Ngành thép Việt có bị ảnh hưởng trước việc Mỹ áp thuế 456%?

(BKTO)- Liên quan tới thông tin Mỹ áp thuế đến 456% với thép nhập khẩu xuất xứ Việt Nam, các doanh nghiệp và chuyên gia ngành thép cho rằng, việc áp thuế sẽ không gây ra quá nhiều tác động tiêu cực đối với ngành thép Việt.



                
   

Giá trị xuất khẩu thép chống gỉ và thép cán nguội của Việt Nam sang Mỹ đạt hơn 260 triệu USD trong 10 tháng đầu năm nay - Nguồn: internet.

   

Không chứng minh được xuất xứ sẽ bị áp mức thuế 456%

Theo đó, Bộ Thương mại Mỹ (DOC) ngày 16/12 đã thông báo kết luận cuối cùng vụ việc điều tra lẩn tránh biện pháp chống bán phá giá và chống trợ cấp với thép cán nguội và thép chống gỉ của Việt Nam sử dụng nguyên liệu đầu vào từ Hàn Quốc và Đài Loan (Trung Quốc). Kết luận cuối cùng giữ nguyên như kết luận sơ bộ đã được cơ quan này ban hành vào tháng 7. DOC xác định các mặt hàng thép trên của Việt Nam được sản xuất từ thép cán nóng của Hàn Quốc và Đài Loan và không đáp ứng yêu cầu chuyển đổi đáng kể của Mỹ nên bị coi là lẩn tránh thuế.

Với kết luận này, cơ quan Hải quan Mỹ tiếp tục thu thuế đối với các mặt hàng thép của Việt Nam. Với những lô hàng xuất khẩu từ Việt Nam không chứng minh được xuất xứ của nguyên liệu thép cán nóng bị áp mức thuế lên đến 456%, ngang với mức thuế đang áp dụng với thép Trung Quốc.

Nếu doanh nghiệp chứng minh nguyên liệu cán nóng nhập khẩu từ Hàn Quốc hoặc Đài Loan, lô hàng sẽ bị áp thuế tùy theo xuất xứ. Cụ thể, nếu nguyên liệu xuất xứ từ Hàn Quốc, thành phẩm sẽ bị áp thuế 29,4% với thép chống gỉ và 24,2% với thép cán nguội. Nếu có nguyên liệu xuất xứ từ Đài Loan (Trung Quốc), thép cán nguội sẽ bị áp thuế 10,34%.

Nếu chứng minh được nguyên liệu sản xuất là của Việt Nam hoặc các nước, vùng lãnh thổ ngoài 3 nguồn trên, các doanh nghiệp sẽ không phải nộp thuế.

Theo số liệu thống kê của Mỹ, giá trị xuất khẩu thép chống gỉ và thép cán nguội của Việt Nam sang thị trường này đạt hơn 260 triệu USD trong 10 tháng đầu năm nay, chiếm 6,5% tổng lượng xuất khẩu thép của Việt Nam.

Không ảnh hưởng nhiều

Đánh giá về vấn đề này, nhiều chuyên gia và doanh nghiệp thép cho rằng,việc áp thuế sẽ không gây ra quá nhiều tác động tiêu cực đối với ngành thép Việt.
                
   

Theo các chuyên gia việc áp thuế sẽ không gây ra quá nhiều tác động tiêu cực đối với ngành thép Việt - Nguồn: internet.

   

Theo ông Nguyễn Văn Sưa - chuyên gia ngành thép, quyết định áp thuế của Hoa Kỳ cũng không gây ra quá nhiều tác động tiêu cực tới ngành thép trong nước. Ông Sưa cho biết, việc đánh thuế tương tự đã từng được Hoa Kỳ thực hiện trước đây, nhưng Việt Nam cũng chỉ bị ảnh hưởng trong thời gian ngắn. Bởi nguồn thép cán nóng đã được Formosa Hà Tĩnh sản xuất để làm thép cán nguội và thép chống gỉ (thép mạ, thép phủ màu).

Năm 2018, Formosa sản xuất 3,4 triệu tấn thép cán nóng và năm 2019 sản xuất khoảng 4,5 triệu tấn. Đây là nguồn nguyên liệu đầu vào cho doanh nghiệp Việt Nam. "Chúng tôi chỉ khuyến cáo là doanh nghiệp Việt không dùng nguyên liệu nhập từ Đài Loan (Trung Quốc), Hàn Quốc để tránh việc bị áp thuế", ông Sưa bày tỏ.

Đặc biệt, ông Sưa cho biết, việc ngành thép bị áp thuế để chống lẩn tránh thuế từ các nước đã không còn mới. Do vậy, các doanh nghiệp lớn, có thế mạnh đã chủ động đa dạng hóa thị trường và chủ động nguồn nguyên liệu đầu vào. Việc chủ động được nguồn nguyên liệu sẽ vừa tăng sức cạnh tranh, vừa giúp doanh nghiệp thoát mối lo áp thuế chống lẩn tránh thuế từ các thị trường.

