Đảm bảo tính chất đặc thù của hoạt động dầu khí

(BKTO) – Dự thảo Luật Dầu khí (sửa đổi) cần nghiên cứu, xây dựng quy trình áp dụng cơ chế ưu đãi một cách linh hoạt, phù hợp với từng mục tiêu, dự án cụ thể và từng nhà đầu tư, nhằm tăng tính hấp dẫn và thu hút nguồn lực đầu tư cho hoạt động khai thác dầu khí. Đây là nội dung được đại biểu Quốc hội, Tổng Kiểm toán nhà nước Trần Sỹ Thanh cùng các đại biểu Quốc hội nhấn mạnh tại phiên thảo luận tổ chiều 03/6.



                
   

Đại biểu Quốc hội, Tổng Kiểm toán nhà nước Trần Sỹ Thanh phát biểu thảo luận tại phiên họp. Ảnh: Đ. KHOA

   

Thiết kế quy trình, thủ tục pháp lý phù hợp

Tại phiên họp sáng 03/6, Quốc hội đã nghe Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình dự án Luật Dầu khí (sửa đổi).

Theo Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên, việc sửa đổi Luật Dầu khí là hết sức cần thiết, nhằm tăng cường hiệu quả, hiệu lực quản lý nhà nước, loại bỏ rào cản, tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho nhà đầu tư, góp phần cải thiện mức độ hấp dẫn của môi trường đầu tư trong lĩnh vực dầu khí.

Thảo luận tại tổ về dự án Luật, đại biểu Quốc hội, Tổng Kiểm toán nhà nước Trần Sỹ Thanh tán thành sự cần thiết sửa đổi Luật; tán thành phạm vi điều chỉnh của Luật là chỉ điều chỉnh các hoạt động dầu khí thượng nguồn (bao gồm tìm kiếm thăm dò, phát triển mỏ và khai thác mỏ dầu khí), không điều chỉnh hoạt động dầu khí trung nguồn và hạ nguồn, nhằm tránh quy định chồng chéo, trùng lặp với các luật khác.

Theo Tổng Kiểm toán nhà nước, từ thực tiễn hoạt động cho thấy, Luật Dầu khí có nhiều điểm cần sửa đổi. Đặc điểm của hoạt động dầu khí là mang tính rủi ro cao, từ điều tra thăm dò ra túi dầu rồi đến khoan thăm dò và quá trình khoan thăm dò cũng có khi không tìm ra. Bên cạnh đó, hoạt động dầu khí cũng chịu tác động của nhiều thông lệ quốc tế đồng thời liên quan đến yếu tố an ninh quốc phòng. Vì vậy, việc sửa đổi Luật cần đảm bảo những yếu tố đặc thù của hoạt động dầu khí.

Bên cạnh đó, hiện nay bên cạnh Luật Dầu khí, hoạt động dầu khí còn được điều chỉnh, liên quan đến nhiều luật khác như: Luật Đầu tư công; Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại DN; Luật Đấu thầu; Luật Xây dựng… Điều này đã gây rào cản, khó khăn cho các nhà đầu tư trong nước cũng như nước ngoài đầu tư vào Việt Nam. Dự thảo Luật đã giải quyết được một phần vấn đề này song chưa triệt để, do đó, Ban soạn thảo cần nghiên cứu, quy định rõ thêm vấn đề này.

Đồng tình quan điểm của Tổng Kiểm toán nhà nước về phạm vi điều chỉnh, sự cần thiết sửa đổi Luật, đại biểu Phan Đức Hiếu – Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng, trong dự án Luật Dầu khí (sửa đổi) lần này có hai vấn đề được thể hiện xuyên suốt. Thứ nhất, hoạt động dầu khí là hoạt động có tính chất đặc thù, vì tính rủi ro rất cao. “Nhiều khi chúng ta đầu tư rất nhiều tiền để khoan thăm dò nhưng kết quả có thể không có gì cả. Thậm chí, thăm dò xong, khi khai thác đôi khi cũng không như kỳ vọng, chưa kể những rủi ro về địa chất” – đại biểu nêu thực tế.

Thứ hai, hoạt động dầu khí rất phức tạp, liên quan đến nhiều luật lệ cả quốc tế và trong nước. Tính chất phức tạp cũng thể hiện ở chỗ hoạt động dầu khí được nhiều luật điều chỉnh như liên quan đến biển, nước, xây dựng, môi trường, đầu tư... bởi các hoạt động dầu khí thường gắn liền với nhau, theo chuỗi. Nếu áp dụng trình tự, thủ tục và quy trình như một hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh thông thường thì có thể sẽ phải tuân thủ hầu hết các luật và có thể tạo sự trùng lặp hoặc phải mất nhiều thời gian thực hiện.
                
