Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ: "Năm 2018, thị trường chứng khoán Việt Nam vượt khó thành công"

(BKTO)- Sáng nay 22/2, tại Hà Nội, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã tổ chức Hội nghị triển khai nhiệm vụ phát triển thị trường chứng khoán (TTCK) năm 2019.



Tham dự Hội nghị có Phó Thủ tướng Chỉnh phủ Vương Đình Huệ, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng, Phó Thống đốc Ngân hàng nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng cùng đại diện lãnh đạo các bộ, ngành; lãnh đạo Ủy ban Chứng khoán nhà nước (UBCKNN), các sở giao dịch chứng khoán, Trung tâm lưu ký Chứng khoán Việt Nam, các DN, nhà đầu tư...

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng nhận định, mặc dù bị ảnh hưởng bởi diễn biến phức tạp của tình hình chính trị, kinh tế toàn cầu, nhưng nhờ sự ổn định của kinh tế vĩ mô trong nước, các chính sách phát triển thị trường, TTCK Việt Nam năm 2018 vẫn đứng vững và duy trì tăng trưởng trên nhiều khía cạnh, là điểm đến hấp dẫn đối với dòng vốn đầu tư nước ngoài.

Tính đến cuối năm 2018, mức vốn hóa thị trường cổ phiếu đạt 3,9 triệu tỷ đồng, tăng 12,7% so với cuối năm 2017, tương đương với 72% GDP năm 2018, vượt trước 2 năm chỉ tiêu đặt ra trong Chiến lược phát triển TTCK đến năm 2020. TTCK đã và đang trở thành kênh dẫn vốn trung và dài hạn ngày càng quan trọng trong nền kinh tế, thúc đẩy xã hội hóa việc huy động vốn, góp phần tích cực vào tái cơ cấu và đẩy mạnh quá trình cơ cấu lại nền kinh tế và hội nhập quốc tế.
                
   

Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng phát biểu khai mạc Hội nghị

   
Tin tưởng TTCK sẽ phát triển tốt hơn nữa Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho rằng, với sự quan tâm, phối hợp, chia sẻ của các bộ, ngành, ngành chứng khoán sẽ tiếp tục phát huy tốt hơn nữa, nỗ lực nghiên cứu, triển khai đồng bộ các giải pháp phát triển thị trường, tăng cường công tác giám sát, quản lý và cưỡng chế thực thi của cơ quan quản lý nhà nước đối với TTCK bảo đảm tính công khai, minh bạch và bình đẳng đối với các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước tham gia thị trường.

Bộ Tài chính, UBCKNN sẽ tiếp tục hoàn thiện thể chế, thực hiện theo thông lệ và chuẩn mực quốc tế, hoàn thiện Luật Chứng khoán (sửa đổi) trình Chính phủ để trình Quốc hội xem xét thông qua trong năm 2019; tập trung triển khai Đề án thành lập Sở Giao dịch Chứng khoán Việt Nam và nhiều giải pháp phát triển thị trường, nâng hạng TTCK Việt Nam từ “thị trường cận biên” lên hạng “thị trường mới nổi” trên bảng xếp hạng MSCI và FTSE.

Theo báo cáo của UBCKNN, năm 2018 thanh khoản trên thị trường cổ phiếu tiếp tục duy trì đà tăng trưởng so với năm 2017 với mức tăng 29%, từ 5.000 tỷ đồng/phiên năm 2017 lên 6.500 tỷ đồng/phiên năm 2018. Quy mô vốn hóa thị trường năm 2018 tăng 12,7% so với năm 2017, tương ứng với 71,6% GDP của năm 2018, vượt chỉ tiêu Chính phủ đề ra đến năm 2020. Cùng với đó, kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh của các DN niêm yết năm 2018 có sự cải thiện đáng kể so với năm trước đó về cả doanh thu (tăng 15,2%) và lợi nhuận sau thuế (tăng 21,4%). Đặc biệt, dòng vốn gián tiếp của nhà đầu tư nước ngoài (NĐTNN) vẫn tiếp tục vào ròng trên TTCK Việt Nam trong khi NĐTNN rút ròng ở các thị trường trong khu vực. Giá trị mua ròng của NĐTNN trên thị trường cổ phiếu đạt mức lớn nhất từ trước đến nay với nhiều phiên mua ròng có giá trị cao đột biến hơn 100 triệu USD và đặc biệt là có 1 phiên có giá trị mua ròng đạt mức kỷ lục, hơn 1,25 tỷ USD.

