Đổi mới phương thức quản lý an toàn thực phẩm

(BKTO) - Cắt giảm điều kiện đầu tư kinh doanh; giảm hơn 95% số thực phẩm nhập khẩu phải kiểm tra chuyên ngành; đồng thời chuyển từ tiền kiểm sang tăng cường hậu kiểm… là những đổi mới căn bản của ngành y tế trong quản lý an toàn thực phẩm nhằm cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện thông thoáng cho DN kinh doanh thực phẩm, góp phần cải thiện môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh.



Cắt giảm kiểm trachuyên ngành

Với vai trò là đầu mối của Ban Chỉ đạo liên ngành về an toàn thực phẩm, thời gian qua, ngành y tế đã có hàng loạt văn bản, quy định; phối hợp với các Bộ, ngành khác đưa ra nhiều giải pháp về bảo đảm an toàn thực phẩm.

Theo đó, Bộ Y tế đã tham mưu cho Chính phủ ban hành Nghị định số 15/2018/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn thực phẩm (Nghị định 15), trong đó sửa đổi, bổ sung một số quy định liên quan đến điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Y tế. Nghị định quy định giao cơ quan hải quan kiểm tra, DN không phải đến các cơ quan nhà nước. Nghị định cũng mở rộng các đối tượng được miễn kiểm tra như các sản phẩm được công bố, sản phẩm đưa vào cửa hàng miễn thuế… Đồng thời, DN được tự công bố sản phẩm theo quy định và chịu trách nhiệm về chất lượng sản phẩm của mình đã công bố, thay vì gửi bản hồ sơ công bố tới các cơ quan nhà nước để xác nhận như trước đây. Nghị định 15 đã thay đổi phương thức quản lý an toàn thực phẩm từ tiền kiểm sang hậu kiểm, phân cấp mạnh mẽ cho địa phương, rút ngắn thời gian thực hiện các thủ tục hành chính, tạo điều kiện thông thoáng cho DN. Tiếp đó, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 155/2018/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm (Nghị định 155), trong đó, các hành vi vi phạm được xử lý theo hình thức nặng hơn, toàn diện hơn, nhằm tăng cường tính răn đe.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, đến nay, theo Nghị định 15 và Nghị định 155, chúng ta đã cắt giảm hơn 95% số thực phẩm nhập khẩu phải kiểm tra chuyên ngành, cắt giảm hơn 80% điều kiện đầu tư kinh doanh trong lĩnh vực thực phẩm, hơn 90% sản phẩm thực phẩm DN tự công bố, thực hiện các thủ tục hành chính trên môi trường mạng cấp độ 4, đảm bảo tính minh bạch, công khai trong thực hiện thủ tục hành chính.

Theo đánh giá của Viện Quản lý kinh tế T.Ư, với việc ban hành Nghị định 15 đã tiết kiệm cho xã hội khoảng 7,75 triệu ngày công và 3.100 tỷ đồng. Ngân hàng Thế giới cũng đánh giá, hệ thống văn bản pháp luật của Việt Nam về an toàn thực phẩm đã tiếp cận với phương thức quản trị tiên tiến, nghĩa là quản lý rủi ro dựa vào yếu tố nguy cơ, tăng cường hậu kiểm và phân cấp cho địa phương.

Trước đó, đánh giá của Ngân hàng Thế giới cho thấy, chi phí liên quan đến kiểm tra chuyên ngành là chi phí lớn nhất trong số các chi phí về tuân thủ quy định tại Việt Nam (chiếm 74% chi phí), trong đó, Bộ Y tế cùng với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương là 3 Bộ có số lượng các biện pháp kiểm tra chuyên ngành nhiều nhất. Ngân hàng Thế giới khuyến nghị, Việt Nam cần ưu tiên tập trung vào các cơ quan có khả năng góp phần giảm chi phí thương mại nhiều nhất này nhằm cải thiện môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh. Vì vậy, những đổi mới trong phương thức quản lý về an toàn thực phẩm đã thể hiện nỗ lực của ngành y tế nhằm hướng đến mục tiêu trên.

Tăng cường thanh tra,hậu kiểm

Bên cạnh việc tạo điều kiện thông thoáng cho DN, Bộ Y tế cũng nhìn nhận mặt tiêu cực khi pháp luật “mở”, đó là giảm bớt tiền kiểm sẽ là cơ hội để một bộ phận DN có điều kiện làm ăn phi pháp. Do đó, để siết chặt quản lý về an toàn thực phẩm, ngành y tế xác định một trong những nhiệm vụ trọng tâm thời gian tới là tăng cường thanh tra, hậu kiểm nhằm phát hiện và xử lý nghiêm vi phạm trong lĩnh vực này.

