Vàng liệu có phải là kênh đầu tư an toàn?

(BKTO)- Hoạt động đầu tư vàng thường nhằm vào lý do chính yếu như công cụ trú ẩn khi kỳ vọng lạm phát gia tăng, hoặc đa dạng hóa danh mục đầu tư khi bất ổn kinh tế gia tăng. Trong thời điểm giá vàng thế giới cũng như trong nước đang tăng "phi mã" như hiện nay, liệu đây có phải là kênh đầu tư hấp dẫn và an toàn?



                
   

Ảnh minh họa - nguồn: sưu tầm

   

Giá vàng "phi mã"

Bất ổn kinh tế toàn cầu gây ra những lo ngại về suy thoái kinh tế thế giới, là lý do một số nền kinh tế trụ cột như Mỹ, Trung Quốc, châu Âu… đẩy giá vàng liên tục gia tăng.

Nếu tính từ khi Donald Trump làm tổng thống với chính sách “công bằng trong thương mại quốc tế” với Mỹ, đã tạo ra những bất ổn trong kinh tế, kéo giá vàng tăng 58,7%/3,5 năm, tương đương 16,8%/năm.

Đó là bằng chứng cho thấy nhà đầu tư toàn cầu luôn xem vàng là công cụ đầu tư được thêm vào danh mục đầu tư, nhằm đa dạng hóa danh mục nắm giữ. Điều đó đã làm cầu về vàng tăng cao, đưa đến sự gia tăng giá vàng thế giới.

Những diễn biến gần đây khi đại dịch Covid-19 tái nhiễm ở một số quốc gia được cho đã kiểm soát được dịch bệnh, lại càng gây lo ngại những bất ổn suy thoái kinh tế toàn cầu diễn ra cao hơn. Trong khi đó, nhiều quốc gia vẫn chưa kiểm soát được dịch bệnh như Mỹ, đã làm mối lo ngại của kinh tế Mỹ suy thoái càng cao và sự suy yếu của đồng USD cũng là lý do củng cố cho giá vàng đi lên.

Tiếp nối đại dịch Covid-19, vấn đề Hồng Kông tiếp tục được đưa vào tâm điểm chú ý của nhà đầu tư vàng, khi những biện pháp trừng phạt Trung Quốc của nhóm G7, đặc biệt Mỹ càng làm bất ổn kinh tế leo thang. Không chỉ những nền kinh tế của nước trừng phạt và các nước bị trừng phạt, nguy cơ suy thoái tác động lan truyền sang các nền kinh tế dễ bị tổn thương khác.

Việt Nam là một trong số các quốc gia có cầu vàng rất lớn trong nền kinh tế, lo ngại cho tác động này đã khiến người dân tiếp tục mua vàng. Cầu vàng càng mạnh, chênh lệch giá mua bán vàng được niêm yết (spread) càng lớn.

Trung tuần tháng 7/2020, giá vàng tại Việt Nam đã vượt ngưỡng 50 triệu đồng/lượng - mức cao nhất trong lịch sử. Chỉ từ đầu năm đến nay, giá vàng trong nước đã tăng khoảng 20%.

Nhiều chuyên gia dự báo, trong năm nay, giá vàng trong nước có thể vượt qua mốc 58 triệu đồng/lượng, thậm chí còn có dự đoán khủng lên tới 70 - 80 triệu đồng/lượng.

Hấp dẫn trong ngắn hạn

Theo nhiều phân tích của các chuyên gia, giá vàng trong nước tăng mạnh xuất phát từ giá vàng thế giới có thể vượt qua mốc 2.000 USD/ounce (thậm chí có dự đoán đạt tới 3.000 USD/ounce), trong khi các nước hạ thấp lãi suất cơ bản…; tỷ giá VND/USD được dự đoán sẽ vượt qua mốc 25.000 VND/USD; tâm lý tích trữ, trú ẩn vào vàng còn lớn.

Tuy nhiên, đã xuất hiện tình trạng lướt sóng khi giá vàng lúc tăng, lúc giảm. Hơn nữa, giá vàng cũng lên xuống thất thường, nên rủi ro lớn, đặc biệt khi giá đã tăng cao như hiện nay.

TS. Nguyễn Trí Hiếu - chuyên gia tài chính cho rằng, giá vàng trong nước có thể đạt tới 55 triệu đồng/lượng theo chiều hướng tăng của giá vàng trên thế giới, thậm chí có thể đạt mức giá 60 triệu đồng/lượng, nếu giá vàng thế giới lên tới 1.900 - 2.000 USD/ounce. Dịch bệnh tiếp tục căng thẳng, chiến tranh thương mại, các nước đua nhau bơm tiền ra thị trường khiến giá hàng hóa tăng cao, trong đó có vàng.

Tuy nhiên, đầu tư vào vàng thời điểm này không được các chuyên gia vàng khuyến nghị, bởi rủi ro được xem là quá cao.

Thứ nhất, giá vàng đã tăng một thời gian dài, đầu tư vàng thời điểm này là khá muộn, nhất là với nhà đầu tư có ý định lướt sóng.

Thứ hai, hiện nay, các nước đều đưa ra nhiều giải pháp hỗ trợ tăng trưởng, thị trường chứng khoán Mỹ đang tăng điểm khá tốt, dòng tiền bị phân hóa, chứ không chỉ trú ẩn vào vàng. Vàng có thể tiếp tục tăng, song không tăng mạnh.

Thứ ba, một khi vắc-xin điều trị Covid-19 ra đời, giá vàng có thể sẽ tuột dốc không phanh.

Thứ tư, giá vàng trong nước không liên thông với thế giới, biên độ chênh lệch giữa giá mua và giá bán luôn được "nhà vàng" duy trì ở khoảng cách lớn, nên cơ hội kiếm lời ở thị trường này rất ít.

Ở góc độ khác, Trần Thanh Hải - Chủ tịch HĐQT CTCP Đầu tư và kinh doanh Vàng Việt Nam (VGB) nhận định vàng là kênh đầu tư tương đối hấp dẫn trong ngắn hạn. Theo ông Hải: Hiện nay vàng không phải là phương tiện cất giữ, vì vàng đang trên đỉnh, nếu cất giữ có thể rủi ro bởi 2 yếu tố vàng có thể quay đầu. Nhưng vàng là phương tiện đầu tư khá hấp dẫn trong tháng 7 và 8 với tỷ suất lợi nhuận khá cao. Từ đầu năm đến nay giá vàng đã tăng gần 20%, tỷ suất lợi nhuận bỏ xa các kênh đầu tư khác.

Song cần nói rõ, đầu tư vàng trong ngắn hạn là kênh tương đối hấp dẫn, nhưng đòi hỏi nhà đầu tư phải có kiến thức và thời gian để theo dõi chốt lời, cắt lỗ kịp thời.
NAM SƠN (Tổng hợp)
Cùng chuyên mục
Vàng liệu có phải là kênh đầu tư an toàn?