Ổn định thị trường, giá cả trong dịp Tết Nguyên đán 2020

(BKTO) - Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng vừa ký ban hành Chỉ thị số 03/CT-BTC về việc “Tăng cường công tác quản lý, điều hành và bình ổn giá trong dịp Tết Nguyên đán Canh Tý năm 2020”, với nội dung giao nhiệm vụ cụ thể cho từng đơn vị, nhằm chủ động kiểm soát, ổn định giá cả thị trường dịp Tết Nguyên đán Canh Tý 2020.



                
   

Ảnh minh họa- Ảnh: dangcongsan.vn

   

Tăng cường công tác quản lý, điều hành và bình ổn giá cả thị trường

“Tăng cường công tác quản lý, điều hành và bình ổn giá cả thị trường trong thời điểm trước, trong và sau Tết để chủ động kiểm soát ổn định thị trường giá cả, không để xảy ra các biến động bất thường ảnh hưởng đến đời sống kinh tế-xã hội” là một trong những nội dung chỉ đạo vừa được Bộ trưởng Bộ Tài chính yêu cầu đối với Thủ trưởng các đơn vị, tổ chức thuộc Bộ Tài chính; Giám đốc Sở Tài chính, Cục trưởng Cục Thuế, Cục trưởng Cục Hải quan, Giám đốc Kho bạc Nhà nước tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Cục trưởng Cục Dự trữ nhà nước khu vực.

Về công tác quản lý, điều hành và bình ổn giá trong dịp Tết Nguyên đán Canh Tý, Bộ trưởng Bộ Tài chính giao cho Cục Quản lý giá chủ trì, phối hợp với các đơn vị thuộc bộ có liên quan theo dõi sát diễn biến cung cầu, thị trường, giá cả; nhất là đối với một số mặt hàng thiết yếu để có giải pháp bình ổn thị trường phù hợp trong thời điểm nhu cầu tiêu dùng tăng cao dịp tết để tham mưu kịp thời cho Bộ Tài chính các biện pháp quản lý, điều hành giá phù hợp nhằm ổn định mặt bằng giá cả thị trường và kiểm soát lạm phát.Đồng thời, tăng cường kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về quản lý giá, kiểm soát chặt chẽ phương án giá và mức giá đối với hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá, được mua sắm từ nguồn ngân sách nhà nước; hàng hóa, dịch vụ công ích, dịch vụ sự nghiệp công; tăng cường phân tích dự báo; chủ động xây dựng kịch bản điều chỉnh giá một số mặt hàng quan trọng do Nhà nước quản lý trong những tháng đầu năm 2020 với lộ trình phù hợp để hạn chế tác động đến mặt bằng giá chung khi có phát sinh.

Giám đốc sở tài chính các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành của địa phương chủ động tham mưu cho UBND tỉnh tăng cường công tác quản lý, điều hành, bình ổn giá trên địa bàn. Trong đó: chủ động theo dõi sát diễn biến cung cầu và giá cả thị trường trước, trong và sau tết, nhất là đối với các mặt hàng thiết yếu nói chung và mặt hàng thịt lợn nói riêng để kịp thời tham mưu cho UBND tỉnh các biện pháp bình ổn giá theo quy định của pháp luật; đề xuất kịp thời xuất cấp hàng dự trữ quốc gia theo quy định cho người dân vùng gặp thiên tai, lũ lụt, cứu đói cho dân trong thời kỳ giáp hạt và trong dịp tết theo đúng đối tượng nhằm bảo đảm an sinh xã hội.

Chỉ thị cũng yêu cầu các sở, ban, ngành liên quan phối hợp chặt chẽ trong công tác quản lý, kiểm soát và bình ổn thị trường giá cả. Giám đốc sở tài chính các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành của địa phương chủ động tham mưu cho UBND tỉnh tăng cường công tác quản lý, điều hành, bình ổn giá trên địa bàn.

Cụ thể, các đơn vị cần phối hợp với sở giao thông vận tải tăng cường kiểm tra việc thực hiện kê khai giá, niêm yết giá cước vận tải; xử lý nghiêm đối với các trường hợp vi phạm, lợi dụng lượng hành khách tăng trong dịp lễ, tết, cao điểm để tăng giá cước vận tải ở mức cao và các trường hợp không thực hiện việc kê khai, niêm yết giá.

Đồng thời, phối hợp với các đơn vị chức năng thực hiện nghiêm, triệt để, có hiệu quả công tác đấu tranh chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại, nhất là đối với các mặt hàng vũ khí, chất nổ, pháo, hàng hóa vi phạm môi trường, các mặt hàng có nhu cầu tăng cao trong dịp Tết Nguyên đán như thuốc lá, rượu bia, gia cầm, thịt lợn, thực phẩm.

Phối hợp với Cục Thuế tăng cường đẩy mạnh các biện pháp kiểm tra, thanh tra chống thất thu, gian lận thuế, giảm nợ đọng thuế và chuyển giá, chấn chỉnh công tác hoàn thuế; tập trung quản lý chi ngân sách nhà nước đảm bảo chặt chẽ, hiệu quả, tiết kiệm, đúng chế độ; rà soát, ngừng các khoản chi chưa thực sự cấp bách, nội dung chi không thiết thực, không chấp hành đúng quy định về thủ tục hồ sơ, chế độ.

