Lao động hồi hương: Nhu cầu lớn nhưng doanh nghiệp vẫn không dễ tuyển dụng

(BKTO) - Nhiều doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng lao động lớn, đặc biệt ưu tiên những lao động từ nước ngoài về có kinh nghiệm. Đây là cơ hội để những lao động này tìm được công việc có mức thu nhập khá.



                
   

Ảnh minh họa. Nguồn:TTXVN

   

Nhiều cơ hội làm việc thu nhập cao

Tại Sàn giao dịch việc làm trực tuyến dành cho lao động hồi hương do Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) Hà Nội tổ chức mới đây, anh Nguyễn Văn Thọ (quận Hà Đông, TP.Hà Nội) chia sẻ: “Đi làm việc tại Nhật, sau 5 năm trở về quê nhà, thú thật, tôi cũng ngổn ngang suy nghĩ về công việc, lo lắng không biết mình có tìm được công việc đúng với chuyên môn đã làm bên Nhật không. Nếu không thì sẽ lãng phí năng lực và tôi sẽ phải học, làm lại một lĩnh vực mới. Nhưng thật không ngờ, tham dự Sàn giao dịch việc làm, tôi thấy cơ hội cho mình và những người như mình rất nhiều. Không khó để có thể kiếm được công việc với mức thu nhập từ 15 đến 25 triệu đồng”.

Cũng theo anh Thọ, sau khi cân nhắc, anh đã chọn được công ty có vốn đầu tư Nhật Bản, làm đúng vị trí trước kia anh từng làm tại Nhật với mức thu nhập 20 triệu đồng chưa kể tăng ca và phụ cấp.

Trường hợp của anh Thọ không phải là cá biệt. Đi làm việc ở nước ngoài về có năng lực, chuyên môn, lao động hồi hương đang là đối tượng được các doanh nghiệp nhắm đến. Không riêng những doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài mà doanh nghiệp trong nước cũng rất chuộng lao động đi làm việc ở nước ngoài trở về nước.

Bà Đào Lan Phương - nhân viên tuyển nhân sự Công ty TNHH Intop Việt Nam, (Công ty chuyên sản xuất linh kiện điện tử của Samsung, có vốn đầu tư Hàn Quốc) - cho biết, đối với những người có kinh nghiệm và trình độ kỹ thuật, mức lương dao động từ 10 triệu đến 20 triệu đồng/người/tháng.

Cũng theo bà Lan, doanh nghiệp không phân biệt người đó từ nước ngoài về hay không nhưng tất nhiên, người từ nước ngoài về có kinh nghiệm làm việc với doanh nghiệp Hàn Quốc thì sẽ được ưu tiên hơn.

Tương tự, bà Nguyễn Thị Nhiên - Phòng Nhân sự Công ty TNHH Furukawa Automotive Parts Việt Nam (FAPV), TP. HCM - cho biết: Công ty 100% vốn đầu tư của Nhật Bản này đang có hơn 9.000 nhân sự.

Trong năm nay, Công ty cần bổ sung khoảng 500 nhân sự mới. Trong kế hoạch hoạt động tại Việt Nam, FAPV không chỉ tạo hàng ngàn việc làm cho người lao động mà còn tạo điều kiện cho các thực tập sinh trở về từ Nhật Bản có cơ hội làm việc chuyên nghiệp như thời gian họ làm việc tại đất nước mặt trời mọc.

Nói về nhu cầu tuyển dụng nguồn nhân lực hồi hương, ông Vũ Quang Thành - Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội - cho biết, nhu cầu tuyển dụng tại Sàn giao dịch việc làm trực tuyến giữa Hà Nội, Quảng Nam, Đồng Tháp đã lên tới hơn 10 nghìn chỉ tiêu.

