lặp là phạm luật. Hay như còn tình trạng làm thủ tục, lập hồ sơ, biên bản cuộc họp chưa đúng thành phần hoặc những kiến nghị về đơn thư, khiếu nại, tố cáo thì cũng yêu cầu ủy ban bầu cử các cấp tập trung xử lý dứt điểm.

Đến đợt giám sát lần này, MTTQ Việt Nam tập trung tập huấn cho tổ bầu cử, đặc biệt phải chọn cho được những người thuộc tổ bầu cử phải tâm huyết, trách nhiệm, có kiến thức hiểu biết về Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND, nhất là các tổ trưởng tổ bầu cử. Càng đến sát ngày bầu cử, công tác tập huấn sẽ phải được chú trọng hơn, sâu hơn để tránh sai sót.

Cũng theo ông Ngô Sách Thực, trong quá trình giám sát bầu cử, những kiến nghị của MTTQ Việt Nam với Ủy ban Thường vụ Quốc hội và ủy ban bầu cử các cấp đều được ghi nhận. Chẳng hạn, tình hình dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp thì phải có điều chỉnh, bổ sung công tác phòng, chống dịch trong các khâu liên quan đến bầu cử, như: hình thức vận động bầu cử; các cuộc tiếp xúc của ứng cử viên với cử tri, lập danh sách, khu vực cách ly, khu bỏ phiếu… Những kiến nghị này đã được ủy ban bầu cử các cấp tiếp thu ngay và ra văn bản hướng dẫn kịp thời.

Từ nay đến ngày bầu cử, MTTQ Việt Nam tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ về bầu cử được pháp luật quy định. Trong đó, MTTQ Việt Nam tiếp tục tập trung giám sát việc niêm yết danh sách cử tri để thực hiện tất cả quyền của công dân được đi bầu cử.

"Hiện nay chúng tôi rất quan tâm đến danh sách cử tri đi làm xa; số cử tri trong khu vực cách ly; số cử tri tạm giam, tạm giữ; số cử tri thuộc đối tượng bảo trợ xã hội hay cử tri trong các khu công nghiệp, những người không trực tiếp đến nơi bầu cử được. Tất cả những đối tượng này đều có hướng dẫn cụ thể để tất cả công dân đều có quyền bỏ phiếu” - ông Ngô Sách Thực cho biết.

Bên cạnh đó là giám sát về danh sách đề cử, giám sát để cuộc vận động bầu cử phải đảm bảo đúng luật và công bằng. Các cấp MTTQ đều phải tham gia giám sát, vừa tổ chức hội nghị cử tri cho người ứng cử thực hiện vận động bầu cử theo điều kiện chống dịch; đồng thời giám sát các cấp thực hiện như thế nào; kể cả việc vận động thông tin qua các phương tiện thông tin đại chúng.

Một nội dung giám sát khác là giám sát địa điểm bỏ phiếu để cử tri bỏ phiếu an toàn, yên tâm. Đồng thời, tiếp thu, giải đáp đầy đủ những ý kiến, thắc mắc của cử tri, để các cấp chuẩn bị một cách tốt nhất cho cuộc bầu cử ngày 23/5.

Bên cạnh chức năng giám sát của MTTQ Việt Nam, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng bầu cử quốc gia đã ban hành kế hoạch về việc kiểm tra, giám sát công tác bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 – 2026. Theo đó, các đợt giám sát tập trung từ tháng 3/2021 đến trước ngày diễn ra bầu cử 23/5/2021. Nội dung giám sát chủ yếu tập trung về tiến trình bầu cử bảo đảm cuộc bầu cử được tiến hành dân chủ, đúng pháp luật, an toàn, tiết kiệm.

ĐĂNG KHOA
Cùng chuyên mục
Đẩy mạnh kiểm tra, giám sát: Đảm bảo công bằng, dân chủ trong bầu cử