Tính chung trong cả năm 2018, NĐTNN đã mua ròng khoảng 43.900 tỷ đồng trên thị trường cổ phiếu chứng chỉ quỹ, tập trung vào các giao dịch thỏa thuận lớn. Việc Việt Nam được bổ sung vào danh sách theo dõi nâng hạng từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi loại 2 cũng là một trong những động thái hết sức tích cực góp phần thu hút lượng vốn ngoại vào TTCK Việt Nam.

Về TTCK phái sinh, sau hơn một năm đi vào hoạt động, quy mô giao dịch ngày càng phát triển. Bình quân năm 2018, khối lượng giao dịch đạt 79.000 hợp đồng/phiên, gấp 7,2 lần so với năm 2017. Hoạt động giao dịch chủ yếu tập trung ở nhà đầu tư cá nhân. Nhà đầu tư tổ chức trong nước mới chỉ chiếm 1,02%, tập trung chỉ yếu vào hoạt động tự doanh của các công ty chứng khoán. Nhà đầu tư nước ngoài đạt 0,16%. Trong năm 2018, tổng khối lượng phát hành trái phiếu Chính phủ, trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh, trái phiếu chính quyền địa phương và trái phiếu DN đạt 448.247 tỷ đồng, tương đương 8,1% GDP, tăng 13,1% so với tổng khối lượng phát hành năm 2018.

Tại Hội nghị, Phó Chủ tịch UBCKNN Phạm Hồng Sơn báo cáo về nhiệm vụ phát triển TTCK Việt Nam trong năm 2019 gồm: Tập trung hoàn thành xây dựng Luật Chứng khoán (sửa đổi), chủ động nghiên cứu, dự thảo các Nghị định và hướng dẫn thi hành Luật Chứng khoán (sửa đổi); Tiếp tục thực hiện các giải pháp phát triển, nâng cao năng lực cho hệ thống các tổ chức trung gian thị trường; Thành lập Sở Giao dịch Chứng khoán Việt Nam theo Đề án đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; Triển khai các sản phẩm chứng khoán phái sinh hợp đồng tương lai trên một số chỉ số mới và hợp đồng tương lai Trái phiếu Chính phủ; triển khai sản phẩm chứng quyền có bảo đảm; Thúc đẩy các giải pháp nâng hạng TTCK Việt Nam từ hạng thị trường cận biên lên hạng thị trường mới nổi trên bảng xếp hạng MSCI và FTSE; Triển khai gói thầu KRX trang bị hệ thống công nghệ thông tin với các tính năng nghiệp vụ mới, đa dạng, hướng đến chuẩn mực và thông lệ quốc tế; Nâng cao hiệu quả quản lý, giám sát TTCK và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

Nêu ý kiến tại Hội nghị, bà Nguyễn Thị Hồng- Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết, trong năm 2018, trung gian tài chính cho vay đầu tư kinh doanh chứng khoán tăng 15% trong khi tỷ lệ dụng tín dụng trên GDP ở mức trên 130%. Vốn hóa ngành ngân hàng trên TTCK đạt 786.000 tỷ đồng, chỉ sau nhóm bất động sản. Dư nợ Trái phiếu Chính phủ trên thị trường 1,5 triệu tỷ đồng, trong đó tổ chức tín dụng nắm một nửa. Năm 2018, TPCP phát hành thêm 190 nghìn tỷ đồng, trong đó tỷ lệ kỳ hạn 10-15 năm tăng cao; thị trường trái phiếu DN tăng 70% so với 2017. Tuy nhiên, tỷ lệ tín dụng trên GDP của Việt Nam khá cao (trên 130%), nền kinh tế dựa nhiều vào hệ thống ngân hàng khiến cho các tổ chức tín dụng gặp khó khăn trong cân đối sử dụng vốn.
                
