Đại biểu Quốc hội lo ngại tình trạng lợi dụng thanh tra để tránh kiểm toán

(BKTO) – Sáng 07/9, phát biểu về Dự thảo Luật Thanh tra (sửa đổi), đại biểu Quốc hội Lê Minh Nam (Đoàn Hậu Giang) cho rằng, việc quy định cơ quan nào đang tiến hành thanh tra hoặc kiểm toán trước thì cơ quan đó tiếp tục thực hiện là không hợp lý, có thể dẫn đến tình trạng lợi dụng quy định này đưa thanh tra nội bộ vào làm trước để tránh kiểm toán.



                
   

Đại biểu Quốc hội Lê Minh Nam bày tỏ quan ngại về tình trạng lợi dụng thanh tra để tránh kiểm toán. Ảnh: quochoi.vn

   

Báo cáo một số vấn đề lớn về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý Dự thảo Luật Thanh tra (sửa đổi) tại Hội nghị, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết, về xử lý chồng chéo, trùng lặp trong hoạt động thanh tra và giữa hoạt động thanh tra với kiểm tra, kiểm toán, qua thảo luận, một số đại biểu Quốc hội cơ bản tán thành các quy định của Dự thảo Luật về nguyên tắc xử lý chồng chéo, trùng lặp trong quá trình thanh tra; đồng thời, đề nghị rà soát, quy định cụ thể hơn về trách nhiệm của các cơ quan, nhất là cơ quan thanh tra và cơ quan kiểm toán để tránh sự chồng chéo, trùng lặp.

Tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội, Thường trực Ủy ban Pháp luật và Cơ quan soạn thảo đã rà soát Dự thảo Luật để chỉnh lý, bổ sung các quy định nhằm bảo đảm thống nhất với quy định của Luật Kiểm toán nhà nước (KTNN); khắc phục tình trạng chồng chéo, trùng lặp trong hoạt động thanh tra, giữa hoạt động thanh tra với kiểm tra, kiểm toán làm tăng chi phí, gây phiền hà, bức xúc cho đối tượng thanh tra, kiểm tra như một số trường hợp diễn ra thời gian qua.

Trong đó, Dự thảo Luật đã chỉnh lý các quy định về nguyên tắc xử lý chồng chéo, trùng lặp trong hoạt động thanh tra (Điều 52); công tác phối hợp trong hoạt động thanh tra, KTNN, điều tra (tại Chương VI); đồng thời, bổ sung quy định về việc sử dụng kết luận thanh tra, kết luận kiểm toán và trách nhiệm của các cơ quan trong việc sử dụng các kết luận này (Điều 109)… Thực tế hiện nay, Thanh tra Chính phủ và KTNN đã ký Quy chế phối hợp để xử lý kịp thời các chồng chéo, trùng lặp trong quá trình tổ chức thực hiện nhiệm vụ theo quy định của pháp luật.

Góp ý về quy định này, đại biểu Lê Minh Nam nêu rõ, Khoản 1 Điều 52 về nguyên tắc xử lý chồng chéo, trùng lặp giữa hoạt động thanh tra và hoạt động KTNN, Dự thảo Luật quy định cơ quan nào đang tiến hành thanh tra hoặc kiểm toán trước thì cơ quan đó tiếp tục thực hiện hoặc cơ quan thanh tra, cơ quan KTNN trao đổi, thống nhất để một cơ quan thực hiện. Theo đại biểu, “quy định ai làm trước thì được làm tiếp” là chưa hợp lý.

Phân tích, làm rõ vấn đề này, đại biểu Lê Minh Nam cho biết, Khoản 1 Điều 10 về nhiệm vụ của KTNN tại Luật KTNN quy định “KTNN quyết định kế hoạch kiểm toán hàng năm và báo cáo Quốc hội trước khi thực hiện”. Chẳng hạn, Kế hoạch kiểm toán của KTNN năm 2023 sẽ phải báo cáo Quốc hội tại Kỳ họp thứ 4 tới đây và sau khi tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội, KTNN sẽ ban hành Kế hoạch kiểm toán năm 2023 vào cuối năm 2022 trước khi thực hiện.

Theo Dự thảo Luật Thanh tra (sửa đổi), tại Điều 43 về xây dựng, ban hành định hướng chương trình thanh tra hằng năm, kế hoạch thanh tra, chậm nhất vào ngày 30/9 hằng năm, Tổng Thanh tra Chính phủ trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt định hướng chương trình thanh tra hằng năm. Thủ tướng Chính phủ có trách nhiệm xem xét, phê duyệt định hướng chương trình thanh tra chậm nhất vào ngày 15/10 hằng năm.

Chậm nhất vào ngày 25/10 hằng năm, căn cứ vào định hướng chương trình thanh tra hằng năm, Tổng Thanh tra Chính phủ có trách nhiệm hướng dẫn Thanh tra Bộ, Thanh tra tỉnh xây dựng dự thảo kế hoạch thanh tra của Bộ, tỉnh.

Tại Khoản 2 Điều 44 Dự thảo Luật cũng quy định Thanh tra Chính phủ có trách nhiệm ban hành kế hoạch thanh tra của mình trước ngày 15/11 hằng năm.

Đồng thời, Điều 107 Dự thảo Luật quy định hai cơ quan Thanh tra Chính phủ và KTNN có trách nhiệm phối hợp rà soát ngay từ khi lập kế hoạch kiểm toán năm và xây dựng định hướng chương trình thanh tra hằng năm để không xảy ra tình trạng trùng lặp về phạm vi, đối tượng, nội dung, thời gian giữa các cơ quan thanh tra với cơ quan KTNN trước khi tổ chức thực hiện.

Như vậy, từ tháng 10 hằng năm, KTNN và Thanh tra Chính phủ đã có dự thảo kế hoạch cho năm sau. Các cơ quan thanh, kiểm tra khác khi xây dựng kế hoạch thanh, kiểm tra cần xem xét kế hoạch của hai cơ quan này.

Từ phân tích trên, đại biểu Lê Minh Nam đề nghị, Dự thảo Luật nên quy định: Trường hợp đặc biệt, nếu có trùng lặp vì lý do khách quan trong thực hiện kế hoạch giữa Thanh tra Chính phủ và KTNN thì hai bên trao đổi, thống nhất để một cơ quan thực hiện. Còn các cấp thanh tra từ thanh tra Bộ trở xuống phải chấp hành kế hoạch KTNN vì kế hoạch này đã được ban hành từ cuối năm trước và đã được trao đổi với Thanh tra Chính phủ.

“Quy định của Dự thảo Luật là cơ quan nào làm trước để cơ quan đó tiếp tục thực hiện là không hợp lý. Nếu cơ quan thanh tra các cấp bố trí vào thanh tra trước để không phải kiểm toán là không hợp lý xét cả về nguyên tắc và thẩm quyền; chưa nói đến tình trạng có thể lợi dụng quy định này để đưa thanh tra nội bộ vào làm trước nhằm tránh kiểm toán” - đại biểu Lê Minh Nam nhấn mạnh.

Cùng quan tâm đến nguyên tắc xử lý chồng chéo, trùng lặp trong quá trình thanh tra, kiểm toán tại Khoản 1, Điều 52 Dự thảo Luật, đại biểu Trần Nhật Minh (Đoàn Nghệ An) cũng đề nghị đề nghị cân nhắc, quy định kỹ lưỡng nội dung này để đảm bảo tính phù hợp, khả thi khi áp dụng trong thực tiễn./.

Đ. KHOA
Cùng chuyên mục
Đại biểu Quốc hội lo ngại tình trạng lợi dụng thanh tra để tránh kiểm toán