   

Đại biểu Phan Đức Hiếu phát biểu thảo luận tại phiên họp. Ảnh: Đ. KHOA

   

Với tính chất đặc thù này, đại biểu Phan Đức Hiếu tán thành việc dự án Luật tạo ra một ranh giới, một quy trình, thủ tục pháp lý và hành chính để triển khai các hoạt động liên quan đến dầu khí, góp phần xử lý sự xung đột hoặc trùng lặp giữa các quy trình, thủ tục; xử lý hài hòa giữa lợi ích của Nhà nước và lợi ích của nhà đầu tư.

Tuy nhiên, đại biểu đề nghị, Ban soạn thảo cần tiếp tục rà soát toàn diện các quy định để tránh quy định chung chung, thậm chí khi viện dẫn các luật khác cũng quy định cụ thể. “Quy trình đặc thù trong Luật Dầu khí (sửa đổi) phải được thiết kế ở mức chi tiết nhất, rõ ràng nhất có thể để sau khi ban hành luật có thể áp dụng ngay trên thực tế” - đại biểu Phan Đức Hiếu nhấn mạnh đồng thời cho rằng, trong trường hợp không quy định được chi tiết nhất ở dự thảo Luật, nên giao Chính phủ hướng dẫn cụ thể.

Áp dụng linh hoạt cơ chế ưu đãi cho dự án khai thác dầu khí

Đề cập đến quy định về ưu đãi đầu tư trong hoạt động dầu khí, Tổng Kiểm toán nhà nước Trần Sỹ Thanh nêu rõ, hiện nay các mỏ dầu chủ yếu là mỏ nhỏ, muốn đầu tư thêm kỹ thuật để khai thác các mỏ xa, mỏ khó phải có cơ chế ưu đãi đầu tư đặc biệt thì mới thu hút được nhà đầu tư ngoại vào. Tổng Kiểm toán nhà nước đề nghị Luật sửa đổi lần này cần có quy định rõ ràng về vấn đề này.

Tổng Kiểm toán nhà nước cũng cho biết, trước đây chúng ta có Quỹ Đọc tài liệu phục vụ điều tra cơ bản, thăm dò, nhưng hiện không còn Quỹ này. Vì vậy, lần này dự thảo Luật đã đưa ra cơ chế rất tốt, đó là Nhà nước sẽ bảo đảm kinh phí cho điều tra cơ bản về dầu khí.

Thực tế tỷ lệ điều tra cơ bản trên thế giới chỉ 15-20% thành công. Tỷ lệ thành công đó đã gánh tất cả các chi phí trước đó. Tuy nhiên, có những mỏ điều tra kéo dài 1-2 năm nhưng có những mỏ kéo dài đến 5 năm mới thành công dẫn đến dồn các chi phí, thậm chí có thể lỗ. Vì vậy, quy định trong dự thảo Luật là phù hợp – Tổng Kiểm toán nhà nước nêu rõ.

Liên quan đến vấn đề này, đại biểu Phan Đức Hiếu cho rằng, để thu hút tốt hơn nguồn lực đầu tư vào lĩnh vực dầu khí, Ban soạn thảo cần nghiên cứu, bổ sung thêm các cách thức, biện pháp thu hút đầu tư, có những chính sách ưu đãi tốt hơn, đảm bảo đủ sức cạnh tranh so với các nước trong khu vực.

Theo đó, dự thảo Luật mới thiết kế các ưu đãi cho hoạt động thăm dò, phát triển mỏ và khai thác dầu khí. Trong khi đó, dự thảo Luật đã bổ sung thêm một chương quy định về hoạt động điều tra cơ bản về dầu khí và coi đây là nội dung quan trọng, mang tính thúc đẩy ngành này phát triển. Do vậy, cơ quan soạn thảo cần xem xét, áp dụng các chính sách ưu đãi cho hoạt động điều tra cơ bản, để huy động thêm nguồn lực cho hoạt động này.
                