Phối hợp với các sở, ban ngành liên quan giám sát chặt chẽ việc kê khai giá của doanh nghiệp; kiểm soát chặt chẽ yếu tố hình thành giá và việc xác định giá bán đối với mặt hàng thiết yếu, mặt hàng bình ổn giá, mặt hàng thuộc danh mục kê khai giá; các hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá, hàng hóa, dịch vụ được mua sắm từ nguồn ngân sách nhà nước; hàng dự trữ quốc gia; hàng hóa, dịch vụ công ích, dịch vụ sự nghiệp công, hàng hóa, dịch vụ được trợ cước, trợ giá thuộc thẩm quyền quyết định của Ủy ban nhân dân tỉnh.

Đáng chú ý, Bộ trưởng Tài chính chỉ đạo phải có biện pháp xử lý kịp thời tình trạng tăng giá cục bộ, tránh điều chỉnh giá nhiều mặt hàng vào cùng một thời điểm nhất là trong dịp trước, trong và sau Tết.
Phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông, các cơ quan thông tin đại chúng trên địa bàn thông tin đầy đủ và kịp thời về các giải pháp điều hành của Nhà nước, về tình hình cung, cầu, giá cả thị trường nhất là các mặt hàng có nhu cầu tiêu dùng tăng cao trong dịp trước, trong và sau Tết, mặt hàng có khả năng thiếu hụt nguồn cung như thịt lợn, thực phẩm; xử lý nghiêm các trường hợp đưa tin thất thiệt gây bất ổn thị trường, giá cả.

Cơ quan tài chính địa phương phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các cơ quan liên quan trong việc tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh về bố trí kinh phí hỗ trợ phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi căn cứ vào tình hình diễn biến thực tế tại địa phương và hướng dẫn hoàn thiện các hồ sơ thủ tục để kịp thời hỗ trợ người chăn nuôi nhằm giảm thiểu khó khăn và người chăn nuôi có thêm nguồn lực để tái đàn, khôi phục sản xuất góp phần bù đắp nguồn cung bị thiếu hụt do dịch bệnh.

Tăng cường xử lý buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.

Cùng với kiểm soát thị trường giá cả, Bộ trưởng Bộ Tài chính yêu cầu các cơ quan, đơn vị trong ngành Tài chính tổ chức triển khai toàn diện các giải pháp, nhiệm vụ về công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm.

Trong đó, Ban Chỉ đạo 389 Bộ Tài chính có trách nhiệm tăng cường công tác chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc các đơn vị thuộc Bộ Tài chính thực hiện công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả theo Kế hoạch chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trước, trong và sau Tết Nguyên đán Canh Tý 2020 của Ban chỉ đạo 389 quốc gia.

Tổng cục Hải quan có trách nhiệm chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ và các Cục Hải quan khu vực, tăng cường công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán Canh Tý 2020; chỉ đạo, tổ chức ngăn chặn, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp nhập lậu, xuất lậu, vận chuyển, buôn bán trái phép động vật, sản phẩm động vật, đặc biệt là lợn, sản phẩm lợn ra và vào lãnh thổ Việt Nam; tăng cường kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ khu vực cửa khẩu đường bộ, cảng biển, cảng sông, cảng hàng không dân dụng quốc tế, bưu điện quốc tế và các địa điểm khác thuộc địa bàn kiểm soát Hải quan; tập trung lực lượng làm tốt công tác thông quan, giải phóng hàng hóa, không để xảy ra ùn tắc tại các cửa khẩu trong dịp Tết, đồng thời vẫn phải đảm bảo việc kiểm soát chặt chẽ, kịp thời phát hiện, xử lý các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại; phối hợp chặt chẽ với lực lượng Bộ đội Biên phòng, Cảnh sát biển trong tuần tra, kiểm soát biên giới đường bộ và trên biển; xây dựng và thực hiện các kế hoạch chuyên đề đấu tranh với mặt hàng trọng điểm.

Các Cục trưởng Cục Hải quan có trách nhiệm bố trí nguồn lực, tổ chức thực hiện đúng quy trình, thủ tục hải quan; tăng cường công tác quản lý rủi ro, kiểm tra, giám sát, kiểm soát hải quan, kịp thời phát hiện, ngăn chặn, bắt giữ, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về hải quan; chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan đẩy mạnh các hoạt động phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới, tập trung tại các tuyến và địa bàn trọng điểm thuộc địa bàn quản lý của đơn vị.

Tổng cục Thuế tăng cường công tác kiểm tra việc sử dụng, quản lý, lưu giữ hóa đơn và hồ sơ mua bán hàng hóa có nguồn gốc nhập khẩu, thu gom hàng hóa cư dân biên giới của các hộ, cá nhân kinh doanh khu vực biên giới để ngăn chặn sử dụng hóa đơn hợp thức hóa hàng nhập lậu. Chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ và Cục Thuế các tỉnh, thành phố trên cả nước kịp thời trao đổi thông tin, phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng trong công tác điều tra, xác minh, xử lý các đối tượng buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả liên quan đến công tác quản lý thuế...

Tại chỉ thị này, người đứng đầu ngành Tài chính cũng yêu cầu các đơn vị thuộc bộ triển khai các nhiệm vụ về tài chính-ngân sách để phấn đấu hoàn thành cao nhất nhiệm vụ chính trị được giao trong năm 2019.

AN CHI (Tổng hợp)
Cùng chuyên mục
Ổn định thị trường, giá cả trong dịp Tết Nguyên đán 2020