(BKTO) - Chiều 15/12, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Hàn Quốc Park Byeong Seug, Hội nghị thường niên Diễn đàn Nghị viện châu Á – Thái Bình Dương lần thứ 29 (APPF-29) đã bế mạc trọng thể sau gần 3 ngày làm việc.



Phát biểu bế mạc, Chủ tịch APPF-29, Chủ tịch Quốc hội Hàn Quốc Park Byeong Seug khẳng định, Hội nghị APPF-29 đã kết thúc tốt đẹp và đạt được nhiều kết quả tích cực. Hội nghị đã thông qua 13 nghị quyết, trong đó có Nghị quyết về vai trò dẫn dắt của Nghị viện vì hoà bình và an ninh trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương và hơn thế. Hội nghị cũng đã thông qua Thông cáo chung, nêu bật các kết quả của hội nghị.
                
   

Đoàn đại biểu Quốc hội Việt Nam dự phiên bế mạc Hội nghị APPF-29 từ điểm cầu Nhà Quốc hội. Ảnh: daibieunhandan.vn

   

Chủ tịch Quốc hội Hàn Quốc nhấn mạnh, mặc dù được tiến hành theo hình thức trực tuyến nhưng hội nghị thường niên APPF năm nay là cơ hội cho các Nghị viện thành viên APPF tái khẳng định cam kết trong củng cố tình đoàn kết và hợp tác nhằm thúc đẩy hòa bình, hợp tác kinh tế trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương để vượt qua thách thức do đại dịch Covid-19 gây ra. Hội nghị cũng là dịp để các nghị sĩ trong khu vực tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau, trao đổi kinh nghiệm trong giải quyết các thách thức chung.

Trước đó, tại phiên toàn thể, Hội nghịAPPF-29 cũng đã nhất trí thông qua đề cử Quốc hội Việt Nam cùng với Quốc hội Nhật Bản và Quốc hội New Zealand tham gia Ban Chấp hành APPF mới, nhiệm kỳ 4 năm, bắt đầu từ APPF 30 đến hết Hội nghị APPF-33; đồng thời, nhất trí thay đổi quy chế của Hội đồng lập pháp Brunei Darussalam từ quan sát viên sang thành viên chính thức của APPF.
                
   

Chủ tịch APPF-29, Chủ tịch Quốc hội Hàn Quốc phát biểu bế mạc Hội nghị. Ảnh: daibieunhandan.vn

   

Cũng tại phiên toàn thể, Quốc hội Hàn Quốc đã bàn giao chức Chủ tịch APPF cho Quốc hội Thái Lan. Theo đó, Thái Lan sẽ chủ trì tổ chức hội nghị thường niên APPF lần thứ 30.

Hội nghị APPF-29 đã ghi dấu ấn của Đoàn đại biểu Quốc hội Việt Nam khi tham gia tích cực và trách nhiệm tại các phiên họp về văn kiện của Hội nghị. Đặc biệt, Đoàn Việt Nam đã đề xuất 02 sáng kiến về “Vai trò của phụ nữ trong việc thúc đẩy hòa bình, an ninh và phục hồi sau đại dịch Covid-19” và “Vai trò của Nghị viện thúc đẩy kinh tế số”. Hai sáng kiến này của Việt Nam đã được thể hiện trong 04 Nghị quyết được thông qua tại Hội nghị lần này là: Nghị quyết về thúc đẩy kinh tế số và tăng cường kết nối, Nghị quyết về tăng cường hội nhập kinh tế và thuận lợi hóa thương mại, Nghị quyết về thúc đẩy bình đẳng giới thông qua việc tăng cường sự tham gia và đại diện của phụ nữ và Nghị quyết về thúc đẩy ứng phó Covid-19 bảo đảm yếu tố giới và phục hồi sau đại dịch.

Ba nội dung được Đoàn Việt Nam đề xuất, tiếp thu vào dự thảo Thông cáo chung gồm: kêu gọi hợp tác quốc tế về phòng, chống Covid-19, bảo đảm tiếp cận công bằng đối với vắc xin, các biện pháp về y tế, phương pháp điều trị Covid-19… Việt Nam cũng đề xuất những vấn đề về an ninh nguồn nước, ứng phó với biến đổi khí hậu. Đây là những vấn đề được Việt Nam quan tâm và ưu tiên.

Bên cạnh đó, Việt Nam cũng đề xuất vấn đề mang tính lợi ích cốt lõi vào dự thảo Thông cáo chung là kêu gọi các Nghị viện thành viên APPF ủng hộ các nỗ lực nhằm bảo đảm an ninh, an toàn hàng hải và hàng không, tuân thủ đầy đủ luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS) vì lợi ích của tất cả các bên.

Đoàn đại biểu Quốc hội Việt Nam tham dự Diễn đàn APPF-29 đã tiếp tục khẳng định cam kết mạnh mẽ của Quốc hội Việt Nam tham gia có trách nhiệm các hoạt động ngoại giao nghị viện đa phương, qua đó, phát huy hơn nữa vai trò và vị thế của Việt Nam tại các cơ chế hợp tác nghị viện khu vực quan trọng như APPF; thúc đẩy quan hệ đối tác nghị viện trên toàn cầu; góp phần vào những nỗ lực ngoại giao chung của Đảng, Nhà nước vì lợi ích quốc gia, dân tộc.

Đ. KHOA
Cùng chuyên mục
Bế mạc hội nghị APPF-29