Cụ thể, ngành y tế đang rà soát, ban hành và tổ chức triển khai các văn bản quy phạm pháp luật về lĩnh vực an toàn thực phẩm liên quan đến điều kiện sản xuất, kinh doanh thực phẩm; thực hiện đẩy mạnh phân công, phân cấp quản lý về an toàn thực phẩm cho các địa phương. Việc phân cấp mạnh mẽ cho địa phương giúp giảm một số thủ tục giấy tờ, giúp tiết kiệm công sức, thời gian và tiền bạc cho DN; đồng thời các địa phương phải nâng cao trách nhiệm, vào cuộc quyết liệt thực hiện thanh, kiểm tra, xử lý vi phạm, đảm bảo an toàn thực phẩm trên địa bàn.

Bên cạnh đó, ngành y tế cũng phối hợp với các Bộ, ngành, cơ quan liên quan tăng cường công tác thanh tra, hậu kiểm, xử lý nghiêm vi phạm theo Nghị định số 115/2018/NĐ-CP, kiên quyết công khai các cơ sở vi phạm và rút giấy phép sản xuất, kinh doanh thực phẩm.

Theo ông Nguyễn Thanh Phong - Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), trước đây, cơ quan quản lý dành nhiều thời gian cho công tác tiền kiểm, làm các thủ tục hành chính, bây giờ tập trung thời gian cho hậu kiểm. Bộ Y tế ban hành kế hoạch hậu kiểm, các đoàn tăng cường đi thanh tra, kiểm tra. Các địa phương, theo hướng dẫn của T.Ư, ban hành kế hoạch hậu kiểm trên địa bàn mình quản lý, phấn đấu các sản phẩm phải sạch trước khi được đưa ra thị trường tiêu thụ.

Đ. KHOA
Theo Báo Kiểm toán số 14 ra ngày 04-4-2019
Cùng chuyên mục
  • DNNVV khởi nghiệp sáng tạo – nắm bắt thời cơ phát triển
    4 năm trước Đầu tư
    (BKTO) - Nhằm tạo cơ hội và làm rõ thách thức tăng trưởng của DN nhỏ và vừa (DNNVV) khởi nghiệp sáng tạo, qua đó chia sẻ cơ hội, bài học thành công và các giải pháp để DNNVV có thể vận dụng, kêu gọi vốn đầu tư và tăng trưởng thành công, sáng 5/4, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã phối hợp với Hiệp hội Kế toán công chứng Anh Quốc (ACCA) tổ chức hội thảo “DNNVV khởi nghiệp sáng tạo- nắm bắt thời cơ phát triển”
  • Hiệp định CPTPP đặt ra không ít thách thức đối với doanh nghiệp Việt
    4 năm trước Đầu tư
    (BKTO) - Theo Bộ Công Thương, Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ diện xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) mở ra cơ hội rất lớn cho các ngành hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam, nhất là đối với nhóm ngành công nghiệp chế biến, chế tạo. Nhưng cơ hội đó có trở thành những con số cụ thể trong gia tăng kim ngạch, giá trị xuất khẩu hay không lại phụ thuộc rất nhiều vào năng lực tận dụng ưu đãi của các doanh nghiệp (DN) Việt.
  • Chấn chỉnh sai phạm trong quản lý, sử dụng tài sản công tại Khu liên hợp Thể thao quốc gia Mỹ Đình
    4 năm trước Đầu tư
    (BKTO)- Liên quan đến những sai phạm trong quản lý, sử dụng tài sản công tại Khu Liên hợp Thể thao quốc gia Mỹ Đình (khu liên hợp) có địa chỉ tại quận Nam Từ Liêm, TP. Hà Nội, Thanh tra Chính phủ vừa được giao thanh tra toàn diện việc chấp hành quy định của pháp luật về công tác quản lý, sử dụng đất đai, tài sản công tại khu liên hợp và báo cáo Thủ tướng.
  • Doanh nghiệp chế biến, chế tạo lạc quan về tình hình sản xuất, kinh doanh
    4 năm trước Đầu tư
    (BKTO) - Kết quả điều tra xu hướng kinh doanh của các doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trong quý I/2019 cho thấy, đa số các doanh nghiệp đánh giá tình hình sản xuất, kinh doanh ổn định. Các doanh nghiệp cũng chia sẻ sự lạc quan về sản xuất, kinh doanh trong quý II/2019 với nhận định tình hình sẽ ổn định và tốt hơn.
  • Quý I: Tổng vốn đầu tư toàn xã hội bằng 32,2% GDP
    4 năm trước Đầu tư
    (BKTO) - Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, vốn đầu tư toàn xã hội thực hiện quý I/2019 theo giá hiện hành đạt 359,2 nghìn tỷ đồng, tăng 8,8% so với cùng kỳ năm trước và bằng 32,2% GDP.
Đổi mới phương thức quản lý an toàn thực phẩm