Bảo đảm tối đa quyền lợi của nhân dân trong khám, chữa bệnh

(BKTO) - Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh tại Phiên họp thứ 10 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH), cho ý kiến về dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) sáng 21/4.



Nâng cao chất lượng dịch vụ y tế theo hướng công bằng, chất lượng, hiệu quả

Báo cáo tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh, việc xây dựng dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (KCB) (sửa đổi) nhằm cụ thể hóa đường lối, chủ trương của Đảng và Nhà nước, khắc phục những hạn chế, bất cập, giải quyết những vấn đề mới phát sinh để phát triển và nâng cao chất lượng dịch vụ y tế cho người dân theo định hướng công bằng, chất lượng, hiệu quả, phát triển và hội nhập quốc tế; tăng cường hiệu lực, hiệu quả, trật tự, kỷ cương, kỷ luật của quản lý nhà nước về hoạt động KCB.                
   

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long báo cáo tại phiên họp. Ảnh: quochoi.vn

   

Theo đó, trên cơ sở các chính sách đã được UBTVQH thông qua, Bộ Y tế đã xây dựng nội dung dự án Luật theo hướng “lấy người bệnh làm trung tâm” thông qua việc quy định đồng thời các giải pháp về nâng cao kỹ năng hành nghề, tăng cường quản lý hoạt động của người hành nghề; nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ của cơ sở KCB, tăng cường khả năng tiếp cận dịch vụ của người dân với dịch vụ KCB; tăng cường phân cấp, phân quyền, cải cách thủ tục hành chính trong KCB; đổi mới một số quy định liên quan điều kiện bảo đảm thực hiện.

Thẩm tra dự án Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh nêu rõ, Thường trực Ủy ban Xã hội thấy rằng, về chính sách của Nhà nước về KCB, cơ quan soạn thảo cần tiếp tục nghiên cứu để thể chế hóa Nghị quyết số 20-NQ/TW, đặc biệt là các nội dung về y tế cơ sở, chăm sóc sức khỏe ban đầu, xây dựng hệ thống y tế công bằng, chất lượng, hiệu quả, đào tạo và đãi ngộ cán bộ y tế. Đồng thời, cụ thể hóa các chính sách ưu tiên của Nhà nước đối với công tác chăm sóc sức khỏe cho đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi đã được nêu tại Hiến pháp…

Về xã hội hóa công tác KCB, Thường trực Ủy ban Xã hội đề nghị cơ quan soạn thảo cần nghiên cứu sửa đổi, quy định mang tính nguyên tắc, căn cơ, có tính đột phá về tài chính y tế để tạo hành lang pháp lý vững chắc cho hoạt động của các cơ sở KCB, cán bộ y tế, phù hợp với thực tiễn, đáp ứng yêu cầu phát triển của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
                
   

Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh trình bày báo cáo thẩm tra. Ảnh: quochoi.vn

   
Về giá dịch vụ KCB, Thường trực Ủy ban Xã hội thấy rằng, KCB là dịch vụ đặc biệt, do vậy, thẩm quyền quyết định giá dịch vụ KCB vẫn cần thực hiện theo nguyên tắc Nhà nước thống nhất quản lý về giá. Theo Luật Giá, Nhà nước chỉ định khung giá và mức giá dịch vụ KCB tại cơ sở KCB của Nhà nước, do đó, đề nghị Cơ quan soạn thảo nghiên cứu bổ sung quy định về nguyên tắc quản lý giá dịch vụ KCB và việc quản lý giá dịch KCB đối với cơ sở KCB tư nhân.

Cơ quan thẩm tra cũng lưu ý, nhiều chính sách liên quan đến phát sinh thủ tục hành chính và có tác động về nhiều mặt với nhiều bên liên quan, do đó, đề nghị cơ quan soạn thảo cần đánh giá kỹ hơn tác động của các chính sách này đến môi trường đầu tư, kinh doanh cũng như việc hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và yêu cầu hội nhập quốc tế. Ngoài ra, một số chính sách nhạy cảm liên quan đến yếu tố nước ngoài cần được tiếp tục lấy ý kiến của các hiệp hội, cộng đồng DN là đối tượng chịu sự tác động của chính sách.

Công khai, minh bạch về cơ chế tài chính y tế

Qua thảo luận, các đại biểu cơ bản tán thành với sự cần thiết sửa đổi Luật. Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhận xét, dự thảo Luật trình UBTVQH lần này đã có sự thay đổi rất tích cực; tiếp thu đầy đủ ý kiến của UBTVQH cũng như nhiều ý kiến góp ý của các tổ chức, cá nhân; cập nhật, bổ sung nhiều vấn đề mới phát sinh trong lĩnh vực KCB đặc biệt trong bối cảnh đại dịch Covid-19. Hồ sơ dự án luật đủ điều kiện để trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV.

Để đảm bảo chất lượng của dự thảo Luật, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị, ban soạn thảo và cơ quan thẩm tra tiếp tục rà soát, nghiên cứu để thể chế sâu sắc hơn Nghị quyết số 20/NQ-TW của Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới vào trong dự thảo Luật. Đặc biệt, các nội dung của dự thảo Luật cần được xây dựng theo đúng phương châm “lấy người bệnh làm trung tâm”.
                
   

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu ý kiến tại phiên họp. Ảnh: quochoi.vn

   
Theo đó, để bảo đảm tối đa quyền lợi của nhân dân khi tham gia KCB, Chủ tịch Quốc hội yêu cầu, dự thảo Luật lần này sau khi hoàn thiện cần phải bảo vệ tốt người sử dụng dịch vụ y tế, tránh nguy cơ lạm dụng kỹ thuật cao nhằm đẩy giá dịch vụ lên quá cao so với khả năng chi trả của đại đa số quần chúng nhân dân như một số quốc gia trên thế giới; tình trạng người bệnh dồn lên tuyến trên KCB quá nhiều. Đồng thời, bảo vệ được người thầy thuốc trước nguy cơ vi phạm y đức, thương mại hóa trong chăm sóc y tế; đảm bảo rõ ràng, minh bạch và giải trình trách nhiệm của các bên tham gia vào hệ thống y tế và hoạt động KCB; cơ chế giám sát, đánh giá chất lượng dịch vụ KCB, đảm bảo các nguyên tắc khoa học, khách quan; tuân thủ khuyến cáo của Tổ chức y tế thế giới (WHO) về đảm bảo hệ thống y tế, hệ thống khám KCB…

Đề cập đến hậu quả của việc thiếu kiểm soát đối với việc tự chủ tài chính trong lĩnh vực y tế như: nhiều sai phạm, tiêu cực trong lĩnh vực KCB và các cơ sở KCB, từ mua sắm vật tư, trang thiết bị, thuốc men đến KCB… Chủ tịch Quốc hội yêu cầu phải tính toán để quy định về cơ chế tài chính của cơ sở KCB để đảm bảo công khai, minh bạch, để người thầy thuốc tập trung vào chuyên môn.

Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương, các chính sách quy định trong dự thảo Luật KCB (sửa đổi) lần này là những nhóm chính sách rất lớn và phức tạp, là lĩnh vực ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của nhân dân và cộng đồng, đồng thời cũng là lĩnh vực dễ phát sinh tiêu cực. Do vậy, cơ soạn thảo cần tiếp tục rà soát các quy định được sửa đổi; nêu rõ những vấn đề mới được bổ sung, điều chỉnh so với Luật hiện hành; làm rõ các giải pháp khắc phục các bất cập, hạn chế…
Đ. KHOA

Cùng chuyên mục
Bảo đảm tối đa quyền lợi của nhân dân trong khám, chữa bệnh