Giá cao nhất nhiều năm, gạo Việt có cơ hội "vượt mặt" gạo Thái

(BKTO) - Bộ Công Thương nhận định, với mức giá cạnh tranh và xuất khẩu đang tăng mạnh trở lại sau khi gỡ bỏ hạn ngạch, Việt Nam có cơ hội lớn để vượt qua Thái Lan về xuất khẩu gạo toàn cầu ngay trong năm nay.



                
   

Ảnh minh họa - Nguồn: Internet

   

Giá xuất khẩu tăng 13%

Theo Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT), tổng khối lượng và giá trị xuất khẩu gạo 5 tháng đầu năm đạt gần 2,9 triệu tấn và 1,41 tỷ USD, tăng 5,1% về khối lượng và tăng 18,9% về giá trị so với cùng kỳ năm 2019.

Tính trong 4 tháng đầu năm nay, Philipppines đứng vị trí thứ nhất về thị trường xuất khẩu gạo của Việt Nam với 40,5% thị phần, khối lượng đạt 902,1 nghìn tấn và giá trị là 401,3 triệu USD, tăng 11,4% về khối lượng và tăng 26% về giá trị so với cùng kỳ năm 2019.

Ngoài ra, xuất khẩu gạo Việt sang các thị trường khác tăng mạnh là: Trung Quốc và Indonesia (gấp 2,7 lần), Đài Loan (tăng 67,9%) và Ghana (tăng 39,3%). Ngược lại, thị trường có giá trị xuất khẩu gạo giảm mạnh nhất là Bờ Biển Ngà (giảm 44,5%).

Liên quan tới câu chuyện xuất khẩu gạo, Bộ Công Thương thông tin, xuất khẩu gạo tăng mạnh sau khi Chính phủ cho xuất khẩu gạo bình thường trở lại từ ngày 1/5. Đáng chú ý, giá xuất khẩu gạo của Việt Nam trong tháng 5 tăng lên mức cao nhất trong nhiều năm qua với giá bình quân đạt 527 USD/tấn, tăng 5,6% so với tháng 4 và tăng 21,4% so với cùng kỳ năm 2019.

Trong 5 tháng đầu năm, giá xuất khẩu gạo của Việt Nam đã tăng 13% so với cùng kỳ năm 2019, đạt bình quân 485 USD/tấn.

Trong khi đó, Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản nêu rõ, trong tháng qua, trên thị trường thế giới, giá gạo xuất khẩu Ấn Độ đạt mức cao nhất trong một năm gần đây do nhu cầu tiêu thụ mạnh mẽ từ các nước châu Phi và châu Á.

Giá gạo Thái Lan giảm do nguồn cung mới được bổ sung và khó khăn về hạn hán giảm xuống; đồng thời phải đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt từ các nhà cung cấp giá rẻ hơn của Ấn Độ và Việt Nam.

Nhu cầu đối với gạo Thái Lan không biến động nhiều trong những tuần gần đây nhưng các nhà xuất khẩu gạo của nước này kỳ vọng khách hàng Philippines sẽ quan tâm tới gạo Thái Lan khi giá giảm, dù vấp phải sự cạnh tranh mạnh mẽ từ gạo Việt Nam.

Hiện, gạo tiêu chuẩn 5% tấm của Thái Lan được niêm yết ở mức 480 - 505 USD/tấn, giảm so với đầu tháng 5 được niêm yết là 557 USD/tấn. Gạo đồ 5% tấm của Ấn Độ tăng từ mức 378 - 383 USD/tấn lên 385 - 389 USD/tấn.

Cơ hội vượt Thái Lan

Theo Bộ Thương mại Thái Lan, xuất khẩu gạo của nước này trong 4 tháng đầu năm nay chỉ đạt 2,11 triệu tấn, trị giá 43,046 triệu baht (1,387 tỷ USD), giảm mạnh 32,1% về lượng và 15,7% về trị giá so với mức 3,11 triệu tấn trị giá 51,07 triệu baht (1,62 triệu USD) của cùng kỳ năm 2019.

Bộ Công Thương nhận định, với mức giá cạnh tranh và xuất khẩu đang tăng mạnh trở lại sau khi gỡ bỏ hạn ngạch, Việt Nam có cơ hội lớn để vượt qua Thái Lan về xuất khẩu gạo toàn cầu ngay trong năm nay.

Về dự báo tình hình thị trường, cơ hội thúc đẩy xuất khẩu trong thời gian tới, vấn đề đáng lưu ý là Philippines đang tìm nguồn nhập khẩu thêm 300.000 tấn gạo để tăng cường kho dự trữ Chính phủ nhằm đối phó với đại dịch Covid-19 và chuẩn bị cho mùa có nguồn cung thấp điểm hàng năm vào quý III.

Do đó, Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản lưu ý, các doanh nghiệp Việt Nam cần lưu ý đến sự cạnh tranh gay gắt từ các nhà xuất khẩu gạo Thái Lan nhằm đạt được sự quan tâm của các nhà nhập khẩu gạo Philippines.

