Cần giải pháp đồng bộ phát triển ngành du lịch, lữ hành

(BKTO)- Các chuyên gia nhận định, du lịch Việt Nam có nhiều triển vọng tăng trưởng, nhiều khả năng hoàn thành trước thời hạn mục tiêu đến năm 2020 thu hút được 17- 20 triệu lượt khách du lịch quốc tế, 82 triệu lượt khách du lịch nội địa, đóng góp trên 10% GDP, tổng thu từ khách du lịch đạt 35 tỷ USD, giá trị xuất khẩu thông qua du lịch đạt 20 tỷ USD, tạo ra 4 triệu việc làm, trong đó có 1,6 triệu việc làm trực tiếp.



Tiềm năng và thách thức

Ngành du lịch, lữ hành Việt Nam năm 2019 hứa hẹn sẽ tiếp tục tăng trưởng khi Việt Nam đang nổi lên là một điểm đến du lịch hấp dẫn trên thế giới. Việc quảng bá hình ảnh quốc gia qua các hoạt động văn hóa, xúc tiến du lịch, hội chợ lớn của quốc tế đang được Việt Nam tích cực tham gia và thực hiện rất tốt.

Số liệu thống kê cho thấy, trong những năm gần đây, ngành du lịch Việt Nam tăng trưởng ổn định, bình quân tăng trên 15% cả về số lượng khách du lịch nội địa và khách quốc tế. Năm 2018, Việt Nam đã đón nhận khoảng 15,6 triệu lượt khách quốc tế, đồng thời phục vụ trên 80 triệu lượt khách nội địa, tổng thu từ du lịch đạt 620.000 tỷ đồng. Về tốc độ tăng trưởng khách quốc tế, Việt Nam hiện đang ở mức rất cao (21%), trong khi Thái Lan, Singapore, Malaysia đều có dấu hiệu chững lại. Đây là cơ hội tốt cho du lịch Việt Nam rút ngắn khoảng cách với các quốc gia mạnh về du lịch trong khu vực.
                
   

Lượng khách du lịch quốc tế và nội địa tại Việt Nam
   (đơn vị: nghìn lượt khách)

   
Theo đánh giá của Diễn đàn kinh tế thế giới WEF, Việt Nam hiện đứng hạng 67/136 nền kinh tế về năng lực cạnh tranh du lịch, xếp thứ 5 trong khối ASEAN. Trong số 14 chỉ số trụ cột, Tài nguyên tự nhiên (hạng 34) và Tài nguyên văn hóa và du lịch công vụ (hạng 30) của Việt Nam được đánh giá là tích cực nhất.

Tuy nhiên, kết quả khảo sát vừa được thực hiện tháng 12/2018 của Vietnam Report cho thấy, ngành du lịch Việt Nam đang phải đối mặt với 3 thách thức lớn.Thứ nhất, mặc dù được đánh giá là quốc gia có nhiều lợi thế về tài nguyên du lịch nhưng khả năng khai thác chưa tương xứng với tiềm năng sẵn có. Khách du lịch quốc tế vẫn chủ yếu tập trung ở các địa điểm du lịch đã có thương hiệu như Nha Trang, Đà Nẵng, Phú Quốc…, trong khi nhiều di sản mới (Cô Tô, Lý Sơn…) lại chưa thu hút được nhiều du khách, thời gian lưu trú (nếu có) lại ngắn và chi tiêu của khách du lịch chưa cao.

Thứ hai, để phát triển ngành du lịch cần có sự định hướng chính sách phát triển đồng bộ các ngành dịch vụ có liên quan như vận tải hành khách, y tế, viễn thông…, nhưng hiện nay chế tài cũng như thực trạng liên kết ngành còn nhiều bất cập, do đó khó giữ chân du khách trong các lần sau.

Thứ ba, cùng với sự gia tăng thu nhập, lượng khách du lịch trung và thượng lưu ngày càng nhiều, đòi hỏi hệ thống cơ sở vật chất - kỹ thuật ngành cần phải cải thiện tương ứng cả về lượng và chất, tuy nhiên thực tế số lượng khách sạn cao cấp, chất lượng dịch vụ phụ trợ, an ninh, môi trường… vẫn chưa đáp ứng được, gây ảnh hưởng đến cảm nhận của khách du lịch...

Cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp

Ngoài những thách thức trên, các doanh nghiệp du lịch, lữ hành còn gặp khó bởi nghiên cứu mới đây của Cục Thống kê TP. Hồ Chí Minh và Sở Du lịch TP. Hồ Chí Minh đã chỉ ra xu hướng du lịch tự do, tự tổ chức tour theo cách riêng của khách du lịch đang ngày càng gia tăng. Kết quả khảo sát các công ty du lịch lữ hành cũng cho thấy, số khách hàng mua tour trọn gói vẫn nhiều, nhưng số lượng khách mua dịch vụ lẻ (tour tham quan tại điểm đến) đang có chiều hướng gia tăng. Xu hướng này vô hình trung làm giảm tương đối doanh thu của các công ty du lịch, lữ hành.

Bên cạnh đó, hơn 85% khách du lịch tham gia khảo sát cho biết, họ tìm kiếm thông tin về du lịch Việt Nam đầu tiên trên internet/báo điện tử, trước khi tham khảo người quen và bạn bè, đặc biệt là giới trẻ thường xuyên sử dụng internet để tìm kiếm thông tin và đặt dịch vụ du lịch. Điều đó cho thấy các doanh nghiệp du lịch, lữ hành nếu không tận dụng được kênh truyền thông này một cách hiệu quả sẽ rất dễ bỏ lỡ những khách hàng tiềm năng.

Trước thực tế này, các chuyên gia đã đưa ra 05 khuyến nghị để phát triển ngành du lịch, lữ hành Việt Nam. Trong đó, các chuyên gia nhấn mạnh, cần phải hoàn thiện các quy định về quản lý du lịch, ngăn ngừa và loại bỏ tình trạng tổ chức tour du lịch bất hợp pháp. Quy hoạch du lịch đồng bộ, đầu tư cơ sở hạ tầng (sân bay, đường cao tốc…), cơ sở vật chất - kỹ thuật phù hợp với tiềm năng khai thác du lịch tại các địa phương cũng là giải pháp quan trọng phải tính đến.

Bên cạnh đó, cần có chính sách miễn thị thực dài hạn cho các thị trường trọng điểm, bởi Việt Nam hiện là nước hạn chế miễn thị thực ít nhất so với các nước trong khu vực. Theo xu thế mới, Việt Nam cần chú trọng phát triển du lịch xanh, giáo dục cộng đồng về du lịch bền vững, nâng cao ý thức ứng xử với du khách, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc. Đồng thời, tăng cường công tác quản lý chất lượng dịch vụ và an ninh du lịch, loại bỏ tình trạng ép giá, trộm cắp, cò mồi… tại các điểm tham quan, du lịch.

Có thể khẳng định, tiềm năng phát triển của ngành du lịch, lữ hành Việt Nam rất lớn, tuy nhiên, để đạt được mục tiêu đề ra, cần phải nâng caonăng lực cạnh tranh toàn ngành một cách hiệu quả, trong đó cần phải có sự chungsức của tất cả các doanh nghiệp. Sự lớn mạnh của từng doanh nghiệp sẽ đóng góptạo đà tăng trưởng cho toàn ngành, đồng thời sự phát triển uy tín doanh nghiệpsẽ là cơ sở để đưa thương hiệu du lịch Việt Nam đi xa hơn, không chỉ trong khuvực mà còn trên toàn thế giới.

QUỲNH ANH
Cùng chuyên mục
Cần giải pháp đồng bộ phát triển ngành du lịch, lữ hành