Chủ tịch Quốc hội: Sẽ ban hành cơ chế đặc thù theo vùng để có tính liên kết, lan toả cao hơn

(BKTO) - Nhất trí về sự cần thiết ban hành Nghị quyết của Quốc hội cho phép tỉnh Khánh Hòa được áp dụng một số cơ chế, chính sách đặc thù, tại phiên thảo luận tổ chiều 24/5, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cũng cho biết, tới đây, Quốc hội sẽ nghiên cứu có các cơ chế, chính sách đặc thù theo vùng chứ không phải là từng địa phương, để có tính liên kết vùng, lan toả vùng cao hơn.



                
   

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại phiên thảo luận tổ. Ảnh: daibieunhandan.vn

   

Không phải địa phương nào “xin” cơ chế đặc thù cũng được

Theo Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Khánh Hòa có đặc thù về vị trí địa lý, nằm ở trung tâm các tỉnh Duyên hải Nam Trung bộ, giữ vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh của cả nước; có quần đảo Trường Sa, quân cảng Cam Ranh, là tâm điểm kết nối giữa vùng Tây Nguyên với Nam Trung bộ. Việc phát triển tỉnh Khánh Hòa có vai trò quan trọng trong giữ vững chủ quyền biển đảo của Tổ quốc; tác động lan tỏa vùng miền.

“Địa phương nào cũng quan trọng, nhưng tỉnh Khánh Hoà hết sức quan trọng. Bộ Chính trị cũng đã có Nghị quyết số 09-NQ/TW khẳng định rõ yêu cầu cần có cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Khánh Hòa, trong đó nêu rõ Khánh Hoà phải trở thành một trong những hình mẫu về kết hợp giữa phát triển kinh tế, quốc phòng và an ninh. Do đó, cần thể chế hoá chủ trương của Đảng, tạo điều kiện để Khánh Hoà thực hiện được mục tiêu này” - Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Nêu rõ không phải địa phương nào “xin” cơ chế đặc thù cũng được mà phải có căn cứ cụ thể, chặt chẽ, Chủ tịch Quốc hội cho biết, tới đây sẽ nghiên cứu có các cơ chế, chính sách đặc thù theo vùng chứ không phải là từng địa phương. Chủ trương chung của Trung ương là giao Chính phủ vận dụng tối đa các cơ chế, chính sách, pháp luật hiện có để có các chính sách đặc thù cho từng vùng. Nếu cần thiết, Quốc hội sẽ nghiên cứu ban hành các cơ chế chính sách đặc thù cho vùng để có tính liên kết vùng, tính lan toả vùng cao hơn.


Đánh giá kỹ lưỡng, thiết kế chặt chẽ

Với tinh thần đó, Chủ tịch Quốc hội cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ủng hộ việc ban hành Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù cho tỉnh Khánh Hoà. Các cơ chế chính sách trong dự thảo Nghị quyết đã được rà soát, đánh giá kỹ lưỡng, một số cơ chế chính sách không khả thi, thiếu thiết thực đã được loại ra, đồng thời bổ sung thêm một số chính sách mới.
                
   

Các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ chiều 24/5. Ảnh: Đ. KHOA

   

Cụ thể, dự thảo Nghị quyết cho phép Khánh Hoà được áp dụng các cơ chế, chính sách đặc thù hiện đã được Quốc hội cho phép áp dụng với một số địa phương khác như: hằng năm ngân sách trung ương (NSTW) bổ sung có mục tiêu cho ngân sách tỉnh không quá 70% số tăng thu NSTW từ một số khoản thu phân chia và một số khoản thu NSTW hưởng 100% so với dự toán; được vay không quá 60% số thu ngân sách tỉnh được hưởng theo phân cấp; được phân bổ thêm 45% theo tỷ lệ phần trăm số chi tính theo định mức dân số khi xây dựng định mức chi thường xuyên NSNN năm 2023 và trong thời gian thực hiện Nghị quyết.

Nghị quyết cho phép Thủ tướng Chính phủ quyết định việc phân cấp cho UBND tỉnh Khánh Hòa phê duyệt điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung xây dựng khu chức năng, quy hoạch chung đô thị đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; HĐND tỉnh quyết định chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa dưới 500 ha, quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng sản xuất dưới 1.000 ha theo ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ.

Dự thảo Nghị quyết cũng có thêm 4 cơ chế, chính sách mới so với các địa phương khác gồm: cho phép các huyện, thị xã, thành phố được sử dụng ngân sách cấp mình quản lý để hỗ trợ huyện Khánh Sơn và huyện Khánh Vĩnh trong phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh, thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia; thực hiện chuẩn bị thu hồi đất; tách hỗ trợ, bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định cư ra khỏi dự án đầu tư công và phát triển Khu kinh tế Vân Phong.

