Thị trường chứng khoán sẽ diễn biến tích cực trong nửa cuối năm

(BKTO) - Theo đánh giá của các chuyên gia, định giá của thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam đang ở mức hấp dẫn tương đối so với các nền kinh tế trong khu vực châu Á xét trên chỉ số P/E (chỉ số phản ánh mối quan hệ giữa thị giá cổ phiếu với lợi nhuận sau thuế trong một năm của DN), P/B (tỷ lệ giá cổ phiếu trên giá trị sổ sách) và ROE (lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu). Có 62,5% chuyên gia chứng khoán và DN niêm yết trong khảo sát của Vietnam Report cho rằng TTCK Việt Nam 6 tháng cuối năm 2020 sẽ sôi động, diễn biến khá tích cực. Tuy nhiên, vẫn có tới 37,5% dự đoán thị trường có nhiều biến động và có thêm những cú sốc mới.



Covid-19 tác động mạnh tới thị trường

Năm 2019, TTCK có nhiều điểm tích cực và tiêu cực đan xen, được thúc đẩy bởi các yếu tố như: tình hình kinh tế vĩ mô ổn định, chính sách tiền tệ được nới lỏng, sự vươn lên mạnh mẽ của các quỹ ETF (quỹ hoán đổi danh mục), huy động vốn cổ phiếu và trái phiếu đều tăng trưởng đột phá với quy mô thị trường trái phiếu DN tương đương 10,26% GDP, số lượng tài khoản giao dịch phái sinh tăng 58% so với cuối năm 2018, đạt 90.860 tài khoản. Mức vốn hóa của thị trường cổ phiếu tính đến ngày 06/12/2019 đạt hơn 4,38 triệu tỷ đồng, tăng 10,7% so với cuối năm 2018, chiếm 79,2% GDP. Bên cạnh đó, Luật Chứng khoán 2019 sẽ giúp thị trường hoạt động an toàn, hiệu quả, bền vững hơn.

Giống như các thị trường lớn trên thế giới, năm 2020, TTCK Việt Nam cũng chịu tác động mạnh bởi đại dịch Covid-19. Chỉ số VnIndex có sự đảo chiều giữa quý I và quý II. Tính đến cuối quý I, VnIndex sụt giảm 31% so với đầu năm, các nhà đầu tư bán ròng cả quý khoảng 9.200 tỷ đồng trong 33 phiên liên tiếp. Giá cổ phiếu về mức thấp đã mở ra cơ hội cho các nhà đầu tư mới hay còn gọi là “nhà đầu tư F0” bắt đáy thị trường. Đây được đánh giá là dòng tiền đầu tư thông minh, luân chuyển từ các kênh đầu tư khác đến kênh chứng khoán và là tác động lớn của đại dịch tới các thị trường tài chính.

Khi Chính phủ thực hiện giãn cách xã hội khiến một lượng lớn DN, cá nhân tạm ngừng kinh doanh, dòng tiền có thể được đưa vào kinh doanh bị ngưng trệ, có thời gian để nghiên cứu đầu tư nên nhiều nhà đầu tư chuyển sang đầu tư chứng khoán nhằm kiếm lời bù đắp cho lãi suất tiết kiệm rất thấp. Thêm vào đó, sự phát triển của công nghệ, các ứng dụng giao dịch chứng khoán được nâng cấp giúp cho việc đăng ký tài khoản, đặt lệnh giao dịch thuận tiện…

Số lượng tài khoản chứng khoán mở mới trong tháng 3 và tháng 4 tăng đột biến, từ tháng 3 đến tháng 6, thị trường có thêm 137.000 tài khoản được mở. Tính đến hết tháng 6, số lượng tài khoản nhà đầu tư trong nước đạt trên 2,5 triệu tài khoản, tăng 7,1% so với cuối năm 2019. Đánh giá của nhiều công ty chứng khoán, bên cạnh những nhà đầu tư nhỏ lẻ, có rất nhiều tài khoản có quy mô lớn, từ vài chục đến trăm tỷ đồng tham gia vào thị trường và đây là yếu tố đòn bẩy giúp thị trường hồi phục mạnh mẽ và thanh khoản thị trường quý II tăng cao.

Nhiều yếu tố tích cực thúc đẩy thị trường

Chỉ số VnIndex cuối tháng 6/2020 tăng trên 25% so với mức đáy của thị trường vào cuối tháng 3/2020, thanh khoản bình quân trên 3 sàn tăng mạnh, nhưng hoạt động huy động vốn có xu hướng chậm lại. Theo số liệu của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, trên 3 thị trường HOSE, HNX, UPCoM, giá trị giao dịch bình quân 6 tháng đầu năm đạt trên 5.600 tỷ đồng, tăng 21,4% so với bình quân năm 2019; trong đó, quý II/2020, thanh khoản tăng 40% so với quý I. Tổng mức huy động trên TTCK ước đạt 107.000 tỷ đồng, giảm 29% so với cùng kỳ năm trước.

Kết quả khảo sát với các DN niêm yết và chuyên gia chứng khoán cho thấy, tâm lý nhà đầu tư trong bối cảnh dịch bệnh, tình hình phát triển công ty, khả năng kiểm soát dịch bệnh và diễn biến, thực trạng nền kinh tế là những yếu tố ảnh hưởng nhất đến giá cổ phiếu của DN.
Dòng tiền không chỉ chảy mạnh vào TTCK cơ sở mà trên thị trường phái sinh cũng sôi động, tăng trưởng tốt và thiết lập kỷ lục mới. Trong 6 tháng đầu năm, khối lượng giao dịch bình quân đạt 164.228 hợp đồng/phiên, tăng 85% so với cuối năm 2019. Khối lượng hợp đồng mở của toàn thị trường tại thời điểm 30/6 đạt 27.068 hợp đồng, tăng 67,3% so với phiên giao dịch đầu năm.

