Ngành gỗ trước cơ hội lớn EVFTA

(BKTO)- Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên hiệp châu Âu (EVFTA) mở ra cơ hội lớn cho xuất khẩu các mặt hàng nói chung và sản phẩm gỗ của Việt Nam nói riêng. Không chỉ mở ra cho ngành gỗ nhiều cơ hội về gia tăng giá trị xuất khẩu, mở rộng thị trường, việc thực thi EVFTA cũng là động lực thúc đẩy các doanh nghiệp sản xuất và xuất khẩu gỗ Việt Nam nâng cao sức cạnh tranh, hướng đến sự phát triển bền vững.




                
   

Phần lớn sản phẩm gỗ của Việt Nam vào thị trường EU sẽ được hưởng thuế suất 0% - Nguồn: sưu tầm.

   

99% tổng giá trị xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ được hưởng thuế xuất 0%

EU là một trong 5 thị trường xuất khẩu đồ gỗ lớn nhất của Việt Nam. Thời gian gần đây, xuất khẩu sản phẩm gỗ sang thị trường EU luôn chiếm tỷ trọng từ 13-17% tổng kim ngạch thương mại đồ gỗ. Giá trị xuất khẩu sang EU luôn duy trì ổn định và tăng nhẹ. Theo số liệu từ Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, hàng năm Việt Nam xuất khẩu trung bình 800 triệu USD sang EU (tính cả Anh).

EVFTA có hiệu lực đem lại cơ hội không nhỏ cho các ngành hàng xuất khẩu của Việt Nam, đặc biệt là trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 đang gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến hầu hết các nền kinh tế trên thế giới, trong đó có Việt Nam.

EVFTA được đánh giá sẽ mở ra một lộ trình thênh thang cho ngành gỗ khi phần lớn sản phẩm gỗ của Việt Nam vào thị trường EU sẽ được hưởng thuế suất 0%. Lộ trình cắt giảm theo thỏa thuận khoảng 83% dòng thuế đối với các sản phẩm gỗ từ 6% về 0% ngay sau khi Hiệp định đi vào thực thi, 17% các mặt hàng còn lại sẽ về 0% sau 5 năm, bao gồm gỗ dán, ván sợi, ván dăm...

Với các mặt hàng gỗ xuất khẩu của Việt Nam như hiện nay thì ngay sau khi Hiệp định đi vào thực thi, sẽ có 99% tổng giá trị xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam sẽ được hưởng thuế xuất 0%, chỉ còn 1% giá trị xuất khẩu ở mặt hàng ván sợi, ván dăm và gỗ dán sẽ về 0% sau từ 4-6 năm.

EVFTA sẽ giúp doanh nghiệp gỗ Việt Nam tiệm cận vị trí “mắt xích” quan trọng trong các chuỗi cung sản phẩm gỗ hiện có với khách hàng EU, tạo hiệu ứng lan tỏa tích cực đến các chuỗi cung ứng đồ gỗ toàn cầu như Hoa Kỳ, Nhật Bản… Nhờ đó, doanh nghiệp Việt Nam có thể chủ động hình thành các chuỗi cung ứng mới, mở rộng thị phần xuất khẩu, đa dạng hóa thị trường, thu được giá trị gia tăng cao hơn.

Trên thực tế, nhu cầu tiêu dùng sản phẩm gỗ của EU một năm khoảng 80-85 tỷ USD. Con số đó đang lớn hơn rất nhiều so với kim ngạch xuất khẩu gỗ của Việt Nam sang EU. Dư địa thị trường rộng mở và các nhà nước và doanh nghiệp kỳ vọng kim ngạch xuất khẩu gỗ của Việt Nam vào EU sẽ đạt 1 tỷ USD ngay trong năm đầu tiên EVFTA được thực thi.

Không chỉ là đối tác lớn trong xuất khẩu gỗ, EU còn là nhà cung cấp nguyên liệu gỗ quan trọng với Việt Nam. Nguồn gỗ của EU có chất lượng tốt, nguồn gốc rõ ràng nên EU được đánh giá sẽ ngày càng giữ vai trò quan trọng hơn về nguồn cung với doanh nghiệp gỗ. Trong đó, các quốc gia cung cấp gỗ nguyên liệu lớn cho Việt Nam gồm: Bỉ, Đức, Phần Lan, Croatia. Các loại gỗ chủ lực mà Việt Nam nhập từ EU gồm: gỗ tròn, gỗ xẻ, vernia và gỗ dán, ước tính trên 1 triệu m3 mỗi năm, phục vụ cho chế biến xuất khẩu và cả tiêu thụ ở thị trường nội địa.