   

Quang cảnh phiên thảo luận tổ. Ảnh: Đ. KHOA

   

Cũng theo đại biểu Hiếu, hiện nay, thế giới đang có thay đổi rất lớn về chính sách ưu đãi, đặc biệt là chính sách thuế toàn cầu, nên các nước hiện nay đang có sự chuyển dịch sang cơ chế ưu đãi đầu tư thế hệ mới. Dự án Luật Dầu khí (sửa đổi) nên vận dụng nguyên tắc mới trong ưu đãi đầu tư để hoạt động thu hút đầu tư hấp dẫn hơn. Theo đó, cơ chế ưu đãi không chỉ dựa trên thuế suất một cách chung chung mà ưu đãi theo chi phí mục tiêu, hướng đến kích thích các hoạt động đầu tư theo mục tiêu.

Mặt khác, dự thảo Luật đang thiết kế 2 cơ chế ưu đãi, ngoài cơ chế ưu đãi thông thường còn có cơ chế ưu đãi đặc biệt cho những dự án quan trọng. Theo đại biểu Hiếu, điều này là phù hợp. Tuy nhiên, Dự thảo quy định theo hướng nếu thu hút ưu đãi thông thường không thành công thì mới kích hoạt cơ chế ưu đãi đặc biệt. Điều này có thể làm kéo dài thời gian thu hút đầu tư, làm giảm sự hấp dẫn của chính sách ưu đãi.

“Tôi đề nghị nên nghiên cứu áp dụng song song cả 2 cơ chế ưu đãi để thu hút ngay được nhà đầu tư” – đại biểu Phan Đức Hiếu kiến nghị đồng thời cho rằng, cơ chế ưu đãi không nên chỉ nhắm đến ưu đãi về thuế suất, cần nghiên cứu thêm kinh nghiệm quốc tế để áp dụng cơ chế ưu đãi linh hoạt, phù hợp với từng dự án và từng nhu cầu của nhà đầu tư, dựa trên những nguyên tắc chung là hài hòa hóa lợi ích./.

Đ. KHOA
Cùng chuyên mục
  • Quy định cụ thể, rõ ràng điều kiện cấp giấy phép sử dụng tần số vô tuyến điện
    một năm trước Chính trị
    (BKTO) - Cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện, tại phiên thảo luận tổ chiều 03/6, các đại biểu Quốc hội đề nghị quy định rõ ràng, cụ thể hơn các tiêu chí, điều kiện cấp giấy phép sử dụng tần số vô tuyến điện theo từng phương thức cấp phép.
  • Rút ngắn quy trình, thời gian quyết toán ngân sách nhà nước
    một năm trước Chính trị
    (BKTO) –Việc phê chuẩn quyết toán NSNN chậm như hiện nay, sau 18 tháng kết thúc niên độ NSNN làm giảm hiệu lực, hiệu quả, gây thất thoát, lãng phí trong quản lý, sử dụng nguồn lực NSNN – đại biểu Quốc hội, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách Nguyễn Thị Phú Hà phát biểu tại phiên thảo luận về quyết toán NSNN năm 2020, diễn ra chiều 02/6.
  • Hợp tác quốc phòng Việt Nam - Lào là trụ cột quan trọng của quan hệ hai nước
    một năm trước Chính trị
    (BKTO) - Chiều 02/6, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã tiếp Trung tướng Khamlieng Outhakaysone - Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân (QĐND) Lào và Đoàn đại biểu quân sự cấp cao QĐND Lào - đang có chuyến thăm chính thức Việt Nam.
  • Thúc đẩy kết nối hạ tầng giao thông giữa Việt Nam với Lào và trong tiểu vùng Mekong
    một năm trước Chính trị
    (BKTO) - Thủ tướng Phạm Minh Chính đã nhấn mạnh đề nghị này khi tiếp đồng chí Khamphan Phommaphat - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ban Kiểm tra Trung ương Đảng, Trưởng Ban Chống tham nhũng Trung ương, Tổng Thanh tra Nhà nước Lào - sang thăm, làm việc và trao đổi hợp tác với Thanh tra Chính phủ Việt Nam, chiều 01/6, tại trụ sở Chính phủ.
  • Mỹ lạc quan về đà tăng trưởng kinh tế
    một năm trước Chính trị
    (BKTO)- Ngân hàng Dự trữ liên bang Mỹ (FED) ngày 01/6 nhận định nền kinh tế đầu tàu thế giới vẫn duy trì đà tăng trưởng vững chắc, ngay cả khi các công ty của nước này đối mặt với tình trạng thiếu nhân công, giá cả leo thang. Với tỷ lệ lạm phát đang ở mức cao nhất trong vòng 40 năm qua, Chính phủ Mỹ đang tìm mọi biện pháp để kiềm chế lạm phát nhưng cũng tránh để nền kinh tế rơi vào suy thoái.
Đảm bảo tính chất đặc thù của hoạt động dầu khí