Với các cơ chế, chính sách này, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, dự thảo Nghị quyết đã thiết kế các “ van”, “khoá” rất chặt chẽ.

Ví dụ, cơ chế chính sách về chuẩn bị thu hồi đất, lập đề án như thế nào, ai có thẩm quyền, kết quả đo vẽ phải được sử dụng làm căn cứ pháp lý để sau này tiến hành bồi thường giải phóng mặt bằng… trong quá trình cho ý kiến, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng khuyến cáo phải làm công tác truyền thông cho tốt, tránh tình trạng bắt đầu động vào kiểm đếm, đo đạc đất đai thì giá đất lại tăng, sốt.


Trước đó, thẩm tra dự thảo Nghị quyết Chính phủ trình, Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội cũng lưu ý, đối với việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất, trong tổ chức thực hiện phải bảo đảm không ảnh hưởng đến an ninh, quốc phòng; đồng thời, cần đề cao trách nhiệm, bảo đảm tính chặt chẽ, tránh xảy ra sai phạm liên quan đến đất đai, ảnh hưởng đến người dân và uy tín của các cấp chính quyền.

Bên cạnh đó, đề nghị Chính phủ kiểm soát chặt chẽ việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng, đất trồng lúa trên phạm vi toàn quốc, chú trọng diện tích rừng vì đây là một trong các biện pháp để thực hiện cam kết của Việt Nam tại Hội nghị COP 26.

Đối với cơ chế chính sách về chuẩn bị thu hồi đất, đồng tình chủ trương cho phép việc điều tra, khảo sát, đo đạc, kiểm đếm, xác minh nguồn gốc đất được thực hiện trước việc chấp thuận chủ trương đầu tư, lựa chọn nhà đầu tư, nhằm tiết kiệm thời gian, song cơ quan thẩm tra đề nghị, để bảo đảm tính thuyết phục, rõ ràng, minh bạch, đề nghị làm rõ hiệu lực pháp lý của kết quả điều tra, khảo sát, đo đạc, kiểm đếm. Có ý kiến đề nghị cân nhắc, nghiên cứu, đánh giá tác động cụ thể để không ảnh hưởng đến quyền và lợi ích của người dân trong quá trình triển khai chuẩn bị dự án, không làm tăng chi phí giải phóng mặt bằng./.
Đ. KHOA


Cùng chuyên mục
  • Tiếp cận tổng thể, đa mục tiêu, hướng tới hệ thống lương thực toàn cầu bao trùm và bền vững
    một năm trước Chính trị
    (BKTO) - Đây là 1 trong 5 đề xuất quan trọng của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái tại Phiên toàn thể về chủ đề "Chuyển hướng khủng hoảng lương thực toàn cầu" trong khuôn khổ Hội nghị thường niên lần thứ 52 Diễn đàn Kinh tế thế giới.
  • Điều chỉnh mô hình tăng trưởng, liên kết kinh tế theo hướng bền vững hơn
    một năm trước Chính trị
    (BKTO) - Đây là nhấn mạnh của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khi dự và phát biểu tại Lễ công bố khởi động thảo luận về Khuôn khổ kinh tế Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương vì thịnh vượng (IPEF), chiều 23/5.
  • Tăng cường kỷ cương lập pháp
    một năm trước Chính trị
    (BKTO) - Sáng 24/5, thảo luận ở hội trường về dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022, các đại biểu Quốc hội đã chỉ ra những tồn tại, bất cập trong công tác xây dựng luật, pháp lệnh cần sớm được khắc phục để đảm bảo kỷ cương, chất lượng xây dựng pháp luật.
  • Ngày 24/5, có 1.323 ca nhiễm Covid-19 mới, không có ca tử vong
    một năm trước Chính trị
    (BKTO) – Bản tin của Bộ Y tế cho biết, tính từ 16h ngày 23/5 đến 16h ngày 24/5, trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh Covid-19 ghi nhận 1.323 ca nhiễm mới, trong đó 1 ca nhập cảnh và 1.322 ca ghi nhận trong nước (tăng 143 ca so với ngày trước đó) tại 43 tỉnh, thành phố (có 941 ca trong cộng đồng).
  • WEF DAVOS 2022: Lịch sử trước ngã rẽ
    một năm trước Chính trị
    (BKTO)- Từ ngày 22- 26/5, Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) đã tổ chức trở lại sau 2 năm gián đoạn, trong bối cảnh thế giới đang đứng trước rất nhiều thách thức. Kinh tế toàn cầu đối mặt với nguy cơ suy thoái, với tỷ lệ lạm phát tại các nền kinh tế lớn như Anh, Mỹ và các nước châu Âu lên mức cao nhất trong thập kỷ.
Chủ tịch Quốc hội: Sẽ ban hành cơ chế đặc thù theo vùng để có tính liên kết, lan toả cao hơn