Bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng trước các phương thức kinh doanh mới

(BKTO) – Chiều 15/8, tiếp tục chương trình Phiên họp chuyên đề pháp luật tháng 8/2022, dưới sự chủ trì của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thảo luận, cho ý kiến lần đầu đối với dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi).



                
   

Quang cảnh phiên họp. Ảnh: quochoi.vn

   

Cân nhắc khái niệm “Người tiêu dùng”

Trình bày Tờ trình dự án Luật, tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết, việc xây dựng dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) nhằm thể chế hóa các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước về việc hoàn thiện thể chế bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, khắc phục những vướng mắc, bất cập trong thực tiễn gần 12 năm thi hành của Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2010, góp phần nâng cao đời sống nhân dân và thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của đất nước.

Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) hiện có 07 Chương, 80 Điều. Dự án Luật được sửa đổi, bổ sung trên cơ sở kế thừa các điều khoản cơ bản của Luật hiện hành; bảo đảm tính tương thích, đồng bộ với hệ thống pháp luật hiện hành, các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên và bám sát 07 Chính sách đã được Chính phủ thông qua tại Nghị quyết số 48/NQ-CP ngày 06/5/2021.

Đáng chú ý, theo Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên, dự thảo Luật đã mở rộng phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng, bổ sung thêm một chương mới về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong các giao dịch đặc thù với tổ chức, cá nhân kinh doanh; đã sửa đổi khái niệm người tiêu dùng theo hướng làm rõ người tiêu dùng chỉ là cá nhân mua, bán sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ không vì mục đích thương mại. Việc sửa đổi nêu trên nhằm tạo căn cứ xác định chính xác người tiêu dùng trong quá trình thực thi các quy định pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
                
   

Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên trình bày Tờ trình tại phiên họp. Ảnh: quochoi.vn

   

Tuy nhiên, qua thẩm tra dự án Luật, nhiều ý kiến trong Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đề nghị cân nhắc, nghiên cứu giữ lại đối tượng là “tổ chức” trong khái niệm “người tiêu dùng”.

Theo cơ quan thẩm tra, khái niệm này đã được sử dụng ổn định từ Pháp lệnh Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 1999, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng hiện hành và trên thực tế cũng có nhiều trường hợp tổ chức mua sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ cho mục đích tiêu dùng; kinh nghiệm quốc tế cũng cho thấy cần bảo vệ quyền lợi của nhóm đối tượng này. Do đó, cần cân nhắc giữ lại đối tượng “tổ chức” hoặc làm rõ căn cứ thuyết phục cho việc loại bỏ đối tượng này trong dự thảo Luật.

Liên quan đến nội dung này, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cũng lưu ý, nói đến tiêu dùng thì có tiêu dùng cho sản xuất và tiêu dùng cho cá nhân, chủ thể tham gia quá trình này vừa có tổ chức, vừa có cá nhân. Trong Luật hiện hành có cả tổ chức nhưng dự thảo Luật lại chỉ đề cập cá nhân. Đây là sự thay đổi chính sách rất lớn, hồ sơ có thuyết minh giải trình nhưng chưa đủ rõ vì sao lại có sự thay đổi như vậy?

Bên cạnh đó, Chủ tịch Quốc hội cũng lưu ý cần làm rõ, đảm bảo tính tương thích của hệ thống pháp luật. Ngoài ra, cơ quan soạn thảo cần nghiên cứu tích hợp các quy định cụ thể về các nhóm dịch vụ công trong dự án Luật bởi đây là vấn đề rất lớn, phức tạp, nhưng lại liên quan, ảnh hưởng trực tiếp đến an sinh xã hội, đời sống người tiêu dùng.

Bảo vệ thông tin của người tiêu dùng

Một nội dung đáng quan tâm của dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) là đưa ra các quy định để bảo vệ thông tin và sử dụng thông tin của người tiêu dùng. Liên quan đến nội dung này, Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đề nghị, về trách nhiệm bảo vệ thông tin của người tiêu dùng, cần quy định rõ trường hợp tổ chức, cá nhân kinh doanh ủy quyền hoặc thuê bên thứ ba thực hiện việc thu thập, lưu trữ, sử dụng, chỉnh sửa, cập nhật, huỷ bỏ thông tin của người tiêu dùng thì phải được sự đồng ý của người tiêu dùng.

Về bảo đảm an toàn thông tin của người tiêu dùng thì cần bổ sung cơ chế, hình thức thông báo của tổ chức, cá nhân kinh doanh hoặc bên lưu trữ thông tin liên quan cho người tiêu dùng bên cạnh việc thông báo cho cơ quan chức năng sau khi phát hiện sự cố hệ thống thông tin bị tấn công làm phát sinh nguy cơ mất thông tin của người tiêu dùng.

Góp ý vào dự thảo Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho rằng, nếu doanh nghiệp, tổ chức thu thập, lưu trữ thông tin người tiêu dùng để nghiên cứu, phục vụ sản xuất, kinh doanh sẽ được ủng hộ. Tuy nhiên, thời gian qua đã tồn tại tình trạng tin nhắn rác, cuộc gọi đến giới thiệu về bất động sản, gợi ý mua hàng hóa, dịch vụ chăm sóc sức khỏe… Vì vậy, thực tế đòi hỏi tại dự án Luật phải có quy định để ngăn chặn tổ chức, cá nhân kinh doanh ủy quyền hoặc thuê bên thứ ba lợi dụng việc thu thập, lưu trữ, sử dụng thông tin của người tiêu dùng.

Trên cơ sở các ý kiến thảo luận, kết luận nội dung phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục rà soát kỹ các quy định áp dụng Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và các luật liên quan, bảo đảm rõ ràng, cụ thể, khả thi, bao quát được thực tiễn phát sinh và sự phát triển mạnh mẽ của kinh tế số, thương mại điện tử, các phương thức kinh doanh và tiêu dùng mới, để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đối với giao dịch điện tử, các giao dịch đặc thù.

Đ. KHOA
Cùng chuyên mục
Bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng trước các phương thức kinh doanh mới