Trang bị kỹ năng nghề để nâng cao cơ hội việc làm cho thanh niên sau đại dịch

(BKTO) - Tại Diễn đàn “Tương lai việc làm trong bối cảnh đại dịch Covid-19 và cách mạng công nghiệp 4.0 - Phát triển kỹ năng thiết yếu cho thanh niên Việt Nam” diễn ra chiều 14/7, các đại biểu cho rằng, cơ hội việc làm cho lao động trẻ đang chịu tác động nặng nề của dịch bệnh cũng như cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Trang bị kỹ năng nghề để nâng cao khả năng thích ứng, tiếp cận cơ hội việc làm mới cho lao động thanh niên sau đại dịch là yêu cầu cấp thiết được đặt ra.



Người lao động bị ảnh hưởng"kép"

Phát biểu tại Diễn đàn, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Vũ nhấn mạnh, Covid-19 và Cách mạng công nghiệp 4.0 là “cú sốc kép” đối với thị trường lao động toàn cầu; là nguyên nhân gây đứt gãy thị trường lao động, gia tăng thất nghiệp và bất bình đẳng xã hội, nhất là đối với lực lượng lao động trẻ.

Theo dự báo của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF), đến năm 2025 có 85 triệu việc làm trên toàn cầu sẽ bị xóa bỏ, nhưng đồng thời có 97 triệu việc làm mới được tạo ra. Theo đó, để đáp ứng yêu cầu của thế giới việc làm mới, ước tính khoảng 50% lao động cần được đào tạo lại và đào tạo nâng cao về kỹ năng.
                
   

Trang bị kỹ năng nghề, nâng cao cơ hội việc làm cho lao động thanh niên cần được coi là ưu tiên hàng đầu hiện nay. Ảnh: N.LỘC

   

Làm sâu sắc thêm về tác động của đại dịch đến thị trường lao động, việc làm trong nước, ông Nguyễn Chí Trường - Vụ trưởng Vụ Kỹ năng nghề, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (GDNN) dẫn số liệu: Tính đến hết tháng 6/2021, lực lượng lao động Việt Nam từ 15 tuổi trở lên của cả nước là 51,1 triệu người, nhưng có tới 12,8 triệu người bị ảnh hưởng bởi Covid-19 như mất việc làm, giảm giờ làm, giảm thu nhập..., chiếm hơn 25% lực lượng lao động. Trong đó, thanh niên là đối tượng bị ảnh hưởng rất nặng nề.

Box: Diễn đàn là hoạt động tiếp nối những nỗ lực và ưu tiên của Chính phủ Việt Nam và ASEAN, APEC với những trao đổi và thảo luận và cam kết của các nhà lãnh đạo cấp cao trong phát triển nguồn nhân lực kỷ nguyên số, đồng thời nhằm hưởng ứng ngày Kỹ năng thanh niên thế giới (15/7), tiến tới hưởng ứng ngày Kỹ năng lao động Việt Nam 4/10/2021.

Ông Srinivas B Reddy - Giám đốc toàn cầu về kỹ năng và việc làm, Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) cho rằng, dịch Covid-19 đã gây trở ngại rất lớn cho thanh niên trong việc tiếp cận thị trường lao động, nhất là khi số lượng việc làm mới đang giảm, tỷ lệ thất nghiệp đang tăng cao; đồng thời làm hạn chế cơ hội học tập cho thanh niên.Trong bối cảnh đó, thúc đẩy việc làm cho thanh niên là ưu tiên hàng đầu trên toàn cầu và ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương, trong đó có Việt Nam.

Theo Thứ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Lê Tấn Dũng, sau đại dịch, nền kinh tế muốn đảm bảo tốc độ tăng trưởng thì phải đẩy nhanh tốc độ tăng năng suất lao động, dựa vào nhân tố đổi mới sáng tạo, ứng dụng tiến bộ khoa học, công nghệ mới. Muốn làm được điều này, ngay từ bây giờ phải quan tâm phát triển nguồn nhân lực nói chung, nhất là phát triển kỹ năng nghề nghiệp của người lao động, đặc biệt là lao động trẻ.


Lao động thanh niên phải đi đầu trong tiếp cận công nghệ và đào tạo nghề

Tại Diễn đàn, Thứ trưởng Nguyễn Minh Vũ bày tỏ tin tưởng, với khả năng thích ứng của mình, thanh niên sẽ là lực lượng tiên phong, đi đầu trong trang bị lại, nâng cao các kỹ năng việc làm, nhất là kỹ năng, tri thức trong môi trường chuyển đổi số, để hoàn thiện và phát triển chính mình, đồng thời góp phần thay đổi cả cộng đồng và xã hội.

Tại Diễn đàn, các đại biểu cũng chỉ rõ những tri thức, giá trị và kỹ năng mà thanh niên cần trang bị cho mình làm hành trang trong kỷ nguyên số; đồng thời đề xuất Chính phủ xây dựng các chính sách để huy động, gắn kết sự tham gia của DN và người dân vào quá trình phát triển kỹ năng thiết yếu, nâng cao năng lực tiếp thu công nghệ mới cho thanh niên.
                
   

Lao động trẻ cần được trang bị kỹ năng công nghệ thông tin - kỹ năng mới để đáp ứng cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Ảnh: N.LỘC

   

Ông Till Alexander Leopold - Giám đốc Trung tâm Tầm nhìn tiên phong, Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) gợi ý 10 kỹ năng thuộc 4 nhóm kỹ năng mà mọi lao động nên có, để phù hợp với nhu cầu trong tương lai, đáng chú ý như: kỹ năng nhìn nhận, giải quyết vấn đề, kỹ năng nắm bắt tâm lý xã hội… Đặc biệt, lao động thanh niên cần phát huy thế mạnh là khả năng nhanh nhạy, dễ thích ứng để hoàn thiện và nâng cao các kỹ năng nghề nghiệp với sự trợ giúp của công nghệ thông tin.

Để nâng cao kỹ năng cho người lao động, ông Nguyễn Chí Trường đưa ra các giải pháp, trong đó lưu ý, các ngành chức năng cần chú trọng đến việc xây dựng hệ thống chính sách, hành lang pháp lý đảm bảo tăng cường phát triển kỹ năng cơ bản, nền tảng cho người lao động trẻ; định vị mục tiêu GDNN trên cơ sở “kỹ năng và năng lực hành nghề của người học vừa là động lực, vừa là mục tiêu của quá trình đào tạo”, đáp ứng nhu cầu việc làm chuẩn mực, bền vững; xây dựng mô hình kết nối giữa cơ sở GDNN và DN đảm bảo đáp ứng cung - cầu về lao động, giảm thiểu chênh lệch và thiếu hụt kỹ năng…

NGUYỄN LỘC
Cùng chuyên mục
Trang bị kỹ năng nghề để nâng cao cơ hội việc làm cho thanh niên sau đại dịch