Bên cạnh đó, Bangladesh đang thu mua thêm 200.000 tấn lúa từ vụ thu hoạch đang diễn ra để đảm bảo nguồn cung cho các hoạt động cứu trợ nội địa trong bối cảnh đại dịch Covid-19 đang lây lan ở nước này.

Theo nguồn tin từ Hiệp hội Lương thực Việt Nam, Trung Quốc hiện đã thực hiện 95% mục tiêu tự túc lương thực (gạo, ngô, lúa mì) nhưng vẫn cho phép nhập khẩu một lượng nhất định thông qua hệ thống hạn ngạch phi thuế quan (TRQ) cho phép các thương nhân trong nước nhập khẩu với mức thuế suất chỉ còn 1% so với mức ngoài hạn ngạch 65%.
         
Tại thị trường trong nước, giá lúa, gạo tại khu vực ĐBSCL diễn biến từ ổn định đến tăng nhẹ trong tháng qua.
   
   Tại An Giang, lúa IR50404 duy trì ở mức 5.400 đồng/kg; lúa OM 5451 giảm 200 đồng/kg xuống 5.500 đồng/kg; lúa OM 6976 ổn định ở mức 5.600 đồng/kg; lúa gạo thường ổn định ở mức 11.000 đồng/kg; gạo thơm đặc sản jasmine ở mức 14.500 đồng/kg.
   
   Tại Vĩnh Long, lúa IR50404 ướt tăng 200 đồng/kg lên mức 5.700 đồng/kg, lúa khô tăng 100 đồng/kg lên mức 6.000 đồng/kg; lúa hạt dài ướt tăng 200 đồng/kg lên 5.900 đồng/kg, lúa khô tăng 400 đồng/kg lên 6.200 đồng/kg. Tại Bạc Liêu, lúa Đài Thơm 8 ổn định ở mức 5.800 – 5.900 đồng/kg; lúa OM 5451 ở mức 5.500 – 5.600 đồng/kg.
   
   Tại Kiên Giang, lúa IR50404 tăng 200 đồng/kg lên mức 5.800 – 5.900 đồng/kg; lúa OM 6976 tăng 200 đồng/kg lên 6.500 – 6.800 đồng/kg; lúa OM 5451 tăng 100 đồng/kg lên 6.700 – 6.900 đồng/kg.

Theo haiquanonline.com.vn
Cùng chuyên mục
  • WB: Kinh tế Việt Nam bắt đầu khởi sắc trở lại
    3 năm trước Đầu tư
    (BKTO) - Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam vừa công bố bản cập nhật tình hình kinh tế vĩ mô Việt Nam tháng 6/2020. Theo nhận định của các chuyên gia WB, kinh tế Việt Nam bắt đầu khởi sắc trở lại. Dù vậy, nền kinh tế vẫn chưa hồi phục hoàn toàn.
  • Ứng phó kịp thời với “khủng hoảng kép”, PVN tránh khỏi  tình trạng thua lỗ
    3 năm trước Đầu tư
    (BKTO) - Trong bối cảnh 5 tháng đầu năm 2020, hầu hết các tập đoàn, tổng công ty lớn cả trong và ngoài nước, đặc biệt là những công ty dầu khí quốc tế lớn lâm cảnh khó khăn, thua lỗ do tác động của cuộc "khủng hoảng kép" từ giá dầu suy giảm và dịch bệnh Covid-19, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) vẫn ghi nhận những kết quả sản xuất kinh doanh khả quan. Nổi bật trong 5 tháng đầu năm, PVN vẫn nộp Ngân sách Nhà nước 28,9 nghìn tỷ đồng.
  • Xuất khẩu nông sản tăng tại Mỹ, giảm sâu tại Trung Quốc
    3 năm trước Đầu tư
    (BKTO) - 5 tháng đầu năm nay, trong khi xuất khẩu nông, lâm, thủy sản sang thị trường lớn nhất của Việt Nam là Trung Quốc ghi nhận giảm sâu tới 15,5% thì xuất khẩu sang thị trường Mỹ lại theo chiều ngược lại, tăng 7%.
  • Doanh nghiệp tăng trưởng nhanh đánh giá về những thách thức
    3 năm trước Đầu tư
    (BKTO) - Những diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 đã và đang tác động lớn đến sản xuất, kinh doanh, đầu tư và tăng trưởng của toàn bộ nền kinh tế. Cộng đồng DN Việt Nam nói chung, thậm chí cả những DN tăng trưởng nhanh nhất Việt Nam, cũng đang trải qua giai đoạn chuyển đổi với nhiều thách thức từ cả trong và ngoài nước.
  • Quy định mới thuế nhập khẩu linh kiện ô tô
    3 năm trước Đầu tư
    (BKTO) - Nghị định mới quy định thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi 0% đối với nguyên liệu, vật tư, linh kiện trong nước chưa sản xuất được để sản xuất, gia công (lắp ráp) các sản phẩm hỗ trợ ưu tiên phát triển cho ngành sản xuất, lắp ráp ô tô (sản phẩm CNHT ô tô).
Giá cao nhất nhiều năm, gạo Việt có cơ hội "vượt mặt" gạo Thái