Tổng kết 30 năm thu hút FDI: Động lực quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế

(BKTO) - Ngày 04/10, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã tới dự Hội nghị tổng kết 30 năm thu hút đầu tư nước ngoài (FDI) do Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) chủ trì phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương tổ chức tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia, Hà Nội.



                
   

Toàn cảnh Hội nghị - Ảnh: H.THOAN

   
Hội nghị thu hút khoảng 3.500 đại biểu đại diện các Bộ, ngành, trung ương, địa phương, Đại sứ quán, cơ quan đại diện ngoại giao, các tổ chức quốc tế, các chuyên gia, các nhà khoa học, các hiệp hội, nhà đầu tư nước ngoài, trong nước, nhiều tập đoàn lớn trên thế giới…

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Bộ trưởng KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh, trải qua 30 năm, khu vực FDI ngày càng thể hiện được vai trò quan trọng và đóng góp đáng kể cho sự phát triển kinh tế- xã hội của đất nước. Tính đến hết tháng 8/2018, Việt Nam đã thu hút được hơn 26.500 dự án FDI với tổng vốn đăng ký hơn 334 tỷ USD, vốn thực hiện khoảng 184 tỷ USD.

         
FDI là một trong những động lực quan trọng thúc đấy tăng trưởng kinh tế của Việt Nam. Mức đóng góp của khu vực FDI trong GDP của cả nước tăng từ 9,3% năm 1995 lên 19,6% năm 2017. Đến nay, FDI trở thành nguồn vốn bổ sung quan trọng cho vốn đầu tư phát triển với tỷ trọng khoảng 23,7% trong tổng vốn đầu tư toàn xã hội.
Theo số liệu thống kê của Bộ KH&ĐT, 58% tổng vốn đầu tư nước ngoài tập trung vào lĩnh vực chế biến, chế tạo, tạo ra trên 50% giá trị sản xuất công nghiệp của cả nước. Kim ngạch xuất khẩu của khu vực FDI chiếm tỷ trọng ngày càng cao trong xuất khẩu, đạt 72,6% trong năm 2017 và 71,4% trong 9 tháng năm 2018. Số thu nộp ngân sách của khu vực FDI tăng đều qua các năm và đạt hơn 8 tỷ USD trong năm 2017, chiếm 17,1% tổng thu ngân sách nhà nước. Tính đến nay, khu vực FDI đã tạo ra gần 4 triệu việc làm trực tiếp và khoảng 5 triệu việc làm gián tiếp.

FDI cũng đóng góp đáng kể vào việc phát triển ngành dịch vụ chất lượng cao ở Việt Nam như tài chính- ngân hàng, bảo hiểm, kiểm toán, vận tải biển, logistics, giáo dục- đào tạo, y tế, du lịch… Đồng thời là nhân tố góp phần chuyển đổi không gian phát triển, hình thành các khu đô thị mới, các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế tại Việt Nam.

Đầu tư nước ngoài còn tạo thuận lợi cho Việt Nam mở rộng thị trường quốc tế, gia tăng kim ngạch xuất khẩu, từng bước tham gia vào mạng sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu. Nhờ có định hướng này, xuất khẩu của khu vực đầu tư nước ngoài đã tăng nhanh trong thời gian gần đây, góp phần quan trọng làm cân bằng cán cân thương mại, giảm áp lực tỷ giá và cải thiện cán cân thanh toán quốc tế…
                
   

Bộ trưởng KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng phát biểu khai mạc Hội nghị. Nguồn: MPI

   
Tại Hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cũng thẳng thắn nêu ra những tồn tại, hạn chế của khu vực FDI. Đáng chú ý là mức độ kết nối, lan tỏa của khu vực đầu tư nước ngoài đến khu vực đầu tư trong nước còn thấp; chuyển giao công nghệ từ khu vực đầu tư nước ngoài đến khu vực đầu tư trong nước chưa đạt như kỳ vọng. Thu hút đầu tư nước ngoài vào một số ngành, lĩnh vực ưu tiên và từ các tập đoàn đa quốc gia còn hạn chế. Còn hiện tượng một số DN FDI chuyển giá, trốn thuế hoặc chưa nghiêm túc thực hiện quy định về bảo vệ môi trường…