Bà Phạm Châu Giang - Phó Cục trưởng Cục Phòng vệ Thương mại (Bộ Công Thương) cho hay, Bộ Công Thương luôn theo sát việc này ngay từ khi phía Bộ Thương mại Hoa Kỳ bắt đầu khởi xướng điều tra và ban hành kết luận sơ bộ. Hiện thị trường Hoa Kỳ chỉ chiếm hơn 6% trong tổng lượng xuất khẩu thép các loại của Việt Nam ra các thị trường. Hoa Kỳ nhập khẩu các sản phẩm thép chính từ Việt Nam là: thép cuộn cán nguội, thép xây dựng, tôn mạ kim loại sơn phủ màu....

Những doanh nghiệp lớn xuất khẩu thép sang Hoa Kỳ thì đều đã có hợp tác với phía Hoa Kỳ để tự chứng nhận xuất xứ, nguyên liệu đầu vào. Nên xét một cách tổng thể thì sự việc này cũng không có quá nhiều tác động tới xuất khẩu của ngành thép Việt Nam.

Thông tin phát đi từ Bộ Công thương Việt Nam ngày 19/12 cũng cho biết, Bộ đã trao đổi trực tiếp, đề nghị DOC xem xét tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tham gia cung cấp thông tin, mở rộng diện cho phép doanh nghiệp tự chứng nhận nguồn gốc nguyên liệu nhằm bảo vệ lợi ích chính đáng của ngành sản xuất trong nước, đồng thời phối hợp với các cơ quan chức năng của hai bên ngăn chặn các hành vi gian lận, lẩn tránh bất hợp pháp. Bên cạnh đó, Bộ Công Thương cũng tham gia phiên điều trần do DOC tổ chức để bày tỏ quan điểm cũng như tổ chức họp với DOC để làm rõ đề nghị của Việt Nam.

Đối với ngành sản xuất thép trong nước, Bộ Công Thương cho biết các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu lớn đã chủ động xây dựng phương án sản xuất, kinh doanh trong bối cảnh Mỹ điều tra chống lẩn tránh thuế. Họ chuyển hướng sử dụng nguyên liệu đầu vào là thép cán nóng từ nhiều nguồn khác cũng như mua thép cán nóng sản xuất trong nước, xây dựng hệ thống quản lý để phục vụ việc tự chứng nhận...
NAM SƠN(Tổng hợp)
Cùng chuyên mục
  • Dự kiến nâng trần chi phí lãi vay của doanh nghiệp lên 30%
    4 năm trước Đầu tư
    (BKTO) - Bộ Tài chính đang lấy ý kiến để hoàn thiện Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Khoản 3, Điều 8, Nghị định số 20/2017/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý thuế đối với DN có giao dịch liên kết (Nghị định 20). Nghị định này sẽ được trình Chính phủ trong tháng 12 để áp dụng cho kỳ quyết toán thuế năm 2019.
  • Thị trường bán lẻ Việt Nam sẽ tiếp tục  “hút” vốn từ M&A
    4 năm trước Đầu tư
    (BKTO) - Vừa qua, thị trường hàng tiêu dùng - bán lẻ trong nước “dậy sóng” bởi thương vụ “bắt tay” được coi là đình đám của năm giữa Vingroup và Masan. Giới chuyên gia kỳ vọng, DN mới được tạo nên từ thương vụ này sẽ là DN lớn và tiếp tục phát triển vững mạnh để đem đến làn gió mới cho thị trường bán lẻ Việt Nam.
  • Phác họa thực trạng và xu hướng dòng vốn cho doanh nghiệp
    4 năm trước Đầu tư
    (BKTO) - Hiện nay, các dòng vốn DN có thể huy động khá đa dạng, bao gồm: vốn từ ngân sách; từ các đối tác của DN, các quỹ đầu tư nước ngoài; vốn tín dụng; thị trường chứng khoán và vốn tự có của DN. Tuy nhiên, trong bối cảnh cơ cấu vốn ngân hàng ngày càng giảm, các DN cần quan tâm hơn đến việc huy động vốn trung và dài hạn từ phát hành cổ phiếu, trái phiếu và từ các quỹ đầu tư… để đảm bảo tăng trưởng của DN khoảng 15 - 20%/năm.
  • Doanh nghiệp Việt có thể  tụt hậu nếu không làm chủ được công nghệ
    4 năm trước Đầu tư
    (BKTO) - Hiện nay, chuyển đổi số đang là xu hướng tất yếu của ngành dịch vụ tài chính. Thực tế cho thấy, công nghệ tài chính giúp DN tiếp cận thị trường mới nhanh hơn, mạnh hơn nhưng cũng đặt ra cho DN không ít thách thức. Nếu không đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số và làm chủ được công nghệ, DN có thể sẽ bị tụt hậu trong tương lai.
  • Đưa phát triển bền vững trở thành tiêu chí hàng đầu của doanh nghiệp
    4 năm trước Đầu tư
    (BKTO) - Trong bối cảnh nền kinh tế ngày càng hội nhập sâu rộng, ô nhiễm môi trường ngày càng gia tăng..., phát triển bền vững đã trở thành tiêu chí hàng đầu của DN. Tuy nhiên, hiện nay, còn rất nhiều DN vẫn chưa định hướng được chính sách, chiến lược phát triển bền vững.
Ngành thép Việt có bị ảnh hưởng trước việc Mỹ áp thuế 456%?