   

Chủ tịchSSI Nguyễn Duy Hưng tham gia ý kiến về phát triển thị trường chứng khoán trong thời gian tới

   
Theo ông Nguyễn Duy Hưng- Chủ tịch HĐQT CTCP Chứng khoán SSI, sau 18 năm, TTCK từ những bước dò dẫm đã trở thành một kênh huy động vốn quan trọng nhất. Để huy động vốn cho DN, thị trường phải minh bạch, nhà đầu tư cần có niềm tin để tham gia thị trường. Bên cạnh đó, TTCK là kênh song song với ngân hàng, điều này cần xây dựng những thể chế để phát triển. Chủ tịch SSI nhận định: thị trường tài chính bản thân nó không sinh ra tiền mà tiền nằm ở tài khoản tiết kiệm của các nhà đầu tư. Ngay cả các NĐTNN đầu tư vào Việt Nam cũng sử dụng tiền tiết kiệm của từng cá nhân tại thị trường của họ. Thế nên, nếu coi TTCK là kênh song song với kênh ngân hàng thì phải làm sao để TTCK cạnh tranh với hệ thống ngân hàng.

Ông Nguyễn Duy Hưng đưa ra kiến nghị, để tăng tính minh bạch của thị trường, Chính phủ cần xây dựng được quỹ chỉ số linh động hơn. “Nhà đầu tư không sợ thua lỗ, họ sợ không công bằng và không minh bạch. Nếu thắng thì họ vui còn không thì họ chấp nhận. Cái quan trọng là đừng để những người hiểu biết hơn, kiểm soát cuộc chơi hơn lấy được tiền của những người kém hiểu biết bằng những giải pháp không rõ ràng”, ông Hưng nhấn mạnh.

Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ đánh giá cao báo cáo của UBCKNN và ý kiến đóng góp của các đơn vị. Đặc biệt, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhận định: "Năm 2018, TTCK Việt Nam vượt khó thành công". Mục tiêu của Chính phủ là quy mô TTCK đạt 100% GDP vào năm 2020 và 120% vào năm 2025. Để đạt được mục tiêu trên, Phó Thủ tướng thay mặt Chính phủ đưa ra 2 cam kết: Thứ nhất, Chính phủ cam kết củng cố và tăng trưởng hơn nữa nền tảng kinh tế vĩ mô, tăng sự chống chịu của hệ thống ngân hàng; Thứ hai, Chính phủ cam kết duy trì và khơi thông các động lực tăng trưởng.
                
   

Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ phát biểu chỉ đạo Hội nghị

   
Hai mục tiêu này không đơn giản chút nào trong điều kiện thế giới đầy bất định. Tuy nhiên, Chính phủ không “ăn đong từng năm”, từ năm 2017 Chính phủ đã đánh giá rủi ro với từng loại thị trường, qua đó xây dựng kịch bản đến năm 2025. Trước hết, trong năm 2019, Chính phủ sẽ chỉ đạo sát sao Bộ Tài chính để trình Quốc hội thông qua Luật Chứng khoán (sửa đổi) để có hành lang pháp lý rõ ràng, tạo niềm tin cho thị trường, khắc phục cho được những bất hợp lý của thị trường hiện nay. Tiếp đó là đẩy mạnh tái cơ cấu mạnh mẽ TTCK đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025; tạo cơ chế phát triển nhà đầu tư chuyên nghiệp; đa dạng hóa các sản phẩm chứng khoán, triển khai chứng quyền có đảm bảo; phát triển TTCK theo hướng lành mạnh, minh bạch, an toàn, bền vững có khả năng chống lại các cú sốc, va đập từ bên ngoài.

Phó Thủ tướng nhấn mạnh, cần nâng cao chất lượng phát hành và niêm yết chứng khoán, khuyến khích phát triển đa dạng các dịch vụ tài chính hỗ trợ cho sự tăng cường minh bạch và bền vững của thị trường; Tăng cường năng lực kiểm tra, giám sát, quản lý và cưỡng chế thực thi của cơ quan quản lý nhà nước đối với TTCK theo thông lệ và chuẩn mực quốc tế...

THÙY LÊ
Cùng chuyên mục
Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ: "Năm 2018, thị trường chứng khoán Việt Nam vượt khó thành công"