Chú trọng đánh giá chất lượng, hiệu quả hoạt động bộ máy sau sắp xếp đơn vị hành chính

(BKTO) – Sáng 14/3, tiếp tục chương trình Phiên họp thứ 9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã cho ý kiến về Kết quả bước đầu việc thực hiện giám sát chuyên đề về “Việc thực hiện các nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trong giai đoạn 2019 - 2021” và quyết định việc lựa chọn đơn vị, địa phương để tiến hành giám sát thực tế.



                
   

Quang cảnh phiên họp. Ảnh: quochoi.vn

   

Giảm 08 đơn vị hành chính cấp huyện và 561 đơn vị hành chính cấp xã

Báo cáo tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng – Phó Trưởng đoàn Thường trực Đoàn giám sát cho biết, trong giai đoạn 2019-2021, Chính phủ đã trình UBTVQH ban hành tổng cộng 48 nghị quyết về việc sắp xếp các đơn vị hành chính (ĐVHC) cấp huyện, cấp xã của 45 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Trong số 45 tỉnh, thành phố đã thực hiện sắp xếp ĐVHC trong giai đoạn 2019-2021 thì đa số các địa phương (30/45 tỉnh, thành phố) thuộc khu vực từ Thừa Thiên Huế trở ra là có nhiều ĐVHC được sắp xếp; 15 tỉnh, thành phố còn lại ở khu vực phía Nam có số lượng ĐVHC được sắp xếp không lớn.

Qua giám sát bước đầu cho thấy, việc sắp xếp ĐVHC ở đa số địa phương đã bảo đảm đúng quan điểm, mục tiêu, nguyên tắc, quy trình và tiến độ theo kế hoạch, tạo sự đồng thuận cao trong các tầng lớp nhân dân. Kết quả là, trong giai đoạn 2019 - 2021, cả nước đã thực hiện sắp xếp 21 ĐVHC cấp huyện và 1.056 ĐVHC cấp xã, qua đó giảm được 08 ĐVHC cấp huyện và 561 ĐVHC cấp xã; giảm 3.437 cơ quan, tổ chức ở cấp xã và 429 cơ quan, tổ chức ở cấp huyện.                
   

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng trình bày Báo cáo kết quả giám sát bước đầu tại phiên họp. Ảnh: quochoi.vn

   
Đồng thời, các địa phương đã rà soát, bố trí sử dụng những cán bộ, công chức có năng lực, trình độ của các cơ quan, tổ chức, đơn vị trong hệ thống chính trị của các ĐVHC cấp huyện, cấp xã mới hình thành sau sắp xếp và thực hiện tinh giản đối với những người không đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ; chủ động thực hiện sắp xếp, sáp nhập các thôn, tổ dân phố chưa đủ tiêu chuẩn theo quy định.

Về NSNN, ông Hoàng Thanh Tùng cho biết, theo báo cáo của Chính phủ, đã tiết kiệm chi NSNN trong giai đoạn 2019 - 2021 khoảng 2.008,63 tỷ đồng, trong đó giảm chi hoạt động của chính quyền cấp huyện, cấp xã là 1.132,63 tỷ đồng và giảm chi phụ cấp người hoạt động không chuyên trách ở thôn, tổ dân phố khoảng 876 tỷ đồng.

Tuy nhiên, do thời gian thực hiện còn ngắn nên ở một vài địa phương, tổng kinh phí tiết kiệm được do thực hiện sắp xếp chưa được thể hiện rõ do nguồn kinh phí tiết kiệm được chưa bảo đảm đủ cho việc chi các chính sách hỗ trợ cán bộ, công chức, viên chức dôi dư sau sắp xếp. Về vấn đề này, Đoàn giám sát sẽ trực tiếp làm việc với địa phương để tìm hiểu cụ thể tình hình.

Về hiệu quả của công tác quản lý nhà nước, theo báo cáo của các địa phương, sau khi thực hiện sắp xếp ĐVHC, việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan nhà nước, các đơn vị sự nghiệp công lập sau khi sắp xếp ĐVHC cơ bản đạt kết quả tốt, bảo đảm các chỉ tiêu đề ra; đồng thời, công tác quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn đều được bảo đảm.

Đánh giá cụ thể, tránh chung chung

Cho ý kiến về kết quả giám sát bước đầu, các Ủy viên UBTVQH cơ bản tán thành với nội dung Báo cáo và cho rằng, việc thực hiện sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã là một chủ trương rất lớn, nhằm tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức theo Nghị quyết 39-NQ/TW của Bộ Chính trị. Để thực hiện chủ trương này, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 37-NQ/TW về sắp xếp các ĐVHC cấp huyện và cấp xã.
                
   

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại phiên họp. Ảnh: daibieunhandan.vn

   
Các thành viên UBTVQH cũng lưu ý, cần quan tâm đánh giá chất lượng sau sắp xếp, bởi cũng không loại trừ việc ghép một cách cơ học. Theo Tổng thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường, tâm lý chung là không muốn sáp nhập, vì thế cần đánh giá thêm là sau sắp xếp thì chất lượng hoạt động có tốt không hay chỉ để đạt mục tiêu giảm tổ chức bộ máy.

Bên cạnh đó, một số ý kiến đề nghị cần quan tâm đến chính sách đối với hơn 3.400 cán bộ xã và hơn 400 cán bộ huyện dôi dư sau khi sáp nhập ĐVHC; đánh giá sâu hơn về sự đồng thuận của nhân dân đối với việc sắp xếp ĐVHC.

Đánh giá cao kết quả giám sát bước đầu của Đoàn giám sát, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, căn cứ chính của việc sắp xếp ĐVHC là dựa vào tiêu chí diện tích và dân số. Tuy nhiên, đây chỉ là điều kiện cần còn điều kiện đủ phải căn cứ vào vị trí địa lý, hoàn cảnh lịch sử, phong tục tập quản, dân tộc, tôn giáo, quốc phòng, an ninh và từng tỉnh phải có đề án hết sức kỹ lưỡng, công phu, đánh giá tác động nhiều chiều; quá trình làm cần có sự đồng thuận, hưởng ứng của nhân dân.

Việc sắp xếp không phải chỉ để sắp xếp mà mục tiêu cuối cùng là tinh gọn bộ máy, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động, tiết kiệm kinh phí, tiết kiệm biên chế, kết quả giám sát phải toát lên tinh thần đó – Chủ tịch Quốc hội đề nghị.

Chủ tịch Quốc hội cũng lưu ý, kết quả giám sát phải hết sức cụ thể, tránh nói chung chung. Chẳng hạn, báo cáo kết quả bước đầu có nêu đã tiết kiệm được kinh phí, nhưng tiết kiệm ở chỗ nào? Chi thường xuyên hàng năm, dự toán ngân sách trung ương, địa phương bố trí có giảm được không? Biên chế giảm thì chủ yếu nằm ở tỉnh nào, tại sao địa bàn này giải quyết được vấn đề biên chế, tỉnh kia không thể thực hiện được? Cần phân tích, đánh giá kỹ lưỡng để chỗ nào làm tốt thì nhân rộng ra, chỗ nào làm chưa tốt cần cá thể hóa trách nhiệm, đồng thời đưa ra kiến nghị cụ thể sau giám sát.
Đ. KHOA

Cùng chuyên mục
Chú trọng đánh giá chất lượng, hiệu quả hoạt động bộ máy sau sắp xếp đơn vị hành chính