Nhập khẩu có tác động mạnh tới giá thịt gà và nguồn cung trong nước?

(BKTO) - Lãnh đạo Bộ Công Thương vừa khuyến cáo, cần phải kiểm soát tình hình chăn nuôi gà thịt, đáp ứng đúng quy hoạch, tránh dẫn đến nguồn cung quá lớn, làm giảm giá bán như hiện nay.



                
   

Khuyến cáo các hộ, cơ sởchăn nuôi gà công nghiệp cân nhắc việc tăng đàn (Ảnh minh họa)- Nguồn: Báo Đồng Nai

   

Khuyến cáo này được đưa ra trong bối cảnh, việc nhập khẩu thịt gà thời gian qua, tuy không phải là nguyên nhân chủ yếu, nhưng đã phần nào tác động tiêu cực đến ngành chăn nuôi trong nước, gây giảm giá mạnh tại khu vực Đông Nam bộ. Dự kiến từ nay đến cuối năm, giá thịt gà vẫn duy trì ở mức thấp, đặc biệt là tại khu vực Đông Nam bộ do nguồn cung ứng trong nước vẫn dồi dào.

Nhập khẩu tăng đột biến tác động một phần đến thị trường

Theo số liệu công bố của Tổng cục Hải quan, trong 9 tháng năm 2019, cả nước nhập khẩu 215,7 nghìn tấn thịt gà các loại với kim ngạch đạt hơn 186 triệu USD, tăng 49% về lượng và tăng 46% về kim ngạch so với cùng kỳ năm 2018. Lượng thịt gà các loại nhập khẩu bình quân chiếm gần 30% tổng lượng thịt gà sản xuất trong nước.
                
   

Lượng nhập khẩu thịt gà trong năm 2018 và 9 tháng đầu năm 2019. Nguồn: Tổng cục Hải quan

   

Việt Nam nhập khẩu thịt gà các loại từ các nước tiên tiến, có chất lượng cao như Hoa Kỳ, bình quân chiếm 61,8% tổng lượng nhập khẩu; tiếp theo là Brazil chiếm 13,1% và Hàn Quốc chiếm 12,3%. Thịt gà nhập khẩu tập trung vào hai loại là thịt gà đông lạnh nguyên con và thịt gà đông lạnh đã chặt (mã số HS 020712 và mã số HS 020714), chiếm 98% tổng kim ngạch nhập khẩu thịt gà.

Hiện nay, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang thực hiện quản lý nhập khẩu thịt gà theo hướng: chỉ cho phép nhập khẩu từ các nước đã thỏa thuận và thống nhất với Việt Nam về yêu cầu vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm và mẫu giấy chứng nhận kiểm dịch động vật đối với sản phẩm thịt xuất khẩu vào Việt Nam; tuân thủ nghiêm ngặt các điều kiện về vệ sinh an toàn thực phẩm, kiểm dịch và kiểm tra vệ sinh thú y, tiêu chuẩn và mức giới hạn cho phép đối với vi sinh vật có hại, tồn dư hóa chất độc hại đối với thịt nhập khẩu theo quy định của pháp luật Việt Nam.

Theo đó, các lô hàng thịt gia súc, gia cầm nhập khẩu phải thực hiện lưu giữ tại khu vực cửa khẩu nhập, chờ kết quả kiểm dịch động vật, kiểm tra an toàn thực phẩm, kiểm tra nguồn gốc xuất xứ, ngày sản xuất, hạn sử dụng, hướng dẫn nhiệt độ bảo quản... Sau khi kiểm tra đạt yêu cầu và được thông quan, các doanh nghiệp nhập khẩu có thể bán trực tiếp cho đối tác hoặc vận chuyển về kho bảo quản bảo đảm điều kiện vệ sinh thú y để tiêu thụ dần.

Dư nguồn cung cục bộ tác động mạnh tới giá bán

Qua theo dõi số liệu thống kê trong các tháng đầu năm 2019, so với năm 2018, Bộ Công Thương nhận định, lượng nhập khẩu thịt gà tăng từ tháng 4-6/2019 nhưng đã giảm dần từ tháng 6 đến nay. Giá nhập khẩu bình quân là 861 USD/tấn, tương đương khoảng 19.800 đồng/kg (chưa tính thuế nhập khẩu, thuế giá trị gia tăng, bảo quản kho lạnh...) và có xu hướng tăng khá mạnh từ tháng 6/2019 đến nay.
                
   

Nguồn: Tổng cục Hải quan

   

Đề cập đến nguồn cung trong nước, Bộ Công Thương cho biết, tốc độ tăng trưởng sản lượng thịt gà các loại giai đoạn 2015- 2018 tăng khá mạnh, đạt 5,6%/năm. Tính đến hết tháng 9/2019, tổng đàn gia cầm của cả nước đã tăng 13,5% so với cùng kỳ năm 2018, trong đó, chỉ riêng quý III/2019 đã tăng 19,2% so với quý III/2018.