Riêng Sàn giao dịch việc làm Hà Nội có sự tham gia của 37 doanh nghiệp, nhu cầu tuyển dụng tập trung chủ yếu ở các ngành nghề như: Nhân viên kỹ thuật, phiên dịch, thợ vận hành máy, nhân viên sản xuất…

Tại đây, nhiều doanh nghiệp có vốn đầu tư từ Hàn Quốc và Nhật Bản với nhu cầu tuyển dụng đa dạng cùng mức lương hấp dẫn phù hợp với lao động đi làm việc tại Hàn Quốc theo Chương trình EPS và thực tập sinh đi thực tập kỹ thuật tại Nhật Bản theo Chương trình IM Japan về nước.

Nhiều lao động vẫn “đói” thông tin về thị trường

Nhu cầu lao động nhiều nhưng DN lại không dễ tuyển dụng. Theo bà Phạm Thị Luân - Công ty TNHH Visang Việt Nam (Công ty chuyên đào tạo tiếng Hàn online và kết nối nhân sự thành thạo tiếng Hàn cho các doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam), hiện nay, nhu cầu tuyển dụng nhân sự biết tiếng Hàn của các công ty có vốn đầu tư của Hàn Quốc tại Việt Nam là tương đối lớn. Thế nhưng, nhiều doanh nghiệp vẫn đang khó khăn trong việc tuyển dụng do các ứng viên có nhu cầu tìm việc liên quan đến lĩnh vực này chủ yếu tập trung ở các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM.

Trong khi đó, các doanh nghiệp lại chủ yếu ở các khu công nghiệp Bắc Ninh, Bắc Giang hay các tỉnh thành nhỏ hơn… Do đó, việc tìm kiếm ứng viên gặp nhiều khó khăn hơn.

Ông Vũ Quang Thành - Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội - thừa nhận, sẽ rất khó để có sự tiệm cận giữa cung và cầu lao động, đây là quy luật chung của thị trường.

Cũng theo ông Thành, sau dịch Covid-19, một lượng rất lớn lao động quay trở về nước. Băn khoăn lớn nhất của người lao động là liệu có tìm được công việc phù hợp với tay nghề, trình độ và mức lương hay không?

“Nhiều người còn băn khoăn khi thu nhập tại nước bạn lên đến vài chục triệu đồng mỗi tháng nhưng khi về Việt Nam, mức lương lại thấp hơn nhiều. Nếu mãi loay hoay tìm mức lương tương đương tại nước bạn mà không chấp nhận mặt bằng lương chung ở trong nước thì người lao động rất khó để tìm được việc làm phù hợp. Đây là rào cản tâm lý của nhiều lao động khi về nước khiến doanh nghiệp không dễ dàng trong việc tuyển dụng nhân lực.” - ông Thành cho biết.

Bên cạnh đó, theo ông Vũ Quang Thành, người lao động trở về từ nước ngoài đôi khi còn thiếu những thông tin về thị trường lao động trong nước. Do đó, khi tìm kiếm việc làm, để tránh bị lừa đảo hay các “bẫy việc làm”, người lao động có thể tìm đến các trung tâm dịch vụ việc làm tại các tỉnh, thành phố để được hỗ trợ kết nối với các doanh nghiệp uy tín./.
         
Theo Bộ LĐ-TB&XH, nhu cầu tuyển dụng lao động trở về nước khá lớn ở nhiều tỉnh, thành, nhất là khu vực Đông Nam Bộ. Các doanh nghiệp này mong muốn tuyển lao động trở về nước vì họ biết đó là những người đã có kinh nghiệm làm việc trong nhiều ngành nghề khác nhau ở môi trường chuyên nghiệp, có khả năng giao tiếp bằng tiếng Hàn, tiếng Nhật. Do đó, thời gian tới, Trung tâm Lao động ngoài nước sẽ đẩy mạnh phối hợp với các địa phương để giới thiệu việc làm cho người lao động có nhu cầu.

THÀNH ĐỨC - MINH LONG

Cùng chuyên mục
Lao động hồi hương: Nhu cầu lớn nhưng doanh nghiệp vẫn không dễ tuyển dụng