Cần cắt đứt sự lây lan của dịch bệnh

(BKTO) - Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình đã nhấn mạnh yêu cầu này tại buổi họp trực tuyến của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 TP. HCM với các quận, huyện và TP. Thủ Đức về công tác phòng, chống dịch, chiều 25/6.



                
   

Toàn cảnh cuộc họp. Ảnh: VGP/Mạnh Hùng

   

Giám đốc Sở Y tế TP. HCM Nguyễn Tấn Bỉnh cho biết, từ ngày 27/4 đến nay, Thành phố có 2.293 ca nhiễm trong cộng đồng. Đáng chú ý, từ 6h ngày 24/6 đến 6h ngày 25/6, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Thành phố ghi nhận 667 trường hợp nghi nhiễm SARS-CoV-2.

Ông Bỉnh cho rằng, trước tình hình dịch bùng phát trở lại, Thành phố đã quyết liệt phong tỏa các khu vực có tình hình lây nhiễm cao trong cộng đồng. Tuy nhiên, dịch bệnh vẫn còn diễn biến phức tạp, các ca nhiễm trong cộng đồng dự kiến còn gia tăng, các trường hợp có triệu chứng đến khám ở các cơ sở khám, chữa bệnh trung bình từ 15-27 ca mỗi ngày.

Theo ông Bỉnh, cần phải tiếp tục thực hiện nghiêm Chỉ thị số 10/CT-UBND ngày 19/6/2021 của UBND TP. HCM. Đồng thời, tăng cường điều tra truy vết, khoanh vùng dập dịch triệt để; xét nghiệm mở rộng các khu vực có nguy cơ cao để tìm kiếm nguồn lây; mở rộng phạm vi phong tỏa trên diện rộng để kiểm soát dịch; sử dụng test nhanh quét ngay tại vùng có ổ dịch; tăng cường giám sát phòng, chống dịch tại nơi sản xuất.

Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP. HCM Nguyễn Trí Dũng cho biết, hiện có tới 68% bệnh nhân mắc COVID-19 đang điều trị không có triệu chứng, trong khi đó, thời gian đầu phát hiện chuỗi lây nhiễm liên quan điểm nhóm truyền giáo Phục Hưng, có 68% bệnh nhân có triệu chứng.

Ông Dũng nhận định, những ca chỉ điểm hiện nay hầu như không có triệu chứng hoặc có triệu chứng rất mơ hồ khiến hầu hết mắc bệnh ở mức độ nhẹ, nếu không đi khám khó nhận biết, do đó, công tác chống dịch đi chậm hơn dịch bệnh.

Về phía Bộ Y tế, Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn khuyến nghị Thành phố cần tính toán, có biện pháp quyết liệt đối với hoạt động của các khu chợ đầu mối, các điểm giao thương, các chợ truyền thống, thà hy sinh hoạt động trong một thời gian ngắn còn hơn để những nơi này thành những điểm lây nhiễm; tăng cường kiểm soát các nhà thuốc để nắm thông tin những trường hợp nhiễm dịch trong cộng đồng; củng cố lại hoạt động tại các khu cách ly, chấn chỉnh việc thông tin về dịch bệnh. Ngoài ra, Bộ Y tế cũng vừa ban hành văn bản cho thực hiện cách ly tại nhà và cho rằng TP. HCM có thể xem xét áp dụng.

Tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình tiếp tục yêu cầu TP. HCM cần có đánh giá chính xác tình hình dịch bệnh để có giải pháp đúng trong phòng, chống dịch.

Theo Phó Thủ tướng, sau khi UBND Thành phố ban hành Chỉ thị 10, tình hình phòng chống dịch bệnh đã có những chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, vẫn cần xem đã phù hợp chưa, có cần nâng áp dụng lên Chỉ thị 16 của Thủ tướng hay không; có cần dừng hoạt động của các khu chợ, hoạt động của xe công nghệ… hay không bởi việc có tới 68% số ca nhiễm không có biểu hiện bệnh đòi hỏi không được lơ là, chủ quan.

“Ngoại trừ việc bảo đảm lưu thông hàng hóa, không để ảnh hưởng đến sản xuất, đứt gãy chuỗi cung ứng, còn lại đối với các hoạt động khác, chúng ta có thể nâng mức áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch cao hơn, triệt để hơn, cắt đứt sự lây lan của dịch bệnh, không để mất kiểm soát” - Phó Thủ tướng Thường trực lưu ý.

Liên quan đến việc tổ chức tiêm chủng những ngày qua, Phó Thủ tướng cũng nhắc nhở Thành phố bảo đảm an toàn tại các điểm tiêm; thực hiện xử lý thật mạnh đối với những cơ sở sản xuất không bảo đảm phòng dịch, dứt khoát không để lây nhiễm tại những nơi này; đặc biệt bảo đảm an toàn, củng cố tinh thần cho lực lượng tuyến đầu, thông tin dịch bệnh cần chính xác, không gây hoang mang cho người dân./.
HỒNG NHUNG
Cùng chuyên mục
Cần cắt đứt sự lây lan của dịch bệnh