Tại Hội nghị, đại diện của các Hiệp hội DN, tổ chức quốc tế và các đối tác phát triển của Việt Nam như Hiệp hội DN châu Âu (EuroCham), Hiệp hội DN Hoa Kỳ (AmCham), Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO), Diễn đàn DN Việt Nam (VBF), Ngân hàng Thế giới (WB)… đã chia sẻ về những thành tựu mà cộng đồng DN quốc tế đầu tư tại Việt Nam đạt được trong những năm qua. Các đại biểu cũng có một số kiến nghị và đề xuất những giải pháp cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh để hoạt động của khu vực FDI tại Việt Nam ngày càng hiệu quả.

Đại diện lãnh đạo một số địa phương của Việt Nam có tỷ lệ thu hút FDI cao nhất của cả nước cũng được mời chia sẻ kinh nghiệm và giải pháp, qua đó gợi mở cho các địa phương khác cùng học hỏi và ứng dụng phù hợp với thực tiễn để nâng cao cả chất và lượng của đầu tư nước ngoài trong thời gian tới.

Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, việc mở cửa thu hút vốn đầu tư nước ngoài là chủ trương đúng đắn, góp phần thực hiện nhiều mục tiêu phát triển kinh tế- xã hội quan trọng của đất nước. Có thể nói, thu hút đầu tư nước ngoài luôn song hành với sự nghiệp "Đổi mới" và là sự cụ thể hóa sinh động chủ trương mở cửa của đất nước. Khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài đã trở thành một bộ phận không tách rời của nền kinh tế Việt Nam.
                
   

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu chỉ đạo Hội nghị. Nguồn: VGP

   
Bày tỏ sự vui mừng về những thành tựu của đầu tư nước ngoài tại Việt Nam, tuy nhiên Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, cần nhìn thẳng vào những hạn chế tồn tại, cả những thua thiệt trong thu hút đầu tư nước ngoài. Các DN FDI về cơ bản đang sử dụng công nghệ trung bình hoặc trung bình tiên tiến so với khu vực; chưa có nhiều tập đoàn đa quốc gia trong các lĩnh vực sử dụng công nghệ cao, công nghệ nguồn. Liên kết giữa khu vực FDI với khu vực trong nước và chuyển giao công nghệ chưa đạt như kỳ vọng, chủ yếu là gia công lắp ráp, tỷ lệ nội địa hóa trong một số ngành thấp, giá trị gia tăng trên một đơn vị sản phẩm không cao. Một số dự án FDI tiêu tốn năng lượng, tài nguyên, gây ô nhiễm môi trường; còn có biểu hiện báo lỗ - chuyển giá...

Khẳng định Việt Nam tự tin và tiếp tục thực hiện nhất quán chủ trương hợp tác đầu tư nước ngoài, Thủ tướng nêu rõ, xuất phát từ thực tiễn của đất nước, chúng ta tiếp tục thu hút FDI để giải quyết lao động, việc làm ở các vùng nông thôn, miền núi. Còn khu vực thành phố, thị xã thì ưu tiên thu hút đầu tư kỹ thuật tiên tiến, công nghệ cao… Đây là quan điểm nhân văn của phát triển bền vững, bao trùm, chia sẻ thành quả phát triển với mọi người dân.

Thủ tướng yêu cầu các Bộ, ngành, chính quyền địa phương cùng tập trung giữ vững ổn định chính trị xã hội, ổn định kinh tế vĩ mô; hoàn thiện khung pháp luật liên quan đến đầu tư, trong đó có thực hiện chủ trương hợp tác đầu tư nước ngoài có ưu tiên, chọn lọc gắn với mục tiêu nâng tầm trình độ nền kinh tế, xây dựng nền kinh tế tự chủ. Đồng thời, khuyến khích, hỗ trợ DN trong nước liên doanh, liên kết, góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp của DN FDI trong các dự án sử dụng công nghệ cao, công nghệ mới, công nghiệp hỗ trợ...

