Chủ tịch Quốc hội: Tiến tới xóa bỏ việc điều hành theo hạn mức tín dụng một cách hành chính

(BKTO) – Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) xây dựng tiêu chí phân tích chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho từng tổ chức tín dụng đảm, bảo đảm thống nhất, công khai, minh bạch; nghiên cứu hạn chế và tiến tới xóa bỏ việc điều hành theo hạn mức tín dụng một cách hành chính như hiện nay.



                
   

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu kết thúc phần chất vấn nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực ngân hàng. Ảnh: quochoi.vn

   

Nhiều khó khăn, thách thức ảnh hưởng tới lĩnh vực ngân hàng

Phát biểu kết thúc phần chất vấn Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng sáng 09/6, Chủ tịch Quốc hội đánh giá, thời gian qua, với sự cố gắng, nỗ lực, trách nhiệm, ngành ngân hàng đã vượt qua những khó khăn, thách thức đạt được nhiều kết quả quan trọng và nổi bật.

Tuy nhiên, qua chất vấn, nhiều đại biểu Quốc hội vẫn còn những băn khoăn, lo lắng trước những khó khăn, thách thức có thể ảnh hưởng tới lĩnh vực ngân hàng trong thời gian tới, như: tác động chính trị trên thế giới, áp lực lạm phát ngày càng tăng, ảnh hưởng tới việc điều hành chính sách tiền tệ ở trong nước; việc triển khai thực hiện Nghị quyết 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ, hỗ trợ cho phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội thuộc trách nhiệm của NHNN nhìn chung còn chậm, nhất là việc triển khai gói tín dụng hỗ trợ lãi suất 2% trong thực tế.

Bên cạnh đó, việc xử lý nợ xấu theo Nghị quyết 42/2017/QH14 của Quốc hội chưa đạt được mục tiêu áp lực nợ xấu gia tăng do khó khăn, tác động nặng nề của đại dịch Covid-19; việc phê duyệt Đề án cơ cấu lại các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021-2025 còn chậm; việc xử lý các ngân hàng thương mại, các tổ chức tín dụng yếu kém còn gặp nhiều khó khăn, thách thức.

Đồng thời, việc ra chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng còn bất cập, nhìn chung chưa có tiêu chí, phương thức thống nhất, việc điều chỉnh trong năm cũng chưa linh hoạt, còn bị động. Việc phấn đấu tiết kiệm chi phí hoạt động và sử dụng các công cụ, chính sách tiền tệ để giảm lãi suất cho vay đối với nền kinh tế còn rất nhiều thách thức. Tình trạng tín dụng đen, tội phạm công nghệ cao trong lĩnh vực tiền tệ, tín dụng còn diễn biến phức tạp; diễn biến không bình thường của giá vàng khi chênh lệch quá cao giữa giá vàng trong nước và thế giới cũng như giữa các thương hiệu vàng trong nước.

Phấn đấu hết năm 2025 xử lý xong các ngân hàng, tổ chức tín dụng yếu kém

Để phát triển ngành ngân hàng lành mạnh, bền vững, đáp ứng nhu cầu phát triển của đất nước trong thời gian tới, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị Chính phủ, Thống đốc NHNN, các Bộ trưởng, Trưởng ngành tiếp tục phối hợp chặt chẽ chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ phục hồi phát triển kinh tế…
                
   

Quang cảnh phiên chất vấn. Ảnh: quochoi.vn

   

Đồng thời, tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật nhằm hoàn thiện hành lang pháp lý về tiền tệ, quản lý ngoại hối, vàng và hoạt động ngân hàng, bảo đảm an toàn hoạt động hệ thống các tổ chức tín dụng. Tổ chức triển khai quyết liệt Đề án cơ cấu lại các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021-2025; phát triển hệ thống tổ chức tín dụng theo hướng các tổ chức tín dụng trong nước đóng vai trò chủ lực, hoạt động lành mạnh, chất lượng, hiệu quả, công khai, minh bạch, đáp ứng các chuẩn mực về an toàn và các hoạt động ngân hàng và tiệm cận thông lệ quốc tế, phấn đấu đạt trình độ phát triển của nhóm nước dẫn đầu khu vực ASEAN vào năm 2025.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cũng đề nghị, tập trung xây dựng, phê duyệt, triển khai Đề án cơ cấu lại các ngân hàng yếu kém, phấn đấu đến hết năm 2025 cơ bản xử lý xong các ngân hàng, tổ chức tín dụng yếu kém, nâng cao năng lực tài chính của tổ chức tín dụng. Quan tâm cung cấp thêm vốn điều lệ cho ngân hàng thương mại nhà nước và ngân hàng có cổ phần Nhà nước chi phối.

Tiếp tục ngăn ngừa tình trạng sở hữu chéo và sử dụng có tính chất thao túng, chi phối trong các tổ chức tín dụng. Tăng cường năng lực, hiệu lực công tác thanh tra, giám sát hoạt động của các tổ chức tín dụng. Nghiên cứu ứng dụng kỹ thuật số, đẩy mạnh ứng dụng Fintech, công nghệ tài chính trong lĩnh vực này.

Bên cạnh đó, tiếp tục đẩy mạnh việc thực hiện Nghị quyết 42/2017/QH14 của Quốc hội về xử lý nợ xấu, thực hiện quyết liệt các biện pháp để thu hồi nợ, sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro, nâng cao chất lượng tín dụng, ngăn ngừa, hạn chế tối đa nợ xấu mới phát sinh đến năm 2025 đưa nợ xấu toàn hệ thống bao gồm nợ xấu đã bán cho VAMC và xuống mức 3%.

Đặc biệt, Chủ tịch Quốc hội đề nghị, xây dựng tiêu chí phân tích chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho từng tổ chức tín dụng đảm, bảo đảm thống nhất, công khai, minh bạch, đúng quy định của pháp luật trên cơ sở tình hình hoạt động, năng lực tài chính, quản trị, điều hành và khả năng mở rộng tín dụng lành mạnh của từng tổ chức tín dụng. Nghiên cứu hạn chế tiến tới xóa bỏ việc điều hành theo hạn mức tín dụng một cách hành chính như hiện nay.

Một số nhiệm vụ trọng tâm khác cũng được Chủ tịch Quốc hội đặt ra là: mở rộng quy mô, tăng nhanh tỷ trọng các dịch vụ ngân hàng có giá trị gia tăng cao, phi tín dụng, đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt; nghiên cứu sửa đổi, bổ sung các quy định về mua bán trái phiếu DN của các tổ chức tín dụng bảo đảm chặt chẽ; phát triển thị trường tài chính nói chung và thị trường trái phiếu DN nói riêng một cách lành mạnh; giám sát chặt tốc độ tăng trưởng dư nợ và chất lượng tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro, nhất là đầu tư kinh doanh bất động sản, chứng khoán, đầu tư trái phiếu DN, đồng thời bảo đảm cung ứng vốn cho thị trường chứng khoán, bất động sản tiếp tục phát triển lành mạnh và bền vững…
Đ. KHOA


Cùng chuyên mục
Chủ tịch Quốc hội: Tiến tới xóa bỏ việc điều hành theo hạn mức tín dụng một cách hành chính