Bảo đảm tính khả thi của các cơ chế thu hút đầu tư lĩnh vực dầu khí

(BKTO) – Sáng 15/6, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 3, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự án Luật Dầu khí (sửa đổi). Qua thảo luận, các đại biểu Quốc hội nhất trí về sự cần thiết sửa đổi Luật Dầu khí nhằm thể chế hóa và cụ thể hóa chủ trương, đường lối của Đảng và khắc phục những bất cập, hạn chế của chính sách, pháp luật về dầu khí hiện hành, đáp ứng yêu cầu phát triển trong giai đoạn mới; đặc biệt là việc hình thành cơ chế thu hút đầu tư vào lĩnh vực dầu khí.



                
   

Toàn cảnh phiên họp. Ảnh: quochoi.vn

   

Quy định rõ về cơ chế thực hiện điều tra cơ bản về dầu khí

Phát biểu thảo luận liên quan đến nội dung điều tra cơ bản về dầu khí, đại biểu Cầm Thị Mẫn (Đoàn Thanh Hóa) cơ bản thống nhất với các quy định của dự thảo Luật. Tuy nhiên, để áp dụng thuận lợi trong thực tế, đại biểu đề nghị cần nghiên cứu quy định rõ về cơ chế thực hiện điều tra cơ bản về dầu khí, cụ thể là giao nhiệm vụ hay đấu thầu; quy định về cơ chế thu hút các tổ chức, cá nhân tham gia điều tra cơ bản về dầu khí, hình thức ghi nhận sự thỏa thuận giữa Nhà nước và tổ chức, cá nhân khi thực hiện điều tra cơ bản về dầu khí cũng như trình tự, thủ tục, thẩm định, phê duyệt dự án, báo cáo kết quả…

Cũng đề cập đến vấn đề này, đại biểu Vũ Thị Lưu Mai (Đoàn TP. Hà Nội) cho rằng, điều tra cơ bản là khâu vô cùng rủi ro và chi phí rất tốn kém. Tuy nhiên, trong dự thảo Luật chỉ quy định chung đó là “kinh phí cho điều tra cơ bản được bố trí trong dự toán ngân sách nhà nước, kinh phí của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, kinh phí của tổ chức, cá nhân”. Đại biểu đề nghị cần phân định rõ trường hợp nào thì chi phí từ NSNN và cần giữ được nguyên tắc Nhà nước chỉ chi trả cho những chi phí hoạt động đầu tư từ phía Nhà nước, còn đối với hoạt động của DN thì DN tự cân đối.
                
   

Đại biểu Vũ Thị Lưu Mai phát biểu thảo luận. Ảnh: quochoi.vn

   

Trong khi đó, đại biểu Tạ Đình Thi (Đoàn TP. Hà Nội) cho rằng, ngoài việc điều chỉnh hoạt động điều tra cơ bản tìm kiếm, thăm dò, khai thác dầu khí và các hoạt động liên quan, dự thảo Luật cần quan tâm bổ sung hoạt động chế biến để tạo ra các sản phẩm hóa dầu với giá trị gia tăng cao.

Theo đại biểu, công tác điều tra cơ bản dầu khí cần đầu tư nguồn lực rất lớn, trong khi NSNN còn hạn chế. Vì vậy, dự thảo Luật cần bổ sung các quy định về cơ chế, chính sách ưu đãi để thu hút sự tham gia của các tổ chức, cá nhân vào công tác điều tra cơ bản dầu khí cũng như các hoạt động dầu khí khác; nhất là ưu tiên thu hút các nhà đầu tư chiến lược hàng đầu thế giới có công nghệ nguồn, trình độ quản lý tiên tiến trên nguyên tắc bình đẳng cùng có lợi, tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam; khuyến khích nghiên cứu và thực hiện chôn lấp carbon vào các mỏ cạn kiệt nhằm thực hiện cam kết của Việt Nam tại Hội nghị COP 26.

Mặt khác, cần có cơ chế để kết hợp các hoạt động điều tra cơ bản về dầu khí và về tài nguyên môi trường biển và hải đảo, chia sẻ, sử dụng dùng chung cơ sở vật chất, trang thiết bị và nhân lực của các cơ quan; chia sẻ thông tin, dữ liệu, kết quả điều tra để tránh lãng phí, nâng cao hiệu quả chất lượng điều tra trên biển.

Thiết kế riêng một chương về thu hút đầu tư và hợp tác quốc tế lĩnh vực dầu khí

Theo đại biểu Lê Mạnh Hùng (Đoàn Cà Mau) để Luật Dầu khí sau khi ban hành bảo đảm tính khả thi cao, đáp ứng nhu cầu thực tiễn, các quy định trong Luật Dầu khí cần phản ánh tính đặc thù của hoạt động dầu khí như đầu tư lớn, rủi ro cao, xác suất thành công chỉ khoảng 20%; công nghệ hiện đại, phức tạp, an toàn môi trường cháy nổ và ảnh hưởng rất lớn từ biến động của môi trường, thị trường năng lượng gắn với an ninh, quốc phòng và chịu tác động lớn của địa chính trị.
                