Khảo sát tại thời điểm ngày 22/10/2019, giá thịt gà công nghiệp tại các tỉnh Đông Nam bộ - nơi tập trung các trang trại chăn nuôi gia cầm, gia súc lớn của cả nước, ở mức 25.000- 25.500 đồng/kg, giảm 30% so với cùng kỳ năm 2018. Đây là mức giá đã tăng hơn nhiều so với thời điểm giữa tháng 9 vừa qua (16.000 - 18.000 đồng/kg), giai đoạn mà các hộ chăn nuôi ồ ạt bán tháo cắt lỗ gây sụt giá mạnh.

Trong khi đó, tại các tỉnh phía Bắc, giá thịt gà nuôi công nghiệp vẫn dao động từ 35.000- 37.000 đồng/kg, giá các loại thịt gà ta vẫn giữ mức giá ổn định, thậm chí nhiều nơi có mức giá tốt.

Như vậy, có thể thấy, trước tháng 8/2019, giá gà thịt trong nước tương đối ổn định, chỉ giảm cục bộ tại một khu vực trong một thời điểm, tại phía Bắc gần như không có sự thay đổi.

Theo Hiệp hội Chăn nuôi Đông Nam bộ, khi dịch tả lợn châu Phi lan rộng, nhiều hộ chăn nuôi ở đây dự báo người tiêu dùng sẽ không ăn thịt lợn nên đã ồ ạt chuyển sang chăn nuôi gà, làm tăng đàn tự phát, thiếu kiểm soát. Việc phát triển “nóng” này đã gây sức ép cho các hộ, các cơ sở chăn nuôi bán giảm giá để cắt lỗ, thu hồi vốn. Có thời điểm, khu vực Đông Nam bộ cho xuất chuồng đến 2,5 triệu con gà/tuần. Đây là nguyên nhân chính đẩy giá gà ở Đông Nam bộ giảm sâu trong tháng 8 và 9.

Trước tình hình này, giải pháp ngắn hạn được Bộ Công Thương đưa ra là các hộ, các cơ sở chăn nuôi cần cân nhắc việc tăng đàn, tránh tự phát, ồ ạt. Các địa phương chăn nuôi gà trọng điểm cần tăng cường hướng dẫn, tuyên truyền đến các hộ, các cơ sở chăn nuôi trên địa bàn.

Về phía Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cần tiếp tục theo dõi sát tình hình, đảm bảo sản xuất theo đúng quy hoạch, tránh tình trạng dư thừa, thiếu hụt nguồn cung cục bộ, ảnh hưởng tiêu cực đến giá trong nước, đồng thời tiếp tục đàm phán với cơ quan hữu quan các nước để mở cửa thị trường cho các sản phẩm chăn nuôi của Việt Nam.

QUỲNH ANH
Cùng chuyên mục
  • Áp dụng IFRS:  Trách nhiệm không của riêng doanh nghiệp
    4 năm trước Đầu tư
    (BKTO) - Việt Nam đã hoàn thiện việc xây dựng lộ trình áp dụng Chuẩn mực Báo cáo tài chính (IFRS). Để áp dụng thành công IFRS, các DN cần chuẩn bị những hành trang cần thiết. Tuy nhiên, chỉ có sự nỗ lực của DN thôi chưa đủ…
  • Thiếu chính sách ưu đãi, công nghiệp ô tô khó phát triển
    4 năm trước Đầu tư
    (BKTO) - Theo các chuyên gia, để ngành công nghiệp và phụ tùng ô tô thực sự trở thành một trong 6 ngành công nghiệp chủ lực của Việt Nam, bắt kịp với các nước trong khu vực, các nhà quản lý, cơ quan hữu quan cần phải hoàn thiện chính sách thuế và có những giải pháp hỗ trợ tài chính thiết thực.
  • Sớm hiện thực hóa thanh toán bằng tài khoản viễn thông
    4 năm trước Đầu tư
    (BKTO) - Thanh toán điện tử hướng tới xã hội không tiền mặt đang là xu thế tất yếu trong thời đại số hóa và Cách mạng công nghiệp 4.0. Thời gian qua, mặc dù loại hình thanh toán này ở nước ta đã có sự phát triển nhanh chóng nhưng 90% các giao dịch vẫn sử dụng tiền mặt. Để thay đổi thói quen này, điều quan trọng là phải tạo cho người dân được trải nghiệm các tiện ích và bắt kịp với xu thế của thế giới.
  • Nông sản và các nhóm hàng chủ lực của Việt Nam xuất khẩu đi đâu?
    4 năm trước Đầu tư
    (BKTO) - Trung Quốc, Liên minh châu Âu (EU- 28 nước) là những thị trường xuất khẩu nông sản lớn nhất của Việt Nam.
  • Xuất khẩu nông sản, trái cây sang thị trường Trung Quốc đang gặp khó
    4 năm trước Đầu tư
    (BKTO) - Hiện nay đã bắt đầu vào thời điểm chính vụ thu hoạch mặt hàng thanh long để tiêu thụ và xuất khẩu. Tuy vậy, tại khu vực cửa khẩu Tân Thanh (tỉnh Lạng Sơn) và cửa khẩu Kim Thành (tỉnh Lào Cai) đã xuất hiện tình trạng ùn ứ nông sản các loại xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, trong đó có thanh long.
Nhập khẩu có tác động mạnh tới giá thịt gà và nguồn cung trong nước?