Thúc đẩy phát triển tài chính toàn diện tại Việt Nam

(BKTO) - Chiều 25/4, tại Hà Nội, Ban chủ nhiệm đề tài nhà nước mã số KX.01.30/16-20 do PGS. TS Chúc Anh Tú - Trưởng ban Hợp tác quốc tế, Học viện Tài chính đã tổ chức hội thảo khoa học “Thúc đẩy phát triển TCTD tại Việt Nam: Những vấn đề lý luận, kinh nghiệm thực tiễn của các nước”. Tại đây, các nhà khoa học, chuyên gia tài chính đã tập trung thảo luận về 4 nhóm nội dung chính: Những vấn đề cơ bản về tài chính toàn diện (TCTD) và thúc đẩy TCTD; Các nhân tố ảnh hưởng đến TCTD; Các vấn đề chuyên sâu về TCTD; Kinh nghiệm quốc tế về TCTD và thúc đẩy TCTD.



                
   

Toàn cảnh hội thảo Ảnh: N.Ly

   
TCTD đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển của mỗi quốc gia thông qua việc thúc đẩy dòng tiền và tái phân phối nguồn vốn trong xã hội. Nhờ có TCTD, những đối tượng yếu thế trong xã hội có khả năng tiếp cận với nguồn tín dụng để thay đổi phương thức sinh kế, nâng cao năng lực sản xuất, từ đó gia tăng thu nhập và hạn chế tình trạng dễ bị tổn thương. Vai trò của TCTD là không thể chối cãi, tuy nhiên có quốc gia tiến rất nhanh trong công cuộc toàn diện hóa hệ thống tài chính, có quốc gia lại gần như dậm chân tại chỗ. Để thúc đẩy phát triển TCTD trong thời gian tới, Việt Nam cần có nhiều giải pháp, chính sách phù hợp, đặc biệt là nhanh chóng hoàn thiện, ban hành chiến lược quốc gia về TCTD.

Phát biểu tại Hội thảo, TS. Nguyễn Đức Hải- Học viện Ngân hàng cho biết, sự phát triển tài chính theo hướng toàn diện ở Việt Nam mới đang trong giai đoạn đầu, kết quả còn nhiều hạn chế. Trong đó, tỷ lệ người dân có tài khoản thấp, đặc biệt là người dân sống ở khu vực nông thôn, những người thu nhập thấp và đối tượng phụ nữ. Một phần nguyên nhân là do hệ thống hạ tầng kỹ thuật tài chính chủ yếu tập trung tại các trung tâm, thành phố lớn và chưa vươn đến vùng khó khăn, lạc hậu. Tỷ lệ vay mượn qua các tổ chức tài chính chính thức thuộc diện tương đối cao, nhưng hình thức vay mượn không chính thức vẫn còn rất lớn; tài chính kỹ thuật số còn chưa phát triển, số người sử dụng các dịch vụ tài chính số ở mức thấp.

Đồng quan điểm trên, Ths. Nguyễn Trần Minh Trí - Viện Kinh tế và Chính trị thế giới cho biết thêm, Việt Nam có hơn 70% dân số tập trung tại khu vực nông thôn, chiếm khoảng 72% lực lượng lao động, nhưng tỷ lệ tiếp cận dịch vụ ngân hàng hiện đại lại rất hạn chế. Do đó, việc mở rộng TCTD sẽ đáp ứng nhu cầu chính đáng và có thực của người dân, đặc biệt là mở rộng các nguồn tín dụng ngân hàng cho vay tiêu dùng với lãi suất và thời hạn hợp lý.

Bên cạnh đó, Chính phủ nên có chính sách xây dựng cơ sở hạ tầng điện tử và xác định vai trò, trách nhiệm của các bên tham gia đối với phát triển thị trường; ban hành quy định các chính sách an ninh bắt buộc đối với các nhà cung cấp dịch vụ tài chính số để giảm thiểu rủi ro thất thoát tài sản và dữ liệu; có chính sách đầu tư vốn, công nghệ xây dựng trung tâm dữ liệu quốc gia, xây dựng hệ thống pháp lý quy định số hóa dữ liệu, cập nhật và cung cấp thông tin cho trung tâm dữ liệu.

Theo PGS. TS Chúc Anh Tú - Trưởng ban Hợp tác quốc tế, Học viện Tài chính, chúng ta cần cung cấp đa dạng các loại hình sản phẩm, dịch vụ tài chính tới các đối tượng có nhu cầu với chi phí, phương tiện, thủ tục hợp lý nhất. Trong đó, việc mở rộng khả năng tiếp cận cho các tầng lớp có thu nhập thấp cần được chú trọng nhằm tạo cơ hội đồng đều và xóa đói, giảm nghèo, hạn chế bất bình đẳng trong nền kinh tế. Để thúc đẩy TCTD, chúng ta cần có sự chung tay của tất cả các nhân tố, bao gồm: đối tượng cung ứng sản phẩm, cấp dịch vụ tài chính; đối tượng sử dụng sản phẩm, dịch vụ tài chính; các phương tiện hỗ trợ và ứng dụng công nghệ thông tin; môi trường pháp lý các cấp…

THÙY LÊ
Cùng chuyên mục
Thúc đẩy phát triển tài chính toàn diện tại Việt Nam