   

Đại biểu Lê Mạnh Hùng phát biểu thảo luận. Ảnh: quochoi.vn

   

Do đó, cần bổ sung quy định tại Điều 1 và Điều 3 sửa đổi đồng bộ với khoản 4 Điều 34 cho dự án đồng bộ siêu lớn triển khai theo mô hình chuỗi. Việc áp dụng Luật Dầu khí trong đầu tư, lựa chọn nhà thầu, ký kết hợp đồng về thẩm quyền, trình tự, thủ tục cần được quy định rõ tại khoản 2 Điều 4 và Điều 14 để tránh chồng chéo, hiểu nhầm khi áp dụng.

Đồng thời, cần bổ sung quy định về lựa chọn nhà thầu cung cấp hàng hóa, dịch vụ phục vụ cho hoạt động dầu khí theo quy định của Luật Dầu khí và Hợp đồng dầu khí; xem xét loại bỏ khoản 3 Điều 34 quy định dự án dầu khí theo quy trình đầu tư công, vì việc này không khả thi.

Về ưu đãi cho hoạt động dầu khí, cần bảo đảm tính khả thi trong thu hút đầu tư vào hoạt động dầu khí theo nguyên tắc cạnh tranh ngang bằng với khu vực, phù hợp với bối cảnh và điều kiện của Việt Nam, bảo đảm lợi ích của nhà đầu tư và của Nhà nước.

“Trong Dự thảo đã phản ánh các ưu đãi thuế ở mức thu hồi chi phí, tuy nhiên còn thấp hơn các nước xung quanh. Đề nghị mở rộng phạm vi áp dụng cho chính sách ưu đãi đối với các hợp đồng đã ký và đang thực hiện nhưng các phát hiện có quy mô nhỏ, hiệu quả cận biên nhằm tận thu tài nguyên và tiết kiệm thời gian” – đại biểu Nguyễn Mạnh Hùng phát biểu.

Cùng với đó, đại biểu đề nghị bổ sung vào Điều 64 "Trường hợp quy định về ưu đãi đầu tư mới cao hơn thì nhà thầu dầu khí được hưởng ưu đãi đầu tư mới và trong trường hợp mà quy định thấp hơn thì nhà thầu dầu khí tiếp tục được hưởng ưu đãi theo quy định của hợp đồng dầu khí".

Đại biểu Hoàng Đức Thắng (Đoàn Quảng Trị) đánh giá, mục tiêu sửa đổi Luật Dầu khí lần này nhằm đáp ứng yêu cầu tăng cường thu hút đầu tư nước ngoài và khu vực tư nhân vào lĩnh vực dầu khí. Tuy nhiên, dự thảo Luật chưa thể hiện rõ nét được quan điểm, chủ trương, chính sách này, chưa thể hiện được các quan hệ hợp tác quốc tế cũng như xã hội hóa về đầu tư, liên doanh, liên kết trong lĩnh vực dầu khí.

“Tôi đề nghị cần thiết phải thiết kế dành riêng một chương về việc thu hút đầu tư và hợp tác quốc tế về lĩnh vực dầu khí, theo hướng quy định đầy đủ về chính sách về thu hút đầu tư tư nhân, thu hút đầu tư nước ngoài, liên doanh, liên kết và hợp tác quốc tế về lĩnh vực dầu khí” – đại biểu kiến nghị.

Cũng nhấn mạnh việc cần quan tâm đến chính sách đầu tư phát triển ngành công nghiệp dầu khí, đại biểu Vũ Thị Liên Hương (Đoàn Quảng Ngãi) đề xuất, cần thiết kế một số điều quy định về đào tạo, chuyển giao công nghệ và các cơ chế, chính sách cụ thể đối với nhà thầu khi tham gia hoạt động dầu khí ở Việt Nam, để chúng ta từng bước tiếp cận, làm chủ công nghệ kỹ thuật, phát triển nền công nghiệp dầu khí.

Bên cạnh đó, để phát triển ngành công nghiệp dầu khí, Việt Nam cần chủ động tăng cường việc hợp tác quốc tế với các nhà đầu tư nước ngoài để huy động được nguồn vốn lớn, công nghệ hiện đại và chia sẻ rủi ro, đồng thời, tiếp thu thành tựu khoa học kỹ thuật ngành dầu khí các nước phát triển. Vì vậy, cần thiết mở rộng phạm vi điều chỉnh của Luật toàn diện hơn và chế định các nội dung cụ thể về hợp tác quốc tế trong lĩnh vực dầu khí nhằm tạo khuôn khổ pháp lý đối với các Bộ, ngành, tổ chức, đơn vị liên quan thực hiện theo chức năng, nhiệm vụ của mình, từng bước hiện thực hóa mục tiêu phát triển ngành công nghiệp dầu khí của Việt Nam./.
Đ. KHOA






Cùng chuyên mục
Bảo đảm tính khả thi của các cơ chế thu hút đầu tư lĩnh vực dầu khí