Tại Hội nghị, Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ KH&ĐT hoàn thiện báo cáo Tổng kết 30 năm thu hút FDI trình Chính phủ, báo cáo Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết mới về Định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030. Trên cơ sở đó, Chính phủ sẽ ban hành Chương trình hành động cụ thể để thực hiện tốt hơn nữa công tác thu hút FDI.

HỒNG THOAN
Cùng chuyên mục
  • Cơ chế tài chính hỗ trợ  khởi nghiệp sáng tạo
    5 năm trước Ngân hàng - Tín dụng
    (BKTO) - Khởi nghiệp sáng tạo tại Việt Nam có điểm xuất phát thuận lợi với nhiều nguồn vốn và tài trợ của quốc tế. Tuy nhiên, việc các bên liên quan còn thiếu thông tin và gặp trở ngại trong khâu đánh giá dữ liệu đã khiến cho các DN khởi nghiệp sáng tạo (startup) gặp nhiều khó khăn trong tiếp cận nguồn vốn.
  • Cần đảm bảo sự đồng bộ khi luật định về vai trò, quyền hạn của KTNN trong kiểm toán thuế
    5 năm trước Ngân hàng - Tín dụng
    (BKTO) - Dự thảo Luật Quản lý thuế (sửa đổi) đang được Bộ Tài chính chủ trì soạn thảo, gửi xin ý kiến các Bộ, ngành, địa phương và trình Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến tại Phiên họp thứ 27. Để tạo môi trường pháp luật thống nhất và đồng bộ của Dự thảo Luật Quản lý thuế với pháp luật về KTNN, KTNN đã có ý kiến tham gia góp ý nhằm hoàn thiện Dự thảo Luật.
  • Đẩy mạnh thanh toán dịch vụ công qua ngân hàng
    5 năm trước Ngân hàng - Tín dụng
    (BKTO) -Để đạt mục tiêu đẩy mạnh và phổ biến hơn nữa việc thanh toán dịch vụ công qua ngân hàng, góp phần xây dựng Chính phủ điện tử, nâng cao khả năng tiếp cận dịch vụ ngân hàng của nền kinh tế và phát triển thanh toán không dùng tiền mặt, tại Hội thảo “Đẩy mạnh thanh toán dịch vụ công qua ngân hàng” diễn ra mới đây, các DN, các tổ chức tín dụng và các nhà quản lý đã tập trung bàn thảo nhằm tháo gỡ vướng mắc, hoàn thiện hành lang pháp lý; đẩy mạnh hạ tầng thanh toán dịch vụ công; tăng cường truyền thông nhằm thay đổi thói quen của người dân…
  • Sau 1 năm triển khai Nghị quyết 42: Nợ xấu giảm, chất lượng tín dụng được cải thiện
    5 năm trước Ngân hàng - Tín dụng
    (BKTO) - Tỷ lệ nợ xấu giảm, chất lượng tín dụng được cải thiện, năng lực tài chính của các tổ chức tín dụng (TCTD) được củng cố…là những kết quả nổi bật được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đưa ra tại Hội nghị sơ kết 1 năm triển khai Nghị quyết số 42/2017/QH14 và Quyết định số 1058/QĐ-TTg về xử lý nợ xấu, diễn ra ngày 28/8.
  • ASEAN và Việt Nam cùng đạt nhiều thành tựu kinh tế nổi bật
    5 năm trước Ngân hàng - Tín dụng
    (BKTO) - Tháng 8/2018 là dấu mốc tròn 51 năm Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) được thành lập, đồng thời Việt Nam cũng đã trải qua 23 năm chính thức trở thành thành viên của Tổ chức ASEAN.
Tổng kết 30 năm thu hút FDI: Động lực quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế