VN-Index giảm mạnh nhất trong lịch sử, phố Wall hồi phục nhờ kết quả kinh doanh lạc quan

(BKTO)- Thị trường chứng khoán trong nước đã giảm điểm rất mạnh trong phiên 28/1. Thông tin về số ca lây nhiễm dịch Covid-19 trong cộng đồng xuất hiện tại Quảng Ninh, Hải Dương,… đã tác động mạnh tới tâm lý của nhà đầu tư. Trái ngược, Phố Wall lại hồi phục trở lại trong phiên 28/1 (giờ địa phương) nhờ mùa báo cáo kết quả kinh doanh lạc quan và dữ liệu kinh tế cho thấy có sự phục hồi.



                
   

Kết quả kinh doanh quý IV vượt kỳ vọng đã khiến phố Wall hồi phục trong phiên 28/1 - Nguồn: sưu tầm.

   

VN-Index giảm mạnh nhất trong lịch sử

Kết thúc phiên giao dịch ngày 28/1, VN-Index giảm 73,23 điểm (6,67%) xuống 1.023,94 điểm; HNX-Index giảm 17,74 điểm (8,03%) xuống 203,05 điểm.

Thanh khoản trên hai sàn tăng nhẹ so với phiên trước đó và cao hơn mức trung bình 20 phiên với giá trị giao dịch đạt 20.233 tỷ đồng tương ứng với khối lượng giao dịch 900 triệu cổ phiếu, trong đó giao dịch thỏa thuận chiếm 2.939 tỷ đồng. Độ rộng thị trường là tiêu cực với 66 mã tăng, 29 mã tham chiếu, 1099 mã giảm.

Thị trường giảm mạnh ngay từ đầu phiên và đà giảm này mạnh dần lên cho đến hết phiên sáng. Về chiều, thị trường chủ yếu đi ngang khi hệ thống đã bị nghẽn lệnh do thanh khoản quá lớn trong phiên sáng.

Theo Công ty cổ phần chứng khoán Sài Gòn – Hà Nội (SHS), phiên giao dịch ngày 28/1/2021 đi vào lịch sử của thị trường chứng khoán Việt Nam khi chỉ số VN-Index giảm mạnh nhất trong lịch sử hơn 20 năm kể từ ngày giao dịch đầu tiên xét cả trên khía cạnh số điểm mất đi (73,23 điểm) cũng như phần trăm vốn hóa bốc hơi (6,67%).

Sự hoảng loạn của nhà đầu tư đã khiến áp lực bán hoàn toàn áp đảo lực mua trong phiên sáng. Về chiều thì hệ thống nghẽn khiến lực cầu không thể xuất hiện để thu hẹp mức giảm khi mà phần lớn các cổ phiếu đã giảm sàn.

“Lượng dư bán giá sàn vẫn khá lớn nên có khả năng thị trường sẽ tiếp tục giảm điểm, ít nhất trong là vào đầu phiên hôm nay. Nhưng sau đó, thị trường sẽ dần tạo lập được đáy của sóng điều chỉnh 4 như diễn biến tạo lập đáy sóng điều chỉnh 2 diễn ra vào cuối tháng 7/2020 sau khi BN416 tại Đà Nẵng được phát hiện và đưa tin vào trưa phiên giao dịch 27/7”, theo SHS.

Theo ghi nhận của Công ty cổ phần chứng khoán Kiến thiết Việt Nam (VNCSI), nguyên nhân quan trọng nhất khiến VN-Index giảm gần kịch sàn trong ngày 28/01 là thông tin Việt Nam có ca lây nhiễm Covid-19 mới trong cộng đồng.

Tâm lý hoang mang trên toàn thị trường khiến các nhà đầu tư nháo nhào đặt lệnh bán cổ phiếu, cùng với đó là việc bán giải chấp tại các công ty chứng khoán khiến lệnh bán cứ thế chồng chất ngày càng nhiều.

Một hiện tượng hi hữu hầu như chưa bao giờ xuất hiện đó là gần như toàn bộ cổ phiếu thuộc nhóm VN30 trắng bảng bên mua. Nhiều cổ phiếu giảm sàn ở khắp các nhóm ngành, thậm chí là hiện tượng “trắng bên mua” với bên dư bán lên đến hàng triệu cổ trên nhiều cổ phiếu.

Điểm sáng duy nhất trong phiên là giao dịch của các nhà đầu tư nước ngoài. Hôm nay họ “bắt đáy” hơn 509 tỷ cả 2 sàn, trong đó tập trung nhiều vào các cổ phiếu như HPG (68,50 tỷ), VHM (49,83 tỷ) và STB (31,72 tỷ).

Phố Wall khởi sắc nhờ kết quả kinh doanh quý IV

Đầu ngày thứ Năm, Bộ Lao động Mỹ báo cáo, có 847.000 người Mỹ đã nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp trong tuần kết thúc vào ngày 23/1, giảm 67.000 người so với tuần trước đó và đánh dấu mức thấp nhất trong ba tuần.

Trong khi đó, Bộ Thương mại Mỹ cho biết, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Mỹ trong quý IV chỉ tăng 4%, thấp hơn so với mức dự báo 4,2% của các nhà kinh tế và mức tăng 33,1% trong quý III sau khi nước Mỹ mở cửa lại nền kinh tế.

Trong cả năm 2020, kinh tế Mỹ đã sụt giảm 3,5%, lần đầu tiên kể từ cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 và giảm sâu nhất kể từ năm 1946. Tuy nhiên, các chuyên gia kinh tế dự báo, tăng trưởng của Mỹ sẽ phục hồi trong năm nay khi Covid-19 được kiểm soát mặc dù hiện dịch bệnh này vẫn là mối đe dọa đối với kinh tế toàn cầu.

Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự báo kinh tế Mỹ sẽ tăng trưởng 5,1% trong năm nay, trong khi các chuyên gia kinh tế theo khảo sát của tờ The Wall Street Journal cho rằng mức tăng trưởng năm nay của Mỹ sẽ là 4,3% dựa trên các chỉ số tích cực của quý IV vừa qua.

Về dữ liệu kinh tế khác, doanh số bán nhà mới xây tại Mỹ trong tháng 12 là 842.000 vào tháng 12 (đã điều chỉnh theo mùa), cao hơn 1,6% so với tháng 11, Cục thống kê dân số Mỹ cho biết hôm thứ Năm. Trong khi đó, thâm hụt thương mại hàng hóa Mỹ đã thu hẹp xuống 82,5 tỷ USD trong tháng 12/2020 so với mức 85,5 tỷ USD trong tháng trước.

Theo dữ liệu của Refinitiv, trong số 159 công ty thuộc S&P 500 đã báo cáo kết quả kinh doanh quý IV tính đến sáng thứ Năm, 83% công bố kết quả vượt qua kỳ vọng của các nhà phân tích, cao hơn nhiều so với tỷ lệ 76% trong bốn quý trước đó.

Kết thúc phiên 28/1, chỉ số Dow Jones tăng 300,19 điểm (+0,99%), lên 30.603,36 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 36,61 điểm (+0,98%), lên 3.787,38 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite tăng 66,56 điểm (+0,5%), lên 13.337,16 điểm.

Chứng khoán châu Âu đóng cửa cao hơn vào thứ Năm khi chứng kiến Phố Wall phục hồi trở lại, bên cạnh các báo cáo kết quả kinh doanh lạc quan là động lực giúp các thị trường đảo chiều tăng điểm.

Kết thúc phiên 28/1, chỉ số FTSE 100 tại Anh giảm 41,22 điểm (-0,63%), xuống 6.526,15 điểm. Chỉ số DAX tại Đức tăng 45,47 điểm (+0,33%), lên 13.665,93 điểm. Chỉ số CAC40 tại Pháp tăng 50,90 điểm (+0,93%), lên 5.610,52 điểm.

Châu Á chìm trong biển lửa trong phiên giao dịch hôm thứ Năm. chứng khoán Nhật Bản có phiên sụt giảm mạnh nhất trong sáu tháng trước áp lực bán tháo từ phố Wall phiên đêm trước cộng hưởng với lực bán chốt lời nhóm cổ phiếu công nghệ.

Chứng khoán Trung Quốc ghi nhận phiên giảm tồi tệ nhất trong hơn sáu tháng do nhà đầu tư lo ngại rằng các nhà hoạch định chính sách có thể bắt đầu chuyển sang lập trường chặt chẽ hơn để kiềm chế giá cổ phiếu và thị trường bất động sản.

Chứng khoán Hồng Kông có phiên tệ nhất trong 8 tháng, chịu áp lực bởi đợt bán tháo trên phố Wall, trong khi thanh khoản trên thị trường thắt chặt hơn cũng làm gia tăng áp lực tâm lý đến thị trường.

Chứng khoán Hàn Quốc cũng đã thoái lui do chịu liên đới từ phiên bán tháo trên phố Wall phiên trước.

Kết thúc phiên 28/1, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản giảm 437,79 điểm (-1,53%), xuống 28.197,42 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải giảm 68,17 điểm (-1,91%), xuống 3.505,18 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 746,76 điểm (-2,55%), xuống 28.550,77 điểm. Chỉ số KOSPI tại Seoul giảm 53,51 điểm (-1,71%), xuống 3.069,05 điểm.
NAM SƠN (Tổng hợp)
Cùng chuyên mục
VN-Index giảm mạnh nhất trong lịch sử, phố Wall hồi phục nhờ kết quả kinh doanh lạc quan