Do đó, theo ông Nguyễn Tôn Quyền, Phó Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, các doanh nghiệp Việt Nam cũng sẽ được lợi từ nguồn nguyên liệu gỗ nhập khẩu từ EU. Các doanh nghiệp chế biến gỗ có thể tăng khả năng nhập khẩu nguyên liệu khi được miễn thuế. Đây chính là cơ hội để các doanh nghiệp chế biến gỗ tìm lại thị trường.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp sẽ có cơ hội được tiếp cận với nguồn máy móc, thiết bị, công nghiệp, kỹ thuật cao, hiện đại của EU để nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm của mình. Nếu trước đây, các loại máy móc thiết bị, các doanh nghiệp trong nước nhập khẩu từ EU phải chịu thuế từ 20-30%, thì khi EVFTA đi vào thực thi sẽ giảm giá thuế nhập khẩu, thậm chí được miễn thuế hoặc trả chậm khi doanh nghiệp có nhu cầu đầu tư trang thiết bị.

Ngoài ra, việc nhập khẩu nguyên liệu, máy móc từ EU tăng lên (do thuế giảm) cũng sẽ tạo ra một sức ép cạnh tranh để doanh nghiệp Việt Nam nỗ lực cải thiện năng lực cạnh tranh của mình. Đây là động lực cho doanh nghiệp gỗ Việt Nam phát triển sản xuất kinh doanh với tốc độ tăng trưởng cao và bền vững.

Thách thức cần DN thay đổi

Song hành với cơ hội lớn, EVFTA cũng đặt ra những thách thức cho ngành chế biến gỗ. Đó là những đòi hỏi khắt khe của thị trường EU về tiêu chuẩn sản phẩm hàng hóa cao và nguồn gốc gỗ nhằm bảo đảm thực thi các chính sách về môi trường.

Trong khi đó, theo đánh giá của Tổng cục Lâm nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN và PTNT), ngành chế biến gỗ hiện nay đang phải đối diện nhiều thách thức; đó là, dịch Covid-19 lan rộng trên toàn thế giới, thị trường nguyên liệu chưa ổn định, nguy cơ các DN bị kiện chống bán phá giá ngày càng gia tăng. Bên cạnh đó, nhiều DN hiện nay gặp khó khăn trong việc tuyển dụng lao động lành nghề và mở rộng mặt bằng sản xuất do phải cạnh tranh với các ngành công nghiệp khác. Ngoài ra, các DN vẫn phải dựa chủ yếu vào việc nhập khẩu các nguyên liệu, phụ liệu sản xuất, vừa bị động vừa chịu chi phí cao cho nên giá thành sản phẩm tăng lên, giảm sức cạnh tranh...

Riêng trong lĩnh vực lâm nghiệp, Việt Nam và EU đã ký kết Hiệp định đối tác tự nguyện về thực thi lâm luật, quản trị rừng và thương mại lâm sản (VPA/FLEGT), có hiệu lực thi hành từ tháng 6-2019. VPA/FLEGT giúp cải thiện quản lý rừng, giải quyết việc khai thác bất hợp pháp và thúc đẩy thương mại sản phẩm gỗ hợp pháp từ Việt Nam sang EU và các thị trường khác.

Hiệp định được triển khai đã yêu cầu mỗi lô hàng gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam xuất khẩu sang EU sẽ đi kèm với giấy phép FLEGT. Cơ chế cấp phép FLEGT cũng bảo đảm việc đáp ứng các quy định của EU, được xây dựng nhằm ngăn chặn việc nhập khẩu gỗ bất hợp pháp vào thị trường này. Gỗ và sản phẩm gỗ được nhập khẩu từ Việt Nam sẽ phải thực hiện trách nhiệm giải trình về truy xuất nguồn gốc theo quy định, nhằm loại trừ rủi ro nhập khẩu gỗ và sản phẩm gỗ bất hợp pháp. Mặt khác, EU chỉ khuyến khích cho sản phẩm gỗ có giấy phép FLEGT tại thị trường của mình. Bên cạnh những lợi ích về kinh tế, xã hội và môi trường từ việc quản lý rừng tốt hơn tại Việt Nam, cơ chế cấp phép FLEGT sẽ góp phần tăng uy tín ngành chế biến gỗ Việt Nam không chỉ tại thị trường EU mà còn tại các thị trường xuất khẩu khác, đang ngày càng có nhu cầu cao về gỗ hợp pháp.

Do đó, về nguyên liệu, với đòi hỏi bắt buộc từ hợp phần VPA/FLEGT, các DN Việt Nam phải bảo đảm hàng xuất sang EU 100% hợp pháp (bất kể gỗ nguồn gốc nhập khẩu hay gỗ rừng trồng trong nước). Điều này dẫn đến nguyên liệu có thể khan hiếm trong thời điểm trước mắt, hoặc thậm chí lâu hơn nếu các DN không chủ động xây dựng nguồn nguyên liệu tại chỗ ổn định, bền vững ngay từ lúc này.