Thị trường trái phiếu DN đang trở thành một kênh đầu tư thu hút lượng tiền đáng kể từ các kênh đầu tư khác, dần trở thành một lựa chọn đầu tư mới cho khách hàng cá nhân, trong thời gian qua đã đánh dấu sự tăng trưởng mạnh về cả quy mô, tính thanh khoản và khả năng tiếp cận. Theo thống kê của Công ty Chứng khoán SSI, tổng lượng trái phiếu DN phát hành từ đầu năm đến nay ước tính ở mức 159.000 tỷ đồng, tăng 50% so với 6 tháng đầu năm 2019. Các nhà đầu tư cá nhân đã mua trực tiếp gần 22.700 tỷ đồng trái phiếu DN trên thị trường sơ cấp - tương đương 15% tổng lượng phát hành, cao hơn mức trung bình gần 10% của năm 2019.

Theo đó, triển vọng TTCK có xu hướng khá tích cực. Việc kiểm soát dịch tốt góp phần làm TTCK Việt Nam khởi sắc. Các chuyên gia và DN niêm yết tham gia khảo sát nhận định có 5 yếu tố tích cực mới để thúc đẩy TTCK Việt Nam: Kinh tế được dự báo tăng trưởng so với các nước trong khu vực (60%); Các biện pháp hỗ trợ giảm lãi suất của Ngân hàng Nhà nước (60%); Chính phủ đẩy mạnh đầu tư công (46,67%); Khả năng kiểm soát dịch bệnh Covid-19 trên toàn thế giới (46,67%); Các hiệp định thương mại tự do như EVFTA được thông qua.
         
Vietnam Report vừa công bố Top 10 DN niêm yết uy tín năm 2020 của Nhóm cổ phiếu Blue chip (nhóm cổ phiếu dẫn dắt thị trường) và Nhóm cổ phiếu Mid cap (nhóm cổ phiếu có mức vốn hóa trung bình). Trong đó, lọt vào danh sách DN Nhóm cổ phiếu Blue chip được vinh danh là: Vinamilk, FPT, Vingroup, Vietcombank, Thế giới di động, Hòa Phát, PNJ, PV GAS, Dược Hậu Giang, Masan Group.
PHÚC KHANG
Cùng chuyên mục
  • Giao dịch không tiếp xúc tăng trưởng mạnh trong giai đoạn dịch COVID-19
    3 năm trước Đầu tư
    (BKTO) - Giao dịch không tiếp xúc tăng trưởng mạnh trong giai đoạn dịch COVID-19 là thông tin vừa được Visa - Công ty Công nghệ thanh toán điện tử hàng đầu thế giới cho hay. Cụ thể, trong 6 tháng đầu năm 2020, giao dịch không tiếp xúc của Visa đã tăng hơn 500% so với cùng kỳ năm trước. Tổng giá trị giao dịch không tiếp xúc của Visa tăng hơn 600% so với cùng kỳ.
  • PVN sẵn sàng cho ngày hội lớn
    3 năm trước Đầu tư
    (BKTO) - Đại hội Đại biểu Đảng bộ Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam lần thứ III, nhiệm kỳ 2020 - 2025 (Đại hội) sẽ chính thức diễn ra trong hai ngày 3 và 4/8/2020 tại Thủ đô Hà Nội với sự tham dự của các đại biểu chính thức được bầu từ đại hội 33 đảng bộ/chi bộ trực thuộc và đại biểu đương nhiên là ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ Tập đoàn đương nhiệm, đại diện cho ý chí và nguyện vọng của gần 1,5 vạn Đảng viên và gần 6 vạn người lao động Dầu khí trong toàn Tập đoàn.
  • 1 tỷ đồng sản phầm sữa được Vinamilk gửi đến người dân miền Trung đang cách ly vì Covid-19
    3 năm trước Đầu tư
    (BKTO) - Công ty Cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk) trao tặng hàng trăm ngàn sản phẩm dinh dưỡng (trị giá 1 tỷ đồng) cho các điểm cách ly do Covid-19 tại Đà Nẵng, Quảng Nam và Quảng Ngãi.
  • Chỉ số sản xuất công nghiệp tăng thấp nhất trong nhiều năm
    3 năm trước Đầu tư
    (BKTO) - Theo Tổng cục Thống kê, chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 7/2020 chỉ tăng 3,6% so với tháng trước và tăng 1,1% so với cùng kỳ năm trước, không đạt được mức tăng đột phá trong thời kỳ Covid-19 như tháng 6/2020. Tính chung 7 tháng, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 2,6%, là mức tăng thấp nhất trong nhiều năm qua.
  • Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu 7 tháng 2020 giảm 1,3% so với cùng kỳ
    3 năm trước Đầu tư
    (BKTO) - Theo Tổng cục Thống kê, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa 7 tháng năm 2020 ước tính đạt 285,12 tỷ USD, giảm 1,3% so với cùng kỳ năm trước, trong đó xuất khẩu đạt 145,79 tỷ USD, tăng nhẹ 0,2%; nhập khẩu đạt 139,33 tỷ USD, giảm 2,9%. Cán cân thương mại hàng hóa 7 tháng ước tính xuất siêu 6,5 tỷ USD.
Thị trường chứng khoán sẽ diễn biến tích cực trong nửa cuối năm