Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể: Sự vào cuộc của cơ quan thanh tra, kiểm toán không ảnh hưởng đến hoạt động của nhà thầu

(BKTO) – Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể khẳng định, sự tham gia của cơ quan công an, thanh tra, kiểm toán ngay từ giai đoạn đầu triển khai dự án sẽ đảm bảo tính công khai, minh bạch; giúp các cơ quan thực hiện tốt hơn chức năng, nhiệm vụ.



                
   

Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội sáng 09/6. Ảnh: quochoi.vn

   

Chất vấn Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể tại phiên chất vấn của Quốc hội sáng 09/6, đại biểu Dương Minh Ánh (Đoàn TP. Hà Nội) đặt câu hỏi: "Có ý kiến cho rằng, việc mời các cơ quan thanh tra, kiểm toán, công an tham gia ngay từ giai đoạn đầu khi triển khai dự án sẽ làm tăng áp lực, khó khăn cho DN, làm chậm tiến độ thi công của dự án. Vậy xin hỏi quan điểm của Bộ trưởng về vấn đề này như thế nào?"

Trả lời chất vấn của đại biểu Dương Minh Ánh, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể khẳng định, sự tham gia của cơ quan thanh tra, kiểm toán, công an không ảnh hưởng gì tới hoạt động của nhà thầu.

“Khi triển khai dự án đường cao tốc Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 1, các cơ quan công an, KTNN vào cuộc, chúng tôi sẽ được giám sát từ khâu lập dự án, khâu thiết kế, khâu tổ chức đấu thầu và triển khai thực hiện của nhà thầu” - Bộ trưởng dẫn chứng.

Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải cũng khẳng định, với sự tham gia của các cơ quan thanh tra, kiểm toán, công an như vậy sẽ đảm bảo tính công khai, minh bạch, giúp cho Bộ Giao thông vận tải, giúp cho các nhà thầu, các địa phương thực hiện chức năng, nhiệm vụ tốt hơn.
                
   

Đại biểu Dương Minh Ánh đặt câu hỏi chất vấn. Ảnh: quochoi.vn

   

Tuy nhiên, tiếp thu ý kiến của đại biểu, Bộ trưởng cho biết sẽ nghiên cứu xem xét tình hình thực tế, nếu có ảnh hưởng đến hoạt động của nhà thầu, Bộ Giao thông vận tải sẽ phối hợp với các Bộ, ngành để xử lý triệt để.

Trước đó, trong báo cáo gửi đến đại biểu Quốc hội trước phiên chất vấn, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết, trong thời gian qua, ngành giao thông vận tải đã hoàn thành và đưa vào khai thác sử dụng nhiều dự án, công trình giao thông trọng điểm, góp phần quan trọng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương, các vùng và cả nước, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, bảo đảm quốc phòng an ninh và xóa đói giảm nghèo.

Trong đó, đã hoàn thành đưa vào khai thác sử dụng 1.239 km đường bộ cao tốc, đang triển khai xây dựng 883 km và dự kiến tiếp tục khởi công 2.024 km đường bộ cao tốc trong giai đoạn 2021-2025.

Hiện nay, Bộ Giao thông vận tải và các Bộ, ngành, địa phương liên quan đang tập trung triển khai quyết liệt các dự án, công trình giao thông trọng điểm như: Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông, Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành, các dự án đường sắt đô thị tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh…

Theo đó, đối vớiDự án đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020, Bộ trưởng cho biết, trong thời gian qua, Bộ Giao thông vận tải đã tập trung chỉ đạo quyết liệt, tuy nhiên kết quả đạt được chưa đáp ứng yêu cầu, còn một số tồn tại, bất cập, một số dự án tiến độ thi công còn chậm.

Trước tình hình này, Chính phủ, Bộ Giao thông vận tải đã và đang triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp, bước đầu Dự án đã có những chuyển biến tích cực.

Trong đó, Bộ Giao thông vận tải phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành, địa phương để giải quyết triệt để khó khăn về vật liệu và công tác giải phóng mặt bằng; tiếp tục phối hợp với Bộ Xây dựng để giải quyết các khó khăn về biến động giá nguyên, nhiên, vật liệu xây dựng.

Đồng thời, Bộ đã chủ động mời các cơ quan thanh tra, kiểm toán, công an tham gia ngay từ giai đoạn đầu triển khai dự án để kịp thời phát hiện, khắc phục các tồn tại hạn chế và phòng ngừa thất thoát, lãng phí, tiêu cực.

Để đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án, Chính phủ cũng chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương sớm tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc của dự án như giải quyết dứt điểm công tác giải phóng mặt bằng; rà soát, giảm bớt các thủ tục hành chính và đẩy nhanh tiến độ giải quyết các thủ tục hành chính tạo điều kiện cho các nhà thầu sớm khai thác được vật liệu đắp nền đường.

Về biến động giá vật liệu, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Xây dựng hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra các địa phương xây dựng, công bố giá và chỉ số giá các loại vật liệu xây dựng theo đúng quy định của pháp luật về quản lý chi phí đầu tư xây dựng…
Đ. KHOA





Cùng chuyên mục
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể: Sự vào cuộc của cơ quan thanh tra, kiểm toán không ảnh hưởng đến hoạt động của nhà thầu