Một nhược điểm của phần lớn các DN Việt Nam hiện nay là thiên về sản xuất gia công, việc đầu tư cho công nghệ, thiết kế, xây dựng thương hiệu còn thấp. Trong khi đó, theo các chuyên gia, giá trị một sản phẩm gỗ chỉ chiếm từ 30-35%, giá trị còn lại phụ thuộc rất nhiều vào khâu thiết kế và thương hiệu. Vì vậy, muốn tăng giá trị hàng hóa, các DN gỗ bắt buộc phải cải thiện thiết kế, đồng thời làm tốt chính sách xây dựng thương hiệu và thương mại điện tử để mở rộng, tiếp cận với đa dạng khách hàng EU. Đây là một đòi hỏi của thực tế thị trường EU, đồng thời cũng là một thách thức rất lớn đối với các DN chế biến gỗ trong nước đang còn rất nhiều hạn chế về trình độ cũng như quy mô sản xuất.

Theo Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP Hồ Chí Minh (HAWA) Nguyễn Chánh Phương: Ngành công nghiệp chế biến gỗ vẫn đang phải đối mặt với những thách thức lớn, trong đó có việc xây dựng vùng nguyên liệu. Đây là nhiệm vụ rất nặng nề, cần phải tập trung giải quyết, trong đó, phải xây dựng tốt nguồn nguyên liệu từ rừng trồng song song với việc xây dựng một số trung tâm cung cấp gỗ nguyên liệu đa dạng, phong phú, dồi dào ở ngay tại các vùng sản xuất.

Các nhà quản lý cũng cho rằng, để tận dụng tốt lợi thế và nắm bắt cơ hội mở ra sắp tới, các DN gỗ cần tập trung đầu tư cho phát triển thương hiệu. Đây là cách tốt nhất để ngành gỗ Việt Nam nâng tầm sản phẩm xuất khẩu. Bên cạnh đó, các cơ quan nhà nước có trách nhiệm cũng cần tích cực đẩy mạnh hoàn thiện và ban hành hồ sơ, tài liệu để vận hành hệ thống Chứng chỉ rừng Việt Nam bảo đảm đúng quy định và phù hợp thông lệ quốc tế.
NAM SƠN (Tổng hợp)
Cùng chuyên mục
  • EVFTA và EVIPA: Có là thỏi nam châm thu hút đầu tư?
    3 năm trước Đầu tư
    (BKTO) - Được ví như là “con đường cao tốc” kết nối giữa Việt Nam và EU, Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – Liên minh châu Âu (EVFTA) chính thức có hiệu lực từ ngày 1/8 đã và đang mở ra nhiều kỳ vọng cho kinh tế Việt Nam nhất là trong bối cảnh kinh tế đang bị ảnh hưởng của dịch COVID-19. Để hiểu rõ hơn về những cơ hội cũng như thách thức đối với Việt Nam khi tham gia EVFTA, phóng viên TTXVN đã có cuộc trao đổi với bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và hội nhập, VCCI.
  • Sức vươn mạnh mẽ trong xuất khẩu của Việt Nam
    3 năm trước Đầu tư
    (BKTO)- Hoạt động xuất khẩu của Việt Nam trong thời gian vừa qua đã thể hiện sức vươn mạnh mẽ trong bối cảnh nền kinh tế thế giới đình trệ. Đặc biệt, Việt Nam đã vượt qua Bangladesh - quốc gia đứng thứ 2 thế giới về xuất khẩu hàng dệt may.
  • Giá trị thương hiệu Vinamilk  được định giá hơn 2,4 tỷ USD
    3 năm trước Đầu tư
    (BKTO) - Năm 2020, dù đối mặt với những biến động lớn của nền kinh tế do đại dịch Covid-19, thương hiệu của Công ty Cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk) vẫn được “định giá” tăng thêm 200 triệu USD so với năm 2019, đạt mốc hơn 2,4 tỷ USD.
  • Vinamilk tiếp tục ủng hộ 8 tỷ đồng chống dịch Covid-19
    3 năm trước Đầu tư
    (BKTO) - Công ty Cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk) tiếp tục ủng hộ 8 tỷ đồng hỗ trợ công tác xét nghiệm, tiếp sức tuyến đầu chống dịch tại Hà Nội, Đà Nẵng, Quảng Nam và Quảng Ngãi. Đến nay, Vinamilk đã đóng góp gần 40 tỷ đồng cho công tác phòng chống dịch.
  • Phát triển kinh tế ban đêm - góp phần hỗ trợ phục hồi kinh tế sau đại dịch
    3 năm trước Đầu tư
    (BKTO)- Kinh tế ban đêm ngày càng chiếm tỷ trọng lớn trong nhiều nền kinh tế trên thế giới. Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án Phát triển kinh tế ban đêm nhằm tận dụng tối đa cơ hội phát triển kinh tế, góp phần nâng cao thu nhập và đời sống cho người dân.
Ngành gỗ trước cơ hội lớn EVFTA